Friday, September 20, 2024

Sự tráo trở, lừa lọc của Y Quynh Bdap phủ nhận sự tồn tại của các dân tộc thiểu số

 

Trước lời khai và chứng cứ phản ánh vai trò đứng sau móc nối, lôi kéo, tuyển mộ lực lượng, chỉ đạo thực hiện vụ tấn công khủng bố man rợ xảy ra tại 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur (tỉnh Đắk Lắk) vào hồi 11/06/2023 khiến 9 người thiệt mạng, 2 người bị thương và phá hủy tài sản trị giá hơn 2,5 tỷ đồng của nhà nước và nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên án Y Quynh 10 năm tù với tội danh "Khủng bố" và các cơ quan chức năng đã ra quyết định truy nã đặc biệt đối với Y Quynh Bđăp. Đặc biệt trước việc Y Quynh Bđăp đang bị giam giữ tại nhà tù Remand ở Bangkok, Thái Lan để chờ xét xử xem có bị dẫn độ về Việt Nam hay không, Y Quynh Bđăp đã trở thành tâm điểm chú ý của các tổ chức chống chính quyền. Bất chấp những chứng cứ không thể chối cãi thay vì lên án kẻ khủng bố manh động, cực đoan, họ đang cố “tẩy trắng” cho Y Quynh Bdap không liên quan gì đến vụ khủng bố và cho rằng y chỉ là một người đấu tranh nhân quyền cho người Thượng, đồng thời gây sức ép Thái Lan không được dẫn độ Y Quynh Bđăp về nước.


Thủ đoạn của Bđăp cũng tương tự như cách mà tổ chức FLURO từng thực hiện, đó là phá hoại khối Đại đoàn kết toàn dân, âm mưu đòi thành lập nhà nước riêng cho người Thượng. Bđăp vu cáo Chính phủ Việt Nam phân biệt đối xử các nhóm dân tộc thiểu số người Thượng, ngăn cấm các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc thiểu số; yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải công nhận sự tồn tại của các nhóm dân tộc là “dân tộc bản địa”.


Đây không phải là những thủ đoạn mới, kể từ khi Liên Hợp Quốc ban hành Nghị quyết 61/295 Tuyên ngôn về Quyền của các Dân tộc Bản địa (UNDRIP) vào năm 2012, các tổ chức chống chính quyền lưu vong lấy danh nghĩa “đại diện” cho các dân tộc thiểu số như Hội đồng Dân tộc Thượng, Hội đồng tối cao Campuchia - Krom, Hội đồng phát triển văn hóa xã hội Chămpa… cũng đưa ra yêu cầu tương tự, phải công nhận một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam là “dân tộc bản địa” trên tinh thần Nghị quyết 61/295 Tuyên ngôn về Quyền của các Dân tộc Bản địa của Liên Hợp Quốc. Bởi nếu được công nhận là “dân tộc bản địa” thì theo các điều khoản của UNDRIP, các “dân tộc bản địa” có quyền được ly khai, quyền tự do xác định tình trạng chính trị, tự quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, tài nguyên, quyền tự trị trong các vấn đề nội bộ như luật pháp, văn hóa, và các chương trình xã hội… 


Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng “dân tộc bản địa” ở đây không thể hiểu theo cách mà Y Quynh Bđăp hay các tổ chức chống chính quyền kia đang tuyên truyền. “Người bản địa” hay “người bản xứ” nó không chỉ nằm trong khái niệm “dân tộc - tộc người” (ethnic groups) mà nó cần mở rộng trong khái niệm “quốc gia - dân tộc” (nation-state), gắn liền với thời kỳ chủ nghĩa thực dân đế quốc tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược, áp đặt sự thống trị của họ ở các quốc gia chậm phát triển. Chẳng hạn như trường hợp người Anh xâm chiếm các vùng đất của người thổ dân bản địa để hình thành lên các “quốc gia mới” như Mỹ, Úc, Canada. Hay trường hợp Pháp khi đô hộ Việt Nam thì “người bản địa” ở đây là chỉ dùng để chỉ tất cả các cộng đồng dân tộc Việt Nam, bao gồm cả người Kinh và các dân tộc thiểu số khác đều là “người bản địa”.


Đây cũng chính là lý do vì sao mà ở Việt Nam không có “dân tộc bản địa”, bởi bối cảnh lịch sử hình thành lên nước Việt Nam đã trải qua cả một quá trình chung sống hoà thuận, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, cùng chia sẻ, giao lưu văn hoá, phong tục, ngôn ngữ giữacácdântộc. Và điều quan trọng là các dân tộc dù là đa số (người Kinh) hay thiểu số cũng đều thống nhất cùng chung một lãnh thổ, cùng chung một bộ máy chính trị, cùng chung pháp lý và cùng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ đó. Khái niệm về dân tộc ở Việt Nam đã phát triển và mở rộng lên “quốc gia - dân tộc”. Có thể nói, 54 dân tộc hiện đang sống trên Tổ quốc Việt Nam đều đã chôn nhau, cắt rốn, sinh sống trên mảnh đất này ngay từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Nếu theo quan điểm: hễ dân tộc nào có mặt đầu tiên trên mảnh đất mà ngày nay họ đang sinh sống, dân tộc ấy là “người bản địa”, thì tất cả 54 dân tộc sống trên đất Việt Nam đều là “người bản địa”.


Vì vậy, Chính phủ Việt Nam coi tất cả 54 dân tộc là các thành phần bình đẳng trong khối đại đoàn kết dân tộc và không có sự phân biệt về "bản địa" hay "phi bản địa". Thay vào đó thì Việt Nam chỉ có khái niệm “Dân tộc thiểu số” và đưa ra các chính sách ưu tiên, hành lang pháp lý, các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế để tạo mọi điều kiện cho cộng đồng dân tộc thiểu số phát triển, duy trì và bảo tồn các giá trị văn hoá, tập tục, ngôn ngữ riêng biệt, đồng thời ngăn chặn các hành vi cản trở, phân biệt chủng tộc.


Thật trớ trêu cho Y Quynh Bđăp hay các cá nhân, tổ chức khác đang bấu víu vào Nghị quyết 61/295 để chống chính quyền Việt Nam thì ngay cả Liên Hợp Quốc cũng không đưa ra được định nghĩa “người bản địa” và buộc phải thừa nhận “người bản địa” là một khái niệm “mở”, theo nghĩa: một nhóm xã hội, một dân tộc nào đó có thể tự nhận hoặc phủ nhận mình là “người bản địa”… nếu quan niệm đó phù hợp với lợi ích của họ. Mặt khác, trong phạm vi quyền tài phán, một nhà nước, một chính phủ hoàn toàn có quyền thừa nhận hoặc phủ nhận một nhóm, một bộ phận dân cư, một dân tộc, sắc tộc nào đó là “người bản địa”, nếu điều đó phù hợp với lợi ích của quốc gia - dân tộc đó.


Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, nguyên tắc về toàn vẹn lãnh thổ được coi là một trong những nền tảng của luật quốc tế. Điều này có nghĩa là các quốc gia có chủ quyền không được phép can thiệp vào lãnh thổ của các quốc gia khác, và các nhóm dân tộc thiểu số không có quyền ly khai mà không có sự đồng ý của quốc gia đó. Điều 2(4) của Hiến chương Liên Hợp Quốc cấm đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào. Ngoài ra, không có điều khoản nào trong luật quốc tế cho phép một dân tộc thiểu số được ly khai, hay tự trị theo ý thích. Luật quốc tế thường ủng hộ giải pháp hòa bình và bảo vệ quyền lợi của các dân tộc thiểu số trong khuôn khổ một quốc gia thông qua việc bảo vệ quyền của các dân tộc thiểu số. Trường hợp ly khai hoặc tự trị chỉ được xem xét khi dân tộc đó bị đàn áp nghiêm trọng mà không có lựa chọn nào khác để bảo vệ quyền lợi của mình.


Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam cũng quy định rằng “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển” và “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”, “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình”. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình cùng nhau xây dựng một quốc gia độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do và giàu mạnh. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tới khoảng 8.500 tỷ đồng mỗi năm.Tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng dân tộc thiểu số giảm từ 25,4% (năm 2015) xuống còn khoảng 17,4% (năm 2020). Hằng năm, ngân sách dành cho việc bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số đạt khoảng 300-500 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cho dân tộc thiểu số đạt khoảng 92% vào năm 2020. Hơn 1.000 trạm y tế và 2.000 trường học đã được đầu tư xây dựng tại các khu vực của người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.


Những con số biết nói trên cho thấy, Việt Nam luôn nỗ lực bảo vệ giá trị văn hoá, tập quán, ngôn ngữ riêng của các dân tộc thiểu số, có hệ thống pháp lý chặt chẽ để tạo điều kiện phát triển cũng như ngăn chặn các hành vi phân biệt chủng tộc, phù hợp với Nghị quyết 61/295 và Hiến chương của Liên Hợp Quốc. Thế nên không có lý do nào mà Y Quynh Bđăp và các tổ chức chống phá phải đưa ra những yêu cầu vô lý và vu cáo Chính phủ Việt Nam không công nhận sự tồn tại của các nhóm dân tộc. “Tuyên ngôn về quyền của người bản địa” là một văn kiện rất đáng trân trọng. Song, chúng ta cần tỉnh táo, tránh bị các thế lực phản động lợi dụng đánh tráo khái niệm, dẫn dắt vào những mưu đồ xấu, để rồi chưa thấy cuộc sống của bà con đồng bào thiểu số tốt lên thì đã thấy máu đổ, xã hội mất ổn định như vụ khủng bố xảy ra vào ngày 11/06/2023 vừa qua.


No comments:

Post a Comment