Sunday, October 2, 2022

Quá trình hình thành tà đạo Dương Văn Mình và dã tâm thâm hiểm

 

Sau khi mãn hạn tù (1995), ý định tìm kiếm một tôn giáo mới hay một “cách cúng mới” cho người Mông vẫn đeo đẳng Dương Văn Mình. Vì vậy, năm 1997, ông ta và các cộng sự về huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng bí mật chuẩn bị cho ra mắt “đạo lạ Dương Văn Mình”. Đồng thời, Mình hai lần cử người về Tổng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc) ở số 2 Ngõ Trạm, Hà Nội tìm sự hậu thuẫn, nhưng đều bị Tổng hội từ chối, không công nhận cách cúng mới của Dương Văn Mình thuộc Hội Thánh Tin Lành.



Năm 2000, Dương Văn Mình trở lại thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang tổ chức 4 cuộc họp để chuẩn bị cho việc ra mắt tôn giáo mới. Cuộc họp thứ nhất vào tháng 3 năm 2000, Dương Văn Mình hối thúc các cộng sự làm đơn gửi các cấp chính quyền xin ra mắt “tôn giáo” của mình với tên gọi: “Tín ngưỡng Dương Văn Mình là tín ngưỡng duy nhất và mãi mãi về sau”.

Cuộc họp thứ hai vào tháng 5 năm 2000, Mình yêu cầu các cộng sự viết đơn xin tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập.

Cuộc họp thứ ba vào tháng 10 năm 2000, Mình phân công người phụ trách địa bàn “truyền đạo” ở tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên và người chuẩn bị cơ sở vật chất cho ngày “khai đạo”15 .

 Cuộc họp thứ tư vào tháng 11 năm 2000, Mình lập tổ chức và nhân sự của “đạo”, do Dương Văn Mình đứng đầu. Tổ chức của “đạo” bao gồm: ở cấp Trung ương có Ban Tổng quản, đứng đầu là Tổng quản trưởng; Ban Bảo vệ; Ban Thanh niên; Ban Soạn thảo văn bản; Ban Phụ nữ; Ban Phụ lão. Mỗi thôn, bản do trưởng thôn, phó thôn phụ trách, có trưởng ban tín ngưỡng, bí thư thanh niên, hội trưởng phụ nữ, phụ lão. Các ban ở Trung ương và cơ sở đều do Dương Văn Mình phân công nhân sự cụ thể. Ban Soạn thảo văn bản đã soạn thảo một số văn bản, trong đó có Bản Quy ước về quản lý an ninh gồm 7 phần, 21 điều16 . Mục đích là để kiểm soát người ra vào thôn Ngòi Sen, nơi thường trú của Dương Văn Mình. Họ còn sáng tác bài hát cho ngày lễ “ra mắt”17 .

Trong tháng 12 năm 2000, Dương Văn Mình đã liên tiếp gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, huyện Hàm Yên và xã Yên Lâm đề nghị công nhận “Tín ngưỡng Dương Văn Mình là tín ngưỡng duy nhất và mãi mãi về sau”. Ngày 15 tháng 12 năm 2000, Dương Văn Mình viết thư gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; Tổng Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị xem xét: 1) Tín ngưỡng tự phát mang biểu tượng cây Thập ác (nguyên bản) của Dương Văn Mình thuộc về tín ngưỡng nào; 2) Cách giải quyết tập trung lực lượng gây sức ép áp đảo bà con người Mông; 3) Yêu cầu giải quyết vụ này trong vòng 4 ngày. Trong đó, Dương Văn Mình khẳng định: ông ta không có tội, nếu chính quyền cho rằng ông ta có tội thì phải công khai chứng minh; việc gọi hỏi Dương Văn Mình phải tiến hành ở nhà ông ta với sự chứng kiến của người thân và bà con người Mông; xin được theo Tín ngưỡng Dương Văn Mình là tín ngưỡng duy nhất và mãi mãi về sau. Ông ta tự nhận mình là “giáo chủ”, vì “năm 1995 tôi được ban làm người dạy dỗ dìu dắt nhân dân”; năm 1997 đi tu và bây giờ (2000) trở về quê hương để tiếp tục làm công việc của mình và sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2000.

Sự xuất hiện của Dương Văn Mình vào năm 2000 tuy đột ngột, nhưng công khai xin thành lập một tôn giáo mới không còn gắn với việc “xưng vua, đón Vàng Chứ” như trước đây nữa. Việc này được Mình và các đồng sự chuẩn bị một cách công phu, chu đáo qua nhiều năm. Trong đơn xin lập tôn giáo mới của mình, Dương Văn Mình và các cộng sự lý giải rằng, tín ngưỡng này phù hợp với nguyện vọng của đồng bào, đem lại lợi ích cho dân, là một tôn giáo “chân chính”, “rất tôn giáo”, rất tốt, nó xóa bỏ mê tín dị đoan, không dạy điều xấu, không chống Đảng, chống Nhà nước mà dạy người Mông thấy được “con đường tốt”; Dương Văn Mình là một người tốt, nó dạy con đường làm ăn tốt, đi con đường đúng, nó không tranh giành với Nhà nước, với Đảng mà chỉ giúp Nhà nước, giúp Đảng mà thôi và chẳng có dính líu gì với đạo Vàng Chứ cả. Trong một bức thư, cộng sự của Dương Văn Mình khẳng định: “Dương Văn Mình đã có nhiều lời khuyên tốt đẹp, làm cho bà con có tình thương yêu giúp đỡ lẫn nhau và đoàn kết rộng rãi; tôi nhận thấy sự việc của Dương Văn Mình là phù hợp với tâm tư và nguyện vọng của chúng tôi; Chúng tôi tự nguyện nhận lấy tín ngưỡng của ông Dương Văn Mình làm tín ngưỡng duy nhất cho chúng tôi kể từ năm 2001 trở đi và mãi mãi về sau” .

Như vậy, Dương Văn Mình lần này xuất hiện không phải là Vàng Chứ hay Chúa Giêsu mà là một con người bằng xương, bằng thịt cụ thể, nhưng có khả năng và sức mạnh siêu nhiên. Nó được một bộ phận người Mông Trắng tin theo, đón nhận, xem đó như một “cái lý mới”, một “cách cúng mới” của mình.

Sự tái xuất hiện của cái gọi là “tín ngưỡng Dương Văn Mình” lần này được chuẩn bị và tổ chức chu đáo hơn. Theo kế hoạch, Dương Văn Mình dự định làm lễ “lên ngôi” (lễ lên ngự trên chiếc ghế đặt trên ban thờ) trước đông đảo “tín đồ” vào cuối tháng 12 năm 2000 hoặc đầu tháng 1 năm 2001, nhưng bị chính quyền dẹp bỏ.

Tháng 3 năm 2001, Dương Văn Mình bỏ đi, nhưng “tín ngưỡng” mà ông ta dự định lập nên vẫn tiếp tục tồn tại, được nhiều người Mông Trắng tin theo.

Tháng 9 năm 2001, một số cộng sự của Dương Văn Mình ở xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang làm đơn gửi đến chính quyền xã, huyện, tỉnh đề nghị trả lại bàn thờ, ghế mây, băng rôn đã bị thu giữ năm 2000 và xin tổ chức ra mắt “đạo Dương Văn Mình”, nhưng không được chấp nhận.

Tháng 5 năm 2007, Đào Đình Hoãng tổ chức “lễ kỷ niệm” sinh nhật lần thứ 6 ngày “khai đạo” Dương Văn Mình tại xã Yên Lâm, Hàm Yên, Tuyên Quang tuyên bố Dương Văn Mình sẽ trở về làm cho những người theo đạo có cuộc sống sung sướng và sẽ có người nước ngoài ủng hộ,... nên đã có khoảng 2.000 người Mông, chủ yếu ở Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn về tham dự.

Tháng 9 năm 2007, những người theo Dương Văn Mình ở Tuyên Quang, Cao Bằng làm đơn gửi chính quyền các cấp xin phép được xây dựng “nhà đòn” (nơi để đồ tang lễ). Từ đây, xuất hiện biểu tượng mới - nhà đòn - gắn với các linh vật gồm con én, con cóc, con ve và cánh cung cây tượng trưng cho cây thánh giá, trở thành dấu chỉ mang tính “hồn cốt” của hiện tượng Dương Văn Mình, đánh dấu bước rẽ quan trọng của hiện tượng này theo một cung cách mới, một “cách cúng mới” của người Mông. Cũng từ đây, hiện tượng Dương Văn Mình hoạt động gắn với biểu tượng nhà đòn và phát triển, lan rộng trong cộng đồng người Mông Trắng cho đến nay đã có trên 7.700 người theo ở trên 100 thôn bản, thuộc các tỉnh: Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn và Lào Cai.

 Người khai đạo - giáo chủ Dương Văn Mình, được tín đồ nhìn nhận không phải là một vị thần thánh mà là một con người biết dạy “con đường ăn, con đường uống cho tất cả con người, là người dạy điều tốt, vừa lòng tất cả, hợp lòng tất cả thích,... dạy đường tốt, đường đúng, lời khuyên tốt đẹp, làm cho bà con thương yêu giúp đỡ lẫn nhau và đoàn kết rộng rãi; việc làm của Mình là phù hợp với tâm tư và nguyện vọng” của họ. Như vậy, Dương Văn Mình được một bộ phận người Mông Trắng tin theo, xem đó như một vị “thủ lĩnh” tinh thần, không chỉ dạy cho họ biết “cách cúng mới”, biết đi con đường đúng, làm điều tốt đẹp mà còn dạy cho họ biết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau đoàn kết làm điều tốt. Ông ta đã trở thành một hình tượng, một vị “cứu tinh” cho một bộ phận người Mông Trắng trên con đường hiện đại hóa tín ngưỡng truyền thống, từ bỏ tín ngưỡng đa thần với nhiều hủ tục nặng nề để đi tìm một “cách cúng mới”, “cái lý mới” cách tân, giản tiện và tiết kiệm tiền bạc hơn, phù hợp với xã hội hiện đại, song vẫn không xóa bỏ hoàn toàn tín ngưỡng truyền thống, tâm thức tôn giáo tộc người.

Thời điểm xuất hiện Hiện tượng Dương Văn Mình xuất hiện năm 1987, đây là thời điểm một bộ phận người Mông có sự chuyển đổi niềm tin tôn giáo từ bỏ tín
ngưỡng truyền thống sang theo đạo Tin Lành dưới tên gọi Vàng Chứ. Đây cũng là thời kỳ Việt Nam bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới, chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa, hội nhập quốc tế, trong điều kiện tình hình kinh tế-xã hội khủng hoảng sâu sắc, đời sống nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng người Mông vô cùng khó khăn, tạo điều kiện cho tôn giáo phục hồi, hiện tượng tôn giáo mới, trong đó có hiện tượng Dương Văn Mình ra đời và phát triển.

Sau hơn 30 năm, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song hiện tượng Dương Văn Mình vẫn tồn tại và phát triển bất chấp sự phản đối của chính quyền, của những người Mông theo tín ngưỡng truyền thống và của các hệ phái Tin Lành . Địa bàn phân bố và cộng đồng những người tin theo Hiện tượng Dương Văn Mình xuất hiện đầu tiên ở Tuyên Quang, sau đó lan ra các địa bàn có người Mông Trắng sinh sống. Cho đến nay hiện tượng này đã phát triển và phân bố ở 5 tỉnh: Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn và Lào Cai (từ 2014). Đây là địa bàn vùng núi, vùng xa biên giới, vùng dân tộc thiểu số, kinh tế thấp kém, đời sống nhân dân có nhiều khó khăn. Địa bàn Dương Văn Mình “khai đạo” là vùng đất mà Mình và một số tín đồ mới di cư từ nơi khác đến. Trước đây, Dương Văn Mình ở bản Xí Điêng, xã Thượng Thôn, Hà Quảng, Cao Bằng; thời kỳ chiến tranh biên giới Việt-Trung, thực hiện chính sách di dân, Dương Văn Mình cùng gia đình di cư, chuyển về sinh sống tại xã Yên Lâm, Hàm Yên, Tuyên Quang. Hầu hết những người di cư đến vùng đất mới đều thiếu hoặc không đất sản xuất nên đời sống của họ rất khó khăn. Những người theo Dương Văn Mình chủ yếu là người Mông Trắng di cư. Nhưng đó là một “cộng đồng tín đồ xác định, là những người tự nguyện, có chung một niềm tin vào tôn chỉ, lời dạy của giáo chủ” và không ngừng tăng lên, mặc dù không nhiều như các hệ phái Tin Lành khác.

Sau khi Dương Văn Mình bị xử phạt tù (1990), một nhóm người Mông ở Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên vẫn tiếp tục theo “cách cúng mới”, một nhóm chuyển sang theo đạo Tin Lành. Tính đến thời điểm năm 2001, có 5.121 người Mông ở 33 xã, 16 huyện thuộc 4 tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn và Thái Nguyên theo Dương Văn Mình . Đến tháng 3 năm 2010, tỉnh Bắc Kạn có 56 hộ, 321 người Mông theo với 3 nhóm ở 3 huyện. Tỉnh Cao Bằng có 338 hộ, 1.766 người theo, 15 điểm nhóm tại các huyện: Bảo Lâm, Hà Quảng, Hòa An và Trà Lĩnh30 . Năm 2014, tỉnh Cao Bằng có 8 bản của 3 xã ở huyện Bảo Lâm và Hà  Quảng; tỉnh Tuyên Quang có 2 thôn bản ở huyện Hàm Yên và Yên Sơn; tỉnh Bắc Kạn có 2 thôn bản ở Bắc Nậm, Chợ Mới; tỉnh Thái Nguyên có 1 thôn bản ở huyện Võ Nhai theo Dương Văn Mình. Vào lúc cao điểm, ở huyện Võ Nhai có 56 hộ, trên 300 người; huyện Đồng Hỷ có trên 120 hộ với gần 550 người Mông theo Dương Văn Mình. Đến năm 2016, hiện tượng Dương Văn Mình có 1.352 hộ, 7.701 người, 95 cốt cán tích cực ở 101 thôn, bản thuộc 50 xã, 17 huyện, 5 tỉnh (Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Lào Cai). So với năm 2015, tăng 149 hộ, 734 người, 14 cốt cán (tăng 12,39% số hộ, 10,54% số người và 7,28% cốt cán); tổng cộng cả 3 năm (2013-2015) tăng 21% về số người.

Đa số những người theo Dương Văn Mình là người Mông Trắng di cư vì nhiều lý do khác nhau. Như trường hợp những người Mông ở Bắc Kạn di cư từ Cao Bằng sau chiến tranh biên giới năm 1979, họ “đã phai nhạt các giá trị văn hóa truyền thống, không hiểu biết nhiều về phong tục, tập quán cũng như những sinh hoạt tôn giáo truyền thống của đồng bào mình” . Hơn nữa, người Mông chưa từng theo tôn giáo nào. Tín ngưỡng đa thần truyền thống của họ chủ yếu là thờ cúng tổ tiên, thờ ma nhà, ma bản với nhiều lễ tục rườm rà, tốn kém, nặng nề. Thời điểm Dương Văn Mình “khai đạo” trùng với thời điểm trong cộng đồng người Mông đang có sự chuyển đổi niềm tin, từ bỏ tín ngưỡng đa thần truyền thống sang theo tôn giáo nhất thần, nhất là đạo Tin Lành. Do tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ ma nhà, ma cửa với nhiều lễ tục lạc hậu, rườm rà, tốn kém, người dân khi nghe tuyên truyền về “cách cúng mới” giản tiện nên dù không biết “cách cúng mới” thế nào nhưng họ vẫn tin theo. Cộng đồng tín đồ này sống phân tán ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, nhưng lại là những cộng đồng được cố kết bền chặt bởi họ có mối “quan hệ thân tộc, dòng họ, gia đình đối với Dương Văn Mình và các đối tượng cốt cán nên niềm tin của họ khó thay đổi” .

Về tài liệu, chủ yếu là tài liệu chép tay hoặc truyền miệng do Dương Văn Mình và các cộng sự sáng tác dựa vào Kinh Thánh, Thánh ca của Kitô giáo (chủ yếu là đạo Tin Lành), với hình tượng Chúa Giêsu, nhất là con trai của “Bố Trời” (Chúa Trời) xuống cứu thế (chỉ Dương Văn Mình). Trong bài hát sáng tác ngày 19/12/2000, lời tiếng Mông có đoạn: “Chúa Giêsu đã về trước năm 2000, về cứu người thoát khỏi ma quỷ. Được ăn ngon lành. Người cha về làm tốt cho mọi người. Đất nước, tất cả mọi người mới tin. Và đến năm 1997, Bố Trời (sai) con trai về cứu thế. Cha nói đến nơi Cha nghỉ ngơi. Đến ngày 15 tháng 11 năm 2000, con trai của Cha Trời cứu thế mới quay về đến”.

Về “giáo lý”, hiện tượng Dương Văn Mình dựa vào giáo lý, giáo luật, những bài Thánh ca của đạo Tin Lành, lấy hình tượng Chúa Giêsu làm trung tâm, cây Thánh giá làm biểu tượng gắn với các biểu tượng tâm linh của dân tộc Mông. Dương Văn Mình và các cộng sự còn biên soạn một số giáo lý cho phù hợp với khả năng nhận thức của người Mông tin theo; đưa một số nét văn hóa tâm linh của người Mông vào giáo lý và đặc biệt đề cao vai trò cá nhân của “giáo chủ” Dương Văn Mình. Ông ta tự nhận là Chúa Cứu thế, được Thiên Chúa giao cho sứ mệnh “dạy dỗ dìu dắt nhân dân” và được những người tin theo thừa nhận, tin tưởng. Ban đầu, Dương Văn Mình và các cộng sự nghe theo đài FEBC đi tuyên truyền về đạo Vàng Chứ (Vương Chủ). Vì là tuyên truyền nên có sự thêm thắt và không nhất quán. Có nơi đồng nhất Vàng Chứ với hiện tượng “xưng vua” vốn lưu truyền trong dân tộc Mông. Có nơi chuyển Vàng Chứ thành đấng cứu thế, đồng nhất với Chúa Giêsu. Người ta tuyên truyền về việc đón Vàng Chứ. Về sau, Dương Văn Mình dựa vào đó và cho rằng, Mình đã nhận được “thiên khải” từ chính Chúa Giêsu. Đặc biệt, Dương Văn Mình cho rằng, thời điểm ông ta nhận được thiên khải là thời điểm tái sinh, trở thành người khác, chính Dương Văn Mình là Đấng Cứu thế, là người được Bố Trời sai xuống cứu giúp người Mông.

Về “giáo luật”, thể hiện rõ trong Bản quy ước, điều lệ tổ chức đời sống người Mông đổi mới, do Dương Văn Mình soạn thảo. Bản quy ước, điều lệ này gồm 4 phần với nội dung cơ bản như sau:

Phần thứ nhất: Thập nhị giới, tức 12 “điều răn” của đạo (gồm có 11 điều không được làm và 1 điều nên làm) quy định những điều không được làm và nên làm trong cuộc sống mà họ gọi là “đời sống  người Mông đổi mới từ năm 1989 đến nay”. Có thể tóm tắt Thập nhị giới thành 6 nội dung chính như sau: Thứ nhất, ăn ở vệ sinh, kiêng kỵ như không ăn máu động vật, nhất là tiết canh và những con vật chết không bị cắt tiết (Điều 1); Thứ hai, không sa vào các tệ nạn như rượu chè, cờ bạc, ma túy (Điều 2, 5, 6); Thứ ba, giữ gìn phong hóa thôn bản và hạnh phúc gia đình như không đánh nhau, chửi nhau, xích mích, mâu thuẫn, lừa dối, lừa đảo, không cướp vợ, cướp chồng người khác (Điều 3, 4, 10, 11); Thứ tư, không sa vào tội phạm như giết người, đốt nhà (Điều 7); Thứ năm, không được tranh chấp, xâm lấn ruộng đất của người khác (Điều 8, 9) và Thứ sáu, đoàn kết giúp đỡ nhau sản xuất. Như vậy, thập nhị giới răn nêu trên hoàn toàn phù hợp với những tiêu chí xây dựng thôn bản, gia đình văn hóa mới mà Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang phát động nhằm xây dựng nông thôn mới.

Phần thứ hai: ngày sinh nhật và sinh hoạt văn nghệ trong dịp lễ tết, quy định về ngày sinh nhật (Giáng sinh) “giáo chủ” Dương Văn Mình; nghi thức đón giao thừa và sinh hoạt văn nghệ dịp năm mới. Trong đó, quy định rõ vào ngày sinh nhật của Dương Văn Mình (ngày 9 tháng 5 âm lịch) hàng năm phải được tổ chức long trọng, có băng rôn viết dòng chữ “ngày 9 tháng 5 là ngày sinh nhật” (bằng chữ phổ thông và chữ Mông Latinh) trên nền vải trắng; có bàn trà, hoa phủ tấm vải trắng, 4 người đàn ông ngồi bốn góc để chúc mừng và thanh niên nam,
nữ hát 2 bài ca chúc mừng ngày sinh nhật của Dương Văn Mình. Về nghi lễ đón giao thừa, quy định rõ vào lúc 12 giờ đêm (24 giờ), ngày 30 tết Nguyên Đán phải tổ chức đón giao thừa chúc mừng năm mới, thanh niên nam, nữ hát 2 bài ca chào mừng năm mới. Về văn nghệ chào đón năm mới được quy định cụ thể phải có băng rôn ghi dòng chữ “Văn nghệ chào đón năm mới” bằng cả tiếng phổ thông và tiếng Mông Latinh trên nền vải trắng. Văn nghệ chúc mừng năm mới tổ chức vào hai ngày: ngày 02 tết tổ chức ca múa nhạc đón chào năm mới: “Tốp ca nữ hát đồng ca mở màn trước 1 bài, ngày hôm đó mọi người tham gia hát dân ca, múa khèn, thổi sáo mừng năm mới. Ngày 08 tết tất cả già, trẻ, trai, gái tập trung tổ chức liên hoan văn nghệ tổng kết đón xuân. Như vậy, qua việc làm trên cho thấy, Dương Văn Mình đang có ý đồ tạo nên những ngày “lễ trọng” (ngày sinh nhật) cũng như  “mùa lễ” cho cách cúng mới của mình giống như các ngày lễ trọng và mùa lễ của Công giáo hay đạo Tin Lành vậy. Đây là những điểm mới tạo nên sự khác biệt giữa những người theo hiện tượng Dương Văn Mình với tín ngưỡng truyền thống.

Phần thứ ba: lễ cưới, quy định cụ thể phải có 3 bàn hoa cưới, 5 người chủ trì buổi hôn lễ (1 nữ, 4 nam), 4 người chủ lễ hát 4 bài chúc mừng hôn lễ. Về lễ vật, nhà trai mang mâm lễ vật đến nhà gái để “trả công nuôi dưỡng của bố mẹ”, gồm 1,6 triệu đồng tiền mặt, 60 kg thịt và 24 chai nước ngọt. Đây là những điều hoàn toàn mới mẻ không có trong truyền thống của người Mông. Điều đó cho thấy, Dương Văn Mình muốn canh tân, cải sửa hôn lễ của người Mông theo “cách cúng mới” của ông ta.

Phần thứ tư: tang lễ, quy định khi gia đình có người chết phải thông báo với chính quyền địa phương; tang lễ phải thực hiện chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, không được mời thày cúng, không giết mổ gia súc, gia cầm để thết đãi; người chết phải chôn trong vòng 24 giờ. Đặc biệt, bản quy ước quy định mỗi thôn bản phải làm “01 nhà nhỏ để đựng đồ tang lễ” (nhà đòn), cách xa khu dân cư 100m, bên trong nhà đặt 1 chiếc bàn, trên bàn đặt biểu tượng con én, con cóc, con ve sầu và cây thập giá, có 4 từ: NTUX (Trời), TÊZ (Đất), HNUZ (Mặt Trời), HLI (Mặt Trăng). Ý nghĩa của các biểu tượng: con én thay cho cái cáng; con cóc thay cho cái trống; con ve thay cho cây khèn và cây thập giá thay cho mũi tên. Như vậy, tang lễ là nét đặc sắc nhất của “cách cúng mới” bởi nó đã tạo các biểu tượng, điều đó làm cho hiện tượng Dương Văn Mình khác biệt với đạo Tin Lành và ở góc độ bản sắc tộc người, nó vẫn giữ được bản sắc văn hóa của người Mông.

Về nghi lễ thờ phụng, cuối năm 2000 chuẩn bị cho lễ ra mắt, Dương Văn Mình cho chuẩn bị cơ sở vật chất: cờ (hình chữ nhật, có hình chữ thập ở giữa), ghế, sập (bàn thờ). Ghế cho Dương Văn Mình ngồi là ghế mây, ở phía sau lưng ghế có hình chữ thập. Sập đóng bằng gỗ (còn gọi là bệ thờ, ban thờ). Những người theo Dương Văn Mình sinh hoạt thường xuyên vào thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần cũng như các hệ phái Tin Lành khác trong vùng. Nội dung buổi lễ: cầu nguyện tập thể, hát những bài ca ngợi Chúa Giêsu, đặc biệt ca ngợi “giáo chủ” Dương Văn Mình. Từ năm 2015 trở lại đây, Dương Văn Mình và những người theo đạo tổ chức các buổi lễ sinh nhật, lễ mừng năm mới rất rầm rộ, nhằm biến ngày sinh nhật của Dương Văn Mình trở thành ngày “lễ trọng”, lễ đón năm mới trở thành “mùa lễ” của đạo.

Biểu tượng Nhà đòn (nơi để đồ tang lễ có hình các linh vật: con én, con cóc, con ve, chữ thập) là biểu tượng nổi bật và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với “cách cúng mới” của Dương Văn Mình . Nhà đòn có kiến trúc đơn giản, là một ngôi nhà nhỏ có diện tích từ 8 m2 đến 12 m2 , trong nhà đòn để ghế, bàn đặt quan tài cho người chết. Bàn, ghế có khắc 4 biểu tượng, gồm hình: con én, con cóc, con ve và chữ thập tượng trưng cho cánh cung của người Mông. Một số nơi còn có thêm cây khèn. Những người theo hiện tượng Dương Văn Mình giải thích rằng, con én (thay vì con gà theo tín ngưỡng của người Mông truyền thống) là linh vật biểu trưng chỉ đường đưa linh hồn người chết về với tổ tiên nơi Thiên Đường; con cóc là linh vật biểu trưng cho tiếng trống kêu khóc, báo lên Ông Trời dưới trần gian có người chết; con ve là linh vật biểu trưng cho tiếng khèn khóc than cho người qua đời và chữ thập tượng trưng cho cánh cung (nỏ) làm vũ khí bảo vệ người chết trên dọc đường đi và bảo vệ linh hồn người đã khuất cũng là biểu tượng của Chúa Giêsu - Đấng Cứu thế của họ. Khi có người qua đời, người ta đem bàn, ghế có khắc hình các linh vật từ nhà đòn về nhà đặt quan tài làm lễ cho người chết. Nếu không có nhà đòn, người ta có thể đem linh vật trên để ở nhà, hoặc khi có người qua đời họ sẽ tạo biểu tượng các linh vật mới. Ngoài ra, người theo Dương Văn Mình còn treo tấm vải trắng có in hình Mặt Trời. Họ giải thích rằng, Mặt Trời tượng trưng cho việc con người do Ông Trời sinh ra nên phải thờ Ông Trời. Trời còn là biểu tượng cho tính Dương, cũng là tượng trưng cho dòng họ Dương (Giàng) của “giáo chủ” Dương Văn Mình. Tấm vải nền trắng tượng trưng cho sự trong sạch, trong sáng cũng là biểu trưng của người Mông Trắng.

Như vậy, với việc duy trì các linh vật con chim én, con ve, con cóc, và chữ thập tượng trưng cho cây cung (nỏ), những biểu tượng rất gần gũi trong tâm thức tôn giáo của người Mông, cho thấy, hiện tượng Dương Văn Mình chủ trương lưu giữ lại những nét văn hóa, tâm thức tôn giáo của người Mông trong “cách cúng mới” của mình, mặc dù họ không trở lại với tín ngưỡng truyền thống nữa (phủ nhận thờ cúng tổ tiên, thờ ma nhà, ma cửa).

Về tổ chức ngay từ khi mới xuất hiện, Dương Văn Mình đã tuyển chọn các cộng sự của mình, như Đào Đình Hoãng. Năm 1989, sau khi lập “cách cúng mới”, Dương Văn Mình đã chỉ đạo thành lập một nhóm phụ trách việc cầu cúng và truyền đạo. Năm 2000, ông ta lập tổ chức, gồm có giáo chủ Dương Văn Mình, các ban ở trung ương và ở thôn, bản đều do Dương Văn Mình phân công cụ thể. Năm 2011, Dương Văn Mình sắp xếp lại Ban Lãnh đạo Trung ương có 11 người do Lý Văn Ninh (người Cao Bằng) trực tiếp điều hành, phân công người phụ trách cách các tỉnh (4 tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn) mỗi tỉnh có trưởng, phó nhóm phụ trách. Ở thôn, bản có trưởng, phó nhóm phụ trách.

Dưới góc độ tôn giáo học, xét về bản chất, hiện tượng Dương Văn Mình là một loại hình tôn giáo mới - một “cách cúng mới” của người Mông. Cái “lý mới” này chưa phải là một tôn giáo hay giáo phái hoàn chỉnh có đầy đủ giáo lý, nghi lễ của một tôn giáo, mà đang trong quá trình xây dựng, đang tìm kiếm một mô thức đời sống tôn giáo mới hay một kiểu hiện đại hóa tín ngưỡng truyền thống của người Mông dựa trên tư tưởng Kitô giáo cho phù hợp với hoàn cảnh mới, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của một bộ phận dân tộc Mông, nhưng vẫn lưu giữ lại những giá trị truyền thống. Sự xuất hiện nhà đòn với các linh vật con én, con cóc, con ve và chữ thập tượng trưng cho cánh cung là kết quả của quá trình tiếp biến văn hóa giữa Kitô giáo với văn hóa địa phương tạo nên hình thái sinh hoạt tôn giáo mới - hiện tượng Dương Văn Mình, mang sắc thái riêng của người Mông Trắng ở Việt Nam.

Hiện tượng Dương Văn Mình có thể xem như một lối rẽ trong quá trình cải đạo của phong trào chuyển đổi đức tin, từ tín ngưỡng truyền thống sang theo xu hướng Kitô giáo của một bộ phận người Mông ở Việt Nam vào những thập niên cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Đó là sự tiếp biến của Kitô giáo với văn hóa tín ngưỡng địa phương, từ đó hình thành nên hình thái sinh hoạt tôn giáo mới có liên quan đến Kitô giáo, nhất là đạo Tin Lành. Rõ ràng, việc Dương Văn Mình tự nhận mình là “Đấng Cứu thế” là không thể chấp nhận được đối với những người Kitô giáo, kể cả Công giáo và đạo Tin Lành. Bởi Đức Chúa Kitô (Chúa Cứu Thế) chỉ có một là Đức Chúa Giêsu Kitô mà thôi.

Hơn nữa, việc đề cao biểu tượng nhà đòn với các linh vật như con én, con cóc, con ve và cánh cung, cũng như biểu tượng Mặt Trời cùng việc tổ chức ngày sinh của Dương Văn Mình như một buổi lễ “Giáng sinh”, đã đi ngược lại với chủ trương không thờ ngẫu tượng và hệ thống 5 tín lý duy nhất căn bản của đạo Tin Lành (duy ân điển, duy đức tin, duy Kinh Thánh, duy Chúa Giêsu Kitô và duy Thiên Chúa được tôn vinh). Chính vì vậy, hiện tượng Dương Văn Mình đã không được các hệ phái Tin Lành thừa nhận, thậm chí đài FEBC - cơ quan truyền giáo của đạo Tin Lành đã lên án rằng: “Giàng Súng Mình (tức Dương Văn Mình) không phải là người tốt, Giàng Súng Mình không phải là người cứu nhân loại, ông Mình là mục sư giả, là người không có thật, ông Mình chỉ lừa anh em mà thôi, ông Mình sinh ra ở Trái Đất này chứ ông Mình không phải là người của Cha Trời, nhảy từ trên Trời xuống... Còn Giàng Súng Mình anh em đừng tin và không được làm theo ông Mình và anh em đừng sợ ông Mình, ông Mình là người nói dối, lừa tiền nong của bà con”.

Thực ra, hiện tượng Dương Mình với những đặc điểm như trên không chỉ riêng có ở Việt Nam mà đã xuất hiện ở nhiều nơi cùng với quá trình phát triển của đạo Tin Lành ra thế giới. Chẳng hạn, đạo Tin Lành du nhập vào Hàn Quốc cũng đã hình thành nên tổ chức mang tên “Hội Thánh Đức Chúa Trời”, mà đấng tôn thờ chuyển đổi từ Chúa Giêsu Kitô sang nhà tiên tri Ahn Sahng Hong. Có thể nói, hiện tượng Dương Văn Mình là một hiện tượng tôn giáo mới của người Mông, một thực thể khách quan ra đời và phát triển do những điều kiện kinh tế-xã hội quyết định nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của một bộ phận người Mông.

Trên thực tế, sau 30 năm tồn tại và phát triển, hiện tượng Dương Văn Mình đã hình thành những cộng đồng tôn giáo ổn định, với một niềm tin đã được xác định và khó thay đổi, một lối sống đạo đã định hình rõ nét (sinh hoạt tôn giáo vào thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần), có “giáo chủ” cụ thể (Dương Văn Mình) và những biểu tượng tôn giáo. Nói cách khác, hiện tượng Dương Văn Mình thực chất là một loại tôn giáo mới của người Mông đã được cải biên, hiện đại hóa trên cơ sở dung hợp giữa đức tin Kitô giáo với một số tập tục, nghi lễ tín ngưỡng truyền thống của người Mông trong hoàn cảnh mới phù hợp với nhu cầu của đồng bào. Nó đã được một bộ phận người Mông tin theo và đón nhận như một “cách cúng mới”, một “cái lý mới” của mình, do cuộc sống khó khăn và việc thay đổi niềm tin tín ngưỡng, loại trừ được sự ám ảnh về “ma” trong phong tục cũ và thấy có lợi về nhiều mặt, đặc biệt là vấn đề tâm linh và kinh tế. Mặt khác, những người theo Dương Văn Mình đều có quan hệ đồng tộc, họ hàng, thông gia, liên gia, phần lớn là tự nguyện tham gia, không có biểu hiện bị ép buộc. Do vậy, họ không dễ dàng từ bỏ hoặc quay lại “đối đầu” với người đồng đạo. Việc sử dụng các linh vật như con én, con cóc, con ve, cây thập giá tượng trưng cho cây cung trong đám tang đã trở thành biểu tượng tâm linh sâu sắc của tín đồ và họ chỉ sử dụng khi có người chết, không phải biểu tượng để tập hợp quần chúng hay hình thành tổ chức. Hiện tượng này “đã hình thành, tồn tại gần 30 năm, đã ăn sâu vào tư tưởng của một bộ phận đồng bào dân tộc Mông” và “ảnh hưởng của Dương Văn Mình đã ngấm sâu vào đời sống tâm linh của những người tin theo” không dễ gì xóa bỏ.

Sự xuất hiện của hiện tượng Dương Văn Mình có thể xem như một quá trình “hiện đại hóa” tín ngưỡng truyền thống của người Mông nhằm loại bỏ những hủ tục lạc hậu, giữ gìn, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa tộc người. Hiện tượng Dương Văn Mình thể hiện khát vọng của một bộ phận người Mông vừa muốn cải đạo sang tôn giáo khác, ở đây là Kitô giáo, nhưng vẫn muốn bảo tồn, lưu giữ một số quan niệm căn cốt, sâu sa trong tâm thức tôn giáo, văn hóa truyền thống của mình. Điều này được thể hiện rất rõ ở ngôi nhà đòn với biểu tượng con én, con ve, con cóc và chữ thập tượng trưng cho cây cung. Đó là một kiểu hỗn dung giữa Kitô giáo và tín ngưỡng truyền thống người Mông, một kiểu “hiện đại hóa” tôn giáo truyền thống của người Mông cho phù hợp với hoàn cảnh mới, đáp ứng nhu cầu của đồng bào vì một mặt họ không thể thiếu thốn tôn giáo, giữ gìn tình cảm của những người thân trong gia đình đối với những người quá cố, mặt khác lại tiết kiệm được thời gian và nhất là đỡ chi phí tốn kém trong hoàn cảnh cuộc sống thực tại còn quá khó khăn, cũng như tránh một số hủ tục nặng nề .

Đáng chú ý, hiện tượng Dương Văn Mình đưa ra và thực hiện thập nhị “giới răn” khá tiến bộ, phù hợp chủ trương xây dựng đời sống văn hóa của Nhà nước, như: không uống rượu bia, không đánh nhau, chửi nhau; không cờ bạc; không tranh chấp ruộng đất với người khác; không thách cưới cao; tổ chức lễ cưới đơn giản, lịch sự; tang lễ phải báo với chính quyền, phải thực hiện chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, vệ sinh, không để quá 24 giờ và những biểu tượng như còn én, con cóc, con ve và cánh cung.

Tuy nhiên, hiện tượng Dương Văn Mình - “cách cúng mới” của người Mông này đang trong quá trình hình thành, còn mang tính tự phát, thiếu tính hệ thống và bài bản, chưa có một hệ thống giáo lý và một triết lý thực hành tôn giáo rõ ràng, nhất là nó đang thiếu hụt một quan niệm, đức tin tôn giáo có định hình rõ nét.

Tóm lại, sau hơn 30 năm hình thành, tồn tại, hiện tượng Dương Văn Mình đã ăn sâu vào tư tưởng, lối sống và trở thành một nhu cầu tâm linh tôn giáo không thể thiếu của một bộ phận người Mông. Đó là một loại hình tôn giáo mới dựa trên cơ sở tư tưởng Kitô giáo và tín ngưỡng truyền thống của người Mông đã được cải biên cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Tuy nhiên, hiện tượng này còn đang trong quá trình hình thành nên cần có chính sách phù hợp vừa nhằm đáp ứng
nhu cầu đời sống tâm linh của đồng bào, vừa ngăn chặn sự lợi dụng của các thế lực xấu để ổn định vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước

 

No comments:

Post a Comment