Tình cờ hôm này tôi mới đọc
“Thư gửi một nhân viên an ninh” của chị Đoan Trang trên Dân làm báo. Bỏ qua
những yếu tố “chính trị”, xét góc độ con người với nhau thì tôi cũng rất xúc
động về lá thư này, nó cho tôi thấy một con người Đoan Trang khác mà thực tâm
tôi cũng muốn hiểu. Bởi vậy, dù bị chị ta block sau một thư xả stress đầy cay
nghiệt thì tôi vẫn thấy muốn chia sẻ về lá thư này, bởi nó thể hiện chút gì đó
cái tình người, sự bộc bạch về nguyên nhân dẫn chị ấy tới con đường “đấu tranh
nhân quyền” này.
Đoan Trang, Nguyễn Anh Tuấn và nhóm Trịnh Hội (VOICE -Việt Tân) Trước tòa nhà trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, chiều 24/1/2014
Bức thư cho thấy Đoan Trang
đặc biệt ấn tượng về cô nhân viên an ninh nọ vì sự chân chất đời thường của một
“mật vụ”: cô ấy là người phụ nữ bình dị, có gia đình hạnh phúc, dũng cảm (từng là
đi bắt cướp giữa thành phố Hải Phòng nổi tiếng giang hồ) và có trách nhiệm với
công việc (hy sinh những giây phút hạnh phúc gia đình vì công việc “chống phản
động”) nhưng vẫn đầy xúc cảm (không hổ báo như mô tả thường thấy, biểu lộ vô
cùng cảm động vì món quà nhỏ là hộp kem đánh móng tay dù chẳng hữu dụng)…
Còn những cảm nhận của chị Đoan
Trang về xứ văn minh phương Tây (khi cư xử người hoạn nạn, khung cảnh thanh
bình, giá trị dân chủ…) khiến cô thất vọng về quê hương mình, hành vi văn hóa,
cách thức ứng xử giữa người với người (hung hãn như chó sói), giữa đại diện
chính quyền với người dân, sự tự ti dân tộc khi xuất ngoại, sự thiệt thòi của
cô nhân viên an ninh mẫn cán, chênh lệch thu nhập giữa tầng lớp lãnh đạo và
viên chức…âu cũng có phần khách quan. Đoan Trang cho nguyên nhân đó là do người
dân “không bao giờ có cơ hội được đào tạo đàng hoàng, tử tế trong môi trường
giáo dục Việt Nam”, do tầng lớp quan chức sống xa hoa, tư lợi cá nhân, do ý thức
hệ giai cấp đã ăn sâu bén rễ…Những nguyên nhân được giải thích thoạt nghe có vẻ
rất thuyết phục, nhưng thực chất lại đầy cảm tính!
Đọc kỹ những “chia sẻ” với cô
an ninh kia tôi còn thấy một Đoan Trang dễ bị tổn thương.Từng là nhà báo, có
hình thức không thuận lợi, nay đã lớn tuổi mà chưa ổn định cuộc sống, đang theo
đuổi mục tiêu chính trị xa vời,…Bức thư dường như là lời tâm tình chân thành về
lý do chị ta đến với con đường “đấu tranh dân chủ, nhân quyền” hôm nay. Những
suy nghĩ thật lòng đó dù có như thế nào thì vẫn đáng chân trọng. Và tôi thấy
thương cho chị ấy, không ngờ rằng một phụ nữ gần 40 tuổi, từng làm báo nhiều
năm, đi lại nhiều nơi, từng trải cuộc sống, lại để hiểu biết của mình đóng
khung bản thân, rồi sa vào gắn bó với những tổ chức gây thiệt hại tới danh
tiếng, nguy hại bản thân như thế.
Chị Đoan Trang có biết vì sao
người dân nước Việt của chị cư xử với nhau “hung hãn”, “nghi kỵ” như vậy không?
Một phần có lẽ những người chị gặp “không có duyên”, nhưng phần lý do khồng kém
quan trọng là dân nước chị không có lịch sử yên bình như các nước Âu Mỹ: đó là
ngàn năm Bắc thuộc, trăm năm thực dân, đế quốc cai trị, là hậu quả nặng nề của
chính sách chia để trị, là sự mâu thuẫn không dễ hàn gắn giữa các vùng miền,
sắc tộc, tầng lớp đã hình thành nên văn hóa “bất tuân pháp luật”, “phép vua
thua lệ làng”, đoàn kết khó hơn lên trời, là số phận an bài phải gắn bó “xóm
giềng” với anh bạn thâm như Tàu suốt đời…với đủ thói hư tật xấu. Nhìn có vẻ
thất vọng, nhưng nếu hiểu sâu sắc, đi sâu vào đời sống của họ thì cũng vô khối
đức tính đáng ca ngợi như cần mẫn, chịu khó, cố kết cộng đồng, gia đình cao hơn
hết thảy, là thâm thúy chiều sâu của những chuỗi cười đùa…Họ không có cách hành
xử văn minh như tôn trọng phụ nữ, dễ làm tổn thương đến nhau, nhưng nếu người
bị rơi vào tình huống khó xử như chị Đoan Trang lấy ví dụ, hiểu chân thành thì
những câu nói khả ố đó là thói quen trêu đùa, thường là quen biết bạn bè mới
cợt nhả với nhau để làm giảm đi sự ngượng ngập của người gặp nạn. Chị Đoan Trang
chắc không biết được, nhiều bạn gái của tôi tâm sự rất thích cách hành xử của
đàn ông phương Tây, nhưng lại không thể lấy họ bởi họ nhạt nhẽo, không nắm bắt
tâm lý, nói gì làm lấy mà không hiểu được cái sinh lý “nói vậy không phải vậy”
vốn rất riêng biệt của dân Việt. Chán riết, rồi những cô gái vốn từng học, làm
việc với Tây lại tìm về với trai Việt, mặc dù miệng thì vẫn rả rả bôi bác đủ
đức tính xấu như gia trưởng, lười biếng, …của đàn ông xứ này. Văn hóa mà, đi
riết rồi con người ta vẫn cần đến nguồn cội, bởi đó là con người thật, là văn
hóa, là tình cảm đồng tộc, là ruột rà dứt bỏ không phải dễ.
Chị Đoan Trang còn giải thích
về lý do vì sao các nước phương Tây hạnh phúc, yên bình, vương giả, văn minh ấy
phải quan tâm đến “công việc nội bộ” của một đất nước xa xôi, nghèo nàn, chậm
phát triển như Việt Nam? Thật tiếc những cảm nhận rất con người ấy, không sai,
đầy trong trẻo, đáng yêu như nàng Mị Châu trong sử Việt, chỉ tiếc đến lúc bị
người cha yêu quý An Dương Vương chém lìa đầu, nàng vẫn chưa hiểu mình phạm tội
gì. Tất nhiên, lịch sử không nỡ oán trách nàng lỡ để trái tim lên đầu, mà chỉ
trách người cha An Dương vương xây quốc, dựng thành lại “mất cảnh giác” đến nhà
tan nước mất, để nàng Mị Châu ngờ ngệch “bán nước”.
Nói vậy, không phải tôi phủ
nhận giá trị của nhân quyền phương Tây. Tôi ủng hộ việc phổ biến thật rộng rãi,
quyết liệt, luật hóa nó, đưa những giá trị tích cực của nó được Việt hóa để dân
Việt sống hạnh phúc hơn, yêu nhau hơn, tôn trọng nhau hơn mà vẫn giữ được bản
sắc dân tộc riêng của mình. Bởi vậy, tôi ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân
quyền, tôi ủng hộ Việt Nam thuyết phục thế giới hỗ trợ Việt Nam vô tư để xây
dựng một đất nước nhân bản. Đó cũng là lý do tôi thất vọng vô cùng với cách
hành xử của nhóm chị Đoan Trang lại đi ngăn cản Việt Nam
tham gia UNHCR, gia nhập các định chế TPP…Sự hòa nhập vào đó sẽ giúp Việt Nam
học hỏi/tiến gần tới các giá trị ưu việt của thế giới, giải thoát khỏi nghèo
nàn, u minh, sao lại chống? Chống những thứ đó thì chính các bạn đã tự cô lập
bản thân với dân tộc. Làm những việc đó với các tổ chức chống Việt Nam như Việt
tân thì tự các bạn đánh mất đi sự “độc lập”, “khách quan”, lòng yêu nước chân
thành, đánh mất đi “lòng tin”, gieo giắc sự nghi ngờ về động cơ “cõng rắn cắn
gà nhà” vốn gắn sâu vào tiềm thức của người dân trong nước.
Còn niềm tin của chị dành cho
các nước giàu có, văn minh với sự khai sáng các nước man di ấy, thật tình khiến
tôi không thể đặt không đặt dấu hỏi cho một nhà báo đáng lẽ đã chín muồi tuổi
nghề ít ai còn tin vào điều đó. Hãy hỏi ngay những người lính Việt Nam Cộng hòa
xem họ có tin vào sự “chân thành khai sáng” của người Mỹ không hay giờ vẫn còn
hận Mỹ thấu xương? Hãy một lần đặt dấu hỏi vì sao nước họ giàu dựa trên nền
tảng nào đi? Hãy một lần ghé qua các cuốn sách viết về giới tài phiệt tư bản do
chính các học giả/nhân viên của họ viết? Hãy nhìn vào các bức tranh Iraq, Apghanixtan, Palestine… để thấy nền dân chủ không dựa trên
nền tảng phát triển xã hội, “áp đặt” bằng vũ lực, gắn với lợi ích dầu mỏ di hại
các dân tộc đó đến đâu?
Tôi thấy thật thương, thật
tiếc cho chị, nếu chị xót xa cho thế hệ bố mẹ (hay cho dân tộc mình) trải qua bom
đạn, đói khổ, nay hòa bình mà vẫn chưa được thụ hưởng cuộc sống văn minh như
phương Tây, thì thử hỏi bản thân chị và bao thế hệ người Việt được học hành, du
học phương Tây, được hưởng giá trị nhân bản đã bao giờ thực lòng xem mình đã
làm gì đóng góp, cải tạo xã hội đó chưa? Tôi không so sánh anh chị với ông Hồ
ngày xưa lôi kéo được bao học giả ưu tú về gian khổ cùng dân Việt trong tăm
tối, dẫn dắt dân đi từ bùn đen bằng sự tự chủ, tài ngoại giao xuất chúng nhưng
nó khác hẳn cái cách các anh chị chỉ biết phê phán, một hai chỉ có thay đổi thể
chế mới thay đổi xã hội, nhưng thể chế các anh chị vẽ ra mô hình ra sao, cách
thức, lộ trình cụ thể như thế nào? Đừng nói là cứ bê nguyên xi nền dân chủ
phương Tây vào là thành công nhé, ai dám giao phó sinh mệnh dân tộc đất nước
cho những thứ vẩn vơ mây gió, chưa nhìn thấy đích đến ở đâu, chưa thấy sự khả
thi và chưa được kiểm nghiệm bằng thực tiễn?
Còn đây, tôi muốn liên tưởng
về lá thư của chị với sự nghi ngờ bản năng:
- Chị từng đưa tin báo khẩn
cấp, kêu cứu bạn bè về công an kéo đến khủng bố, đàn áp mẹ già của chị, nhưng
kết cục hóa ra là một cô an ninh đơn độc đến thăm hỏi mẹ chị được cả “đội quân”
của chị “phục kích”? Tôi không biết cô an ninh đó có phải là nhân vật trong lá
thư của chị không (tôi nghi ngờ có cơ sở vì nếu không có quá trình gắn bó với
chị và gia đình thì không thể một mình đến nhà chị?). Bởi vậy nếu nói về sự
nghi ngờ, tôi e chị Đoan Trang còn thái quá hơn nhiều lần chăng? Và lá thư này
với hành động đó có mâu thuẫn gì với nhau không?
- Chị viết thư gửi cô an ninh
kia, nhưng đăng trên Dân làm báo, nơi “công tác” của chị, chứ không phải
blog/facebook riêng? Tất nhiên chị có thể cho là do bạn bè chị thấy hay nên
đăng lên, song tôi vẫn thấy hình như nó bị “chính trị hóa” sự riêng tư này? Tất
nhiên đọc nội dung thì sẽ thấy hoàn toàn có cơ sở khẳng định điều này hơn
nhiều.
- Tôi không biết rằng chị
Đoan Trang đã xa rời thực tiễn xã hội trong nước bao lâu rồi mà đến nay vẫn còn
nhận định “tổng quát” kiểu: “Bảo vệ, vệ sĩ và cả công an Việt Nam, có bao giờ
có được thái độ trân trọng với từng người dân” hay mô tả về điều kiện sống
“vương giả”, du học chỉ dành cho giới quan chức…Tôi là thế hệ cuối 7x, học lớp
chuyên Anh cấp 3, bạn bè toàn là con cái viên chức bình dân, buôn bán ở một
tỉnh lẻ miền núi, nhưng nay đến quá nửa họ đều đã du học thạc sỹ, tiến sỹ nhiều
nước bằng những học bổng 50- 80-100% mà họ tự xin được. Hãy nhìn qua số du học
sinh Việt ở các nước Xingapore,
Nhật, Úc, Anh, Mỹ, Ấn, Trung…xem,
chị sẽ sốc đấy, số con quan chức được bao nhiêu % trong đó, thực chất đó là nhờ
truyền thống hiếu học, đầu tư tất cả gia tài cho con cái học hành trưởng thành
như một truyền thống quý báu của dân Việt ta đấy chị Đoan Trang! Hãy thử dành
một buổi chiều giờ cao điểm qua các giao lộ đông đúc, chật hẹp ở Hà Nội đi sẽ
thấy vô khối cảnh những người cảnh sát giao thông phải “đa chức năng” như thế
nào trước dòng người hối hả và ngày càng vô cảm hơn! Tết vừa rồi, tôi phải đi ăn
Tết ở 3 vùng quê vì gia đình vợ chồng vốn dân tứ xứ, nhưng chứng kiến người dân
họ ăn uống, sinh hoạt cũng “chọn lọc” tinh túy lắm rồi, giờ không còn cảnh ăn
no mà là ăn ngon, đua nhau xem nhà ai dùng hàng độc. Một con phố buôn bán mà
đến non nửa số nhà dân có xe ô tô riêng ở một tỉnh lẻ, không còn hiếm đâu (mà ô
tô xứ ta giá còn trên trời đấy nhé)…
Sự so sánh bằng những ví dụ
cụ thể để kết luận bản chất, hiện thực không phải lúc nào cũng đúng đâu, nó tùy
thuộc vào góc nhìn, thái độ tích cực hay tiêu cực là đã khác nhau xa rồi.
Tôi không biết những dòng chữ
này có đến chỗ chị Đoan Trang không? Nhưng cũng như cách xử xự của chị thôi,
tâm sự với một người nhưng thực ra muốn “chia sẻ” với tất cả những dụng ý gửi
gắm trong đó ;)
Võ Khánh Linh