Friday, July 26, 2024

Lại một báo cáo mang "tiêu chuẩn kép"!

 

Vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố phúc trình thường niên về nạn buôn người trên thế giới năm 2024 hay còn gọi là Báo cáo TIP. Bản báo cáo này xếp Việt Nam ở nhóm 2, là các quốc gia chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn (chống buôn người) nhưng đang có những nỗ lực đáng kể để đạt được điều đó. Bản báo cáo này ghi nhận Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp như tăng cường điều tra, truy tố và kết án các vụ buôn người, cũng như hỗ trợ nạn nhân. Tuy nhiên, vẫn như các luận điệu trước đó, Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam “chưa xử lý nghiêm khắc với các tội phạm liên quan”, “chưa có các biện pháp đầy đủ và nhất quán trong việc xác định nạn nhân”...



Một trong những nội dung chỉ trích trọng tâm, được các tổ chức phi chính phủ (NGO), các đài báo chống phá nhà nước sử dụng để lên án mạnh mẽ nhất là luận điệu Việt Nam “không điều tra các quan chức chính phủ đồng lõa với tội phạm buôn người”. Tuy nhiên báo cáo không đưa ra một bằng chứng cụ thể liên quan việc có sự “đồng lõa” của các quan chức chính trị với tội phạm buôn người.

Nếu xét theo trường hợp này, chắc hẳn Hoa Kỳ không quên thể vụ bê bối mua bán tình dục phụ nữ và kinh tởm hơn là trẻ em vị thành niên vào năm 2019. Tháng 7 năm 2019, Jeffrey Epstein, một tỷ phú và nhà tài chính người Mỹ đã bị bắt vì các cáo buộc điều hành một mạng lưới buôn bán tình dục trong nhiều năm. Chỉ một tháng sau, Epstein được phát hiện đã tử vong trong phòng giam của mình. Tuy nhiên, cái chết của Epstein đã gây ra nhiều tranh cãi và thuyết âm mưu, bởi cựu Tổng thống Bill Clinton và Hoàng tử Andrew của Anh đã bị nhắc đến trong các tài liệu và báo cáo liên quan đến Epstein nên dư luận cho rằng, cái chết của Epstein là nhằm bịt đầu mối. Kết quả cuối cùng, không có quan chức chính phủ của Hoa Kỳ nào bị điều tra, hai nhân viên trại giam cũng chỉ bị cáo buộc là không tuân thủ đúng quy trình giám sát, dẫn đến cái chết của Epstein. 

Nếu dựa trên cáo buộc Việt Nam “không điều tra quan chức chính phủ đồng lõa với tội phạm” mà không có chứng cứ gì để xếp Việt Nam vào nhóm 2 của báo cáo TIP thì trường hợp của Hoa Kỳ còn tệ hơn cả như vậy, bởi vụ án Jeffrey Epstein có các tài liệu nhắc tới các nhân vật chính trị nổi tiếng nhưng các cơ quan thực thi pháp luật thậm chí không dám động tới một sợi lông chân của họ. Lúc này mới nhẽ, Công Lý hoá ra là một nghệ sĩ đang ở Việt Nam.

Ở trường hợp khác, vào năm 2021, các nhà chức trách Hoa Kỳ đã bắt giữ một số nghi phạm bóc lột lao động nhập cư trong ngành nông nghiệp xảy ra tại Georgia. Đây là vụ án tiêu biểu về buôn bán lao động hiện đại ở Hoa Kỳ, các nạn nhân bị buộc phải làm việc trong điều kiện không an toàn, bị lạm dụng về thể chất và tâm lý, và bị giam giữ trong những nơi ở tồi tàn. Họ cũng bị tịch thu giấy tờ, và thường xuyên bị đe dọa nếu cố gắng trốn thoát hoặc phản kháng.. Nạn nhân chủ yếu là người nhập cư đến từ Mexico và các quốc gia Mỹ Latinh khác. Họ bị lừa đảo với lời hứa về việc làm hợp pháp tại Hoa Kỳ, nhưng sau đó bị ép buộc làm việc trong các trang trại trồng hành, dưa và các loại cây trồng khác tại bang Georgia trong điều kiện rất khắc nghiệt.

Một trong những điều kiện để loại hình tội phạm bóc lột sức lao động diễn ra là đến từ Chương trình lao động thời vụ H-2A và H-2B của Hoa Kỳ, nó được thiết kế để cung cấp lao động tạm thời cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp ở Hoa Kỳ khi không có đủ lao động trong nước. Mexico và các nước Mỹ-Latinh do có khoảng cách địa lý gần với Hoa Kỳ nên là lực lượng chủ yếu của các chương trình này. Qua đó, các tổ chức tội phạm buôn người, các chủ doanh nghiệp lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và những hứa hẹn việc làm lương cao đã lừa các nạn nhân sang Hoa Kỳ làm việc rồi bóc lột sức lao động, lạm dụng họ.

Điều này cũng tương tự một số người dân Việt Nam vì tin vào những hứa hẹn việc làm lương cao mà tới Campuchia, Philippines làm việc. Tuy nhiên về lý mà nói thì những quốc gia như Việt Nam hay Mexico trong trường hợp này là nạn nhân, người dân bị lừa đảo vì thiếu nhận thức, các cơ quan quản lý rất khó có thể “xác định được ai là nạn nhân” bởi công dân xuất cảnh hợp pháp. Trong khi đó, Campuchia, Philippines, Hoa Kỳ mới là những quốc gia phải có trách nhiệm cao nhất trong việc này khi không làm tốt vai trò quản lý, giám sát quá trình sử dụng lao động của các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động trong nước. 

Tất cả những minh chứng trên cho thấy, Hoa Kỳ thậm chí còn không thực hiện tốt việc chống lại nạn buôn người, đặc biệt là mua bán tình dục. FBI và chính quyền các bang thực hiện các chiến dịch như “Operation Independence Day”, “Operation Stolen Innocence” để ngăn chặn nạn bóc lột tình dục, sản xuất nội dung khiêu dâm bất hợp pháp trong nhiều năm qua. Nhưng kết quả không những giảm thiểu nạn này mà mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng, được thực hiện bởi những nhân vật nổi tiếng, có liên quan tới nhiều quan chức Chính phủ và phạm vi phạm tội mở rộng ra ngoài biên giới Hoa Kỳ.

Cho nên Hoa Kỳ không đủ tư cách để phán xét, lên án bất kỳ quốc gia nào trong nỗ lực chống lại nạn buôn người. Hoặc Hoa Kỳ cần phải đánh giá một cách công bằng, dựa trên điều kiện cụ thể của từng quốc gia và ngừng sử dụng các tiêu chuẩn kép để lên án, chỉ trích các quốc gia khác. Như vậy mới đúng với những gì mà Hoa Kỳ đã tuyên bố trong những nỗ lực chống buôn người trên phạm vi toàn cầu.


No comments:

Post a Comment