Wednesday, November 20, 2019

Điểm tin lề trái số 72: Phong trào tẩy chay Thành Long: tin giả + Hong Kong + chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi?


 Chào các bạn. Đây là chương trình Điểm tin Lề trái số 72, soạn vào ngày Chủ nhật, 10/11/2019. Chúng tôi sẽ điểm lại những chủ đề nổi bật của dư luận lề trái trong 2 tuần vừa qua, và chỉ ra những sự thật thú vị về chúng mà các bạn chưa chú ý.

(CLICK VÀO ĐÂY để tra cứu các bản tin cũ)


Chủ đề số 1:
Không thể chỉ yêu nước bằng mồm


Cuối tháng 10, đầu tháng 11/2019, xung đột trên Biển Đông tiếp tục nóng lên do động thái từ 3 phía – là Trung Quốc, Quốc hội Việt Nam và Bộ Ngoại giao Việt Nam

Cụ thể, về phía Trung Quốc, từ ngày 25/10 đến đầu tháng 11, họ cho hai tàu khảo sát Hải Dương 618 và Hải Dương 620 xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có lúc chỉ cách bờ biển Quảng Bình khoảng 65 km. Cả 2 tàu này đều có nhiệm vụ hỗ trợ cho việc hạ, đặt dàn khoan dầu khí, nên khiến dư luận Việt Nam lo ngại.

Ngoài ra, ngày 02/11, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tiếp nhận thông tin rằng ngư dân Nguyễn Ngọc Khởi bị một chiếc tàu chưa rõ của nước nào tấn công bằng súng, dẫn đến tử vong. Hiện Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang phối hợp với Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Kiên Giang tiếp tục làm rõ vụ việc. Dù nội tình chưa rõ ràng, nhiều bộ phận trong dư luận phi chính thống đã đồn đại rằng thủ phạm là tàu Trung Quốc.

Về phía Quốc hội Việt Nam, sau khi Quốc hội họp kín về tình hình đối ngoại vào ngày 28/10, đến ngày 31/10, Đại biểu Dương Trung Quốc đã đề nghị không họp kín về vấn đề Biển Đông, không “né tên Trung Quốc” khi nói về Biển Đông; còn Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Về phía Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11, tổ chức tại Hà Nội hôm 06/11, Thứ trưởng Lê Hoài Trung đã nói Việt Nam không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc.

Trong 2 tuần qua, giới chống đối đã tận dụng các diễn biến trên để tuyên truyền theo 3 hướng.

Thứ nhất, họ viện dẫn phát biểu của 2 ông Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Hiếu để tiếp tục đòi Nhà nước Việt Nam kiện Trung Quốc và họp công khai về vấn đề Biển Đông, như họ đã làm trong chiến dịch vận động kéo dài từ tháng 7 đến nay.

Thứ hai, họ công kích rằng Chính phủ Việt Nam “hèn nhát”, “bán nước” nên không dám nhắc tên Trung Quốc và sự kiện Tư Chính trong các sinh hoạt nghị trường ở Việt Nam.

Thứ ba, liên quan đến thông điệp vừa nêu, họ đang tập trung công kích cá nhân 3 lãnh đạo – là Trung tướng Trần Việt Khoa (Giám đốc Học viện Quốc phòng) và Đại tướng Ngô Xuân Lịch (Bộ trưởng Quốc phòng), và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Những người công kích nổi bật và lập luận của họ được thể hiện trong bảng sau:



Người bị công kích
Căn cứ để công kích
Người công kích
Trần Việt Khoa
_ Khi phát biểu về vấn đề Biển Đông trong buổi họp Quốc hội sáng 30/10, ông Khoa và ông Lịch chỉ dùng cụm từ “nước ngoài” để ám chỉ Trung Quốc, thay vì gọi thẳng tên Trung Quốc.
_ VNTB (Phạm Chí Dũng, Thường Sơn)
_ Một số nhà nghiên cứu về Biển Đông (Đinh Kim Phúc, Hoàng Việt)
Ngô Xuân Lịch
_ Câu nói của ông Lê Mã Lương, rằng ông Lịch không biết đọc bản đồ thực địa.
_ Khi đến dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 hồi tháng 10, ông Lịch không nhắc đến vấn đề bãi Tư Chính.
_ Khi phát biểu về vấn đề Biển Đông trong buổi họp Quốc hội sáng 30/10, ông Khoa và ông Lịch chỉ dùng cụm từ “nước ngoài” để ám chỉ Trung Quốc, thay vì gọi thẳng tên Trung Quốc.
Nguyễn Xuân Phúc
_ Khi phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN 35, diễn ra ở Thái Lan đầu tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ nói rằng “có những vụ việc nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra trên vùng biển khu vực và Việt Nam, tuy mới chấm dứt gần đây nhưng để lại những bài học sâu sắc cho ASEAN”, chứ không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc và sự kiện Tư Chính.
_ VNTB
_ Lưu Trọng Văn


Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 3 ý kiến.

Thứ nhất, dư luận cần phân biệt rạch ròi giữa Chính phủ Việt Nam và các quan chức Việt Nam. Trong 3 tháng vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã dùng các tuyên bố ngoại giao và các sự kiện quốc tế để mạnh mẽ lên án hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Cần lưu ý rằng trong ASEAN, Việt Nam là quốc gia duy nhất còn thể hiện rõ ý định ngăn chặn các hành vi phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông; trong khi một loạt các nước đa đảng, bao gồm cả Philippines, đã ngậm miệng. Trong khi các phát ngôn của Bộ Ngoại giao đại diện cho Chính phủ, phát ngôn của các quan chức chỉ đại diện cho riêng bản thân họ, và họ tự chịu trách nhiệm trước dư luận về những gì mình nói.

Thứ hai, Việt Nam không thể ngăn chặn Trung Quốc bằng mồm. Việt Nam chỉ giữ được độc lập nếu gia tăng thực lực. Trong thực tế, thực lực của Việt Nam đã gia tăng ít nhiều trong thời gian qua, nhờ chống tham nhũng, tinh giản bộ máy và tăng cường hợp tác với ASEAN, EU và Mỹ trên cả phương diện đối ngoại, kinh tế lẫn an ninh. Để đánh giá nỗ lực bảo vệ chủ quyền của Chính phủ Việt Nam, dư luận cần nhìn lại cả quá trình này, thay vì chỉ dựa vào phát ngôn của một vài quan chức.

Thứ ba, trước khi phê bình người khác, giới “dân chửi” nên tự nhìn lại mình. Kể từ năm 2011 đến nay, 2019 là năm đầu tiên mà họ không phát động được một cuộc biểu tình lớn nào ít nhiều liên quan đến Trung Quốc. Liệu đây có phải là biểu hiện của sự “hèn nhát”, “bán nước” và “vô cảm trước thời cuộc”, như cách lập luận thường dùng của giới “dân chửi” không?

Nếu giới “dân chửi” đã hiểu rằng không có thực lực thì không thể hành động, họ không nên phá ngang khi Chính phủ Việt Nam đang tập trung nâng cao thực lực.

Chủ đề số 2:
Phong trào tẩy chay Thành Long:
tin giả + Hong Kong + chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi?

Ngày 10/11/2019, tổ chức Operation Smile (chuyên phẫu thuật hàm ếch miễn phí cho trẻ em) sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm hoạt động ở Việt Nam. Ngày 03/11, họ đăng một poster cho biết diễn viên Thành Long, “Đại sứ Nụ cười” của tổ chức này, sẽ đến Việt Nam để dự sự kiện. Khoảng sáng 07/11, giới chống đối đã đồng loạt phát động một phong trào “tẩy chay Thành Long”, tẩy chay lễ kỷ niệm, với lý do Thành Long nằm trong số các diễn viên từng viết status ủng hộ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngày 08/11, sau khi bị nhiều người vào fanpage chửi bới, đe dọa, Operation Smile đã phải rút tên Thành Long khỏi lễ kỷ niệm, đồng thời thay poster có ảnh Thành Long bằng một poster khác.

Cùng ngày 08/11, nhiều website và fanpage, thuộc các luồng quan điểm khác nhau, đã đưa tin rằng không có bằng chứng cho thấy Thành Long từng tuyên bố ủng hộ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Chẳng hạn, BBC viết:

“Mạng xã hội và cả báo chính thống của Việt Nam đều chia sẻ thông tin Thành Long bị tẩy chay là do ông từng ủng hộ Đường lưỡi bò của Trung Quốc trên trang cá nhân, nhưng không thấy có ảnh chụp màn hình hay đường dẫn tới chia sẻ nói trên của Thành Long.

Trong khi đó, trang Hongkongfp từng cho hay sau vụ Trung Quốc thua kiện Philippines trước Tòa trọng tài quốc tế liên quan đến chủ quyền trên Biển Đông năm 2016, Thành Long bị cộng đồng mạng Trung Quốc chỉ trích vì ông không lên tiếng ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh như các nghệ sỹ khác”.

BBC lưu ý rằng trong năm 2019, Thành Long đã nhiều lần phát biểu theo hướng ủng hộ chính quyền Trung Quốc, phản đối phong trào biểu tình, bạo động ở Hong Kong. Chẳng hạn, sau khi người biểu tình Hong Kong đốt và vứt cờ Trung Quốc xuống biển, Thành Long tham gia chiến dịch “1,4 tỷ người gác cờ” để  thể hiện lòng yêu nước với tư cách là một công dân Hong Kong và Trung Quốc. Từ đó, họ ám chỉ rằng những người phản đối đã nhầm phát biểu của Thành Long về Hong Kong với phát biểu của Thành Long về chuyện Biển Đông.

Dù không rõ thông tin sai sự thật về Thành Long xuất phát từ nguồn nào, một số gương mặt ủng hộ phong trào biểu tình Hong Kong – như Ann Đỗ (admin fanpage “Phong trào Dù vàng Hong Kong”) và Lê Thế Thắng (admin fanpage “Báo Sạch”) – đã tham gia dư luận tẩy chay từ khá sớm, và góp phần quan trọng khiến nó lan rộng.

Cùng thời điểm, giới chống đối cũng tung một tin giả tương tự, rằng diễn viên Châu Nhuận Phát đã bị cấm đóng phim ở Trung Quốc vì “công khai không ủng hộ đường lưỡi bò”, trong khi thực ra anh này bị cấm vì ủng hộ đợt biểu tình ở Hong Kong.





Sau khi tin giả bị lật tẩy, Lê Thế Thắng chống chế rằng Thành Long vẫn ủng hộ đường lưỡi bò của Trung Quốc dù không nói ra. Lý do là Thành Long từng được bầu vào Hội nghị Tư vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc , chuyên tư vấn cho chính phủ về chiến lược quảng bá văn hóa Trung Quốc ra nước ngoài; và một trong những sản phẩm của chiến lược này là phim “Chiến dịch Biển Đỏ”, có đoạn nói Biển Đông là của Trung Quốc.

 Trong khi đó, giới chống đối tiếp tục kêu gọi “tẩy chay tất cả” 110 diễn viên Trung Quốc từng ủng hộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuấn Khanh viết rằng những gì xảy ra với Operation Smile “là bài học” cho những cá nhân và tổ chức “không quan tâm đến chính trị”.

Như vậy, giới chống đối đã thành công trong việc tận dụng lòng hận thù của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nhằm phát động một chiến dịch tẩy chay văn hóa có ảnh hưởng đến cộng đồng mạng Việt Nam. Dù chiến dịch này không trực tiếp hướng sự công kích đến Nhà nước, nó vẫn đáng chú ý vì đặc điểm vừa nêu, và vì quan hệ giữa nó với cuộc cách mạng đường phố ở Hong Kong; trong bối cảnh các xung đột ở cả Biển Đông lẫn Hong Kong sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp.

Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 3 ý kiến.

Thứ nhất, nói gì thì nói, việc Thành Long ủng hộ đường lưỡi bò là không có thật, và việc Châu Nhuận Phát phản đối đường lưỡi bò cũng là không có thật. Qua việc giới “dân chửi” kéo dài phong trào tẩy chay Thành Long sau khi tin giả đã bị bác bỏ, thay vì xin lỗi dư luận và tổ chức Operation Smile, có thể thấy họ đang theo đuổi một thứ chính trị mị dân và dối trá. Thay vì đấu tranh cho sự thật, sự công bằng và nhân tính trong xã hội, họ sẵn sàng lừa dối độc giả, đồng đội và chính bản thân mình, chỉ để duy trì một đám đông hận thù. Fanpage nói dối của Lê Thế Thắng nên đổi tên từ Báo Sạch thành Bách Xạo, và phong trào “dân chửi” không còn tư cách sử dụng những cụm từ như “thức tỉnh” hay “khai dân trí”.

Thứ hai, nếu nhìn lại toàn bộ câu chuyện, bạn sẽ thấy nó rất buồn cười. Một người Trung Quốc yêu nước phải ca ngợi những diễn viên ủng hộ đường lưỡi bò, và tẩy chay những diễn viên không ủng hộ đường lưỡi bò của Trung Quốc. Tương tự, một người Việt Nam yêu nước phải tẩy chay những diễn viên ủng hộ đường lưỡi bò, và ca ngợi những diễn viên không ủng hộ đường lưỡi bò của  Trung Quốc, đồng thời hô hào “thoát Trung”. Cứ làm đi, bạn chẳng bao giờ “thoát Trung” được nếu bạn suy nghĩ và hành xử giống hệt người Trung Quốc.

Thêm nữa, tẩy chay văn hóa vì lý do chính trị không làm cho người Việt Nam hay người Trung Quốc trở nên vĩ đại, nó hạ thấp cả hai dân tộc xuống mức tầm thường. Những dân tộc khinh thường và thiếu hiểu biết về nhau sẽ tiếp tục xâm phạm nhau; độc lập và hòa bình chỉ có giữa những dân tộc biết trân trọng di sản, tài năng của bản thân và người khác.





Thứ ba, như lời bà Phạm Thanh Vân (thành viên Dự án Đại Ký sự Biển Đông), Việt Nam không thể chỉ ngăn chặn các sản phẩm của Trung Quốc,  mà còn phải chủ động tạo ra các sản phẩm của mình. Chừng nào Việt Nam chưa có những diễn viên và cố vấn điện ảnh ngang ngửa Thành Long, thì trong mặt trận văn hóa, Việt Nam sẽ vẫn ở thế thụ động so với Trung Quốc:





 



Chủ đề số 3:
Bùi Thanh Hiếu, Bạch Hoàn và Báo Sạch
phối hợp tung tin đồn về vụ nhiễm bẩn nước Sông Đà?

Trong tháng 10/2019, vụ đổ trộm dầu thải vào nguồn nước của Nhà máy Sông Đà, khiến nước sinh hoạt của 18% dân số Hà Nội bị nhiễm bẩn, đã thu hút sự chú ý của dư luận Việt Nam. Nhân đó, từ ngày 19 đến ngày 21/10, Mai Phan Lợi và Trần Song Hào đã tung tin đồn rằng Nhà máy Nước Sông Đuống thuê người đổ dầu vào nguồn nước của Nhà máy Sông Đà, để cạnh tranh không lành mạnh. Ngày 29/10, Bùi Thanh Hiếu, Bạch Hoàn và nhóm Báo Sạch đồng loạt tham gia hướng tuyên truyền này, khi tung tin rằng Nhà máy Sông Đuống đã dàn dựng vụ đổ dầu thải để hạ uy tín Nhà máy Sông Đà, đồng thời tạo cớ cho UBND thành phố Hà Nội tăng giá nước sinh hoạt, để mua nước của mình với mức giá cao. Hướng tuyên truyền này nóng lên trong tuần đầu của tháng 11, khi báo chí chính thống đưa tin rằng 34% cổ phần của Công ty Sông Đuống thuộc sở hữu của một tỷ phú Thái Lan, đồng thời tài liệu chào bán cổ phần của công ty này xuất hiện trên Internet.



a. Diễn biến của vụ việc

Tháng 07/2017, Hà Nội đã chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án Nhà máy Nước sạch Sông Đuống, để triển khai thực hiện dự án nhà máy này. Theo đó, giá nước tối đa của Nhà máy Sông Đuống là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT), cao gần gấp đôi so với giá nước của Nhà máy Sông Đà vào thời điểm đó.

Tháng 02/2018, liên ngành Tài chính - Xây dựng - Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội kiến nghị UBND thành phố điều chỉnh giá nước trên địa bàn, để phù hợp với chi phí sản xuất nước khi Nhà máy nước mặt sông Hồng, Nhà máy Nước mặt sông Đuống và dự án Nước mặt sông Đà giai đoạn II đi vào hoạt động.

Ngày 06/09/2019, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà cho biết Sở đã có văn bản báo cáo UBND Thành phố về kế hoạch, lộ trình thực hiện điều chỉnh giá nước sạch, với 9 bước công việc, phân công rất cụ thể trách nhiệm của các cơ quan liên quan, tiến độ thời gian hoàn thành. Trong tháng 9, họ sẽ hoàn thành rà soát giá thành của từng đơn vị cấp nước, đề xuất phương án giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn, để báo cáo UBND trong tháng 10.

Ngày 07/10/2019, nhóm Lý Đình Vũ chở dầu thải đến đổ trộm ở khe núi sát Suối Trâm (cách kênh dẫn nước của Nhà máy Nước sạch Sông Đà khoảng 800 m), khiến dầu tràn vào kênh sau mưa to.

Ngày 13/10, khi dư luận đang dồn sự chú ý vào vụ nhiễm bẩn nước sông Đà, Nhà máy Nước Sông Đuống làm lễ khánh thành giai đoạn 1 và đi vào vận hành, dù chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng.

Ngày 27/10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ký văn bản giao Sở Tài chính chủ trì việc nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn thành phố, để hoàn tất công việc đặt ra hồi tháng 9.

Ngày 29/10, Bùi Thanh Hiếu, Bạch Hoàn và nhóm Báo Sạch đồng loạt tung tin rằng Nhà máy Sông Đuống đã dàn dựng vụ đổ dầu thải để hạ uy tín Nhà máy Sông Đà, đồng thời tạo cớ cho UBND thành phố Hà Nội tăng giá nước sinh hoạt, để mua nước của mình với mức giá cao. Trong đó, Bùi Thanh Hiếu và Bạch Hoàn liên tục viết bài; còn nhóm Báo Sạch đến hiện trường, quay Livestream để tái hiện đường đi từ Công ty Gốm sứ Thanh Hà đến điểm đổ dầu thải. Họ cũng tuyên truyền rằng khi tăng giá nước sinh hoạt, Thành phố Hà Nội sẽ lấy tiền của người dân để làm giàu cho Công ty Sông Đuống của bà Đỗ Liên.

Rạng sáng 03/11, một số báo điện tử chính thống (như VnEconomy, Vietnamnet) đồng loạt lặp lại thông điệp của Bùi Thanh Hiếu, khi viết rằng đợt tăng giá nước sẽ khiến tiền của người dân chảy vào túi Công ty Sông Đuống. Sau đó vài giờ, họ đưa tin rằng đợt tăng giá nước sẽ khiến “đại gia Thái hưởng lợi”; vì đầu tháng 08/2019, công ty WHAUP của Thái Lan đã chi hơn 2000 tỷ VNĐ để mua 34% cổ phần Công ty Sông Đuống.

Chiều 03/11, Bùi Thanh Hiếu tung tin rằng người Trung Quốc đã “đội lốt người Thái” mua cổ phần Công ty Sông Đuống “nhằm mục đích khác thâm độc hơn”.

Khoảng ngày 06/11, trên Internet xuất hiện một văn bản được cho là tài liệu chào bán cổ phần của Công ty Sông Đuống. Bùi Thanh Hiếu và Báo Sạch lập tức bình luận rằng văn bản này chứa những đoạn ủng hộ cáo buộc của họ, như:

“…Dự án có thể đàm phán giá rất tốt nhờ sự biến đổi thuận lợi của thị trường, đồng thời việc dàn xếp giá cả với các công ty phân phối thuộc sở hữu nhà nước đã được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận, gần như gấp đôi so với giá nước của đối thủ cạnh tranh…”.

“…Bên cạnh đó, nhờ quan hệ rất tốt với chính quyền địa phương các cấp, Công ty đã được cấp tất cả các giấy phép cần thiết, và tiến hành xây dựng cả nhà máy lẫn đường ống chỉ trong 2 năm…”.

Sáng 07/11, Đại biểu Quốc hội Dương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) chất vấn Bộ Công thương rằng việc tỷ phú Thái Lan mua 34% cổ phần của Công ty Sông Đuống sẽ “đe dọa an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia” của Việt Nam. Từ thời điểm này, vụ việc chính thức hiện diện trên nghị trường, và trở thành đề tài nóng.



b. Tóm tắt lập luận của Bùi Thanh Hiếu, Bạch Hoàn và Báo Sạch

Ba trang này dùng chung một cụm bằng chứng để chứng minh rằng Nhà máy Sông Đuống đã dàn dựng vụ đổ dầu thải để hạ uy tín Nhà máy Sông Đà, đồng thời tạo cớ cho UBND thành phố Hà Nội tăng giá nước sinh hoạt, để mua nước của mình với mức giá cao. Một số bằng chứng đủ mạnh để cho phép đặt ra giả thuyết con, trong khi số khác có nhiều sơ hở. Thêm nữa, các giả thuyết con chưa chắc đã khớp được với nhau để tạo thành một âm mưu lớn.

Ý chính của các bằng chứng, và điểm sơ hở của chúng, được thể hiện trong bảng sau:



Giả thuyết con
Bằng chứng
Điểm sơ hở
UBND Tp. Hà Nội thiên vị, khi mua nước của Nhà máy Sông Đuống với giá gần gấp đôi của Nhà máy Sông Đà
_ “Mới bắt đầu xây dựng, vào tháng 6-2017, Sông Đuống đã được UBND TP Hà Nội duyệt giá nước 10.246 đồng/mét khối, gấp đôi giá nước của công ty cung cấp nước khác”.
_ Nhà máy Sông Đà vẫn có lãi khi bán nước với mức giá thấp, nên đòi hỏi tăng giá là vô lý.
_ Văn bản được cho là tài liệu chào bán cổ phần của Công ty Sông Đuống.
_ Trên giấy tờ mà Tp. Hà Nội xem xét, chi phí để xây dựng và vận hành Nhà máy Sông Đuống có thể lớn hơn Nhà máy Sông Đà, do phải xây đường ống bắc qua Sông Hồng. Trong khi đó, một mình Nhà máy Sông Đà không thể cung cấp nước cho cả thành phố.
Nhà máy Sông Đuống thuê người đổ dầu vào nguồn nước của Nhà máy Sông Đà
_ Nước của Nhà máy Sông Đà vừa nhiễm bẩn hôm 08/10, thì Nhà máy Sông Đuống khai trương hôm 13/10, UBND Tp. Hà Nội khuyên người dân không dùng nước Sông Đà hôm 15/10, và chỉ đạo nghiên cứu điều chỉnh giá nước hôm 27/10.
_ Đường ống dẫn nước của Nhà máy Sông Đuống chạy đến cả khu vực của Nhà máy Sông Đà.
_ Việc khởi động Nhà máy Sông Đuống hôm 13/10 có thể xuất phát từ một động cơ khác, là giúp Hà Nội có đủ nước sinh hoạt khi Nhà máy Sông Đà tạm dừng hoạt động.
_ Lời khuyên “không dùng nước Sông Đà” đã hết hiệu lực vào ngày 18/10, khi Thành phố Hà Nội tuyên bố nước Sông Đà đã đạt chuẩn.
_ Kế hoạch điều chỉnh giá nước đã được khởi động từ tháng 02/2018.
_ Đường ống dẫn nước của Nhà máy Sông Đuống chạy đến cả khu vực của Nhà máy Sông Đà là điều cần thiết để đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn Thủ đô.
_ Giá bán nước và thị phần của Nhà máy Sông Đuống vẫn không đổi sau vụ nhiễm bẩn nước Sông Đà.
_ Nếu âm mưu là có thật, thì việc khai trương Nhà máy Sông Đuống ngay sau vụ nhiễm bẩn nước Sông Đà dễ khiếm âm mưu bị lộ.
Nhóm Lý Đình Vũ cố tình đầu độc nguồn nước của Nhà máy Sông Đà
_ Nhóm Lý Đình Vũ chở dầu thải từ Phú Thọ về “cất trữ” tại Hưng Yên, 2 ngày sau mới chở dầu từ Hưng Yên đến Hòa Bình để đổ trộm. Quãng đường này dài một cách không cần thiết, lẽ ra họ nên đi thẳng từ Phú Thọ đến Hòa Bình.
_ Theo thông tin mà báo chí đăng hồi tháng 10, nhóm Lý Đình Vũ chở dầu thải về cơ sở tái chế tại Hưng Yên. Khi đã lọc hết các phần có thể sử dụng, nhóm này mới đem số chất thải còn lại đến Hòa Bình để đổ.
Người Trung Quốc đã “đội lốt người Thái” mua cổ phần Công ty Sông Đuống “nhằm mục đích khác thâm độc hơn”.
(không có)
_ Không có bằng chứng để khẳng định giả thuyết.
_ Nhà đầu tư chưa thể kiểm soát Nhà máy Sông Đuống khi chỉ nắm 34% cổ phần.
_ Trung Quốc có sẵn nhiều phương tiện, cách thức để đe dọa an ninh nguồn nước của Việt Nam, việc mua cổ phần của một nhà máy nước là không cần thiết.





c. Khả năng Bùi Thanh Hiếu, Bạch Hoàn và Báo Sạch phối hợp hành động

Có 4 lý do để nghi ngờ rằng Bùi Thanh Hiếu, Bạch Hoàn và Báo Sạch đã phối hợp hành động với nhau.

Thứ nhất, họ đồng loạt hành động vào ngày 29/10, sử dụng cụm bằng chứng giống hệt nhau, và tập trung tuyên truyền về chủ đề này trong ít nhất 1 tuần.

Thứ hai, Bùi Thanh Hiếu thường xuyên share bài của Báo Sạch, nên có thể có quan hệ.

Thứ ba, 3 trang này đều bênh vực ASANZO trong vụ báo Tuổi Trẻ đánh ASANZO.

Thứ tư, trong vụ Trương Duy Nhất bị bắt tại Thái Lan, Bùi Thanh Hiếu đã công khai thừa nhận rằng mình tung tin đồn cho các “nhóm lợi ích” trong nước.

Tuy nhiên, đây chỉ là giả thuyết, cần thêm thời gian để xác nhận.



d. Nhận xét

Sau khi xem xét các thông tin trên, chúng tôi xin đưa ra 3 nhận xét.

Thứ nhất, do cụm tin đồn này còn rất nhiều điểm sơ hở, như bảng trên đã chỉ ra, độc giả không nên tin vào nó trước khi có kết luận của các cơ quan thanh tra và điều tra.

Thứ hai, các diễn biến vừa nêu không giúp xóa bỏ trách nhiệm của ban quản lý Nhà máy Nước sạch Sông Đà trong vụ nước sinh hoạt bị ô nhiễm.

Thứ ba, trong trường hợp Bùi Thanh Hiếu, Bạch Hoàn và Báo Sạch phối hợp tung tin cho các “nhóm lợi ích”, độc giả không nên làm quân cờ của họ. Nhất là khi Hiếu đang hy vọng được thấy nền chính trị Việt Nam rơi vào cảnh “đâm chém, tranh giành nhau hỗn loạn”, là việc gây hại cho người dân bình thường, chỉ làm lợi cho những thế lực chính trị lưu vong như Hiếu:






Chủ đề số 4:
VTV mắng oan Green Trees? Chỉ đúng một nửa!

Ngày 03/11/2019, đài truyền hình VTV đã chiếu một phóng sự dài 6 phút, trong đó họ cho rằng nhiều tổ chức như Green Trees, Save Tam Đảo… đã "núp bóng môi trường" để kích động người dân biểu tình, gây mất trật tự công cộng. Trong tuần qua, Green Trees đã phản bác một số chi tiết trong phóng sự này, thông qua các bài viết trên Facebook và một bài trả lời phỏng vấn của Cao Vĩnh Thịnh trên BBC, với thông điệp chính như sau:



Cáo buộc của VTV
Phản bác của Green Trees
Yêu cầu dừng chặt hạ 6.708 cây xanh là hành động sai trái vì những cây đó vẫn sống khoẻ mạnh.
_ “Yêu cầu dừng chặt hạ 6.708 cây xanh” là yêu sách của phong trào bảo vệ cây xanh năm 2015. Trong khi đó, hình ảnh mà VTV sử dụng để chứng minh “cây còn sống” lại được lấy từ vụ di chuyển hơn 100 cây xà cừ trên tuyến đường Kim Mã năm 2016.
_ Ngày 21/07/2015, UBND Tp. Hà Nội đã yêu cầu giáng chức, thôi việc nhiều cán bộ liên quan đến vụ chặt hạ 6.708 cây xanh. Vì vậy trong vụ việc này chính quyền thật sự có sai phạm, Green Trees không sai.
Green Trees "núp bóng môi trường" để kích động người dân biểu tình, gây mất trật tự công cộng.
_ Trong vụ chặt hơn 100 cây xà cừ trên tuyến đường Kim Mã để làm tàu điện ngầm năm 2016, Green Trees đã liên lạc với Ban Quản lý Đường sắt Hà nội (MRB) và nhà tài trợ để yêu cầu đánh giá tác động môi trường. Phía MRB đã thừa nhận có những thiếu sót trong quá trình lập dự án và đã cố gắng khắc phục, cam kết sẽ trồng lại cây sau khi sự án hoàn thành vào năm 2019. Vì vậy Green Trees “đã hành động bảo vệ môi trường với một thái độ chuẩn mực, đúng đắn dựa trên nền tảng của pháp luật”. 100 cây xà cừ còn sống là nhờ Green Trees.


Chúng tôi đồng ý rằng VTV đã đưa tin sai, và rằng tiếng nói của Green Trees đã góp phần giúp hơn 100 cây xà cừ trên đường Kim Mã được trồng lại. Tuy nhiên, VTV không sai khi nói rằng Green Trees “núp bóng môi trường” để kích động biểu tình, nhằm mục đích sau cùng là lật đổ chế độ. Có ít nhất 5 biểu hiện cho thấy điều đó.

Thứ nhất, là việc Green Trees cướp phong trào bảo vệ cây xanh của các NGO có tư cách pháp nhân, để lái phong trào theo hướng biểu tình liên tục, thay vì duy trì khuynh hướng trung lập thể hiện trong nội quy ban đầu:


  Thứ hai, là việc fanpage Green Trees thường xuyên đăng những bài viết lợi dụng vấn đề môi trường để kêu gọi lật đổ chế độ:






 Thứ ba, là việc Phạm Đoan Trang, người thật sự đứng đầu Green Trees, không giấu mục đích lật đổ chế độ:



 Thứ tư, là việc Green Trees từng phối hợp với đảng viên Việt Tân Mã Tiểu Linh, tìm cách biến các cuộc biểu tình “vì môi trường” thành “cách mạng dù” để lật đổ chế độ:




Thứ năm, là việc họ làm phim tài liệu “Đừng Sợ” để “tri ân” Bạch Hồng Quyền và Hoàng Đức Bình – hai người lợi dụng danh nghĩa “vì môi trường” để dấy lên cuộc bạo động ngày 02/04/2017; trong đó người biểu tình bao vây, tấn công tổ tuần tra của Công an huyện Lộc Hà và Công an xã Thạch Bằng; bao vây, đập phá tài sản nhà trưởng công an xã Thạch Bằng; kéo lên “chiếm” trụ sở Công an huyện, UBND huyện Lộc Hà.

Không thể xem những hoạt động vừa nêu của Green Trees là “hành động bảo vệ môi trường với một thái độ chuẩn mực, đúng đắn dựa trên nền tảng của pháp luật”.





Chủ đề số 5:
Tiền ủng hộ Thịnh Nguyễn:
giúp phát triển nghệ thuật hay giúp tuyên truyền chính trị?

Trong ngày 25/10/2019, nhà làm phim Nguyễn Trường Thịnh (thành viên nhóm Green Trees) đã bị công an tạm giữ và thu giữ một số đồ đạc. Các thành viên khác của Green Trees cho rằng công an giữ Thịnh để điều tra về quá trình làm phim “Đừng Sợ” – một phim tài liệu xoay quanh phong trào biểu tình, bạo động để phản đối nhà máy thép gây ô nhiễm biển của tập đoàn Formosa, diễn ra hồi năm 2016 - 2017. Sau khi được thả, Thịnh nói số đồ đạc bị thu giữ trị giá khoảng 150 triệu VNĐ.

Nhân đó, trong 2 tuần qua, Nguyễn Lân Thắng và Bùi Kim Đĩnh đã tổ chức quyên tiền, để giúp Thịnh bù đắp thiệt hại.

Thông báo quyên tiền của Bùi Kim Đĩnh có nội dung như sau:

“Thịnh Nguyễn là nghệ sĩ nghệ thuật thị giác đương đại dấy lên tiếng nói về vấn đề đất đai, án tử hình và những vấn đề xã hội khác trên trang Chuyện của Thịnh.

Vì những hoạt động này, ngày 25 tháng 10 năm 2019, trong quá trình thẩm vấn, toàn bộ tài sản và thiết bị kĩ thuật của anh đã bị tịch thu. Cùng ngày, anh được thả nhưng tài sản cá nhân không được hoàn trả bao gồm: 2 máy tính MacBook, 1 iPhone 8Plus, 1 Nokia, 1 điện thoại đen trắng, 1 Sony, 2 máy quay, 2 đèn LED và 1 bộ loa. Tổng trị giá hơn 100 triệu đồng, cùng nhiều đồ đạc cá nhân khác

Với mục đích ủng hộ nghệ sĩ tiếp tục sáng tác và tự do sáng tạo nghệ thuật, tôi kêu gọi hỗ trợ tài chính trong hạn mức 4000 euro cho nghệ sĩ Thịnh Nguyễn. Số tiền này tương đương với giá trị tài sản bị tịch thu và không hoàn trả lại”.

Theo tiểu sử được công khai trên Internet, Bùi Kim Đĩnh “là nghiên cứu sinh của Viện Nhân học Xã hội và Văn hoá của trường Đại học Göttingen, CHLB Đức”, với đề tài nghiên cứu “tập trung vào sự phát triển của nghệ thuật độc lập Việt Nam từ những năm 1990 trong mối tương quan với những chuyển mình của xã hội dân sự ở Việt Nam”. Vì vậy, có thể Đĩnh quen Thịnh qua các dự án nghiên cứu, trao đổi giáo dục trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại và xã hội dân sự.

Ngày 02/11, Nguyễn Lân Thắng đã trao cho Thịnh những phần quà mình quyên góp được – bao gồm máy ảnh của Thắng, 10.070.000 VNĐ và 200 USD.

Ngày 04/11, Bùi Kim Đĩnh cho biết bà đã đạt 70% số tiền cần quyên góp.

Trang Facebook của sự kiện cho thấy đã có 66 người tham gia quyên tiền, nhiều người trong số này thuộc giới nhiếp ảnh, hội họa hoặc NGO. Vì vậy, đợt quyên tiền có thể mở rộng quan hệ giữa Green Trees và các thành phần này trong thời gian tới.

Ngoài ra, các đợt quyên tiền liên tiếp của Green Trees, Luật khoa Tạp chí, Quỹ 50K và Chấn hưng TV cũng cho thấy giới chống đối đang gia tăng sử dụng phương thức crowd funding.

Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi thấy Bùi Kim Đĩnh quyên tiền giúp Thịnh cũng tốt, Thịnh đỡ phải xin tiền nước ngoài. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, bà Đĩnh dễ chịu thiệt trong vụ này, vì hai lẽ.

Thứ nhất, Thịnh không nói rằng công an không trả đồ cho mình, mà chỉ nói là chưa trả. Nhỡ điều tra xong, công an trả lại số đồ đã thu của Thịnh, thì việc quyên tiền nó thành ra vô duyên, cả người gửi lẫn người nhận đều áy náy. Khả năng này không phải không có, vì việc công an trả lại đồ đạc tạm thu giữ của giới “dân chửi” đã xảy ra nhiều lần. Thêm nữa, sau vụ Cát Linh nói vống lên rằng mình bị thu laptop, trong khi chỉ bị thu camera và điện thoại di động, sẽ hợp lý hơn nếu các cảm tình viên của giới đấu tranh thận trọng khi tổ chức quyên góp.

Thứ hai, thực ra tiền gửi Thịnh Nguyễn chỉ giúp ích cho tuyên truyền chính trị, chứ không giúp ích nhiều cho nghệ thuật.

Vài năm trước, Thịnh là một tài năng không thể phát lộ trong giới hội họa; chỉ nổi tiếng nhờ chức đội trưởng đội xe bay Hà Nội, cùng những trò “không giống ai” như vụ đi dây trên nhà cao tầng, hay vụ chụp ảnh mặc váy cô dâu:



Thịnh chỉ thật sự được coi trọng vài năm gần đây, khi anh bắt đầu dùng nghệ thuật đương đại để tuyên truyền chính trị, với những sản phẩm nổi bật như dự án “Chuyện của Thịnh” (2017) hoặc phim tài liệu “Đừng Sợ” (2019). Trong tác phẩm của này, Thịnh để cho các dân “oan”, người nhà tử tù “oan” và nhà hoạt động dân chủ “oan” “tự kể câu chuyện của họ”, trên các phông nền do anh thiết kế, rồi quay phim. Như vậy, thực ra tác phẩm của Thịnh khá giống các clip của kênh CHTV, chỉ khác ở chỗ anh đưa thêm tính “nghệ thuật” vào phông nền và trang phục.

Trong giai đoạn này, Thịnh tiếp tục gây chú ý bằng những trò “không giống ai” – như cho người nhà tử tù mặc áo vàng mã, đi giày lệch đôi, đeo găng tay boxing:



Fanpage của Thịnh được xây dựng như một “bảo tàng” lưu giữ oán niệm của các góc tối trong xã hội Việt Nam. Vì vậy, nó rất lôi cuốn giới “dân oan”, “biểu tình viên” và Việt kiều cờ vàng – những người cần duy trì không khí đau khổ, hận thù, bế tắc, để nuôi dưỡng một cuộc cách mạng lật đổ:



Tuy nhiên, khán giả tìm đến những tác phẩm này vì chính trị, chứ không phải vì nghệ thuật. Trong việc sáng tạo nghệ thuật, dường như Thịnh cũng chưa vượt qua cái bóng của những trò chơi trội “không giống ai” từng giúp anh nổi tiếng trước đây. Vì vậy, khoản tiền quyên góp của Bùi Kim Đĩnh sẽ chỉ vỗ béo guồng máy tuyên truyền chính trị của giới “dân chửi” Việt Nam, thay vì giúp phát triển nghệ thuật như chủ trương của bà Đĩnh.




Chủ đề số 6:
Vì sao nói Việt Tân là tổ chức khủng bố?

Ngày 11/11/2019, Tòa án Nhân dân Tp.HCM sẽ mở phiên xử sơ thẩm 3 đảng viên Việt Tân – là Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền – với cáo buộc phạm tội "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân", theo quy định tại Điều 113, Khoản 2, Điểm a, Bộ luật Hình sự 2015. Nhân đó, từ ngày 31/10, Việt Tân và Hội Anh em Dân chủ (HAEDC) đã mở chiến dịch truyền thông để bào chữa cho 3 bị cáo, đồng thời tuyên truyền chống Nhà nước.

Theo thông tin từ TTXVN, Trần Văn Quyền (thợ lắp camera, sinh năm 1999) đã tham gia đảng Việt Tân từ tháng 09/2018. Dưới sự chỉ đạo của Đỗ Hoàng Điềm, Quyền đã thuê người trong nước làm 2 chứng minh thư giả cho đảng viên Việt Tân; khảo sát vị trí camera tại một số tuyến đường để cung cấp thông tin cho Việt Tân; khảo sát các tuyến xâm nhập đường bộ khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia; tham gia khóa huấn luyện của Việt Tân ở Campuchia; và nhận 900 USD từ Đỗ Hoàng Điềm để bố trí việc làm cho người của tổ chức. Trong quá trình đó, Quyền đã cùng Nguyễn Văn Viễn (tài xế GrabBike, thành viên HAEDC, sinh năm 1971) tham gia khóa huấn luyện của Việt Tân ở Campuchia, và bố trí việc làm cho Viễn.

Theo sự chỉ đạo của Đỗ Hoàng Điềm, đầu tháng 01/2019, Châu Văn Khảm (Bí thư Đảng bộ Úc châu của Việt Tân) đã nhập cảnh vào Campuchia, rồi sử dụng chứng minh thư giả mang tên Chung Chính Phi để xâm nhập bất hợp pháp vào Việt Nam. Khảm gặp Nguyễn Văn Viễn, đưa anh này 400 USD và kết nạp vào tổ chức. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã kịp thời bắt giữ Khảm và Viễn, sau đó tra ra Quyền.

Từ ngày 31/10 đến nay, Việt Tân đã hỗ trợ 3 bị cáo bằng một chiến dịch truyền thông xoay quanh khẩu hiệu “Yêu nước không phải là khủng bố”. Lập luận của các bên tham gia chiến dịch này được tóm tắt trong bảng sau:
 

Người nói
Lập luận
Luật sư bào chữa (Trịnh Vĩnh Phúc, Đặng Đình Mạnh)
_ Không có bằng chứng cho thấy Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền tham gia đảng Việt Tân.
_ Không có bằng chứng cho thấy 3 bị cáo có dự định thực hiện hành vi khủng bố.
Việt Tân và HAEDC
_ Cương lĩnh của Việt Tân cho thấy tổ chức này chỉ là một chính đảng bình thường, “đấu tranh bất bạo động” “vì nhân quyền”, không phải là tổ chức khủng bố.
_ Mọi người có quyền tự do biểu tình, tự do lập hội, lập đảng.
Human Rights Watch
_ Việt Nam cần chấp nhận đa đảng, cần bỏ cáo buộc khủng bố đối với “những nhà hoạt động nhân quyền”.



Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 2 ý kiến.

Thứ nhất, theo Khoản 2 Điều 113 Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi “tham gia tổ chức khủng bố” sẽ bị truy tố về “Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”. Ngày 04/10/2016, Bộ Công an đã đưa "Việt Tân" vào danh sách các tổ chức khủng bố tại Việt Nam, đồng thời nêu rõ: "Người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của "Việt Tân"; tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện do "Việt Tân" tổ chức; hoạt động theo sự chỉ đạo của "Việt Tân"… sẽ đồng phạm tội khủng bố, tài trợ khủng bố và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật". Vì vậy hành vi của nhóm Châu Văn Khảm có thể bị khép tội “khủng bố” theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thứ hai, dư luận cần đánh giá đảng Việt Tân dựa trên hành vi, thay vì chỉ dựa trên cương lĩnh của đảng này. Ngay cả trong những năm gần đây, hoạt động của Việt Tân vẫn thường gây ra những cuộc bạo động. Chẳng hạn, khi Việt Tân tài trợ cho các linh mục bất mãn ở Nghệ An làm “Cách mạng Cá” năm 2016 - 2017, các cuộc biểu tình mà họ tổ chức đã nhiều lần biến thành bạo động, với đỉnh cao là cuộc bạo động ngày 02/04/2017; trong đó người biểu tình bao vây, tấn công tổ tuần tra của Công an huyện Lộc Hà và Công an xã Thạch Bằng; bao vây, đập phá tài sản nhà trưởng công an xã Thạch Bằng; kéo lên “chiếm” trụ sở Công an huyện, UBND huyện Lộc Hà. Tháng 06/2018, khi cuộc biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu Kinh tế đã chuyển thành bạo động ở Bình Thuận, thay vì kêu gọi phong trào kiềm chế, Việt Tân tiếp tục kích động biểu tình, phá hoại bằng những lời kêu gọi như sau:


Ngoài Chính phủ Việt Nam, các nhà làm phim người Mỹ và cộng đồng hải ngoại cũng từng cáo buộc đảng Việt Tân có hành vi khủng bố. Chẳng hạn, việc Việt Tân ám sát các ký giả bất đồng chính kiến đã được họ đề cập đến trong bộ phim tài liệu “Khủng bố ở Little Saigon”.

Như vậy, xét về mặt thủ đoạn và hậu quả, Việt Tân xứng đáng bị coi là một tổ chức khủng bố.




Chủ đề số 7:
Trần Vũ Hải: “Luật sư Vì Cộng đồng” hay “Luật sư Vì Biểu tình”?


Ngày 13/11/2019, Tòa án Nhân dân thành phố Nha  Trang sẽ xử sơ thẩm luật sư Trần Vũ Hải, về cáo buộc phạm tội trốn thuế trong một vụ giao dịch mua bán đất ở địa phương này. Vì ông Hải đóng vai trò quan trọng trong các nhóm luật sư chuyên bào chữa cho giới chống đối và “dân oan”, trong tuần trước phiên tòa, cánh luật sư này đã có nhiều hoạt động để ca ngợi và bào chữa cho ông Hải.



a. Nội dung chính của cáo buộc

Theo Kết luật Điều tra và Cáo trạng, “năm 2016, vợ chồng ông Trần Vũ Hải “mua” của bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh 01 thửa đất tại TP. Nha Trang, T. Khánh Hòa với giá 16.153.500.000 đồng.

Tuy nhiên, khi thực hiện thủ tục công chứng, ngày 10/08/2016 các bên tiến hành lập 03 hợp đồng bao gồm: 01 hợp đồng chuyển nhượng số 1216 ghi giá chuyển nhượng 12 tỷ đồng, tiếp đó các bên lập 01 văn bản thoả thuận có nội dung huỷ hợp đồng số 1216, sau đó ký tiếp 01 hợp đồng số 1218 ghi giá chuyển nhượng 1,8 tỷ đồng.

Sau khi công chứng, phía người bán dùng hợp đồng số 1218 có thể hiện giá 1,8 tỷ đồng để kê khai thuế nhưng phía Chi cục Thuế Nha Trang nhận thấy giá trên hợp đồng này thấp hơn bảng giá đất do UBND tỉnh Khánh Hòa quy định nên đã áp thuế theo mức bảng giá 2,14 tỷ đồng và phía bà Hạnh đã đóng theo mức này với số tiền 42.818.698 đồng.

Nhưng sau đó CQĐT cho rằng hành vi của bên bán và bên mua có dấu hiệu trốn thuế TNCN với số tiền 280.251.302 đồng (khoản thuế được tính thêm từ 2,14 tỷ đến 16.153.500.000 đồng)”.



b. Lập luận của luật sư bào chữa

Nhiều lập luận để bào chữa cho vợ chồng Trần Vũ Hải đã được luật sư Nguyễn Duy Bình nêu ra trong một bài viết đăng trên Facebook cá nhân, vào sáng 07/11.

Ông Bình chỉ ra rằng Khoản 2, Điều 14, Luật Thuế Thu nhập Cá nhân 2014 quy định: “Chính phủ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá chuyển nhượng bất động sản” để tính thuế thu nhập cá nhân.

Sau đó, tại Khoản 11, Điều 2, Nghị định 12/2015/NĐ-CP (sửa đổi nghị định 65/2013), chính phủ quy định nguyên tắc xác định giá chuyển nhượng bất động sản như sau:

“2. Giá chuyển nhượng bất động sản là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.

a) Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá đất hoặc giá đất trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng đất là giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về đất đai.”

Dựa vào đó, luật sư Nguyễn Duy Bình biện luận rằng: “Trường hợp này căn cứ theo mức giá 2,14 tỷ đồng mà cơ quan thuế đã áp, và đã thu số tiền thuế hơn 42 triệu đồng, tôi nhận thấy nhà nước đã thu đủ, không có việc thất thu thuế”.

Ngoài ra, ông Bình cũng cho rằng quá trình điều tra, truy tố đã “có dấu hiệu vi phạm một số thủ tục tố tụng”, như ông liệt kê trong bài viết.



c. Những hoạt động của giới luật sư để ủng hộ ông Hải

Trong tuần qua, cánh luật sư bất mãn đã ủng hộ ông Trần Vũ Hải bằng 2 hoạt động.

Thứ nhất, ngày 07/11, nhóm “Phục vụ Công lý” (do ông Hải thành lập) đã tổ chức lễ trao giải “Luật sư Vì Cộng đồng” cho ông Hải. Theo lý giải của Đặng Đình Mạnh, thì đây là “giải thưởng để vinh danh luật sư đã có sự dấn thân với cộng đồng”, “theo đó, sự dấn thân được hiểu như một phương cách hành nghề có thể đặt bản thân vào tình huống rủi ro nhiều mặt để bảo đảm phẩm giá nghề nghiệp”.

Ông Hải được trao giải vì đã có cống hiến trong nhiều “án oan, từ Văn Giang, Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Vườn Rau Lộc Hưng, đến tù nhân Huỳnh Văn Nén ...”.

Giải thưởng này bao gồm khoảng tiền mặt trị giá 50 triệu VNĐ, “do đóng góp từ các đồng nghiệp luật sư”.

Thứ hai, ngày 08/11, 60 luật sư đã đăng ký bào chữa cho ông Hải, nhưng tòa chỉ cấp chứng nhận bào chữa cho một nửa trong số họ. Khi trả lời phỏng vấn RFA hôm 08/11, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc ca ngợi hiện tượng này như sau:

“Sự tham gia đông đúc của các luật sư vào vụ án như thế nói lên là các luật sư rất quan tâm đến sự kiện của vụ án Luật sư Trần Vũ Hải và nó thể hiện tình đoàn kết của giới luật sư trước một biến cố, một việc mà có cảm nhận là có dấu hiệu oan sai trong đó. Việc này cũng thể hiện thái độ quan tâm của đồng nghiệp trước dấu hiệu đồng nghiệp mình chịu bất công”.



d. Nhận định

Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi thấy ông Hải không xứng đáng nhận giải “Luật sư Vì Cộng đồng”, vì 2 lý do.

Thứ nhất, dù bài viết của luật sư Nguyễn Duy Bình biện hộ rằng ông Hải không vi phạm pháp luật, nó cũng chỉ ra rằng ông Hải đã thật sự nói dối về giá mua bán khu đất, sao cho giảm từ hơn 16 tỷ VNĐ xuống còn 2,14 tỷ VNĐ, để được nộp thuế thấp. Một luật sư nói dối để lách luật, nhằm trục lợi, không phải là người “bảo đảm phẩm giá nghề nghiệp”.

Thứ hai, dù nhân danh “vì cộng đồng”, ông Hải lừa và ăn của cộng đồng không phải là ít.

Chẳng hạn, ngày 13/07/2014, 12 hộ dân ở Tây Ninh đã đâm đơn tố cáo luật sư Trần Vũ Hải về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 120 triệu VNĐ bằng thủ đoạn trợ giúp pháp lý, nhưng không thực hiện hợp đồng như đã cam kết. Trong vụ này, sau khi hứa hẹn đòi đất cho dân; thu tiền của 9 hộ dân với mức 6,5 triệu VNĐ/ hộ và 5 hộ dân với mức 5 triệu VNĐ/ hộ; ông Hải chỉ tổ chức được 2 buổi đối thoại với UBND tỉnh Tây Ninh, sau đó không làm gì thêm và cũng không trả lại tiền. Đến khi Công an Hà Nội có kết quả xác minh đơn tố cáo, ông Hải mới vào Tây Ninh để trả lại số tiền đã nhận.

Cuối năm 2014, ông Hải lại bị 28 hộ dân tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên) tố cáo. Lần này, sau khi nhận của các hộ dân 84 triệu VNĐ, và cam kết giúp họ khiếu nại về việc sức khỏe của họ bị ảnh hưởng bởi đường dây 220 KV Tuyên Quang – Thái Nguyên, ông Hải chỉ giúp họ soạn một số văn bản, rồi đưa họ đến cổng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để biểu tình, đòi quyền lợi. Đây là một việc vô ích, không đem lại kết quả và không đúng cam kết ban đầu, vì trách nhiệm tiếp nhận khiếu nại, bồi thường thiệt hại thuộc về UBND các cấp chứ không phải EVN.

Năm 2015, Trần Vũ Hải lại dính phốt mới, khi ông và luật sư Trần Thu Nam mạo danh đồng nghiệp, tuyên bố rằng hơn 200 luật sư sắp tổ chức biểu tình. Thực ra trong vụ này, hơn 200 luật sư chỉ cùng ký vào kiến nghị đòi “bỏ quy định cấp giấy chứng nhận người bào chữa”, soạn bởi luật sư Ngô Ngọc Trai, chứ không hề biết đến ý định biểu tình của ông Nam và ông Hải:




Tóm lại, luật sư Trần Vũ Hải yêu cộng đồng thì cũng giống như chuột yêu gạo, tính vụ lợi trong đó khá rõ ràng. Xét việc ông Hải bị ám ảnh về biểu tình, đến nỗi coi trọng nó hơn các công việc của luật sư, lẽ ra chi bộ nên trao cho ông giải “Luật sư Vì Biểu tình” như một hình thức an ủi.



Chương trình Điểm tin Lề trái số 72 xin kết thúc tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình tới.






Một số bài viết đáng chú ý (xếp theo trình tự thời gian):



* Những diễn biến liên quan đến xung đột Biển Đông trong thời điểm đầu tháng 11/2019

_ “Biển Đông: Đại biểu Quốc hội VN đề xuất kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế” – BBC, 01/11/2019

 bbc.com/vietnamese/vietnam-50244901

_ “TẦU "HAIYANG SHIYOU 620" (HẢI DƯƠNG THẠCH DU 620) HIỆN ĐANG TRÊN ĐƯỜNG VỀ BÃI ĐẬU TẠI ĐẢO HẢI NAM” – Pham Thang Nam (FB cá nhân), 03/11/2019, 18:57

 facebook.com/phamthangnam.3/posts/2475012645901169

_ “Thượng đỉnh ASEAN 2019: Bắc Kinh nói sẵn sàng hợp tác với ASEAN để xây dựng COC” – BBC, 04/11/2019

 bbc.com/vietnamese/world-50285423

_ “Biển Đông: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao VN nói không loại trừ khả năng kiện TQ” – BBC, 07/11/2019

 bbc.com/vietnamese/vietnam-50328017



* Các bài tận dụng vấn đề Biển Đông để công kích cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

_ “Phải chăng chỉ là chuyện thủ tướng phát biểu hớ hênh?” – Lưu Trọng Văn (FB cá nhân), 04/11/2019, 06:55

 facebook.com/permalink.php?story_fbid=2472008903124332&id=100009457401127&notif_id=1572825349040958&notif_t=close_friend_activity

_ “Ngay sau Hải Dương 8 là Hải Dương 620!” – Thường Sơn (VNTB), 06/11/2019

 boxitvn.net/bai/66505



* Các bài tận dụng vấn đề Biển Đông để công kích cá nhân hai ông Ngô Xuân Lịch và Phạm Việt Khoa:

_ “Tướng quân đội không dám nêu tên Trung Quốc: Không thể chấp nhận!” – Diễm Thi (RFA), 30/10/2019

 rfa.org/vietnamese/in_depth/a-vns-military-general-did-not-dare-to-name-china-at-national-assembly-dt-10302019141241.html

_ “Những thằng hèn” – Thường Sơn (VNTB), 01/11/2019

 boxitvn.net/bai/66393

_ “Thói câm nín Việt Nam được Trung Quốc ‘trả lễ’ ra sao?” – Phạm Chí Dũng (BVN), 08/11/2019

 boxitvn.net/bai/66557



* Diễn biến chiến dịch tẩy chay Thành Long:

_ “HANOI Join Operation Smile and its International Ambassadors and Partners to celebrate its 30th Year of serving Vietnamese children and families in November 2019” – Operation Smile Vietnam (trang FB), 03/11/2019, 20:12

 facebook.com/operationsmilevietnam/photos/a.310136660065/10162668260860066/?type=3&__tn__=-R

_ “Chính quyền VN là trẻ con, ngu ngơ khờ dại? Thành Long, kẻ có mặt trên poster quảng cáo rầm rộ dưới đây, là kẻ lên tiếng ủng hộ việc hiện thực hóa đường lưỡi bò, coi đó là chủ quyền của Trung Quốc…” – Tuấn Khanh (FB cá nhân), 07/11/2019, 09:21

 facebook.com/khanhtuanng/posts/10156763784448181

_ “Chúng tôi rất cảm kích với OSV, với những việc tổ chức đã làm cho trẻ em Việt Nam bao nhiêu năm qua. Nhưng chúng tôi chống lại việc Jackie Chan đến Việt Nam như là một đại sứ hỗ trợ trẻ em Việt Nam.  Một người chối bỏ con ruột của mình và đồng thời là kẻ trung thành với Bắc Kinh, công khai tuyên bố ủng hộ đường lưỡi bò, xâm phạm lợi ích quốc gia của Việt Nam thì không nên được chào đón ở đất nước này.  Lê Thế Thắng” – Báo Sạch (trang FB), 07/11/2019, 10:04

 facebook.com/100293958002450/photos/a.100322217999624/148338073198038/?type=3&__tn__=-R

_ “…Thành Long là người mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ đường lưỡi bò của chính phủ TQ trên biển đông, điều không thể chấp nhận của mỗi người dân VN.  Chúng ta không muốn thấy một người như vậy ở VN, lại càng không muốn thấy người này được vinh danh trên 1 sân khấu ở HN…” – Cuong Ngo (group NPO Forum), 07/11/2019, 14:14

 facebook.com/groups/1738388616479923/permalink/2419174121734699/

_ “Phải tẩy chay chương trình có con rối Thành Long (aka Jacky Chan), đến đồng bào nó, dân Hongkong, nhờ họ mà nó có được ngày hôm nay nhưng nó còn phụ bạc; thì đừng mong nó sẽ tốt với người dân Việt Nam. Đến con của nó, nó còn từ thì lấy đâu nhân ái để dung chứa trẻ em VN. Loại hề cung đình cần phải tẩy chay để nó còn nhận ra chút nhục nhã. #boycottjackiechan” – Ngô Thanh Tú (FB cá nhân), 07/11/2019, 15:01

 facebook.com/photo.php?fbid=10215122016584744&set=a.2183580710006&type=3

_ “…Vào hôm nay, tôi post lên #BaoSach bài viết phê phán anh, để rồi góp phần tạo ra trend phản đối anh rầm rộ trên khắp đất nước của tôi. Ngay lúc này đây, tôi thực sự xót thương cho anh, cho chương trình của anh, cho tâm trạng (có thể) đang thấy tồi tệ của anh, về những gì đang diễn ra ở Việt Nam - hướng vào anh.  Tôi bối rối, cảm thương, nuối tiếc...  Nhưng thực sự - tôi ước, rằng giá như anh không bưng bô CS Trung Quốc…” – Lê Thế Thắng (FB cá nhân), 07/11/2019, 19:48

 facebook.com/photo.php?fbid=10217742331762274&set=a.1074157446406&type=3

_ “…Hãy nhìn kỹ nụ cười của gã Thành Long - Jacky Chan khi khúm núm đứng cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình và tấm ảnh thứ hai vì sao hắn ta lại được sắp đứng sát ngay cạnh CT Tập Cận Bình trong đại lễ quan trọng kỷ niệm 70 năm thành lập ĐCSTQ ngày 1/10 tại Quảng trường Thiên An Môn cùng dàn lãnh đạo cấp cao nhất nhiều nhiệm kỳ Trung Quốc…” – Nguyễn Văn Phước (FB cá nhân), 07/11/2019, 23:45

 facebook.com/nguyenvanphuocfirstnews/posts/2527605600686209

_ “CHÍNH TRỊ, NHƯ GAI NHỌN DƯỚI CHÂN TRẦN” – Tuấn Khanh (FB cá nhân), 08/11/2019, 00:03

 facebook.com/khanhtuanng/posts/10156765303538181

_ “…Đầu năm 2013, Jackie Chan được bầu vào Hội Nghị Tư Vấn Chính Trị Nhân Dân Trung Quốc (Committee of the Chinese People’s Political Consultative Conference, CPPCC). Đây là ủy ban tư vấn chính trị của Đảng CS Trung Quốc, đơn vị có quyền lực hàng đầu của Trung Quốc. Chan là đại sứ và là nhà chuyên môn của lĩnh vực phim ảnh, đồng thời là một “cán bộ”.  Một trong những nhiệm vụ của ủy ban này, viết một cách văn chương là để “củng cố lòng tin vào nguồn gốc văn hóa của Trung Quốc ngoài lục địa và giới thiệu đến thế giới những câu chuyện về Trung Quốc”. Thực tế là để thực hiện chính sách “sức mạnh mềm” của Tập trong phạm vi thế giới. (…) Chan trích dẫn Chiến dịch Biển Đỏ, một bộ phim chiến tranh được chuyển thể từ cuộc di tản của Hải quân Trung Quốc khỏi công dân Trung Quốc từ Yemen năm 2015, là một ví dụ gần đây…” – Lê Thế Thắng (FB cá nhân), 08/11/2019, 06:15

 facebook.com/thangsoivn/posts/10217746929237208

_ “LỜI XIN LỖI  Tôi xin có lời xin lỗi tới anh Thành Long - Jackie Chan. Hôm qua tôi đã lên bài phản đối anh, vu cho anh là "Ủng hộ" lập trường phi pháp của nhà nước Trung Quốc trên biển Đông (biển Nam Hải - theo cách gọi của nước anh). Đây là một sự nhầm lẫn tai hại từ phía tôi, góp phần tạo nên chuỗi nhầm lẫn tai hại ở đất nước chúng tôi. (…)Jackie Chan thực sự không phải là người ủng hộ lập trường đối với biển Đông của chính quyền Bắc Kinh.  Anh HÀNH ĐỘNG cmnl cho cái lập trường sai trái đó.” – Lê Thế Thắng (FB cá nhân), 08/11/2019, 10:15

 facebook.com/thangsoivn/posts/10217748195908874

_ “Tẩy chay tất cả” – Le Vinh Truong (FB cá nhân), 09/11/2019, 18:30

 facebook.com/levinhtruongvn/posts/10217911407850814



* Thông tin rằng Thành Long chưa từng kêu gọi ủng hộ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc:

_ “Vụ Thành Long (tiếp)” – Đạo Sĩ Chăn Gà (FB cá nhân), 07/11/2019, 07:05

 facebook.com/daosichanga/posts/3185380598201970

_ “CHUYỆN THÀNH LONG - WELL PLAYED!!!” – Hải Lý (FB cá nhân), 08/11/2019, 12:09

 facebook.com/photo.php?fbid=10157356728905239&set=a.131354675238&type=3

_ “Cộng đồng mạng VN nói họ không cần 'nụ cười Thành Long'” – BBC, 08/11/2019

 bbc.com/vietnamese/vietnam-50342155



* Bối cảnh của tin đồn nhắm vào Nhà máy Nước Sông Đuống và UBND Tp. Hà Nội:

_ “Khánh thành Nhà máy nước mặt sông Đuống 5.000 tỉ đồng” – Thanh Niên, 13/10/2019

 thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/khanh-thanh-nha-may-nuoc-mat-song-duong-5000-ti-dong-1013001.html

_ “Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa đủ điều kiện vẫn đưa vào vận hành?” – Ngô Hùng, Trung Hiếu (Dân Việt), 21/10/2019, 09:30

 danviet.vn/tin-tuc/nha-may-nuoc-mat-song-duong-chua-du-dieu-kien-van-dua-vao-van-hanh-1024690.html

_ “Hà Nội lên phương án tăng giá nước sinh hoạt” – Dân Trí, 27/10/2019

 vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/ha-noi-len-phuong-an-tang-gia-nuoc-sinh-hoat-582355.html

_ “Hà Nội sẽ tăng giá nước để gỡ khó cho doanh nghiệp?” – Trường Phong (Tiền Phong), 28/10/2019, 19:24

 tienphong.vn/nhip-song-thu-do/ha-noi-se-tang-gia-nuoc-de-go-kho-cho-doanh-nghiep-1480340.tpo

_ “Mua nước nhà máy Sông Đuống gấp đôi Sông Đà: Ai chịu thiệt?” – Minh Anh (VnEconomy), 03/11/2019, 01:20

 vneconomy.vn/mua-nuoc-nha-may-song-duong-gap-doi-song-da-ai-chiu-thiet-20191102135623306.htm

_ “Giá nước sông Đuống đắt gấp đôi: Vạn dân Hà Nội gánh nước giá đắt” – H. Duy (Vietnamnet), 03/11/2019, 06:00

 vietnamnet.vn/vn/thoi-su/gia-nuoc-song-duong-dat-gap-doi-van-dan-ha-noi-ganh-nuoc-gia-dat-584361.html

_ “2.000 tỷ thâu tóm nước sông Đuống, Hà Nội tăng giá đại gia Thái hưởng lợi” – H. Tú (Vietnamnet), 03/11/2019, 12:24

 vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/nuoc-sach-dat-gap-doi-dai-gia-thai-so-huu-nuoc-mat-song-duong-huong-loi-584481.html

_ “Hà Nội ‘ưu ái’ nước sạch Sông Đuống, tỉ phú Thái Lan ‘trúng đậm’” – Anh Vũ (Thanh Niên), 04/11/2019, 17:52

 thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/ha-noi-uu-ai-nuoc-sach-song-duong-ti-phu-thai-lan-trung-dam-1144709.html



* Hoạt động tung tin đồn nhắm vào Nhà máy Nước Sông Đuống và UBND Tp. Hà Nội:

_ “Doanh nghiệp của chị Đỗ Liên là nhà máy nước sông Đuống gặp khó khăn, uỷ ban thành phố Hà Nội tăng tiền bán nước để gỡ khó cho chị ấy.  Bao lâu không sao, nhà máy nước của chị Đỗ Liên đi vào hoạt động là nhà máy nước sông Đà bị đổ dầu thải, thành phố đề nghị chị tăng sản luọng cấp nước và nâng giá tiền thêm vài nghìn một khối. (…) Sông Đuống cho tăng giá, sông Đà bảo đừng dùng nữa.  Sao Hà Nội không giúp sông Đà để họ có điều kiện cấp nước sạch cho dân Hà Nội, mà chỉ lo cho sông Đuống thôi?  Mấy thằng sông Đà chạy ô dù thế nào mà kém chị Đỗ Liên quá.” – Bùi Thanh Hiếu (FB cá nhân), 29/10/2019, 08:39

 facebook.com/nguoibuon.gio.9/posts/2636203963104547

_ “…Nhưng, sau khi nguồn nước sông Đà bị tấn công, Hà Nội nhấp nhổm tăng giá nước, mà giá nước tăng phía sông Đuống được lợi vì giá nước sông Đuống cao, thì tôi có quyền nghi ngờ rằng, đây là một cuộc tấn công nhằm vào túi tiền của người dân, hàng triệu người…” – Bạch Hoàn (FB cá nhân), 29/10/2019, 10:36

 facebook.com/bachhoanvtv24/posts/2498369643743609

_ “TỰ QUẢNG CÁO:  Thành viên Báo Sạch đã có 2 ngày bám trụ tại Công ty Gốm sứ Thanh Hà - nơi cung cấp dầu thải để bọn thủy tặc đem đi đổ ở đầu nguồn Công ty nước Sông Đà, đầu độc nguồn nước.  Chúng tôi phát hiện nhiều điều thú vị…” – Báo Sạch (trang FB), 30/10/2019, 16:20

 facebook.com/permalink.php?story_fbid=145459866819192&id=100293958002450&__tn__=-R

_ “PHÓNG VIÊN BÁO SẠCH ĐẾN HIỆN TRƯỜNG XẢ DẦU VÀO NGUỒN NƯỚC” – Báo Sạch (trang FB), 30/10/2019, 21:04

 facebook.com/watch/?v=574438519989268

_ “HÀNH TRÌNH ĐỔ DẦU KỲ QUẶC” – Báo Sạch (trang FB), 30/10/2019, 22:53

 facebook.com/100293958002450/photos/a.100322217999624/145575210140991/?type=3&__tn__=-R

_ “Mong cho chị Đỗ Liên chủ nhà máy nước sông Đuống kinh doanh sản xuất nước mắm cạnh tranh với bọn Massan. Trước bọn Masan tung quả vu nước mắm truyền thống nhiễm asen để nó độc quyền bán hàng. Giờ chỉ có chị Đỗ Liên làm đối thủ xứng đáng với bọn Masan mà thôi.” – Bùi Thanh Hiếu (FB cá nhân), 31/10/2019, 17:53

 facebook.com/nguoibuon.gio.9/posts/2641039255954351?__tn__=-R

_ “Maphia bán nước hại dân” – Bùi Thanh Hiếu (FB cá nhân), 01/11/2019, 19:06

Trích: “…Nhà máy nước sông Đà với mức giá hơn 5 nghìn một khối, lãi ròng hơn nửa. Đang làm ăn ngon lành, bỗng nhiên bị xảy ra sự cố phá hoại đổ dầu thải vào nguồn nước, dường như những kẻ chủ mưu đổ trộm đã nghiên cứu kỹ phòng vệ của nhà máy nước sông Đà, cho nên phương án đổ trộm dầu thải được tính toán tinh vi, các điểm đổ rải rác nhiều nơi. Nơi tưởng như là công khai, nơi đổ kín đáo. Đầu tiên nhà máy nước sông Đà nghĩ đơn giản rằng đây chỉ là vụ đổ trộm dầu thải, thế nên khi phát hiện chỉ khoanh khu vực đổ để xử lý. Nhưng khi xử lý rồi vẫn bị, tìm hiểu thêm mới vỡ lẽ ra kẻ đổ trộm còn đổ ở nhiều khu vực khác nhưng cùng mẫu số chung là cùng loại dầu và cùng đổ về nguồn nước của nhà máy sông Đà.  Điều lạ lùng là khi nhà máy nước sông Đà bị sự cố phá hoại, trùng hợp với thời điểm nhà máy nước sông Đuống khánh thành giai đoạn 1 và bắt đầu bán nước ra thị trường. Sự gấp vội của nhà máy nước sông Đuống khánh thành mặc dù còn chưa được giấy phép nghiệm thu khiến người ta hoảng sợ.  Người ta hoảng sợ vì tại sao một doanh nghiệp bị phá hoại, và doanh nghiệp canh tranh với nó bỗng nhiên được ưu đãi, bỏ qua những thủ tục để bán sản phẩm ra thị trường. Thậm chí địa bàn cấp nước của sông Đà bị bắt buộc phải thu hẹp lại, để nhà máy nước sông Đuống chiếm thị phần. Lạ lùng hơn là như có sự chuẩn bị từ trước, đường ống của nhà máy nước sông Đuống đã đến những nơi này trước, như một sự sắp đặt chỉ cần có sự cố xảy ra với sông Đà, là sông Đuống cấp nước được cho nơi ấy ngay…”.

 facebook.com/permalink.php?story_fbid=956507474708201&id=304083773283911&__tn__=-R

_ “Tử tế thì hãy giảm giá cho dân” – Bùi Thanh Hiếu (FB cá nhân), 03/11/2019, 14:37

Trích: “…Người Thái là những người làm ăn ít khi bị điều tiếng, sao họ có thể dễ dàng mua 34% cổ phần của một nhà máy nước xây dựng với giá thành khai vống lên như vậy ? Có thật đây là người Thái mua để kinh doanh, hay là một thế lực Hoa Kiều đội lốt người Thái để mua cổ phần nhà máy này nhằm mục đích khác thâm độc hơn.?  Cái này chưa rõ, nhưng việc mua dễ dàng, không cân nhắc như vậy thường không phải bản chất của người Thái, nó chỉ có ở những người Trung Quốc láng giềng. Chỉ có họ mới có những tác động đến quan chức, chính trường Việt Nam để ra những chính sách có lợi cho doanh nghiệp của họ. Hoặc họ mua với sự tài trợ ngầm của nhà nước Trung Quốc để nhằm mục đích nào đó nham hiểm hơn. Tuy nhiên thì vấn đề này chỉ là suy luận, giả thiết, nên cứ để từ từ bàn sau…”.

 facebook.com/nguoibuon.gio.9/posts/2647339198657690

_ “NƯỚC CHẢY VỀ ĐÂU” – Báo Sạch (trang FB), 04/11/2019, 10:55

 facebook.com/permalink.php?story_fbid=147285029970009&id=100293958002450&__tn__=-R

_ “500 TỈ ĐỒNG” – Bạch Hoàn (FB cá nhân), 05/11/2019, 10:21

Trích: “…Sông Đuống là doanh nghiệp cung cấp nước nguồn, tức bán sỉ. Nay, Sông Đuống vừa khánh thành tháng 9-2019, thì tháng 10-2019, Hà Nội nhăm nhe tăng giá bán lẻ đối với nước bán cho dân. Như vậy, khi tăng giá các nhà phân phối nước mới có thể lấy nước đầu vào do Sông Đuống cung cấp với giá cao…”.

 facebook.com/bachhoanvtv24/posts/2505073516406555

_ “…Trong khi đó, tôi nghe rằng, họp giao ban chỗ các cụ, chị Đuống đã phàn nàn báo chí và công luận về việc cái đám lâu nhâu ấy dám nói rằng nhà máy của chị chưa nghiệm thu đã cho bán nước, mới khởi công xây dựng được 3 tháng đã được ký giá bán nước cao gấp đôi giá thị trường.  Nếu thông tin này đúng, tôi xin phép có lời khen ngợi chị Đuống vì đã biết gõ cửa đúng nơi đúng chỗ. Bịt cụ nó cái miệng lũ lắm mồm luôn chứ để lải nhải nhức đầu. Công nhận là giỏi, quá giỏi…” – Bạch Hoàn (FB cá nhân), 05/11/2019, 14:50

 facebook.com/bachhoanvtv24/posts/2505254333055140

_ “Đây là phần giới thiệu bán hàng đặc biệt nhất trên thế giới, người bán hàng đã chào những lợi thế sau  - nhà máy có quan chức cao cấp đỡ đầu - Giá cả sản phẩm được can thiệp tăng lên - có phương án loại các đối thủ cạnh tranh khác…” – Bùi Thanh Hiếu (FB cá nhân), 07/11/2019, 13:21

 facebook.com/nguoibuon.gio.9/posts/2655786097813000

_ “BÁN NƯỚC HAY BÁN CHÍNH SÁCH?” – Báo Sạch (trang FB), 08/11/2019, 11:39

 facebook.com/permalink.php?story_fbid=148748516490327&id=100293958002450&__tn__=K-R



* Về việc Green Trees phản bác VTV:

_ “Đề nghị khởi tố vụ chặt cây xanh ở Hà Nội” – PLO, 24/03/2015

 plo.vn/thoi-su/de-nghi-khoi-to-vu-chat-cay-xanh-o-ha-noi-538833.html

_ “TỔ CHỨC PHẢN ĐỘNG NÚP BÓNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG” – Green Trees (trang FB), 03/11/2019, 20:55

 facebook.com/greentreesVN/posts/828878754182018

_ “CẠN LỜI!  Theo VTV và BTV Minh Hằng, bảo vệ môi trường là không xả rác, nói không với đồ nhựa dùng một lần. Còn việc chặt cây, xây nhà lầu trong VQG, khu bảo tồn đại ý là chính sách của nhà nước, không được lên tiếng, lên tiếng là chống đối…” – Save Tam Đảo (FB cá nhân), 03/11/2019, 21:23

 facebook.com/savetamdao.vn/posts/481971809332415?__tn__=H-R

_ “Greentrees phản bác phóng sự 'Núp bóng môi trường' của VTV” – BBC, 06/11/2019

 bbc.com/vietnamese/world-50299399



* Về đợt quyên góp hỗ trợ Thịnh Nguyễn:

_ “Gã “rồ” nhất trong "những người khôn"” – Tử Linh (Người Đưa Tin), 27/12/2012, 23:41

 nguoiduatin.vn/ga-ro-nhat-trong-nhung-nguoi-khon-a62274.html

_ “Thịnh Nguyễn - nghệ sĩ quan tâm đến phận người yếu thế” – Ben Ngô (BBC), 22/10/2018

 bbc.com/vietnamese/vietnam-45888978

_ “Nhà hoạt động Thịnh Nguyễn bị câu lưu” – RFA, 25/10/2019

 rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/activist-thinh-nguyen-detained-10252019085449.html

_ “Như mọi người đã biết Thinh Nguyen bị câu lưu và thu sạch đồ làm phim, chụp ảnh, máy tính... cùng nhiều thiết bị phụ trợ khác, trị giá khoảng 150tr. (…) Nay mình có một cái body Canon 80D là máy backup, mới 99%, tần suất sử dụng ít, mình sẽ đem tặng lại Thịnh để Thịnh tiếp tục cho ra đời các sản phẩm nghệ thuật phản ánh hiện trạng xã hội. Tuy vậy nó cũng chỉ là một phần nhỏ thiết bị cần thiết của một người hoạt động về phim ảnh. Mình mong bạn bè gần xa chung tay cùng mình giúp Thịnh lúc khó khăn này. Nếu có nhã ý ủng hộ xin inbox riêng mình…” – Nguyễn Lân Thắng (FB cá nhân), 29/10/2019, 14:22

 facebook.com/nkmh2011/posts/10157680171638808

_ “Trang gây quỹ cho Thinh Nguyen Cover của Bùi Kim Đĩnh” – 31/10/2019, 20:58

 facebook.com/donate/704090650110092/10157468457666826/

Thông tin về Bùi Kim Đĩnh:

 swfp3.org/vi/bui-kim-dinh/

_ “Trao máy ảnh của mình và 10.070.000đ + 200usd là sự ủng hộ của bà con gần xa cho Thinh Nguyen Thinh Nguyen Cover Chuyện của Thịnh.  Bà con gần xa muốn tiếp tục ủng hộ Thịnh xin bấm vào đường link này ạ:…” – Nguyễn Lân Thắng (FB cá nhân), 02/11/2019, 21:35

 facebook.com/photo.php?fbid=10157693946893808&set=a.371777483807&type=3&__tn__=-R



* Về hành vi của nhóm Châu Văn Khảm:

_ “Ngăn chặn kịp thời hành vi chống phá của tổ chức khủng bố 'Việt Tân'” – TTXVN, 09/11/2019

 daidoanket.vn/vu-an/ngan-chan-kip-thoi-hanh-vi-chong-pha-cua-to-chuc-khung-bo-viet-tan-tintuc451966?fbclid=IwAR1yvhkqNdI4sDFeEgFXalmGOQZ9A_5QOtOYSZExt6BGxel-5DyKm1FfuoI



* Các hoạt động tuyên truyền về phiên xử sơ thẩm nhóm Châu Văn Khảm:

_ “Ông Châu Văn Khảm có phạm tội khủng bố không?” – Nguyễn Văn Đài (VOA), 31/10/2019

 voatiengviet.com/a/chau-van-kham-viet-tan-khung-bo-hay-khong/5146029.html

_ “THÔNG CÁO BÁO CHÍ: CSVN dàn dựng phiên tòa để khủng bố những người yêu nước” – Việt Tân, 01/11/2019

 facebook.com/viettan/posts/10159357385995620?__tn__=K-R

_ Tuyên bố của Hội Anh em Dân chủ về vụ việc, 02/11/2019

 facebook.com/photo.php?fbid=1208103946064171&set=a.123882327819677&type=3

_ “THƯ MỜI HỌP BÁO  v/v: CSVN đưa ông Châu Văn Khảm ra xét xử” – Việt Tân (trang FB), 05/11/2019, 07:04

 facebook.com/viettan/photos/a.10151333017390620/10159370304705620/?type=3&__tn__=-R

_ “Việt Tân phản đối phiên tòa xét xử các nhà hoạt động Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn, Trần Văn Quyền” – RFA, 05/11/2019

 rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/viet-tan-opp-trial-11052019083200.html

_ “Việt Nam: Hãy hủy bỏ cáo buộc khủng bố đối với các nhà vận động chính trị” – Human Rights Watch, 07/11/2019

 hrw.org/vi/news/2019/11/07/335466



* Về phiên xử Trần Vũ Hải:

_ “ĐỂ RỘNG ĐƯỜNG DƯ LUẬN TÔI XIN ĐƯA RA HAI LUỒNG QUAN ĐIỂM TRƯỚC PHIÊN XỬ VỀ VỤ TRỐN THUẾ CỦA LUẬT SƯ TRẦN VŨ HẢI” – Nguyễn Duy Bình (FB cá nhân), 07/11/2019, 08:45

 facebook.com/binh.nguyenduy.1023/posts/1796287763838728

_ “…Cách đây 2 năm, một số luật sư hàng đầu từ cả hai miền nam bắc, giàu tâm huyết với nghề nghiệp đã có ý tưởng thành lập một giải thưởng để vinh danh luật sư đã có sự dấn thân với cộng đồng. Theo đó, sự dấn thân được hiểu như một phương cách hành nghề có thể đặt bản thân vào tình huống rủi ro nhiều mặt để bảo đảm phẩm giá nghề nghiệp…” – Đặng Đình Mạnh (FB cá nhân), 07/11/2019, 14:08

 facebook.com/manhdang001/posts/3056994524317058

_ “Lễ vinh danh "LUẬT SƯ VÌ CỘNG ĐỒNG" đối với LS TRẦN VŨ HẢI” – Ls Nguyễn Duy Bình (FB cá nhân), 07/11/2019, 14:13

Trích: “…Vào tối hôm qua, các thành viên trong nhóm "Phục vụ công lý" tại Sài Gòn đã tổ chức buổi lễ trao giải "Luật sư vì cộng đồng" cho luật sư Trần Vũ Hải". (…) Qua đây, tôi cũng xin giải thích rõ đây là một giải thưởng trong nội bộ nhóm nhỏ luật sư cùng chung chí hướng góp phần nhỏ bảo vệ pháp luật, giúp đỡ dân nghèo, không phải là tổ chức lớn lao gì của giới luật sư…”.

 facebook.com/binh.nguyenduy.1023/posts/1796532987147539

_ “VINH DANH LUẬT SƯ TRẦN VŨ HẢI LÀ “LUẬT SƯ VÌ CỘNG ĐỒNG”” – Trịnh Vĩnh Phúc (FB cá nhân), 07/11/2019, 14:42

Trích: “…Giải thưởng này dành cho các Luật sư có thành tích vượt trội trong hoạt động nghề nghiệp hướng tới cộng đồng và dấn thân phụng sự Công lý!  Giải thưởng gồm: Biểu tượng “Luật sư vì cộng đồng” chất liệu pha lê, Bằng chứng nhận giải thưởng và hiện kim 50 triệu đồng do đóng góp từ các đồng nghiệp luật sư…”.

 facebook.com/permalink.php?story_fbid=1145704448962210&id=100005679961364

_ “Luật sư Trần Vũ Hải được gần 60 luật sư đăng ký bào chữa” – RFA, 08/11/2019

 rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nearly-60-lawyers-registered-to-defend-lawyer-tran-vu-hai-and-his-wife-at-the-coming-trial-11082019084943.html




No comments:

Post a Comment