Saturday, November 9, 2019

Điểm tin lề trái số 70: Phạm Đoan Trang lãi 120 triệu đồng nhờ đợt “tặng sách” dài 2 tháng?


 Chào các bạn. Đây là chương trình Điểm tin Lề trái số 70, soạn vào ngày Chủ nhật, 26/10/2019. Chúng tôi sẽ điểm lại những chủ đề nổi bật của dư luận lề trái trong 2 tuần vừa qua, và chỉ ra những sự thật thú vị về chúng mà các bạn chưa chú ý.

(CLICK VÀO ĐÂY để tra cứu các bản tin cũ)


Chủ đề số 1:
Quốc tế khen Việt Nam trong vấn đề Biển Đông,
giới “dân chửi” im lặng

Trong nửa cuối tháng 10/2019, dòng thời sự về xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông đã có 2 diễn biến nổi bật.

Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế để giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở pháp luật. Cụ thể, trong hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc về việc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM-DOC) lần thứ 18 tổ chức tại Đà Lạt hôm 15/10/2019, Việt Nam đã tố cáo Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, gây tác động tiêu cực cho an ninh khu vực. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định rằng những diễn biến phức tạp này cho thấy cần sớm có bộ quy tắc ứng xử ASEAN – Trung Quốc trên Biển Đông. Sau đó một ngày, hôm 16/10, Trung Quốc kêu gọi Việt Nam quay lại đối thoại song phương để giải quyết xung đột. Tiếp đó, hôm 17/10, Việt Nam và EU ký hiệp định FPA về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU; đồng thời EU tuyên bố ủng hộ việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc.

Các động thái này của Việt Nam được nhiều tiếng nói phương Tây đánh giá cao. Chẳng hạn, trên Twitter, chuyên gia Derek J.Grossman của RAND Corporation bình luận : “Việt Nam tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc về COC – một dự thảo đã bị trì hoãn từ 2002! Hà Nội muốn Bắc Kinh chấm dứt việc xây dựng đảo nhân tạo, không đưa ra bất kỳ vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nào trong tương lai, không triển khai vũ khí tác chiến và tuân thủ luật pháp quốc tế (chứ không phải là đường lưỡi bò). Tốt!”.

Thứ hai, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã tái khẳng định chính sách bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông trong các cuộc họp, các diễn đàn của Đảng và Quốc hội. Cụ thể, vấn đề này đã được đưa vào diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 11 Khóa XII (ngày 12/10), cuộc tiếp xúc giữa Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với cử tri Hà Nội (ngày 15/10), và nghị trình kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV (khai mạc ngày 21/10). Nhìn chung, các diễn văn đều khẳng định rằng Nhà nước Việt Nam sẽ vừa kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền; vừa tìm cách giữ vững hòa bình, ổn định.

Từ khi vụ Tư Chính xảy ra vào tháng 07/2019 đến nay, giới “dân chửi” đã liên tục tuyên truyền rằng Chính phủ Việt Nam “bán nước” cho Trung Quốc, không có giải pháp hiệu quả để bảo vệ Biển Đông, không sẵn sàng gia tăng hợp tác với quốc tế để bảo vệ hòa bình trong khu vực… Hai diễn biến thực tế vừa nêu đã phủ nhận những thông điệp đó. Và khi giới “dân chửi”… tiếp tục chửi, vờ như không nhìn thấy những bước tiến của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền, dư luận có quyền nghi ngờ rằng họ không hề quan tâm đến Biển Đông, mà chỉ lợi dụng chủ đề này để đòi lật đổ chế độ.



Chủ đề số 2:
“Thân Mỹ - thoát Trung”:
yêu nước bằng máu của người khác và tiền của Mỹ?

Trong nửa cuối tháng 10/2019, khi Chính phủ Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế để bảo vệ hòa bình trên Biển Đông, và đưa vấn đề Biển Đông vào nghị trình kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV; giới chống đối vẫn tiếp tục tận dụng vấn đề Biển Đông để tuyên truyền chống chế độ, đòi thay đổi chính thể, đòi “thân Mỹ - thoát Trung”.

Thay vì thửa nhận những bước tiến mới của Nhà nước Việt Nam trong vấn đề bảo vệ Biển Đông, họ tiếp tục phủ nhận sạch trơn gói giải pháp của Nhà nước, và quy tụ quanh gói giải pháp mà nhóm Diễn đàn Xã hội Dân sự đề xuất từ hồi tháng 7. Khác biệt giữa 2 gói giải pháp này được thể hiện trong bảng sau:



Gói giải pháp của Nhà nước


Gói giải pháp của Diễn đàn


Phát biểu chính

Vừa kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền bằng pháp luật quốc tế và ngoại giao đa phương; vừa tìm cách giữ vững hòa bình và ổn định chính trị.
                     

Chuyển đổi thành một chế độ dân chủ đa đảng thân Mỹ, để “giải phóng sức dân” và được Mỹ ủng hộ, từ đó đủ sức chống Trung Quốc, bảo vệ Biển Đông. 

Trọng lượng của giải pháp quân sự


Tăng cường hợp tác quân sự đa phương “để bảo vệ hòa bình, an ninh trong khu vực”; nhưng tránh xung đột vũ trang công khai trên Biển Đông.


Liên minh với Mỹ và các nước phương Tây khác để chống Trung Quốc; không loại trừ giải pháp xung đột vũ trang.

Trọng lượng của Trung Quốc


Vừa thẳng thắn phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền; vừa giữ quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.


Bài trừ Trung Quốc trên cả vấn đề ý thức hệ chính trị, văn hóa, kinh tế, lẫn tranh chấp chủ quyền.

Trọng lượng của Mỹ


Coi Mỹ như một đối tác trong chính sách ngoại giao đa phương; tránh lệ thuộc vào Mỹ nhằm giữ hòa bình và ổn định chính trị.


Coi Mỹ là hình mẫu và đồng minh; dựa vào Mỹ để thay đổi chính thể và chống Trung Quốc.

Trọng lượng của chính thể


Chính thể hiện hành là điều kiện cần để giữ độc lập, hòa bình, ổn định.

Chính thể dân chủ đa đảng là điều kiện cần để bảo vệ Biển Đông.

Mục đích


Giữ độc lập, hòa bình, ổn định lâu dài cho Nhà nước và xã hội.


Tận dụng tam giác quan hệ Mỹ-Việt-Trung để thay đổi thể chế.


Trong nửa cuối tháng 10, Diễn đàn Xã hội Dân sự vừa tuyên truyền gói giải pháp tổng thể của họ; vừa ngụy trang nó dưới vỏ bọc là những yêu sách nhỏ, thoạt nhìn có vẻ thuyết phục, nhằm từng bước lái không khí dư luận và tình thế chính trị theo hướng có lợi cho mình. Bốn yêu sách nhỏ mà họ đang sử dụng bao gồm:

(1) Đòi Chủ tịch nước công khai phản đối hành vi “xâm lược” của Trung Quốc;

(2) Đòi chính phủ “thân Mỹ - thoát Trung” (VD: kiện Trung Quốc, kết đồng minh quân sự với Mỹ…);

(3) Đòi các cuộc họp, các diễn đàn của Đảng Cộng sản và Quốc hội thảo luận công khai về Biển Đông;

(4) Đòi cho người dân tham gia vào quá trình ra chính sách về Biển Đông, thông qua nhiều phương thức, bao gồm hội họp và biểu tình.

Nếu Chính phủ thực hiện một số yêu sách nhỏ (như đã làm với một vài yêu sách hồi tháng 7), các thành viên Diễn đàn không ghi nhận, coi như không có chuyện gì xảy ra. Còn nếu Chính phủ chậm thực hiện các yêu sách, họ sẽ tuyên truyền rằng Chính phủ đã “bán nước”, “không có giải pháp bảo vệ chủ quyền”, vì vậy “mất tính chính danh” và đáng bị thay thế.

Theo cách này, nếu Chính phủ đáp ứng các yêu sách, họ sẽ tìm cách lấn dần bằng cách thiết lập quyền lực của dư luận đám đông, xã hội dân sự và hoạt động nghị trường. Còn nếu Chính phủ không đáp ứng các yêu sách, họ sẽ kiếm cớ để tuyên truyền chống chế độ, và kích động biểu tình, bạo loạn khi có cơ hội.

Trong tuần qua, các hoạt động tuyên truyền nổi bật theo hướng này bao gồm các thư ngỏ của Nguyễn Trọng Vĩnh, Vũ Ngọc Hoàng, Nguyễn Đình Cống; các bài viết của Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Ngọc Chu; và các đoạn trả lời phỏng vấn của Nguyễn Hữu Vinh, Lê Công Định, Lê Văn Sinh.

Ngoài những thông điệp vừa nêu, nhiều cá nhân chống đối cũng công kích chế độ nhân việc bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc qua mặt hệ thống kiểm duyệt Việt Nam nhiều lần trong thời gian gần đây. Những vụ việc được viện dẫn để tuyên truyền bao gồm vụ phim Abominable và vụ ấn phẩm du lịch của Saigontourist.

Sau khi so sánh gói giải pháp của Chính phủ Việt Nam và của Diễn đàn Xã hội Dân sự, chúng tôi xin phép đưa ra 2 nhận xét.

Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam đang muốn giữ sự độc lập về mặt chính trị, và đang có đủ nguồn lực để làm điều này. Trong khi đó, giới “dân chửi” vừa muốn dựa vào Mỹ để giành ảnh hưởng chính trị ở Việt Nam, vừa đang lệ thuộc vào Mỹ về mặt nguồn lực. Như vậy, Chính phủ sẽ bảo vệ Biển Đông với tư cách một người chơi độc lập trên trường quốc tế, trong khi giới “dân chửi” sẽ bảo vệ Biển Đông với tư cách một con tốt của Mỹ và các đồng minh. Xét các kinh nghiệm lịch sử phong phú của Việt Nam, mà gần nhất là các diễn biến trong thế kỷ XX, có thể thấy gói giải pháp của Chính phủ sẽ khả thi hơn trong việc bảo vệ nền độc lập.

Thứ hai, phương án bảo vệ Biển Đông bằng pháp luật quốc tế, mà Chính phủ Việt Nam đang chọn, là một phương án được quốc tế đánh giá cao. Phương án này cũng phù hợp với nguyện vọng hòa bình của người dân Việt Nam, và với một thực tế rằng Việt Nam không đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc về mặt quân sự. Trong khi đó, việc chạy đua quân sự với Trung Quốc, như giới “dân chửi” đề nghị, không phù hợp với nguồn lực sẵn có của Việt Nam, với quan điểm của quốc tế, và với lợi ích lâu dài của người dân. Chừng nào các giải pháp hòa bình còn phát huy tác dụng, Việt Nam không có lý do để sử dụng giải pháp quân sự.



Chủ đề số 3:
Diễn đàn Xã hội Dân sự:
một tổ chức phi dân chủ đòi “dân chủ hóa” Quốc hội Việt Nam?

Từ tháng 09/2019, nhiều nhóm chống đối đã lợi dụng các cuộc thảo luận trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025,  tức hoạt động chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, để công kích tính dân chủ của Đại hội Đảng hoặc đòi thay đổi thể chế chính trị. Trong xu hướng này, nhân kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV (khai mạc ngày 21/10), luật sư Nguyễn Danh Huế và ông Nguyễn Đình Cống đã viết bài, đòi biến Quốc hội thành cơ quan quyền lực độc lập với Chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các bài viết của họ đang đưa ra 7 yêu sách, và có thể bổ sung thêm yêu sách trong những ngày tới:



Chủ đề


Yêu sách


Cách thức bầu cử

“Tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện phương châm ‘không biết không bầu’”; theo đó “cử tri chỉ bầu cho người mình biết và tin cậy qua quá trình hoạt động và qua tranh cử”.


“Bãi bỏ cách dùng Mặt trận Tổ quốc hiệp thương để đấu tố và loại bỏ những ứng viên tự do không phải là con bài của Đảng”.


Thành phần
của Quốc hội

“Tiêu chuẩn quan trọng của Đại biểu phải là có trí tuệ cao chứ không phải là cơ cấu cho đủ thành phần mà để lọt những người kém trí tuệ”.


“Tăng số lượng đại biểu chuyên trách”.


“Hạn chế số đại biểu đồng thời là quan chức trong bộ máy hành pháp”.


Cách thức hoạt động
của Quốc hội


“Phải thông báo rộng rãi việc tiếp xúc cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng và tạo điều kiện thuận lợi cho bất kỳ cử tri nào cũng có thể tham gia tiếp xúc đại biểu và bày tỏ ý kiến nếu họ muốn. Tránh việc chỉ tiếp xúc các cử tri già nua được lựa chọn và cầm giấy đọc các câu hỏi soạn sẵn”.


“Thảo luận và hành động nhanh chóng đối với các vấn đề trọng tâm và cấp bách liên quan đến chủ quyền quốc gia, đến quốc kế dân sinh”.


Khẩu hiệu “không biết không bầu” đã được ông Chu Hảo (cùng nhóm “Diễn đàn Xã hội Dân sự” với ông Nguyễn Đình Cống) nêu ra từ phong trào tự ứng cử Quốc hội năm 2016. Vì vậy, nếu hướng tuyên truyền này kéo dài trong thời gian tới, nó sẽ kế thừa các luận điểm của phong trào năm 2016, đồng thời có thể liên kết với phong trào tự ứng cử mà nhóm Luật khoa Tạp chí định tiến hành vào năm 2021.

Hướng tuyên truyền này có một nhược điểm, là kiến thức hạn chế của nhiều người tuyên truyền. Chẳng hạn, ông Nguyễn Đình Cống tự mâu thuẫn với bản thân, khi vừa đòi bầu cử theo phương thức hoàn toàn tự do (tức không chỉ định danh sách ứng viên), vừa đòi áp tiêu chuẩn về trí tuệ cho các đại biểu Quốc hội.

Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi thấy Diễn đàn Xã hội Dân sự nên đi tiên phong trong việc áp dụng các phương thức sinh hoạt dân chủ mà họ đề nghị. Chẳng hạn, họ nên quyết định danh sách lãnh đạo, nghị trình và các quyết định của tổ chức bằng cách bỏ phiếu công khai, thay vì sinh hoạt một cách thiếu dân chủ, thiếu minh bạch như hiện tại. Nếu họ trở thành một tấm gương về dân chủ mà không bị vỡ, phần còn lại của xã hội sẵn sàng noi theo, chẳng cần họ hô hào ồn ào.

Còn nếu họ từ chối “dân chủ hóa” vì lý do an ninh, đương nhiên phần còn lại của xã hội cũng có thể viện những lý do tương tự.




Chủ đề số 4:
Toàn cảnh dư luận “lề trái” quanh vụ việc của Thứ trưởng Lê Hải An

Lúc 07h10’ ngày 17/10/2019, ông Lê Hải An, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, đã qua đời do rơi xuống từ tầng 8 của tòa nhà trụ sở Bộ. Sau sự kiện này, các bộ phận khác nhau của dư luận trên Internet đã phản ứng theo 4 cách – là (1) bày tỏ sự trân trọng và thương tiếc đối với ông An; (2) đòi điều tra làm rõ nguyên nhân của vụ việc; (3) tung các thuyết âm mưu về nguyên nhân của vụ việc; và (4) viết rằng vụ việc này khiến người dân đánh mất hy vọng vào chế độ.



1. Thái độ trân trọng và thương tiếc mà dư luận dành cho ông An

Theo thông tin mà nhiều báo điện tử đăng tải, ông Lê Hải An sinh năm 1971, là con trai ông Lê Hải Châu, tác giả sách giáo khoa môn Toán trước đây của  Việt Nam.

Ông từng học Đại học Thăm dò địa chất tại Moskva (Nga), Thạc sĩ dầu khí tại Đại học Tổng hợp Brunei và Tiến sĩ dầu khí tại Đại học Heriot-Watt, Anh; và giảng dạy tại trường Đại học Mỏ - Địa chất từ năm 1995.

Năm 2014, ông được bổ nhiệm làm Bí thư, Hiệu trưởng trường.

Tháng 11/2018, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, phụ trách giáo dục bậc đại học. Tháng 02/2019, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy Bộ GD-ĐT thay ông Phùng Xuân Nhạ.

Ngày 21/08/2019, ông An ký một số văn bản về việc xem xét kỷ luật 13 cán bộ, công chức trong vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang. Tuy nhiên, ngày 09/09, Bộ GD-ĐT hủy bỏ những văn bản này, với lý do chúng chưa đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, và cần đợi tiến hành quy trình xem xét, kiểm điểm trách nhiệm về mặt công tác Đảng như hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Sau khi ông An qua đời vào ngày 17/10, dư luận trên Internet đã đồng loạt bày tỏ sự trân trọng  và thương tiếc với ông; bởi một mặt, sự kiện vừa nêu khiến họ xem ông là một quan chức chống tiêu cực; mặt khác, nhiều đồng nghiệp nhận xét rằng ông là một giáo viên tận tâm và một “người có năng lực, nhiệt huyết trong việc cải tổ giáo dục đại học”.

Báo chí tường thuật rằng đám tang ông An, được tổ chức hôm 21/10, có “hàng nghìn người” đến viếng.



2. Việc dư luận đòi điều tra, làm rõ nguyên nhân của vụ việc

Sau khi ông Lê Hải An qua đời, đa phần dư luận mạng cho rằng ông bị ám hại, và hối thúc cơ quan điều tra làm rõ vụ việc, vì 3 lý do.

Thứ nhất, một mặt, ông an không có động cơ tự sát; mặt khác, nơi ông An rơi xuống có lan can cao 1,45 m che chắn, khiến khó xảy ra tai nạn.

Thứ hai, ông An vừa ký một số văn bản về việc xem xét kỷ luật 13 cán bộ, công chức trong vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang, như vừa kể.

Thứ ba, Đảng Cộng sản Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị công tác nhân sự cho Đại hội XIII; và trước đó, vào ngày 15/08, ông Phạm Văn Khương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, cũng qua đời do rơi xuống từ tầng 27 chung cư Vinaconex.



3. Các tin đồn thiếu căn cứ về nguyên nhân tử vong của ông Lê Hải An

Nhân việc dư luận đòi điều tra, làm rõ nguyên nhân của vụ việc, nhiều cá nhân chống đối đã tung các tin đồn thiếu căn cứ về nguyên nhân tử vong của ông Lê Hải An, nhằm khiến quần chúng mất niềm tin vào chế độ. Những tin đồn phổ biến nhất bao gồm:





Người tung tin


Tin đồn


Bằng chứng được viện dẫn


Phạm Minh Vũ


Ông Lê Hải An bị sát hại bằng súng.

“Có đứa em đang là sinh viên trọ phường Bách Khoa, sáng nay ngồi uống trà đá ở đường Tạ Quang Bửu cạnh bộ giáo dục. Ngõ ngay cạnh nhà Luật Sư Nguyễn Văn Đài, nó bảo khoảng hơn 7h nghe tiếng súng nổ trong bộ giáo dục”.


Trương Châu Hữu Danh


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ám sát Thứ trưởng Lê Hải An.


“Theo dự kiến, kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ xem xét phê chuẩn việc ông Lê Hải An làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo”.


Bạch Hoàn


Ông Lê Hải An bị ám sát vì vụ xét kỷ luật 13 công chức liên quan đến gian lận thi cử ở Hòa Bình.


Ông An “chính là người đã ký Thông báo ngày 21-8-2019 về việc xem xét kỷ luật 13 công chức tại Bộ Giáo dục và Đào tạo do liên quan đến tiêu cực giáo dục ở Hoà Bình, Sơn La trong Kỳ thi Quốc gia năm 2018”.


Phạm Thành


Ông Lê Hải An chết ở nơi khác. Người nhà đưa xác ông vào trụ sở Bộ Giáo dục rồi ném xuống từ tầng 8, và phao tin rằng ông chết do trượt chân ngã khi suy nghĩ cho đất nước.


“Nếu không phải ông Hải An chết tại nhà hay chết tại một nơi nào đó mà gia đình ông Hải An đã biết, thì, tại sao người nhà ông Hải An không lên tiếng và cung cấp rõ ràng hành tung của ông Hải An từ ngày 16 cho đến sáng 17.10? Tại sao không bác bỏ việc trượt chân, rớt lầu từ tầng 8 của ông Ts khuyến?”.





Trong dư luận, cũng có nhiều người phản bác các tin đồn vừa nêu, hoặc viết rằng không nên phỏng đoán trước khi cơ quan điều tra chính thức kết luận.

Chẳng hạn, có người cho rằng tin đồn của Bạch Hoàn thiếu căn cứ, vì việc xét kỷ luật 13 cán bộ là quyết định chung của tập thể Đảng ủy, trong đó ông An chỉ có 1 phiếu và thay mặt tập thể ký tên.

Tương tự, vì Quốc hội có thể bổ nhiệm nhiều công chức khác vào vị trí Bộ trưởng Bộ Giáo dục, và không có gì chắc chắn rằng ông Phùng Xuân Nhạ sẽ giữ chức Bộ trưởng thêm một nhiệm kỳ, không có đủ căn cứ để kết luận rằng ông có động cơ trong vụ việc.



4. Tuyên truyền rằng cái chết của Thứ trưởng Lê Hải An khiến người dân và giới trí thức đánh mất hy vọng vào chế độ

Dựa trên giả thuyết rằng Thứ trưởng Lê Hải An bị ám hại, nhiều cá nhân đã tuyên truyền rằng cái chết của ông khiến người dân và giới trí thức đánh mất hy vọng vào chế độ.

Chẳng hạn, Linh Hoang Vũ viết: “Nhưng cho dù sự thật có là thế nào thì đó cũng là một điều thật đáng buồn không chỉ cho anh An và gia đình anh, mà còn cho cả những hy vọng vào những thay đổi thực sự, đột phá trong hệ thống, vào sự tham chính của những con người vừa có tài vừa có tâm trong chính quyền. Và thêm vào một sự xói mòn của cái vốn xã hội quan trọng nhất đang bị đổ vỡ ở Việt Nam - đó là lòng tin”.

Hoàng Trúc viết trên BBC rằng ông Lê Hải An, cũng như “giáo sư Lê Bảo Châu, tiến sỹ Lê Nguyễn Minh Quang” “và nhiều trí thức tinh hoa khác”, “đang gặp khó trong cái hệ thống vận hành với những nguyên tắc và khuôn phép khó hiểu, thiếu khế ước xã hội, thiếu công bằng”. Để khắc phục “lỗi hệ thống trong việc sử dụng hiền tài”, phải thay đổi thể chế theo hướng đảm bảo “nhà nước pháp quyền”, “kinh tế thị trường”, “xã hội dân sự”.

Trong khi đó, Phạm Đình Trọng viết rằng cái chết của ông An là “điềm báo” cho cái chết của chế độ, vì chế độ không biết trọng dụng nhân tài.



5. Nhận định

Những thông tin trên cho thấy có nhiều câu hỏi cần được đặt ra trong vụ việc của cố Thứ trưởng Lê Hải An. Vì vậy, yêu cầu của dư luận, rằng cơ quan chức năng cần điều tra để làm rõ vụ việc, là hoàn toàn chính đáng.

Tuy nhiên, vì các tin đồn về nguyên nhân tử vong của ông An đều đang thiếu căn cứ, và có thể mang động cơ chính trị, dư luận nên đợi kết luận chính thức của cơ quan điều tra, thay vì góp phần lan truyền những tin đồn không phản ánh sự thật.

Về vấn đề “trọng dụng nhân tài”, chúng tôi xem Lê Hải An như một người trí thức chân chính, đi lên bằng thực lực, và đã nỗ lực đóng góp để xây dựng nước Việt Nam. Ông An không đứng cùng “phe” với những thành phần tham nhũng, đi lên bằng quyền mưu, phá hoại đất nước từ trong lòng chế độ. Ông cũng không đứng cùng “phe” với giới “dân chửi” đầy thù hằn, đang cố đi lên bằng cách mị dân và bợ đỡ nước ngoài, phá hoại đất nước bằng cách lật đổ Nhà nước Việt Nam. Nếu các bạn tôn trọng nhân tài, hãy để họ tự đặt niềm tin vào nhau và xây dựng đất nước cùng nhau, thay vì cố câu kéo họ vào một trong những “phe” phá hoại.

Một thái độ phù hợp, đáng tham khảo, có thể tìm thấy trong bài viết của anh Lê Đình Hiếu (người sáng lập học viện GAP):

“Khi nghe tin anh mất, nhiều nhà giáo, nhà tri thức đã lên tiếng trên mạng với nhiều thuyết âm mưu khác nhau, nhiều người đã nói ‘sẽ phải tìm ra sự thật của câu chuyện này’. Đó có thể là điều đúng cần phải làm. Phần mình, mình chọn sẽ tiếp tục con đường tử tế mà anh đã và đang theo đuổi: Cải tổ và xây dựng lại một nền giáo dục đại học xuất sắc cho đất nước. Mỗi năm, 1 triệu bạn trẻ Việt Nam rời ghế nhà trường phổ thông - hệ thống đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, và các loại hình đào tạo khác mang 1 sứ mệnh nâng tầm bước chân 1 triệu bạn trẻ này. Khi người tử tế nhất ra đi, những người khác sẽ phải gắng hết sức để những di sản tử tế mà người trước để lại không thành điều lãng phí”.



Chủ đề số 5:
Phân tích trách nhiệm của các bên trong vụ nhiễm bẩn nước sông Đà

Trong tháng 9 và tháng 10/2019, dư luận đã liên tục trải qua 4 sóng truyền thông lớn liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, chủ yếu xuất phát từ các sự cố quanh địa bàn Hà Nội. Chúng bao gồm vụ cháy nhà máy Rạng Đông, gây phát tán khí thủy ngân (ngày 28/08); đợt sương bụi gây nắng nóng ở Hà Nội và TP.HCM (kéo dài khoảng 3 tuần kể từ giữa tháng 9); vụ báo Phụ Nữ công kích việc tập đoàn SunGroup phá hủy rừng Tam Đảo (ngày 21/09); và vụ nước sinh hoạt từ Nhà máy Sông Đà bị nhiễm bẩn (ngày 08/10/2019). Bên cạnh đó, phong trào bãi khóa, biểu tình toàn cầu vì biến đổi khí hậu (20/09) cũng tạo ra 2 cuộc biểu tình nhỏ ở Hà Nội và TP.HCM.

Trong nửa cuối tháng 10, do ảnh hưởng từ chuỗi sự kiện liên tiếp vừa nêu, vụ nước sinh hoạt từ Nhà máy Sông Đà bị nhiễm bẩn đã khiến cư dân trên địa bàn Hà Nội rơi vào trạng thái hoang mang; đồng thời bị giới chống đối tận dụng để công kích chính quyền thành phố Hà Nội và Nhà nước, để đòi thay đổi chế độ.



1. Tóm tắt diễn biến vụ việc và phản ứng của các bên liên quan

a. Việc dầu thải của công ty gốm sứ Thanh Hà gây chảy vào nguồn nước của Nhà máy Nước sạch Sông Đà (Viwasupco)

Theo thông tin từ cơ quan điều tra và báo chí, đầu tháng 10/2019, con gái Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty gốm sứ Thanh Hà (tên Trang) và thủ kho vật tư của công ty (tên Trần Thành Chung) đã lén bán 10 m3 dầu thải cho nhóm Lý Đình Vũ.

Sau khi sơ chế số dầu ở Hưng Yên, để giữ lại những gì còn sử dụng được, ngày 08/10, nhóm này chở phần dầu còn lại đến đổ trộm ở khe núi sát Suối Trâm tại hai xã Phúc Minh và Phúc Tiến, Kỳ Sơn, Hòa Bình (cách kênh dẫn nước của Nhà máy Nước sạch Sông Đà khoảng 800 m).

Sau đó, khu vực Suối Trâm có mưa to, khiến số dầu nhớt lan nhanh đến kênh dẫn nước của nhà máy.

Ông Nguyễn Đức Truyền (Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty gốm sứ Thanh Hà) cho rằng nhóm Lý Đình Vũ đổ trộm dầu thải ở khe núi vì động cơ lợi nhuận, do chi phí xử lý dầu thải lên tới 3,5 triệu VNĐ/m3.

b. Phản ứng của công ty Viwasupco trong vụ việc

Sáng 09/10, Viwasupco phát hiện dầu thải trong suối Bằng và đường liên xã, liền rải cát toàn bộ bề mặt đường có dính dầu, huy động công nhân và thuê người dân đi vớt dầu. Chiều cùng ngày, công ty báo sự việc với Công an xã Phúc Tiến và Công an huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình. Tuy nhiên, họ không báo cáo sự việc với UBND tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội.

Ngày 10/10, cư dân nhiều quận của Hà Nội thông báo rằng nước sinh hoạt của họ (do Viwasupco cung cấp) có màu đen và mùi hắc như dầu, không sử dụng được. Ước tính có hơn 250.000 hộ dân, tương đương 18% số hộ dân Hà Nội, bị ảnh hưởng bởi vụ việc. Nhiều hộ phải mua nước đóng bình về sử dụng, hoặc xếp hàng chờ nhận nước sạch bơm từ xe bồn, do Công ty Nước sạch Hà Nội cung cấp.

Ngày 14/10, ông Nguyễn Văn Tốn (Tổng Giám đốc Viwasupco) nói với báo chí rằng không bưng bít thông tin, “mùi lạ” chỉ là mùi clo và nước không có vấn đề gì.

Sau khi Sở Xây dựng Hà Nội công bố kết quả giám định nguồn nước, và chỉ đạo Viwasupco thực hiện ngay việc súc xả toàn bộ hệ thống nước sạch sông Đà vào ngày 15/10, đến ngày 16/10, Viwasupco mới tạm dừng cấp nước sạch để thau rửa bể chứa, súc rửa toàn bộ đường ống.

Tuy nhiên, ngày 17/10, ông Bùi Đăng Khoa (Phó Giám đốc Viwasupco) vẫn tuyên bố rằng “Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất” và từ chối xin lỗi khách hàng.

Ngày 21/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng (Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh) trả lời báo chí rằng người dân có thể khởi kiện Viwasupco, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Một số đại biểu khác cũng trả lời báo chí rằng Viwasupco cần bị xử lý nghiêm do hành xử thiếu trách nhiệm trong vụ việc.

Ngày 25/10, Viwasupco ra thông cáo báo chí để xin lỗi khách hàng, đồng thời hứa sẽ đền bù bằng cách cấp nước miễn phí trong 1 tháng.

c. Phản ứng của chính quyền thành phố Hà Nội trong vụ việc

Ngay sau khi người dân phản ánh về tình trạng nước sinh hoạt nhiễm bẩn, ngày 11/10, thành phố Hà Nội lập đoàn kiểm tra liên ngành đi lấy mẫu nước xét nghiệm, dự kiến có kết quả sau 7 ngày.

Ngày 15/10, thành phố mở họp báo, cho biết nước bị nhiễm độc và đưa ra khuyến cáo "chỉ nên dùng để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống". Cụ thể: “Các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren, thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20 µg/L) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần. Các chỉ tiêu giám sát nước độ A: 8/8 mẫu nước đạt quy chuẩn đối với 14/15 chỉ tiêu giám sát. Chỉ tiêu mùi vị là không đạt”. Thông tin này khiến dư luận lo lắng, vì Styren có khả năng gây ung thư, giảm thị lực, giảm thính giác, và gây tổn thương hệ thần kinh.

Cùng ngày 15/10, thành phố chỉ đạo Viwasupco xúc rửa toàn bộ hệ thống cấp nước sông Đà (bao gồm nhà máy, đường ống, bể chứa tại các chung cư); và rà soát, cải thiện toàn bộ trang thiết bị cùng quy trình quản lý nhà máy.

Ngày 18/10, thành bố công bố rằng nước từ hệ thống của Viwasupco “đã đạt chuẩn Styren”, có thể sử dụng. Dù vậy, nhiều hộ dân vẫn tiếp tục mua nước đóng bình vì chưa yên tâm, hoặc vì bể nước ở các chung cư chưa được xúc rửa.



2. Tạo không khí hoảng loạn, thất vọng trước 4 sự cố môi trường liên tiếp diễn ra

Nhân những diễn biến vừa kể, nhiều bộ phận của dư luận phi chính thống đã đẩy mạnh tuyên truyền, để tạo không khí hoảng loạn, thất vọng trước 4 sự cố môi trường liên tiếp diễn ra. Nhiều trang tin viết rằng người dân Hà Nội bị bủa vây bởi khí thủy ngân, bụi mịn và nước nhiễm Styren; hiện đang phải quay lại xếp hàng mua nước hoặc đi sơ tán ở vùng khác như trong “thời bao cấp”, “thời chiến tranh”, “ngày tận thế”.

Trong hướng tuyên truyền này, cánh phóng viên bất mãn chuyên viết về đề tài môi trường – như Mai Quốc Ấn, Mai Phan Lợi, Đỗ Cao Cường – đang giữ vai trò khá nổi bật. Cụ thể:



Người


Hoạt động tuyên truyền


Mai Quốc Ấn

Là người đầu tiên gọi vụ cháy nhà máy Rạng Đông là “thảm họa môi trường cấp quốc gia”, khiến dư luận ở Hà Nội rơi vào tình trạng hoảng loạn. Hiện đang liên tục khai thác chủ đề môi trường để tuyên truyền, trong sự phối hợp với doanh nhân Lê Hoài Anh và một số nhóm hoạt động về môi trường ở TP.HCM.


Mai Phan Lợi


Nhân vụ cháy nhà máy Rạng Đông, ngày 11/09/2019, Lợi lập group “Tiếng nói của nạn nhân mắc bệnh do môi trường không an toàn”. Group này được trợ lực bởi 2 group khác của Lợi, là “Góc nhìn Báo chí – Công dân” và “Xanh & Sạch” (vốn hình thành từ chiến dịch phản đối thực phẩm bẩn, do Diễn đàn Nhà báo Trẻ tiến hành năm 2016). Hiện giới báo chí bất mãn liên tục đăng một lượng lớn bài viết về ô nhiễm môi trường trong group “Tiếng nói…”, kèm theo các bình luận thiếu căn cứ, sai sự thật hoặc công kích chế độ, khiến độc giả hoang mang.


Đỗ Cao Cường


Tuyên truyền một cách thiếu căn cứ, rằng mọi vùng đất ở Việt Nam đã hoặc sẽ bị nhiễm độc, khiến người dân chết vì bệnh tật.


Việc các sự cố môi trường liên tiếp diễn ra ở Hà Nội, cộng với các hoạt động tuyên truyền vừa nêu, đã khiến tâm trạng hoảng loạn, thất vọng lan truyền trong nhiều bộ phận dư luận, gồm cả bộ phận ủng hộ Nhà nước, bộ phận bất mãn lẫn quần chúng trung lập.

Chẳng hạn, trong bộ phận ủng hộ hoặc có thiện cảm với Nhà nước, ông Trần Nhật Quang và Lương Lê Minh tỏ ra thất vọng trước thái độ vô trách nhiệm, thiếu tôn trọng khách hàng của Viwasupco.

Ở bên kia, Nghiêm Kim Hoa bỏ việc đi nhậu vì chán nản, lần đầu tiên sau 10 năm hoạt động:






3. Các hoạt động tung tin đồn thiếu căn cứ về vụ việc

Từ ngày 19 đến ngày 21/10, Mai Phan Lợi và Trần Song Hào tung tin rằng Nhà máy Nước Sông Đuống đã thuê người đổ dầu vào nguồn nước của Viwasuco, để cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, cũng có tin đồn rằng vụ việc này do nhóm lợi ích gây ra, để “đấu đá trước thềm Đại hội Đảng”. Tuy nhiên, lời khai của các bên liên quan trong vụ việc cho thấy những khả năng này không lớn.

Bên cạnh đó, một số nhà “dân chửi” đã lấy ảnh chụp một ống nước thải ở Thái Lan, để giả làm ống nước sinh hoạt ở Việt Nam, nhằm kích động quần chúng:

               


4. Các hoạt động tận dụng vụ việc để công kích chính quyền thành phố Hà Nội

Nhiều cây bút chống đối viết rằng chính quyền thành phố Hà Nội đã hành xử một cách thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong vụ cháy nhà máy Rạng Đông và vụ nhiễm độc nguồn nước của Viwasupco.

Chẳng hạn, BBC hôm 15/10 viết: “Báo chí Việt Nam nêu thẳng nhiều vấn đề như ‘sông chết, phố xá ngập lụt’, ‘mất nhiều đất công lại còn ngập trong nợ nần’ của Hà Nội. Sang năm 2019, đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng chưa từng có xảy đến với Hà Nội gần đây gây hoang mang cho dự luận Việt Nam và đặt câu hỏi về năng lực của chính quyền và lãnh đạo đô thị này. Cùng lúc, lãnh đạo Việt Nam và Hà Nội vẫn đang muốn thành phố ‘có lộ trình phát triển công nghiệp 4.0 và phấn đấu trở thành thành phố thông minh’…”.

Trong khi đó, Mai Quốc Ân chỉ ra rằng dù ngày 18/10, thành phố Hà Nội thông báo rằng nước từ sông Đà đã đạt tiêu chuẩn Styren theo QCVN 01:2009/BYT, thực ra bộ quy chuẩn này đã hết hiệu lực từ năm 2018, khi được thay thế bằng QCVN 01-1:2018/BYT. Thông điệp tuyên truyền của Ấn không có nhiều sức nặng, vì trong cả 2 bộ tiêu chuẩn vừa kể, giới hạn Styren cho phép đều là 20 µg/L.



5. Nhận định

Nhìn lại toàn bộ chuỗi sự kiện, có thể thấy Viwasuco đã có thái độ vô trách nhiệm, thiếu tôn trọng khách hàng. Qua việc báo chí chính thống làm rõ sự vô trách nhiệm cùng những khuất tất khác của Viwasuco, và qua việc các đại biểu Quốc hội đề nghị xử lý nghiêm hoặc kiện công ty này, có thể thấy guồng máy chính trị của Việt Nam đang xem xét vụ việc một cách công tâm, không bao che cho người sai phạm.

Trong vụ nhiễm bẩn nước sông Đà, chính quyền thành phố Hà Nội đã bắt tay vào việc kiểm tra, xử lý sự cố chỉ 1 ngày sau khi nhận được thông báo của người dân. Cơ quan chức năng đã gấp rút xét nghiệm mẫu nước, để có kết quả sớm 3 ngày so với thời hạn dự tính. Chính quyền cũng đã điều động các xe bồn để cung cấp nguồn nước thay thế cho người dân. Vì vậy, nhìn một cách công tâm, chính quyền thành phố Hà Nội đã phản ứng khá hiệu quả trong vụ việc, nhờ rút kinh nghiệm từ các sự cố môi trường trước.

Ngoài ra, cần nhớ rằng thủ phạm chính trong vụ này là một nhóm người tham lam. Nếu bạn vì động cơ hoặc bức xúc chính trị mà đổ hết trách nhiệm trong vụ việc cho chính quyền, bạn đang bóp méo sự thật.

Hiện nay, một số NGO – như CHANGE và Thế Hệ Xanh (trực thuộc Live&Learn) – đang cung cấp những hướng dẫn khá chi tiết về cách thức làm sạch không khí, làm sạch nước để ứng phó với các sự cố môi trường. Cư dân Hà Nội nên dành thời gian để tìm hiểu những hướng dẫn hữu ích này, thay vì ngồi than vãn với Mai Quốc Ấn và Mai Phan Lợi.



Chủ đề số 6:
Chán tư hữu hóa để chống độc quyền, ông Nguyễn Quang A đòi công hữu hóa

Trong nửa cuối tháng 10/2019, nhiều tổ chức, cá nhân chống đối đã tận dụng vụ nhiễm bẩn nước sinh hoạt từ nhà máy Sông Đà để công kích Nhà nước và thể chế chính trị của Việt Nam.



1. Các hoạt động công kích Nhà nước

Ngày 16/10, Bạch Huệ (VnEconomy) chỉ ra rằng công ty Gelex của doanh nhân trẻ Nguyễn Văn Tuấn đã dùng thủ thuật để thâu tóm Viwasupco. Ngoài ra, Nguyễn Văn Tuấn cũng thâu tóm cổ phần, để giữ chức vụ quan trọng, tại một loạt các doanh nghiệp từng thuộc sở hữu Nhà nước – như Tổng Công ty Thiết bị điện Việt Nam, Công ty Dây cáp điện Việt Nam, Công ty TNHH Thiết bị điện, Công ty TNHH S.A.S - CTAMAD, Công ty Hạ tầng Fecon, Tổng Công ty Viglacera. Thông tin này khiến dư luận lo ngại rằng Nguyễn Văn Tuấn có ý định độc quyền các ngành kinh doanh điện, nước – tức những ngành “dù khó khăn kinh tế cũng không bị ảnh hưởng”, dẫn đến siêu lợi nhuận.

Nhân đó, nhiều cá nhân chống đối viết rằng Nhà nước đang dung dưỡng cho tư bản độc quyền. Quan điểm này có phần thiếu sức nặng, vì báo chí chính thống chủ động đưa tin về việc Nguyễn Văn Tuấn thâu tóm các doanh nghiệp điện, nước.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang A nói với BBC rằng lẽ ra Nhà nước phải sở hữu những công ty cung cấp các dịch vụ công độc quyền như nước sạch, thay vì tư nhân hóa chúng dưới hình thức cổ phần hóa, vì 2 lý do. Thứ nhất, “một công ty hoạt động chạy theo lợi nhuận, trong một lĩnh vực độc quyền, thì họ sẽ có những động lực lợi ích hoàn toàn khác với mục tiêu của công ty công ích”. Thứ hai, có thể xảy ra “những vụ tham nhũng trong quá trình chuyển tài sản công thành tài sản tư”, khi những người liên quan định giá tài sản khác với mức giá thị trường, hoặc trao những ngành kinh doanh độc quyền cho một nhóm người.

Qua phát biểu này, có thể thấy ông Quang A đang khá lúng túng trong việc tìm giải pháp chống độc quyền. Năm 2010, ông từng nói rằng để chống độc quyền, Nhà nước cần từ bỏ sở hữu công đối với ngành điện:






 2.. Các hoạt động công kích thể chế

Nhiều cá nhân chống đối viết rằng chế độ chính trị của Việt Nam chịu trách nhiệm về các sự cố môi trường trong thời gian qua. Chẳng hạn, Mai Quốc Ấn viết:

“Mật độ biến cố môi trường sẽ tăng, ‘chất lượng’ biến cố môi trường cũng nâng lên. Đến một ngưỡng nào đấy, nhân dân sẽ phải vùng lên đòi lại quyền ‘dân cử’ thật sự của mình. Đó đơn giản là một nhu cầu khách quan không thể nào dừng lại (…) Một trong các cảnh báo tôi đưa ra là nhân dân sẽ chấm dứt chế độ vì ô nhiễm vẫn đang ‘tích tụ’…”.

Xét việc không có cuộc lật đổ nào xảy ra sau vụ Minamata (làm 1.784 người chết) tại Nhật Bản, và thảm họa Bhopal (làm khoảng 15.000 người chết) ở Ấn Độ, có thể thấy Mai Quốc Ấn đã dự đoán hơi vội vã.




Chủ đề số 7:
Phó An My tổ chức đêm nhạc
để “thức tỉnh” ma cây Green Trees

Vào ngày 24/11/2019 sắp tới, nhóm Green Trees, nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên và nhạc công Phó An My sẽ đồng tổ chức một đêm nhạc mang tên “Tỉnh” ở Hà Nội. Dù họ viết rằng đêm nhạc này nhằm mục đích “thức tỉnh cộng đồng” về vấn đề ô nhiễm môi trường, trong quá trình quảng bá sự kiện và kêu gọi tài trợ, họ đã đưa ra nhiều thông điệp kích động quần chúng chống chế độ.

Qua tìm hiểu, được biết Green Trees và Phó An My có quan hệ từ trước, do Đặng Vũ Lượng tham gia quản lý trang bán hàng “Bếp PAM” của My. Ngày 11/05/2019, Phó An My thông báo rằng mình sẽ nghỉ làm “Bếp PAM”, để cùng nhạc sỹ Đặng Tuệ Nguyên chuẩn bị cho đêm nhạc mang tên “Tỉnh”, nhằm “thức tỉnh nhân dân” về vấn đề ô nhiễm môi trường. Theo dự kiến, đêm nhạc sẽ được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM vào tháng 11.




Ngày 24/09, khi trả lời phỏng vấn VOA về cuộc biểu tình “chống biến đổi khí hậu” vừa diễn ra ở TP.HCM, Cao Vĩnh Thịnh nói rằng Green Trees “quyết định tổ chức một chương trình ca nhạc vào tháng 11 ở Hà Nội về chủ đề biến đổi khí hậu, để thông qua con đường âm nhạc chuyển tải thông điệp về môi trường đến tất cả các giới ở thủ đô”.

Sau 4 sự cố môi trường liên tiếp diễn ra quanh khu vực Hà Nội, ngày 21/10, Phó An My thông báo về đêm nhạc của mình với những dòng như sau:

“Sau 3 năm, mùa thu Hà Nội đã chuyển sang sắc màu tím của thuỷ ngân. Màu tím ấy là biểu tượng của sự lãng mạn, của sự thủy chung son sắt. Và ở đâu đó, ở lúc nào đó là sự bầm gan tím ruột trước sự vô cảm, thờ ơ, bàng quan(g) của những đồng bào chẳng may được bình đẳng hơn những đồng bào khác, những người đang duy trì nét đẹp truyền thống ‘Sống chết mặc bay, tiền thày nhét va ly’.”    

“Mùa Thu này, PAM ngồi trong nhà, đeo mặt nạ, tắm khô, nhịn ăn, nhịn uống chỉ ngồi nghĩ nhạc, viết nhạc và tập nhạc. Để làm gì? Để Tỉnh Thức nhân dân chứ còn làm gì nữa. Tỉnh thức đi, môi trường ô nhiễm lắm rồi. Mặt đất, bầu trời, không khí, sông suối, biển cả, đại dương, non cao, lũng thấp… tất cả đang kêu gào Tỉnh Thức”.


Đến ngày 24/10, Green Trees cũng đăng thư mời tài trợ cho đêm nhạc.

Sau khi xem xét sự việc, chúng tôi không dám chắc Phó An My đang tỉnh hay mê. Không mấy khi chúng tôi gặp một vị tự xưng là Bồ Tát hiển hiện để “thức tỉnh nhân dân”, mà dung mạo và lời nói thì như yêu quái. Để thêm phần vi diệu, Bồ Tát này chưa phổ độ đã xin tiền chúng sinh.

Dù vậy, quả thực Phó An My đã khiến chúng tôi sợ hãi trước tình trạng ô nhiễm, ở đây là ô nhiễm thông tin. Chúc bà My thành công trong việc “thức tỉnh” cái xác Green Trees đang chết lâm sàng, để chúng tôi có thêm cơ hội nghiên cứu dạng sống đặc biệt của họ.




Chủ đề số 8:
Phạm Đoan Trang lãi 120 triệu đồng nhờ đợt “tặng sách” dài 2 tháng?

Sau khi Phạm Đoan Trang nhận giải thưởng Tự do Báo chí của tổ chức RSF hôm 13/09/2019, các nhóm hoạt động của Trang đã tiến hành một chiến dịch kêu gọi tài trợ, bắt đầu bằng việc quyên tiền để in sách của Trang, để trả chi phí chữa bệnh cho Trang.

Trong nửa cuối tháng 10, họ tăng tốc chiến dịch này, khi tổng kết các đợt quyên tiền cũ và mở thêm các đợt mới. Cụ thể:




Thời điểm

Mục đích quyên tiền

Kết quả


08/10 – 22/10


Trả chi phí chữa bệnh cho Đoan Trang


12.912 EUR, gấp đôi lượng tiền cần quyên


31/08 – 21/10

In sách của Đoan Trang


4.023 EUR, giúp hoàn thành chương trình tặng 1.000 cuốn “Phản kháng phi bạo lực” và 1.000 cuốn “Cẩm nang nuôi tù”


24/10

Hỗ trợ kinh phí làm phim cho Green Trees


Được một người tên “QT” tài trợ 20 triệu VNĐ


24/10 – 24/11

Tài trợ cho đêm nhạc “Tỉnh”, do Green Trees, Đặng Tuệ Nguyên và Phó An My tổ chức, để “thức tỉnh nhân dân” về vấn đề ô nhiễm môi trường


Chưa có kết quả

Trong quá trình kêu gọi tài trợ, nhóm Đoan Trang đang dùng 2 chiến thuật.

Thứ nhất, họ viết rằng các nhà tài trợ là những người đặc biệt trong xã hội, những người khiến cho “thế giới bộn bề, đầy đau thương” này vẫn còn hy vọng. Chẳng hạn, Trịnh Hữu Long viết:

“Thế giới của chị Đoan Trang cũng bộn bề và nhiều đau khổ, nhưng tuyệt đối không cô độc. Tôi may mắn được chị kể cho nhiều câu chuyện cảm động về những người, thậm chí chẳng hề quen biết, đã hết lòng cưu mang chị lúc khó khăn, bệnh tật như thế nào. Gần đây, khi thấy bạn bè cũ hồi cấp 3 của chị ở trường Hà Nội - Amsterdam kêu gọi nhau (và kêu gọi mọi người) chia sẻ phí tổn khám chữa bệnh cho chị, tôi càng cảm động. Cũng như cách đây mấy tháng mọi người đã làm điều tương tự với Tran Vi, đồng nghiệp của tôi ở Luật Khoa”.

“Làm công việc điều hành Luật Khoa, tôi cũng có những trải nghiệm tương tự. Tôi từng cảm động suýt bật khóc khi nhận được một khoản đóng góp 5 USD của một bạn sinh viên kèm theo tin nhắn (tôi nhớ có thể không hoàn toàn chính xác): ‘Em đang vừa học vừa đi làm, chỉ có nhiêu đây thôi, nhưng là tấm lòng của em. Các anh chị hãy cố gắng nhé!’”.

“Những câu chuyện nhỏ như vậy là chỉ dấu của những niềm hy vọng lớn lao. Nhờ đó mà những người như Đoan Trang hay Thuý Hạnh có niềm tin để bước tiếp, bởi cơn trầm cảm và những thời khắc kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần có thể ập tới bất cứ lúc nào. Tôi thấy mình may mắn được chứng kiến và được sống trong những tình cảm đẹp như vậy...”.

Thứ hai, họ tìm kiếm sự thương hại và tin tưởng của các nhà tài trợ, bằng cách viết rằng mình đã “đổ máu”, chịu đau đớn để tiền tài trợ được sử dụng một cách có ý nghĩa. Chẳng hạn, Đoan Trang viết:

“Khi một shipper mà tôi quen mới đây bị công an giăng bẫy bắt cóc, đem về đồn thẩm vấn, chúng đánh anh hộc máu mũi. Anh nhất định không khai gì theo ý chúng. Chúng đánh anh đến nỗi tờ “biên bản làm việc” lấm chấm, li ti đầy đốm máu. Sách là máu.  Khi tôi viết những dòng này, ngón tay tôi vẫn còn rất đau. Nhưng không đau bằng cảm giác bất lực, thương xót những người vì làm sách mà đổ máu, những độc giả vì đọc sách mà bị công an bắt về đồn đe dọa, khủng bố”.

Chiến dịch quyên tiền này là một thành công đáng ghi nhận của Phạm Đoan Trang. Nó bổ sung đáng kể cho nguồn thu nhập sẵn có của Trang – bao gồm tiền lương biên tập viên Luật khoa Tạp chí (1000 USD/tháng), tiền lương ở VOICE, và thu nhập từ các dự án của Green Trees (đến từ các khoản đầu tư của PIN và NED).

Trái với tưởng tượng của nhiều độc giả, việc in và phát sách miễn phí vẫn mang lại cho Đoan Trang thu nhập. Cụ thể, vì Đoan Trang quyên góp 200 triệu VNĐ để in 2000 cuốn sách, lượng tiền quyên được cho mỗi cuốn sách là 100 nghìn VNĐ, nhỉnh hơn một chút so với giá bán sách trên Amazon. Do chi phí để in và chuyển phát sách mỗi cuốn sách ở Việt Nam là khoảng 40 nghìn VNĐ, Trang lãi khoảng 120 triệu VNĐ nhờ đợt “tặng sách” kéo dài 2 tháng.

Qua các phản hồi trên fanpage “NXB Tự Do”, có thể thấy lượng sách mà Đoan Trang bán được thấp hơn nhiều so với lượng sách mà cô phát không. Như vậy, các đợt phát sách miễn phí làm tăng thu nhập của Đoan Trang, chứ không khiến cô chịu thiệt.

Có lẽ đây chính là lý do khiến Trang chọn phát tán sách in thay vì ebook; dù ebook vừa phù hợp với thời đại Internet, vừa không bị công an ngăn chặn, làm phí máu của đồng đội và tiền tài trợ của nhà hảo tâm.

Dầu vậy, chúng tôi vẫn mong các nhà hảo tâm tiếp tục đổ tiền cho Phạm Đoan Trang. Như Trịnh Hữu Long đã đề cập, tiền của quý vị sẽ tiếp “niềm hy vọng lớn lao” cho Trang, để trong “cơn trầm cảm và những thời khắc kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần”, cô vẫn “có niềm tin để bước tiếp”.




Chủ đề số 9:
Nước Đức quay lại đùm bọc Hoàng Đức Bình sau lần đầu thất bại

Nhận đề nghị của tổ chức “Veto!”, ngày 12/10/2019, Dân biểu Margarete Bause (Phát ngôn viên Khối đảng Xanh về nhân quyền trong Quốc hội Đức) đã nhận bảo trợ cho Hoàng Đức Bình theo chương trình “Dân biểu Bảo vệ Dân biểu”.

Đây là một chương trình của Quốc hội Đức, ban đầu để bảo vệ dân biểu ở các nước mà họ cho là “phi dân chủ”, sau bảo vệ thêm các “nhà hoạt động” về dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự, môi trường… Trong khuôn khổ chương trình, bà Bause sẽ bảo vệ Bình bằng cách lên tiếng với các cơ quan chính quyền Đức, hoặc lên tiếng trong các hoạt động ngoại giao.

Trước đây, “Veto!” cũng từng vận động các dân biểu Đức bảo trợ cho Nguyễn Văn Đài, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Bắc Truyển.

Trong tuần qua, Nguyễn Văn Đài và một số cá nhân chống đối khác đã khai thác sự kiện này để đưa ra 2 thông điệp.

Thứ nhất, họ trích lời Bause để tuyên truyền rằng Hoàng Đức Bình chỉ “hoạt động bảo vệ môi trường”, vì thế vô tội, và Chính phủ Việt Nam đã vi phạm nhân quyền khi bắt Bình.

Thứ hai, họ tuyên truyền rằng giới chống đối trong nước được phương Tây hậu thuẫn, bảo trợ, vì vậy có chính nghĩa, có thế giá và không cô độc.

Nhưng vì sao Hoàng Đức Bình bị bắt và kết án? Ngày 02/04/2017, khi các nhóm Công giáo bất mãn thuộc Giáo phận Vinh đang tiến hành đợt biểu tình, bạo động phản đối Formosa, Hoàng Đức Bình và Bạch Hồng Quyền đã dẫn giáo dân xứ Trung Nghĩa (Thạch Bằng, Lộc Hà, Hà Tĩnh) bao vây, tấn công tổ tuần tra của Công an huyện Lộc Hà và Công an xã Thạch Bằng, làm 1 đồng chí công an bị thương; bao vây, đập phá tài sản nhà trưởng công an xã Thạch Bằng; kéo lên đập phá và đánh chiếm trụ sở Công an huyện, UBND huyện Lộc Hà.

Căn cứ vào kết quả điều tra, ngày 11/05/2017, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam điều tra đối với Hoàng Đức Bình và Bạch Hồng Quyền về tội “Chống người thi hành công vụ”, “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, quy định tại Điều 257, 258 - Bộ luật Hình sự.

Đọc lệnh khởi tố, Bạch Hồng Quyền đăng ảnh này để thách thức công an:


Tuy nhiên, đến ngày 15/05, Hoàng Đức Bình bị bắt, còn Bạch Hồng Quyền phải trốn đi cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan, sau được VOICE giúp sang Canada tị nạn chính trị.

Qua những thông tin trên, có thể thấy Bạch Hồng Quyền không đơn thuần “hoạt động bảo vệ môi trường”, và các quan thầy Âu-Mỹ cũng không thể “đùm bọc” mãi cho giới “dân chửi” Việt Nam.

Thay vì tự hào mỗi lần được cầu cạnh, núp bóng một vài quan chức nước ngoài, các nhà “dân chửi” nên thấy xấu hổ về tình trạng lệ thuộc đó.

Điểm tin Lề trái số 70 xin được kết thúc tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong bản tin tới.





Link tài liệu:

(ấn Ctrl+F rồi tra cứu bằng ngày tháng, nơi đăng tải hoặc các tên riêng)

* Những diễn biến liên quan đến chủ quyền trên Biển Đông:

_ “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri Hà Nội” – 15/10/2019

Trích: “…Đề cập đến quan hệ đối ngoại nói chung, trong đó có vấn đề Biển Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Xử lý mối quan hệ này không đơn giản chút nào. Tính toán lợi ích quốc gia dân tộc, không nhân nhượng bất cứ điều gì vô nguyên tắc, phải giữ vững nguyên tắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, nhưng phải giữ ổn định để phát triển. Đất nước ta có được không khí ổn định, tốt như thế này, phải giữ lấy nó. Phải cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc. Thái độ của Đảng ta đã tuyên bố dứt khoát. Ta rất kiên quyết nhưng cần phải khôn khéo, mềm dẻo, phải xử lý các mối quan hệ hài hòa, biện chứng, toàn diện, với con mắt chiến lược… Giữ đất nước yên bình để tiến lên, nhưng vẫn giữ được độc lập, chủ quyền. Giữ quan hệ cho tốt, nhưng việc gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không bao giờ nhân nhượng"…”.

 baochinhphu.vn/Thoi-su/Tong-Bi-thu-Chu-tich-nuoc-tiep-xuc-cu-tri-Ha-Noi/377469.vgp

_ “Biển Đông : Việt Nam lên án Trung Quốc vi phạm chủ quyền tại hội nghị ASEAN” – Thụy My (RFI), 16/10/2019, 13:40

 vi.rfi.fr/viet-nam/20191016-bien-dong-viet-nam-len-an-trung-quoc-vi-pham-chu-quyen-tai-hoi-nghi-asean

_ “Biển Đông: Trung Quốc lại kêu gọi đối thoại sau khi bị Việt Nam tố cáo” – Thụy My (RFI), 17/10/2019, 16:52

 vi.rfi.fr/viet-nam/20191017-bien-dong-trung-quoc-keu-goi-doi-thoai-sau-khi-bi-viet-nam-to-cao

_ “Việt Nam-EU ký Hiệp định Hợp tác Quốc phòng” – RFA, 18/10/2019

 rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-and-eu-signed-agreement-on-defense-cooperation-10182019083030.html

_ “Quốc hội VN nhóm họp, Biển Đông nằm trong nghị trình” – BBC, 21/10/2019

Trích: “…Ngay trong bài phát biểu trước Quốc hội trong phiên khai mạc sáng 21/10, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng có chia sẻ về tình hình Biển Đông gần đây. Ông Phúc khẳng định việc Việt Nam nhất quán với chủ trương, "những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước."…”.

 bbc.com/vietnamese/vietnam-50120753

_ “Căng thẳng Biển Đông nằm trong nghị trình Quốc hội” – RFA, 21/10/2019

 rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/scs-in-national-assembly-agenda-10212019094144.html

_ “Quốc hội Việt Nam lên án Trung Quốc ‘vi phạm nghiêm trọng chủ quyền’” – VOA, 22/10/2019

 voatiengviet.com/a/quoc-hoi-vn-len-an-tq-vi-pham-chu-quyen-nghiem-trong/5133268.html

_ “Tranh chấp tại bãi Tư Chính: Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế hay đối đầu quân sự?” – RFA, 22/10/2019

Trích: “…Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho biết Việt Nam đã chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc từ sự kiện Bắc Kinh đưa giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5 năm 2014…”; “…Trong hiểu biết của tôi thì trong trường hợp nếu Trung Quốc bây giờ kéo một giàn khoan nào đó hay mấy giàn khoan vào vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như đưa tàu chiến vào để bảo vệ nó thì Việt Nam sẽ phải khởi kiện…”.

 rfa.org/vietnamese/in_depth/which-method-vn-will-face-against-china-in-vanguard-bank-dispute-10222019134941.html



* Hoạt động tuyên truyền về Biển Đông theo hướng của Diễn đàn Xã hội Dân sự:

_ “Hội nghị TƯ11 có đáp ứng được kỳ vọng và hiện tình đất nước?” – BBC, 13/09/2019

 bbc.com/vietnamese/vietnam-50032980

_ “THƯ NGỎ CỦA LÃO TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG VĨNH” – Blog Nguyễn Xuân Diện, 19/10/2019

 xuandienhannom.blogspot.com/2019/10/thu-ngo-cua-lao-tuong-nguyen-trong-vinh.html

_ “Trao đổi tiếp về chuyện Biển Đông” – Vũ Ngọc Hoàng (Viet-Studies), 20/10/2019

Trích: “…Đặc điểm của nước ta đến nay chỉ có một lực lượng chính trị duy nhất là Đảng Cộng Sản đang lãnh đạo. Nếu Đảng thoái hóa và mất hết lòng tin của nhân dân rồi, không còn lãnh đạo được nữa, thì lúc ấy lực lượng nào sẽ lãnh đạo? (Mà đất nước thì không thể không có lãnh đạo chính trị!) Một người bạn đã đặt cho tôi câu hỏi đó. Tôi nghĩ không phải lo như vậy đâu, cuộc sống sẽ tự mở đường. Trong Đảng dù có thoái hóa nữa vẫn còn nhiều người tốt, bộ phận tiên tiến đó cộng với các trí thức chân chính có tâm huyết với dân tộc và nhiều người yêu nước khác…họ sẽ tập họp nhau lại để thực hiện trách nhiệm với Tổ Quốc. Đó là nói trong trường hợp xấu nhất cho hết ý vậy thôi, chứ tôi tin một Đảng chính trị đã được rèn luyện như Đảng CSVN không dễ gì đầu hàng sự thoái hóa của chính mình để nhận lấy thất bại và tan rã.  Khi Đảng CSVN dương cao ngọn cờ dân chủ, đại diện chân chính cho ngọn cờ đó, thúc đẩy thành công sự nghiệp ấy thì tôi tin nhất định nhân dân sẽ ủng hộ Đảng tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo đất nước. (Xin nói thêm, không đồng nhất con đường dân chủ với chế độ đa đảng, mặc dù hai vấn đề đó có mối quan hệ nhất định với nhau - việc này sẽ bàn sau trong một bài khác)…”.

 viet-studies.net/kinhte/VuNgocHoang_TraoDoiThemBienDong.html

_ “Thư ngỏ gửi Quốc hội” – Nguyễn Đình Cống (BVN), 21/10/2019

 boxitvn.blogspot.com/2019/10/thu-ngo-gui-quoc-hoi.html

_ “Hãy từ bỏ chính sách ‘Ba Không’ để liên minh quân sự với Mỹ” – Cù Huy Hà Vũ (BVN), 23/10/2019

 boxitvn.net/bai/66182



* Về việc các cơ quan kiểm duyệt để lọt bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc:

_ ““Người Tuyết bé nhỏ” và “Ròm” - câu chuyện kiểm duyệt ở Việt Nam” – BBC, 14/10/2019

 bbc.com/vietnamese/vietnam-50038276

_ “Vì sao 'Đường lưỡi bò' của TQ nhiều lần lọt lưới kiểm duyệt VN?” – BBC, 18/10/2019

 bbc.com/vietnamese/vietnam-50095098

_ “Do đâu “đường lưỡi bò” vào Việt Nam quá dễ dàng?” – Diễm Thi (RFA), 22/10/2019

 rfa.org/vietnamese/in_depth/why-is-the-nine-dash-appears-in-vietnam-so-easy-dt-10222019142228.html



* Về việc đòi cải tổ Quốc hội:

_ “…Theo tôi, để Quốc Hội thực sự phát huy được hiệu lực, hiệu quả hoạt động và phát huy được vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất thì Quốc Hội phải làm ngay những việc sau…” – Ls. Nguyễn Danh Huế (FB cá nhân), 20/10/2019, 21:06

 facebook.com/Huebat/posts/2763613573672804

_ “Thư ngỏ gửi Quốc hội” – Nguyễn Đình Cống (BVN), 21/10/2019

 boxitvn.blogspot.com/2019/10/thu-ngo-gui-quoc-hoi.html



* Những diễn biến liên quan đến cái chết của ông Lê Hải An:

_ “Thứ trưởng Bộ Giáo dục Lê Hải An chết vì rơi từ tầng 8” – BBC, 17/10/2019

 bbc.com/vietnamese/vietnam-50079666

_ “Người tử tế nhất BGD đã ra đi” – Lê Đình Hiếu (FB cá nhân), 20/10/2019, 22:23

Trích: “…Khi nghe tin anh mất, nhiều nhà giáo, nhà tri thức đã lên tiếng trên mạng với nhiều thuyết âm mưu khác nhau, nhiều người đã nói "sẽ phải tìm ra sự thật của câu chuyện này". Đó có thể là điều đúng cần phải làm. Phần mình, mình chọn sẽ tiếp tục con đường tử tế mà a đã và đang theo đuổi: Cải tổ và xây dựng lại một nền giáo dục đại học xuất sắc cho đất nước. Mỗi năm, 1 triệu bạn trẻ VN rời ghế nhà trường phổ thông - hệ thống đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, và các loại hình đào tạo khác mang 1 sứ mệnh nâng tầm bước chân 1 triệu bạn trẻ này.  Khi người tử tế nhất ra đi, những người khác sẽ phải gắng hết sức để những di sản tử tế mà người trước để lại không thành điều lãng phí””.

 facebook.com/photo.php?fbid=10218876234473070&set=a.10200600485990780&type=3

_ “Hàng ngàn người viếng ông Lê Hải An, dư luận cảm thương, bàng hoàng” – BBC, 21/10/2019          

 bbc.com/vietnamese/vietnam-50125283

_ “Mạng xã hội đòi điều tra rõ cái chết của ông Lê Hải An” – BBC, 23/10/2019

 bbc.com/vietnamese/vietnam-50148880

                                                            

* Những tin đồn rằng ông Lê Hải An bị sát hại:

_ “Có đứa em đang là sinh viên trọ phường Bách Khoa, sáng nay ngồi uống trà đá ở đường Tạ Quang Bửu cạnh bộ giáo dục. Ngõ ngay cạnh nhà Luật Sư Nguyễn Văn Đài, nó bảo khoảng hơn 7h nghe tiếng súng nổ trong bộ giáo dục.  Nghĩ chắc tiếng chạm gì đó, về đọc báo thấy Thứ trưởng Lê Hải An rơi từ tầng 8 xuống, mặc dù phòng làm việc ở tầng 2.  Rơi vậy chứ sáng nay ở phường Bách Khoa ai chẳng nghe tiếng súng nổ. Nghe nói Lê Hải An có trình độ, khả năng thay Nhạ nhiệm kỳ tới…” – Phạm Minh Vũ (FB cá nhân), 17/10/2019, 10:15

 facebook.com/permalink.php?story_fbid=461811924677962&id=100025474742676

_ “…Tháng 2/2019, ông được cử làm Bí thư Đảng ủy Bộ Giáo dục và Đào tạo thay ông Phùng Xuân Nhạ. Theo dự kiến, kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ xem xét phê chuẩn việc ông Lê Hải An làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Và sóng gió đến với ông kể từ đầu năm 2019…” – Trương Châu Hữu Danh (FB cá nhân), 17/10/2019, 10:34

 facebook.com/huudanh.truong.5/posts/2186873221413073

_ “Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An, người vừa mất mạng hôm nay, chính là người đã ký Thông báo ngày 21-8-2019 về việc xem xét kỷ luật 13 công chức tại Bộ Giáo dục và Đào tạo do liên quan đến tiêu cực giáo dục ở Hoà Bình, Sơn La trong Kỳ thi Quốc gia năm 2018. Trong số công chức bị xem xét kỷ luật có cả các quan chức cấp cục, vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.  Tuy nhiên, ngày 9-9-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại huỷ bỏ quyết định xem xét kỷ luật mà ông Lê Hải An ký. (…) Ông An sinh năm 1971, là thứ trưởng Bộ Giáo dục và là Bí thư đảng uỷ Bộ. Nhiều người cho rằng, ông An là nhân sự có thể được quy hoạch.” – Bạch Hoàn (FB cá nhân), 17/10/2019, 13:35

 facebook.com/bachhoanvtv24/posts/2486532168260690

_ “Ai giết chết Thứ trưởng Lê Hải An?” – Hồng Hà (Tiếng Dân), 18/10/2019

Trích: “…Lê Hải An có tên trong danh sách quy hoạch 200 nhân sự của Ban chấp hành Trung ương khoá 13. Lê Hải An cũng là ứng viên sáng giá, được xem là sẽ truất ghế Bộ trưởng của Phùng Xuân Nhạ, kẻ bất tài dị tướng, vào mùa xuân 2021…”.

 baotiengdan.com/2019/10/18/ai-giet-chet-thu-truong-le-hai-an/

_ “NHỮNG LÝ DO LÊ HẢI AN PHẢI CHẾT!” – Phạm Minh Vũ (FB cá nhân), 21/10/2019, 12:10

 facebook.com/permalink.php?story_fbid=465234627669025&id=100025474742676

_ “ĐỪNG MONG GÌ!” – Mạc Văn Trang (FB cá nhân), 22/10/2019, 11:33

 facebook.com/photo.php?fbid=805985026528766&set=a.359645271162746&type=3

_ “Phản biện Tại sao nhà văn Phạm Thành xúc phạm gia đình Thứ trưởng Lê Hải An ?” – Nguyễn Anh (Cánh Cò), 22/10/2019, 11:44

 canhco.net/nha-van-pham-thanh-cha-dap-xuc-pham-gia-dinh-thu-truong-le-hai-an-p329549.html

_ “…Nếu nói PGS An bị hãm hại vì kí quyết định kỉ luật 13 công chức cao cấp của bộ, thì nhiều người chẳng hiểu gì về cách hoạt động của bộ máy nhà nước, cũng như của Đảng Cộng sản Việt Nam - chủ thể mà họ thường xuyên bêu riếu. Chữ kí của PGS An là cụ thể hóa nghị quyết của Đảng ủy, nơi ông cũng chỉ có một phiếu. Người ta không thể đẩy hết cả Đảng ủy Bộ Giáo dục ngã từ tầng 8 xuống được.” – Lương Lê Minh (FB cá nhân), 22/10/2019, 14:10

 facebook.com/photo.php?fbid=1937005953068673&set=a.349342451835039&type=3&permPage=1



* Những bài viết rằng guồng máy chính trị của Việt Nam không có chỗ cho người tài đức;

_ “"Cú ngã" của Thứ trưởng và "trí thức tinh hoa" gặp khó” – Hoàng Trúc (FB cá nhân), 19/10/2019

 bbc.com/vietnamese/forum-50109010

_ “…Nhưng cho dù sự thật có là thế nào thì đó cũng là một điều thật đáng buồn không chỉ cho anh An và gia đình anh, mà còn cho cả những hy vọng vào những thay đổi thực sự, đột phá trong hệ thống, vào sự tham chính của những con người vừa có tài vừa có tâm trong chính quyền. Và thêm vào một sự xói mòn của cái vốn xã hội quan trọng nhất đang bị đổ vỡ ở Việt Nam- đó là lòng tin…” – Linh Hoang Vu (FB cá nhân), 22/10/2019, 14:15

 facebook.com/linhvuh/posts/10156550609577791



* Những diễn biến liên quan đến việc nước sinh hoạt của Viwasupco bị nhiễm bẩn:

_ “Vụ nước ô nhiễm dầu thải: "Cty nước Sông Đà phát hiện nhưng không báo cáo"” – Báo Lao Động, 15/10/2019, 16:54

 laodong.vn/moi-truong/vu-nuoc-o-nhiem-dau-thai-cty-nuoc-song-da-phat-hien-nhung-khong-bao-cao-760369.ldo

_ “Bí ẩn nhóm đại gia sở hữu công ty nước sạch Sông Đà” – Bạch Huệ (VnEconomy), 16/10/2019, 08:14

Trích: “…Hiện đại gia trẻ này nắm nhiều chức vụ gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam, Chủ tịch Công ty Dây cáp điện Việt Nam, Chủ tịch  Công ty TNHH Thiết bị điện, Phó chủ tịch Công ty TNHH S.A.S - CTAMAD, Phó Chủ tịch Công ty Hạ tầng Fecon.   Mới đây nhất, nhóm của đại gia trẻ này còn thực hiện cuộc thâu tóm Tổng công ty Viglacera khi liên tục gom cổ phần thoái vốn tại Bộ Xây dựng. Ông Tuấn sau đó cũng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Viglacera.  Với tiềm lực tài chính mạnh, khẩu vị đầu tư chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu như điện, nước… những ngành dù khó khăn kinh tế cũng không bị ảnh hưởng này đã gia tăng khối tài sản của nhóm này lên tới hàng chục nghìn tỷ…”.

 vneconomy.vn/bi-an-nhom-dai-gia-so-huu-cong-ty-nuoc-sach-song-da-20191015220332973.htm

_ “Sự cố mùi lạ và câu hỏi nguồn gốc Cty nước sạch Sông Đà” – BBC, 16/10/2019

 bbc.com/vietnamese/vietnam-50072172

_ “Ai đổ chất dầu thải xuống sông Đà?” – BBC, 20/10/2019

 bbc.com/vietnamese/vietnam-50114091

_ “Dầu thải vào nguồn nước sông Đà 'bị xuất chui'” – Gia Chính (VnExpress), 21/10/2019, 16:06

 vnexpress.net/thoi-su/dau-thai-vao-nguon-nuoc-song-da-bi-xuat-chui-3999972.html

_ “Có thể khởi kiện nước sạch sông Đà, yêu cầu bồi thường” – Luân Dũng (Tiền Phong), 21/10/2019, 15:10

 tienphong.vn/xa-hoi/co-the-khoi-kien-nuoc-sach-song-da-yeu-cau-boi-thuong-1477651.tpo

_ “Đại biểu Quốc hội yêu cầu xử lý nghiêm Công ty Nước sạch sông Đà” – Anh Lê (VietTimes), 21/10/2019, 19:40

 viettimes.vn/dai-bieu-quoc-hoi-yeu-cau-xu-ly-nghiem-cong-ty-nuoc-sach-song-da-370337.html



* Những bài gây hoảng loạn về vụ nguồn nước của Viwasupco bị nhiễm bẩn:

_ “ĐI ĐÂU VÀ VỀ ĐÂU?” – Đỗ Cao Cường (FB cá nhân), 15/10/2019, 22:29

 facebook.com/docaocuonglieu/posts/2571803076220030



* Những tin đồn rằng có người cố tình đổ dầu vào nguồn nước của Viwasupco:

_ “Bằng 5 từ, hãy trả lời giúp VOV câu hỏi này!” – Mai Phan Lợi (FB), 19/10/2019, 19:17

 facebook.com/groups/1227137114113595/permalink/1259160714244568/

_ “Chắc gì thằng này đã chủ mưu, ai thuê nó?” – Mai Phan Lợi (FB), 20/10/2019, 14:32

 facebook.com/groups/1227137114113595/permalink/1260019160825390/

_ “ĐẰng sau “Nữ giám đốc tên Trang” là ai? Trang là chủ mưu hay doanh nghiệp/người được thuê? 2/3 người bị bắt và ra đầu thú ở Bắc Ninh. Công ty của Trang có liên hệ gì với Nhà máy nước sông Đuống của Shark Liên?” – Trần Song Hào (FB), 20/10/2019, 21:59

 facebook.com/groups/1227137114113595/permalink/1260360127457960/



* Về trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội trong vụ nhiễm bẩn nguồn nước của Viwasupco:

_ “Hà Nội: Sau ô nhiễm không khí đến nạn nước 'mùi lạ'” – BBC, 15/10/2019

Trích: “…Báo chí Việt Nam nêu thẳng nhiều vấn đề như "sông chết, phố xá ngập lụt", "mất nhiều đất công lại còn ngập trong nợ nần" của Hà Nội.  Sang năm 2019, đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng chưa từng có xảy đến với Hà Nội gần đây gây hoang mang cho dự luận Việt Nam và đặt câu hỏi về năng lực của chính quyền và lãnh đạo đô thị này.  Cùng lúc, lãnh đạo Việt Nam và Hà Nội vẫn đang muốn thành phố "có lộ trình phát triển công nghiệp 4.0 và phấn đấu trở thành thành phố thông minh"…”.

 bbc.com/vietnamese/vietnam-50059009

_ “Chính quyền sạch ở đâu khi nước bẩn?” – Hoàng Trúc (BBC), 17/10/2019

 bbc.com/vietnamese/forum-50082426

 _ “Ai yêu nước nhất??” – Biếm họa của Ly Cu Tê (FB cá nhân), 17/10/2019, 11:22

 facebook.com/photo.php?fbid=1695375680596075&set=a.237181673082157&type=3

_ “Hà Nội: Không có gì và không một ai” – Đỗ Cao Cường (FB cá nhân), 17/10/2019, 22:00

 facebook.com/docaocuonglieu/posts/2576604485739889

_ “Hà Nội công bố chất lượng nước sạch sông Đà dựa trên quy chuẩn hết hiệu lực” – Mai Phan Lợi, 22/10/2019, 19:28

 facebook.com/groups/1227137114113595/permalink/1262275407266432/



* Về trách nhiệm của Nhà nước trong vụ nhiễm bẩn nguồn nước của Viwasupco:

_ “ĐỘC QUYỀN NƯỚC SẠCH” – Dinh Thuong (group “Tiếng nói của nạn nhân mắc bệnh do môi trường không an toàn”), 16/10/2019, 11:25

 facebook.com/groups/1227137114113595/permalink/1256060164554623/

_ “Nước Hà Nội nhiễm bẩn và trách nhiệm của chính quyền” – BBC, 17/10/2019

 bbc.com/vietnamese/vietnam-50066196

                                                              

* Về trách nhiệm của thể chế chính trị trong vụ nhiễm bẩn nguồn nước của Viwasupco:

_ “ỔN ĐỊNH CHÍNH TRỊ” – Mai Quốc Ấn (FB cá nhân), 17/10/2019, 07:00

 facebook.com/quocan.mai/posts/10214307403671495



* Không khí thất vọng, chán chường do vụ nhiễm bẩn nguồn nước của Viwasupco:

_ “…Thật ra, khủng hoảng nước sạch lần này chỉ là giọt nước tràn ly, thúc đẩy sự bi phẫn của đa số nhân dân, cũng như sự bi phẫn của cá nhân mình - trước thái độ ứng xử của chính quyền. Sự bi phẫn đó được tiếp sức bằng những hiểu biết pháp lý cá nhân, rằng đáng lẽ ra phải là thế này, phải như thế kia, càng gây cho mình một cảm giác khó chịu. (…) Để công phá những cái lô cốt cố thủ đó, cách duy nhất là củng cố niềm tin của nhân dân vào một chính quyền mạnh và có hiệu quả. Với tất cả sự tôn trọng, mình đi học luật, không phải để chứng kiến người ta đổi tên Hà Nội thành Tập đoàn tác chiến đồng bằng sông Hồng…”. – Lương Lê Minh (FB cá nhân), 17/10/2019, 12:04

 facebook.com/photo.php?fbid=1927434424025826&set=a.349342451835039&type=3

_ “Các yếu nhân nhà mình đã đi sơ tán. Việc thì lúc nào cũng nhiều nhưng mình chán rồi. Lần đầu tiên trong 10 năm qua, kể cả những lúc áp lực lớn nhất, mình chưa bao giờ chán, mà bây giờ mình chán như con gián... tối nay có ai rảnh rủ mị đi chơi ko?!” – Nghiêm Hoa (FB cá nhân), 17/10/2019, 12:48

 facebook.com/florainutopia/posts/10157639991452463?notif_id=1571291310479072&notif_t=notify_me



* Về đêm nhạc “Tỉnh” của Phó An My và Green Trees:

_ “Tỉnh Thức cùng Bếp PAM” – Bếp PAM (trang FB), 11/05/2019, 16:14

Trích: “…Và Bếp PAM định tạm dừng bún ốc để làm con người Tỉnh - AWAKENNING - về những thân phận nhỏ nhoi trong bão tố, trong gió mưa, trong lụt lội, trong cá chết vì đuối nước, trong cây đổ vì mưa to, trong sông ngòi khô héo, trong giá điện tăng cao, trong nước uống trong veo hạt vi nhựa, trong công nghiệp luyện kim hệ hô hấp, trong sự nghiệp ung thư hoá quốc gia... Nói túm lại là Bếp PAM tạm cho quần chúng ngừng ăn để Thức Tỉnh.  Bếp PAM cho đi tất cả, không để mong nhận được gì. Tấm lòng của Bếp PAM như Bồ Tát, chỉ biết cho, cho, cho và cho. Nếu có muốn nhận, Bếp PAM xin nhận một vài Nhà Tài Trợ họ Mạnh, tên Quân, đệm là Thường…”.

 facebook.com/BepPAM/posts/2170482859739117

_ “Tuần hành vì môi trường ở Việt Nam có thể bị xem là chống đối?” – Ngọc Lễ (VOA, 24/09/2019

Trích: “…’Riêng đối với Green Trees, trong bối cảnh các thành viên chúng tôi bị bắt bớ liên tục, việc tổ chức kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường là rất rủi ro. Đó có thể là cái cớ để họ gán cho chúng tôi những tội danh như xúi giục, gây rối trật tự an ninh quốc gia,’ bà Thịnh trăn trở.  Do đó, bà cho biết tổ chức của bà quyết định tổ chức một chương trình ca nhạc vào tháng 11 ở Hà Nội về chủ đề biến đổi khí hậu để ‘thông qua con đường âm nhạc nhằm chuyển tải thông điệp về môi trường đến tất cả các giới ở thủ đô.’…”.

 voatiengviet.com/a/tu%E1%BA%A7n-h%C3%A0nh-v%C3%AC-m%C3%B4i-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-%E1%BB%9F-vi%E1%BB%87t-nam-c%C3%B3-th%E1%BB%83-b%E1%BB%8B-xem-l%C3%A0-ch%E1%BB%91ng-%C4%91%E1%BB%91i-/5095547.html

_ “ĐỒNG BÀO CHÚ Ý! ĐỒNG BÀO CHÚ Ý!” – Bếp PAM (trang FB), 21/10/2019, 12:18

Trích: “…Mùa Thu này, PAM ngồi trong nhà, đeo mặt nạ, tắm khô, nhịn ăn, nhịn uống chỉ ngồi nghĩ nhạc, viết nhạc và tập nhạc. Để làm gì? Để Tỉnh Thức nhân dân chứ còn làm gì nữa. Tỉnh thức đi, môi trường ô nhiễm lắm rồi. Mặt đất, bầu trời, không khí, sông suối, biển cả, đại dương, non cao, lũng thấp… tất cả đang kêu gào Tỉnh Thức…”.

 facebook.com/watch/?v=557913011684847

_ “THƯ MỜI TÀI TRỢ Đêm diễn âm nhạc vì môi trường " TỈNH" ("AWAKE")” – Green Trees (trang FB), 24/10/2019, 00:16

 facebook.com/greentreesVN/posts/819904068412820?__tn__=-R



* Về việc quyên tiền giúp Đoan Trang chữa bệnh:

_ “…Tính đến hôm nay, ngày 22/10/2019, tròn 15 ngày sau khi lời kêu gọi "Chung tay giúp đỡ Phạm Đoan Trang" được gửi tới cộng đồng, đã có tổng cộng 12912 euro được ủng hộ với mục đích giúp đỡ Đoan Trang các chi phí điều trị, giúp Đoan Trang vượt qua nhiều khó khăn trong giai đoạn này…” – Ngọc Anh Rolland (FB cá nhân), 23/10/2019, 05:00

 facebook.com/ngocanh.rolland/posts/2998034023544463



* Về việc quyên tiền để in sách của Đoan Trang:

_ “WHAT A WONDERFUL WORLD” – Trịnh Hữu Long (FB cá nhân), 15/10/2019, 10:28

 facebook.com/longtrinh.vietnam/posts/10215804781617089

_ “KHI TÔI NÓI SÁCH LÀ MÁU...” – Phạm Đoan Trang (FB cá nhân), 19/10/2019, 00:31

 facebook.com/pham.doan.trang/posts/10157957944358322

_ “…Tính từ ngày 31/8 đến hôm nay 21/10/2019, sau 1 tháng 21 ngày kể từ khi ra lời kêu gọi “HÃY GIÚP ĐỘC GIẢ VIỆT NAM CÓ SÁCH”, Nhà xuất bản Tự Do đã nhận được tổng số tiền hỗ trợ lên đến 4.023 euro, qua quỹ GoFundMe…” – Nhà xuất bản Tự Do (trang FB), 23/10/2019, 13:52

 facebook.com/NhaxuatbanTuDo/posts/1005327469846194?__tn__=-R



* Về việc quyên tiền cho Green Trees (chi phí làm phim và đêm nhạc):

_ “THƯ MỜI TÀI TRỢ Đêm diễn âm nhạc vì môi trường " TỈNH" ("AWAKE")” – Green Trees (trang FB), 24/10/2019, 00:16

 facebook.com/greentreesVN/posts/819904068412820?__tn__=-R

_ “WE ARE NOT ALONE!” – Green Trees (trang FB), 24/10/2019, 21:27

 facebook.com/greentreesVN/photos/a.140460889690478/820658891670671/?type=3&__tn__=-R



* Về việc chương trình “Dân biểu Bảo vệ Dân biểu” bảo trợ cho Hoàng Đức Bình:

_ “Phát ngôn viên Khối đảng Xanh về nhân quyền trong Quốc hội Liên bang Đức bảo trợ cho Hoàng Đức Bình” – Thục Quyên (VNTB), 13/10/2019

 boxitvn.net/bai/65900

_ “Chương trình “Dân biểu bảo vệ dân biểu” của Quốc hội CHLB Đức với tù nhân lương tâm Việt Nam” – Nguyễn Văn Đài (RFA), 15/10/2019 

 rfa.org/vietnamese/news/blog/ger-par-spon-hb-10152019094633.html



No comments:

Post a Comment