Wednesday, March 25, 2015

Xã hội cần vào cuộc dẹp cái loạn Lều báo


Xã hội cần vào cuộc dẹp cái loạn Lều báo

Từ một câu chuyện bắt nguồn từ một CTV báo tên Trang tố bác sỹ Vũ Xuân Quyết, Giám đốc BV Phụ sản TƯ từ chối mổ cho mình vì lý do là phóng viên đã trở thành đề tài nóng hổi dư luận và báo chí trong những ngày qua.

Bsy kinh nhà báo 3 Bsy kinh nhà báo1Bsy kinh nhà báo 2
Theo đó, vụ việc xảy ra vào hôm 20-3, bệnh nhân tên Trang (theo ông Quyết là phóng viên của một tờ báo về pháp luật đang thường trú tại Đà Nẵng) đến khám tại phòng khám theo yêu cầu của bệnh viện. Tại đây, bác sĩ Quyết đã trực tiếp khám và chỉ định phẫu thuật, do xác định bệnh nhân bị u xơ tử cung gây vô sinh. Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 24-3, ông Vũ Bá Quyết cho rằng lịch mổ của ông đã kín đến ngày 10-4, đây cũng không phải trường hợp mổ cấp cứu nên ông từ chối.Ông Quyết cho rằng ông đã từ chối mổ trước khi biết cô Tr. là phóng viên, không như thông tin cho rằng ông từ chối sau khi đã xem hồ sơ bệnh nhân và biết cô Tr. là phóng viên.  Một trong những lý do khiến ông từ chối mổ là ông sợ bị “đặt bẫy”. Do gần đây có người ở Hà Tĩnh giả làm bệnh nhân mời ông Quyết mổ dịch vụ ngoài giờ tại một bệnh viện tư, nhưng sau đó đã đưa thông tin lên báo là ông Quyết mổ với chi phí quá cao. Tờ báo đăng tải thông tin này cũng chính là tờ báo cô Tr. công tác, nên ông Quyết nói với bệnh nhân: “báo cô nói xấu tôi, cho nên tôi không mổ. Báo có quyền viết và đăng, còn tôi có quyền mổ cho ai mà tôi muốn”.
Trước vụ việc này, đại diện Bộ Y tế cho biết sẽ có công văn gửi Bệnh viện Phụ sản trung ương, yêu cầu báo cáo vụ việc. Các chuyên gia, bác sỹ đều cho biết theo quy định nghề y trong khám chữa bệnh theo yêu cầu thì thầy thuốc cũng có quyền cung cấp hay từ chối cung cấp dịch vụ, hầu hết ủng hộ ông Quyết đã ứng xử “có lý” trong trường hợp trên, song về thái độ là “có ý xúc phạm người làm báo”.
Dư luận người dân đa phần ủng hộ bác sỹ Quyết. Câu nói thể hiện “lương quyền” của bác sỹ “Báo chí các người có quyền viết, còn tôi có quyền không mổ. Mổ rồi, dây dưa báo chí rắc rối lắm” được xem như lời tuyên bố đanh thép đáp trả sự suy thoái đạo đức đến mức báo động của truyền thông khiến cả xã hội tẩy chay, khinh miệt. Anh là kẻ lật lọng, tráo trở và điêu ngoa tất nhiên tôi sẽ không chơi với anh !!!.
Dư luận đều xoáy vào tình tiết không được báo chí “phản ánh”, đó là trong vụ việc này, cô nhà báo tương lai kia đã có sẵn ý đồ cài bẫy ông Giám đốc bệnh viện khi vừa đề nghị ông mổ vừa bí mật ghi âm làm bằng chứng tạo scadal về “y đức” của ông. Có thể cô ta biết tỏng thái độ của ông bác sỹ với đám bồi bút này nên cố tình giăng bẫy ông khi biết ông từ chối mổ cho mình. Sau khi bị ông Quyết từ chối mổ, cô này cố ý khơi ra mình chính là CTV  tờ báo mà ông đã từng bị phóng viên giả dạng bệnh nhân bẫy để ông buông ra những lời “bộc trực” và cô ta chớp lấy tạo “phóng sự”, đốt dư luận, lấy nguồn viết báo.
Ai cũng biết, nghề bác sỹ, công an, giáo viên, viên chức chính quyền…đều là những công việc nhạy cảm, là nguồn đào bới thông tin nuôi dưỡng hàng trăm tờ báo thị trường. Chính cơ chế thị trường là động lực làm biến thái khi nhà báo lại biến mình trở thành “con mồi” giăng bẫy, lấy tư liệu viết bài tạo sự kiện nuôi dưỡng báo chí. Vụ án một phóng viên chuyên nghiệp của tờ báo nổi tiếng bẫy cảnh sát giao thông nhận hối lộ, rồi quay phim, chụp ảnh làm “phóng sự” đã trở thành kinh điển, bị ngành công an xử lý nghiêm khắc.
Trong vụ việc cô CTV tên Trang kia, thiết nghĩ ngành công an cũng nên vào cuộc, xác định rõ động cơ của cô ta, không thể để họ hãm hại những bác sỹ giỏi bằng cách làm bì ổi, vô liêm sỷ như vậy.
Thực tế, xã hội vẫn còn nhiều người làm báo tốt nhưng con sâu đã làm dầu cả nồi canh, khiến cái từ “nhà báo” hiện nay bị nhiều giai tầng xã hội nhìn bằng con mắt khác, thái độ tiêu cực ấy sẽ bị triệt tiêu nếu các nhà báo thực sự có tâm, phê và tự phê. Để bảo vệ ngành nghề mình, đã đến lúc, chính các nhà báo nên “thanh trừng”, làm trong sạch hàng ngũ của mình, tìm lại vị trí xã hội xứng đáng được hưởng.
Về phía cộng đồng, xin trích một bài viết của luật sư từng có người thân bị một bác sỹ tài giỏi từ chối môt khi biết ông ta là luật sư vì ngán cái nguy cơ kiện tụng trong ca mổ rủi ro lên đến 95 % và việc anh này tuyên chiến với lều báo để bảo vệ bác sỹ Quyết, giữ nhân tài cho nghề y trước thủ đoạn vô liêm sỷ của lều báo rất đáng và suy ngẫm.
Võ Khánh Linh
====

Chuyện về một bác sỹ

Nhân chuyện bác sỹ Vũ Bá Quyết, giám đốc bệnh viện phụ sản TƯ bị một số báo đưa tin một cách ác ý về việc ông từ chối mổ cho một nữ bệnh nhân, tôi xin kể một câu chuyện thực về một bác sỹ cũng có vị trí tương tự như bác sỹ Quyết và ông cũng từng ngần ngại muốn từ chối mổ cho mẹ tôi.
Người đó là bác sỹ Trịnh Hồng Sơn, phó giám đốc bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Năm 2008, mẹ tôi bị chẩn đoán ung thư. Khối ung thư to đến nỗi tất cả các bác sỹ bệnh viện Hữu Nghị không thể xác định được là khối u ăn vào dạ dày hay ruột hay gan. Vì thế họ phải mời bác sỹ Sơn sang để xử lý. Vào giai đoạn cuối, khối u của mẹ tôi phát triển ngày càng lớn, trông bà như là đang có bầu. Tôi và bố sốt ruột lên gặp chú Sơn (sau ca mổ của mẹ tôi, tôi gọi ông là “chú”). Chú Sơn giải thích rất cặn kẽ cho tôi biết là khối u của mẹ tôi phát triển to như vậy thì phải có thời gian ủ bệnh từ 2 – 3 năm. Việc không phát hiện ra sớm khiến cho cơ hội sống của mẹ tôi rất thấp vì bệnh đã đi vào giai đoạn cuối. Ông nói rất thẳng thắn là khả năng mẹ tôi chết trên bàn mổ là 95%. Khi mổ, sẽ có 3 khả năng xảy ra. Một là khi thấy khối u quá lớn, ăn vào quá nhiều cơ quan thì bác sỹ sẽ đóng vết mổ lại, không động dao kéo. Hai là nếu có cắt thì với khối u lớn vậy khả năng còn sót là rất cao và chỉ một thời gian ngắn, khối u lại phát triển lại. Ba là cắt được toàn bộ khối u nếu nó chưa ăn lan sang các bộ phận khác trong cơ thể. Khả năng này chỉ 5%.
Chú Sơn cũng thành thật nói thêm là ông ngần ngại chuyện mổ khi biết tôi là luật sư. Chú nói rằng, khi mất người thân, ai cũng đau khổ, và khi đau khổ, có khi họ sẽ đổ lỗi cho bác sỹ. Mà vì ngành y là ngành quá chuyên sâu nên không phải ai cũng hiểu được rằng bác sỹ đã cố hết sức. Chú Sơn lo rằng sau này tôi sẽ kiện tụng. Chú cũng nói, chú không sợ cho bản thân, nhưng một ngày chú mổ vài ca, toàn các ca khó như của mẹ tôi nên chú mà dính kiện tụng thì không còn tâm sức để tập trung cho bệnh nhân nữa. Chú sợ cho bệnh nhân chứ không sợ cho bản thân mình. Chú nói với tôi và ba rằng chúng tôi nên lựa chọn giữa việc mẹ có thể sống thêm vài tuần hoặc là chết ngay trên bàn mổ. Tôi nói với chú rằng gia đình tôi và mẹ tôi đã quyết định rằng chúng tôi tin tưởng vào chuyên môn và y đức của chú. Tôi nói rằng sẽ ký bất kỳ giấy tờ nào để chú yên tâm là không bị kiện. Chú Sơn đưa cho tôi 1 bản cam kết để người nhà bệnh nhân ký. Đọc xong tôi nói với chú là bản cam kết này được soạn bởi một bác sỹ giỏi về chuyên môn và chưa bao giờ phải đối mặt với những mặt xấu của con người. Bản cam kết được viết quá đơn giản vì chính người soạn không hiểu hết những thủ đoạn hại nhau bằng câu chữ mà người đời vẫn làm. Chú cười hiền bảo là “bọn chú chỉ biết mổ cứu người chứ có đi tranh chấp với ai bao giờ”. Tôi viết lại một bản cam kết cho chú, ký và dặn chú  rằng hãy sử dụng nó về sau – vì tôi biết bản cam kết đó là để bảo vệ người sẽ có thể cứu được tính mạng mẹ tôi.
Khối u của mẹ tôi bị vỡ trước ngày lên lịch mổ 2 ngày. Việc vỡ khối u dẫn đến khả năng mẹ tôi có thể chết trong một vài giờ nếu không mổ gấp. Tôi gọi điện cho chú. Lần đầu chú tắt máy, lần hai chú nghe. Khi nghe giọng hốt hoảng của tôi chứ nhẹ nhàng nói “tôi đang trong ca mổ. Anh cứ tắt máy và để các bác sỹ bên đó chuẩn bị. Tôi sẽ sang ngay.” 30 phút sau chú tới. Ca mổ kéo dài 8,5 tiếng đồng hồ. Khi đêm xuống, một bác sỹ phụ mổ gọi tôi vào để chứng kiến khối u của mẹ tôi đã được lấy ra – khối u chiếm 1/2 thể tích chiếc xô nhựa trong tay bác sỹ. Khi tôi ngỏ lời muốn cảm ơn chú Sơn thì bác sỹ phụ tá nói chú bị tụt huyết áp vì buổi sáng chú mổ 2 ca liên tiếp rồi sang mổ cho mẹ tôi trong 8 tiếng rưỡi. Trong ca mổ của mẹ tôi đã phải thay kíp mổ ban đầu bằng kíp mổ mới vì kíp mổ đầu tiên kiệt lực vì căng thẳng. Duy chú Sơn phải có mặt từ đầu tới cuối và tụt huyết áp vì nhịn đói từ sáng.
Mấy ngày sau tôi rình gặp chú khi chú đi thăm bệnh nhân, vừa thấy tôi, chú cười hết cỡ bảo rằng “mẹ cháu trúng số độc đắc rồi! Loại ung thư của mẹ cháu có thuốc chữa mà không cần phải hóa trị hay xạ trị. Đó là loại ung thư duy nhất đến lúc này có thể chữa được bằng thuốc. Chính chú là người đã nghiên cứu về loại ung thư này đầu tiên ở Việt Nam nên chú biết.” Nói rồi chú đi, gật đầu nghe lời cảm ơn vội vàng của tôi. Sau này tôi nhờ một anh bạn là cháu chú dẫn đến nhà để cảm ơn. Anh bạn tôi hỏi  chú có được không. Chú nói là “nó đã cảm ơn chú rồi, đến nhà cảm ơn làm gì nữa!” Từ đó năm nào tôi cũng nhờ bạn tôi dẫn tới nhà chú vào dịp Tết. Năm nào bạn tôi cũng trả lời là chú về quê để tránh bệnh nhân tới cảm ơn. Chú muốn người bệnh không phải phiền hà chuyện chú đã chữa bệnh cho họ.
Đến giờ gần 7 năm từ ngày chú mổ. Mẹ tôi hoàn toàn khỏi bệnh, nhìn bà không ai biết là bà từng bị ung thư giai đoạn cuối. Phòng bệnh của mẹ tôi lúc đó có 8 người, giờ 7 người đã chết, còn lại mỗi mình mẹ tôi là còn sống và khỏe mạnh.
Tôi biết rằng có nhiều người nói rằng ngành y tế của chúng ta có vấn đề về y đức, về tham nhũng, hạch sách dân. Tuy nhiên tôi kể ở đây một câu chuyện thực của gia đình tôi và về một bác sỹ thật. Tất cả những người có liên quan tới câu chuyện đều còn sống. Hồ sơ y tế của mẹ tôi bệnh viện Hữu Nghị vẫn giữ. Và tôi khẳng định một điều là chú Sơn cứu sống mẹ tôi mà không nhận một xu nào, cũng không phải vì áp lực, giới thiệu, hay sự nịnh nọt nào cả. Sau này tôi hỏi mọi người thì biết là ca mổ 8 tiếng rưỡi cho mẹ tôi, chú được trả theo chế độ nhà nước mức thù lao khoảng 150.000 đồng gì đó.  Trong câu chuyện của tôi, chú Sơn cũng đã từng ngần ngại chuyện mổ vì ngại chuyện thị phi (không phải vì chú mà vì các bệnh nhân sẽ không được chú mổ khi chú bị phân tâm).
Tôi nói với vợ tôi là “nếu có ai đó làm chuyện thị phi với chú Sơn như họ làm với bác sỹ Quyết. Anh sẽ kêu gọi những ai từng là bệnh nhân của chú làm chứng về y đức của chú. Đảm bảo là những lời làm chứng đó sẽ đè bẹp bất kỳ tờ báo nào, bất kỳ phóng viên nào không có tâm, không có đạo đức muốn nói xấu. Anh nghĩ nếu bác sỹ Quyết kêu gọi, ông cũng sẽ có hàng ngàn bệnh nhân làm chứng cho ông chuyện đó!”
Tôi không muốn xía vào việc của người khác (cụ thể ở đây là bác sỹ Quyết và cô cộng tác viên tờ báo tên Trang) nhưng tôi muốn nói là có rất nhiều cán bộ, bác sỹ thầm lặng cống hiến trong ngành y tế. Vì họ chỉ tập trung vào chuyên môn nên không biết, không có những thủ đoạn để ngoắt nghéo câu chữ khi bị những người có ý xấu gây khó dễ. Nếu chúng ta muốn chăm lo cho sức khỏe của chính mình hay người thân của mình thì hãy bảo vệ bác sỹ – những người bảo vệ ta trước bệnh tật – khỏi những lời ác ý, những bắt nạt, đe dọa.
bác sỹ Trịnh Hồng Sơn.bác sỹ Trịnh Hồng Sơn.
FB Bao Anh Thai

1 comment:

  1. Đúng như mình dự đoán. Ông bác sĩ này hành động như vậy theo bản thân mình đánh giá thì không phải là hoàn toàn đúng. Nhưng các nhà báo cũng nên nhìn lại mình. Vì đi khám chữa bệnh mà sao còn khoe khoang, dọa nạt mình là nhà báo thế nọ thế kia. Và trước kia chính một nhà báo cũng đã hại ông bằng 1 bài báo. Nên giờ ông có ác cảm như vậy cũng thông cảm được dù cho nghề y không cho phép ông hành động như vậy.

    ReplyDelete