Monday, November 18, 2019

Tiểu sử Phạm Đoan Trang – Kỳ 3: “Thế hệ F” và bi kịch của các cuộc cách mạng đường phố



Sau khi giành Giải Tự do Báo chí của RSF vào tháng 09/2019, cựu phóng viên Phạm Đoan Trang đã vượt qua nhóm “trí thức phò chính thống” của ông Chu Hảo, để trở thành gương mặt sáng giá nhất của phong trào dân chủ Việt Nam. Vậy để chạm đến vinh quang này, cô đã phải đi qua những hành trình nào, và trả những cái giá gì?

Mời bạn đọc loạt bài viết “Tiểu sử Phạm Đoan Trang” để trả lời câu hỏi đó.



Tiểu sử Phạm Đoan Trang – Kỳ 3:
“Thế hệ F”và bi kịch của các cuộc cách mạng đường phố

Ngày 05/06/2011, Phạm Đoan Trang tham gia một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam. Ngày 18/08 cùng năm, cô thu thập các bài viết của người biểu tình, để biên soạn thành một tuyển tập mang tên “Thế hệ F”. Trong lời nói đầu của tuyển tập, cô mô tả đợt biểu tình như một cuộc “cách mạng dân chủ” “đầy tự hào”; trong đó người dân xuống đường lật đổ chế độ nhờ sức mạnh của Internet, tương tự như Cách mạng Cam ở Ukraine năm 2005, Cách mạng Nâu ở Myanmar năm 2007, và Mùa Xuân Arab ở Trung Đông, Bắc Phi năm 2011.

Trong không khí hứng khởi của thời điểm đó, ít ai đoán rằng các phong trào biểu tình sẽ khiến Trang sa lầy vào đường hướng chống Cộng cực đoan, trong khi khiến thế giới Hồi giáo sa lầy trong ngoại thuộc và nội chiến.



1. Bối cảnh của cuốn “Thế hệ F”

Ngày 26/05/2011, ba tàu hải giám Trung Quốc đã xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, để cắt cáp thăm dò và cản trở hoạt động của tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Trong suốt mùa hè 2011, nhiều tàu đánh cá Việt Nam hoạt động gần các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tiếp tục bị tàu hải giám Trung Quốc bắn phá, cướp thiết bị. Những sự kiện này được báo chí chính thống Việt Nam đưa tin rộng rãi, khiến dư luận phẫn nộ trước hành vi xâm lược của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam.

Nhân đó, các cuộc biểu tình để phản đối Trung Quốc xâm lược, đòi Chính phủ Việt Nam có hành động mạnh mẽ trước Trung Quốc, đã diễn ra liên tục ở Hà Nội và TP.HCM vào các buổi sáng Chủ nhật hằng tuần, bắt đầu từ ngày 05/06/2011. Chuỗi hoạt động này kéo dài đến cuộc biểu tình thứ 3 ở TP.HCM (19/06/2011), và cuộc biểu tình thứ 11 ở Hà Nội (21/08/2011) – khi cảnh sát bắt đầu ngăn cản biểu tình.

Dù giới hoạt động thường mô tả đợt biểu tình năm 2011 như “một hoạt động tự phát của người dân”, trong thực tế, đợt biểu tình này được điều khiển bởi 2 tổ chức.

Thứ nhất, là các trí thức, cựu quan chức, Đảng viên Đảng Cộng sản tập hợp quanh Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh. Là những người có vị thế trong bộ máy chính trị của Việt Nam, nhóm này chủ trương thay đổi chế độ bằng con đường cải cách. Họ công khai mục đích này vào năm 2013, khi công bố một kiến nghị đòi đa đảng, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, và công nhận quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai. Sau khi lập blog Bauxite Việt Nam (BVN – 2009) để phản đối sự hiện diện của Trung Quốc trong dự án khai thác bauxite trên Tây Nguyên; họ đã liên tục dẫn dắt luồng dư luận công kích chính phủ, đòi cải cách chính trị, đòi “thân Mỹ - thoát Trung”; trước khi họ trở thành một tâm điểm chú ý trong các cuộc biểu tình năm 2011.

Thứ hai, là Nhật ký Yêu nước – fanpage chống Cộng do một nhóm người Việt hải ngoại thành lập năm 2010, sau có người trong nước tham gia. Nhóm này chuyên đăng các bài viết công kích chế độ, kêu gọi làm cách mạng đường phố để lật đổ nhà nước, và thu hút một lượng lớn độc giả trẻ. Họ đã phát động 11 cuộc biểu tình trong mùa hè 2011, phần để “phản đối Trung Quốc” như tuyên bố, phần để học tập đợt biểu tình “Mùa xuân Arab” – khi đó vừa lật đổ hoặc tạo khủng hoảng cho 5 chế độ độc đảng ở Bắc Phi và Trung Đông. Ngày 05/06/2011, mà họ chọn để phát động biểu tình, là dịp kỷ niệm 100 năm ngày cố Chủ tịch Hồ Chí Minh “ra đi tìm đường cứu nước”.

Ngoài ra, một số blog chống chế độ – như Anh Ba Sàm và Dân Làm Báo – cũng tích cực đưa tin về đợt biểu tình này.

Sau khi cuộc biểu tình thứ 11 bị ngăn cản, một số người biểu tình thành lập nhóm “No-U” (Phản đối đường chữ U của Trung Quốc trên Biển Đông). Các nhóm BVN, Nhật ký Yêu nước và No-U tiếp tục phối hợp tổ chức biểu tình trong suốt các mùa hè của 8 năm tiếp theo, nhiều cuộc trong số này không liên quan đến vấn đề “đường chữ U của Trung Quốc”.

Nhờ tham gia đợt biểu tình hè 2011, Phạm Đoan Trang đã gặp Trịnh Hữu Long và Nguyễn Anh Tuấn, là hai người đồng hành cùng cô trong hầu hết các hoạt động về sau. Trang cũng lần lượt gia nhập nhóm No-U vào năm 2011, và Nhật ký Yêu nước vào năm 2012, trước khi xuất cảnh vào năm 2013, để được VOICE dạy nghề làm cách mạng đường phố

Đợt biểu tình năm 2011, và việc biên soạn cuốn “Thế hệ F”, đã thay đổi cuộc đời Đoan Trang. Một mặt, nó đánh dấu một bước ngoặt của Trang, khi cô chuyển từ một phóng viên phản biện thành một người hoạt động để lật đổ chế độ. Mặt khác, nó khởi đầu việc chép sử và xuất bản của Trang – hai hoạt động sẽ giúp cô để lại nhiều dấu ấn trong phong trào dân chủ.



2. Nội dung của cuốn “Thế hệ F”

Qua các tình tiết vừa kể, có thể thấy dù người biểu tình năm 2011 tập hợp quanh ngọn cờ “chống Trung Quốc”, hai tổ chức khởi xướng đã muốn biến đợt biểu tình thành một cuộc cách mạng đường phố để thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam. Đoan Trang hiểu rõ điều này, và đã thể hiện nó qua nội dung, cùng lời nói đầu, của cuốn “Thế hệ F”.

“Thế hệ F” là một tuyển tập các bài viết trên mạng xã hội, xoay quanh các cuộc biểu tình “chống Trung Quốc” năm 2007 và 2011. Hầu hết số bài viết này được soạn bởi những người tham gia phong trào dân chủ. Bên cạnh đó, Đoan Trang cũng bổ sung vào tuyển tập một số bài viết phê phán cuộc biểu tình, được đăng trên báo chính thống hoặc các blog ủng hộ chính phủ Việt Nam, nhằm phản ánh một góc nhìn mà người đọc cần ghi nhận và có thể đưa ra thảo luận.

Phần chính của cuốn sách gồm 6 chương, với nội dung như mô tả trong bảng dưới:


Chương
Nội dung
Đêm trước
Sự cẳm phẫn của người biểu tình trước hành vi xâm lược của Trung Quốc. Những nỗi sợ, trăn trở, do dự, tranh cãi, và sự chuẩn bị của người biểu tình trước khi xuống đường.
Xuống đường
Không khí sử thi của đợt biểu tình. Thái độ yêu nước, ôn hòa, hy vọng của người biểu tình. Cảm xúc của người biểu tình khi xuống đường và khi bị bắt.
Chia lửa
Sự ủng hộ mà cộng đồng người Việt hải ngoại dành cho người biểu tình.
Vô cảm
Cáo buộc của những người biểu tình – rằng chính phủ đã “bán nước”, “ngăn cấm lòng yêu nước” khi bắt họ; còn đa số người Việt Nam đã “vô cảm”, “hèn nhát” khi không cùng họ xuống đường, khi tiếp tục mê phim Trung Quốc…
Yêu nước
Tranh luận về những giá trị như lòng yêu nước, dân chủ, nhân quyền (tập trung vào quyền biểu tình, quyền tự do lập hội, quyền tham gia chính trị). Việc Internet mang lại quyền lực cho người dân, giúp thiết lập dân chủ.
Comment
Một số bình luận ngắn về đợt biểu tình, được đăng trên mạng xã hội.
 

Qua bố cục, có thể thấy “Thế hệ F” không đặt mục đích tường thuật đợt biểu tình để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Nó chỉ mượn chuyện “ai làm chủ Biển Đông” để bàn về chuyện “ai làm chủ quốc gia”, thông qua việc làm chủ hệ thống chính trị.

Khi Đoan Trang mượn chuyện “chống Trung Quốc” để làm vỏ bọc cho các yêu sách về dân chủ, cô đã hành xử khôn khéo, vì tinh thần quốc gia của người Việt Nam có trọng tâm là tinh thần chống ngoại xâm.

Lời nói đầu của “Thế hệ F” cũng thống nhất với nội dung vừa nêu. Nó cho thấy trong mắt Đoan Trang, đợt biểu tình năm 2011 không nhằm mục đích “chống Trung Quốc” đơn thuần, mà mang bản chất của một cuộc cách mạng đường phố hình thành trên mạng xã hội, tương tự biến cố “Mùa Xuân Arab” diễn ra ở Bắc Phi và Trung Đông đầu năm đó:







3. Ý nghĩa của cuốn “Thế hệ F”

Khi “Thế hệ F” ra đời, giới hoạt động dân chủ cho rằng cuốn sách đã lưu giữ một giai đoạn của lịch sử Việt Nam nói chung, và của quá trình chuyển đổi dân chủ ở Việt Nam nói riêng.

Chẳng hạn, trong lời nói đầu của “Thế hệ F”, Đoan Trang viết rằng “cuốn sách này thực chất ghi lại một chặng đường lịch sử của Việt Nam”, “một giai đoạn đầy sóng gió và rất đáng ghi nhớ trong công cuộc đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ”.

Tương tự, trong một bài viết trên trang Pro&Contra, Hồng Lanh viết rằng “Thế hệ F” mô tả những bước tiến mới của sinh hoạt dân chủ ở Việt Nam – trong đó dân chủ nảy nở từ các cuộc tranh luận trên mạng, trưởng thành nhờ các biểu tình trên đường phố, và kết tinh trong những cuốn sách được xuất bản bí mật. Trong quá trình đó, người biểu tình đoàn kết trong lòng yêu nước, yêu tự do; và sinh hoạt với nhau một cách bình đẳng, dân chủ, ôn hòa, văn minh.

ới góc nhìn của chúng tôi, nhận định vừa nêu có 4 điểm không chính xác.

Thứ nhất, “Thế hệ F” không có chức năng “ghi lại một chặng đường lịch sử”. Về mặt nội dung, cuốn sách không tường thuật đợt biểu tình 2011 một cách chi tiết và khách quan; nó chỉ tập hợp các bài viết thể hiện ý kiến, cảm xúc của 2 bên liên quan trong biến cố đó. Về mặt mục đích, cuốn sách nhằm tuyên truyền quan điểm chính trị của tác giả vào thời điểm sách được phát hành, chứ không nhằm lưu giữ lịch sử cho thế hệ tương lai. Vì vậy, “Thế hệ F” chỉ có giá trị của một tư liệu lịch sử, chứ không có giá trị của một bản ghi chép.

Thứ hai, đợt biểu tình năm 2011 không hẳn là một phong trào yêu nước và bảo vệ chủ quyền. Như đã đề cập, cả người biểu tình lẫn tác giả “Thế hệ F” đều muốn mượn chuyện chủ quyền Biển Đông để làm cách mạng đường phố, nhằm thay đổi thể chế. Người biểu tình không bảo vệ nước Việt Nam sẵn có: họ đòi định nghĩa lại nước Việt Nam, và không đồng cảm với những người Việt Nam yêu nước theo cách khác họ.

Thứ ba, đợt biểu tình năm 2011 không hẳn là một giai đoạn dân chủ hóa, và người biểu tình cũng không sinh hoạt với nhau một cách bình đẳng, dân chủ. Điều này thể hiện rõ qua thái độ của người biểu tình với đa số người dân Việt Nam, và qua cấu trúc của 3 tổ chức cầm đầu biểu tình – là BVN, No-U và Nhật ký Yêu nước.

Như đã đề cập, người biểu tình trách dân Việt Nam “vô cảm”, “hèn nhát” khi không ủng hộ phong trào đấu tranh của họ. Cách nhìn này không giống ý thức hệ dân chủ, vốn tôn trọng ý kiến của số đông người dân. “Thế hệ F” cũng xa lạ với tinh thần đa nguyên, khi nó bài trừ văn hóa phẩm có nguồn gốc Trung Quốc, gồm cả những tác phẩm không liên quan đến các yêu sách của đợt biểu tình.

Về mặt tổ chức, tính dân chủ của cả BVN, No-U lẫn Nhật ký Yêu nước đều không cao. Qua các đoạn chat bị lộ vào năm 2014, có thể thấy dù ban quản trị Nhật ký Yêu nước có ra quyết định bằng phiếu bầu, quyền quyết định cao nhất thuộc về một admin sống ở Mỹ và trả lương cho các thành viên trong nước. Trong khi đó, BVN được lập nên bởi nhóm trí thức thân Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh và Viện IDS cũ; bản thân nhóm này được điều hành bởi một tốp cựu quan chức sinh hoạt bí mật, có quan hệ với các phe phái trong chính phủ. No-U hoàn toàn không có nội quy, và được điều hành tùy hứng bởi một nhóm đứng đầu; trong đó nổi bật là Nguyễn Xuân Diện, trung gian liên lạc giữa No-U và BVN.

Tóm lại, khó có thể xem phong trào biểu tình năm 2011 như một giai đoạn dân chủ hóa ở Việt Nam, khi người biểu tình không tôn trọng quan điểm của người dân, và không dùng cơ chế dân chủ để ra quyết định hay bầu lãnh đạo.

Sự phi dân chủ của phong trào biểu tình năm 2011 có thể xuất phát tít nhất 2 lý do khách quan. Thứ nhất, nhiều người biểu tình cho rằng lối sinh hoạt dân chủ là không thực tế trong hoàn cảnh Việt Nam; vì nó khiến các tổ chức chậm ra quyết định trong các tình huống khẩn cấp, dễ bị công an cài gián điệp, và những người lãnh đạo dễ bị chính quyền chú ý. Thứ hai, vì chính quyền phong tỏa thông tin, quan hệ xã hội và sinh kế của nhiều người biểu tình; những nhà hoạt động có khả năng cung cấp tiền, thông tin nội chính và quan hệ với nước ngoài sẽ có quyền lực lớn trong những tổ chức mà họ tham gia.

Ngoài ra, cũng cần thừa nhận một lý do chủ quan, là đa số người biểu tình không có cả kiến thức lẫn kinh nghiệm về sinh hoạt dân chủ. Chính Đoan Trang cũng nhận ra vấn đề này, khi trong một cuộc thảo luận nội bộ của Nhật ký Yêu nước hồi năm 2014, cô tỏ ra thất vọng trước trình độ của những người biểu tình nổi tiếng:


  Thứ tư, phong trào biểu tình năm 2011 phản ứng với công an theo kiểu “ăn miếng trả miếng”, chứ không giữ nguyên tắc ôn hòa mà họ ca ngợi lúc đầu. Nhiều người biểu tình có sẵn hận thù cá nhân với chế độ, và sẵn sàng bộc lộ hận thù này khi hoàn cảnh cho phép. Chẳng hạn, Bùi Hằng và Lân Thắng – hai người bị Đoan Trang gọi là “thô thiển”, “xôi thịt” sau này – cũng chính là người dần đầu và người chụp ảnh của đợt biểu tình được “Thế hệ F” ca ngợi là “ôn hòa”, “văn minh”. Bản thân Đoan Trang cũng không khác. Sau khi tham gia cuộc biểu tình ngày 05/06, Đoan Trang viết rằng người biểu tình “có cảm giác như mình đang được bảo vệ” bởi công an, và sự kiện chỉ làm đọng lại “tình yêu” trong lòng tất cả mọi người. Còn sau khi công an ngăn chặn, bắt tạm giữ và phạt hành chính một số người biểu tình vào ngày 21/08, Trang viết rằng công an đã cướp thành phố Hà Nội của cô, cũng như họ đã cướp nhà của ông bà nội cô trong thời bao cấp.

Bài viết của Trang có đoạn:

“…Lúc ấy tôi không biết rằng lẽ ra, khung cửa sổ ấy là của một ngôi nhà kiểu Pháp rất bề thế. Hòa bình lập lại, ngôi nhà bị xé nhỏ, ông bà tôi được ở phòng xếp mái. Toàn bộ khuôn viên còn lại dành cho các cán bộ mới về tiếp quản.  Tôi nhớ tôi đã hăng hái đi lấy nước hộ ông bà. Xuống máy nước, hứng đầy xô, rồi lũn cũn xách lên gác, tới khoảnh sân chung chừng ba mét vuông trước cửa một căn buồng đóng kín, tôi đặt phịch cái xô xuống. Nước sóng sánh tràn ra ngoài. Cửa xịch mở và một ông lao ra. Nhìn vũng nước trên sàn, bộ mặt ông ta nhăn nhúm lại, kèm tiếng rít lên: “Á, con này, con này…”.  Đứa bé 5 tuổi kinh hãi đứng chết sững, mặt tái dại (có lẽ thế). May mắn thay, ông nó xuất hiện kịp thời, xin lỗi hàng xóm và xách xô nước, dắt nó lên nhà. Sau đó nó được người lớn bảo cho biết, ông láng giềng vốn là một cán bộ công an tên M., nghiêm lắm, tại nó làm sánh nước ra sân chung trước cửa nhà ông ấy nên ông ấy mắng cho là đúng rồi. Nhưng từ ngày ấy, đứa bé cứ sợ sợ, nó tự hỏi làm sao người hiền từ như ông bà nó lại ở gần cái ông công an ác như con ma thế…”.

Tóm lại, dù tác giả “Thế hệ F” tin rằng mình đang chép sử, cuốn sách là một tập tài liệu tuyên truyền thay vì một ghi chép lịch sử mang tính khách quan. Nhiều thông điệp tuyên truyền của cuốn sách không chính xác.



4. Hậu “Thế hệ F”

Hai năm sau khi bùng phát, “Mùa xuân Arab” đã khiến Ai Cập rơi vào bất ổn, Lybia, Syria, Yemen rơi vào nội chiến với sự can thiệp quân sự của phương Tây, và khiến tổ chức khủng bố Hồi giáo IS trỗi dậy tại nhiều vùng trong khu vực. Tình trạng hỗn loạn này tiếp tục kéo dài nhiều năm, khiến hàng triệu dân thường phải chạy nạn sang châu Âu. Trong khi đó, từ năm 2017, phong trào biểu tình ở Việt Nam cũng bị cực đoan hóa, sau khi bị dồn vào đường cùng bởi các đợt truy bắt của chính phủ và chính sách cắt giảm tài trợ của Donald Trump. Năm 2019, phong trào thể hiện rõ sự bệ rạc của mình, khi không thể tổ chức các cuộc biểu tình lớn với nhiều quần chúng tham gia, như họ đã làm trong các mùa hè từ 2011 đến 2018.

Như vậy, lời tiên tri của “Thế hệ F” – rằng Internet và mạng xã hội sẽ giúp quần chúng gia tăng tốc độ thảo luận, tập hợp, xuống đường, nhờ đó giúp dân chủ đa đảng được thiết lập một cách dễ dàng trên toàn thế giới – đã không ứng nghiệm. Dân chủ là một phương thức sinh hoạt của xã hội, cần được hình thành dần nhờ các nhu cầu và điều kiện tự thân, chứ không th  được lắp đặt trong một sớm một chiều nhờ nhân sự, công nghệ và tiền tài trợ từ Mỹ. Sai lầm của những người biểu tình năm 2011, ở Việt Nam cũng như trong thế giới Hồi giáo, là họ cố tạo ra thay đổi bằng cách đập phá những di sản của người khác, thay vì bằng cách xây dựng di sản mang dấu ấn của mình. Có điều khác với các nước Trung Đông và Bắc Phi, xã hội Việt Nam không quá nhiệt tình trước những lời kêu gọi phá hoại, do đã học được nhiều bài học trong quá khứ.

Dù Đoan Trang cố đưa không khí sử thi vào “Thế hệ F”, giai đoạn hậu “Thế hệ F” là một bi kịch lãng xẹt của nhiều người biểu tình, bao gồm cả chính Trang. Bi kịch này sẽ được mô tả rõ hơn trong các kỳ tới.



Một số bài viết liên quan (xếp theo trình tự thời gian):

* Về cuốn “Thế hệ F”:

_ “Thế hệ F” – NXB Liên Mạng, 2011

procontra.asia/wp-content/uploads/2012/04/The-he-F.pdf

anhbasam.wordpress.com/the-he-f/

_ “Thế hệ F” – Hồng Lanh (pro&contra), 16/04/2012

procontra.asia/?p=520



No comments:

Post a Comment