Wednesday, October 2, 2024

Dân biểu Hoa Kỳ vô tình vạch trần Hoa Kỳ không coi trọng nhân quyền như những gì họ luôn tuyên bố


Đến hẹn lại lên, sau khi công bố lần lượt Báo cáo nhân quyền, Báo cáo Tự do Tôn giáo là đến lượt Báo cáo buôn người (TIP) của Hoa Kỳ. Đây là báo cáo hằng năm theo Đạo luật Bảo vệ nạn nhân bị mua bán của Hoa Kỳ năm 2000 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trình lên Quốc hội nước này, trong đó nhận xét công tác phòng, chống mua bán người của 188 quốc gia trên thế giới nhằm kêu gọi Chính phủ các nước thực hiện nghiêm túc Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư bổ sung.

Năm nay 2024, thêm một năm nữa Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào danh sách nhóm 2 của báo cáo TIP, gồm các quốc gia chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn (chống buôn người) nhưng đang có những nỗ lực đáng kể để đạt được điều đó. Nhìn chung, báo cáo ghi nhận các nỗ lực của Việt Nam nhưng cũng nhấn mạnh các vấn đề còn tồn tại cần phải được giải quyết để nâng cao hiệu quả phòng chống buôn người.



Chúng ta cần phải hiểu rằng, Việt Nam dù có nỗ lực thế nào đi chăng nữa thì cũng sẽ không thể leo lên nhóm 1 trong báo cáo TIP. Bởi TIP không đơn giản chỉ là một nỗ lực ngăn chặn nạn buôn người trên toàn cầu như cách mà Hoa Kỳ đang tuyên truyền. Báo cáo TIP về bản chất là công cụ để Hoa Kỳ gây áp lực ngoại giao lên một quốc gia khác hòng đạt được lợi ích từ quốc gia đó mà không cần sử dụng các biện pháp cứng rắn như quân sự hay trừng phạt kinh tế. Và với một quốc gia có sự độc lập, có quyền tự quyết như Việt Nam thì đương nhiên Hoa Kỳ sẽ không kiểm soát được.

Tuy vậy, 2 năm liên tiếp Hoa Kỳ ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc chống lại nạn buôn người, đưa Việt Nam từ nhóm 3, rồi nhóm theo dõi 2 lên nhóm 2. Điều này khiến cho các trang chống phá chính quyền nhân dân như RFA, VOA, Việt Tân… sục sôi, phản đối Bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Các trang này khai khác, phỏng vấn các nhân vật chính trị thiếu thiện cảm với Việt Nam để cho rằng “Việt Nam đáng bị xếp vào Cấp độ 3 về buôn người”.

Trên trang VOA có bài viết với tiêu đề “Dân biểu Mỹ Chris Smith nói Việt Nam đáng bị xếp vào Cấp độ 3 về buôn người” phỏng vấn một chính trị gia Chris Smith, trưởng phái đoàn quốc hội của New Jersey. Nhân vật chính trị này theo đuổi thúc đẩy nhân quyền ở nước ngoài làm trọng tâm để phát triển sự nghiệp chính trị của mình. Điều đó có nghĩa là, Smith cần lục lọi những vấn đề nhân quyền toàn cầu, hoặc thổi phồng vấn đề lên để có thể nổi bật trong chính giới Hoa Kỳ.

Ở bài viết trên, Dân biểu Mỹ Chris Smith chỉ trích Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vì không xếp Việt Nam vào Cấp độ 3 trong Báo cáo buôn người năm 2024, cho rằng Việt Nam đã cung cấp thông tin sai lệch và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Ông nhấn mạnh rằng việc Việt Nam được nâng lên Cấp độ 2 là không đúng và “phản ánh sự ưu tiên địa chính trị hơn là bảo vệ nhân quyền”. Trong khi đó Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bảo vệ quyết định này, khẳng định Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể trong nỗ lực chống buôn người.

Khoan chưa vội bàn luận đến nhận định của Smith đúng hay sai, mà cũng không cần thiết phải bàn, bởi Smith không đưa ra được bất kỳ luận điểm nào để chứng minh rằng “Việt Nam đã cung cấp thông tin sai lệch”. Nhưng trong lúc nóng giận, Smith đã vô tình vạch trần phương pháp đánh giá của Hoa Kỳ trong vấn đề nhân quyền là không khách quan, khoa học. Nó được thể hiện ở phát biểu “Tôi lo ngại rằng những cân nhắc về địa chính trị đang lấn át quan ngại về quyền con người”. 

Điều đó có nghĩa là, các ưu tiên địa chính trị có thể dẫn đến thỏa hiệp về nhân quyền, khi việc hợp tác với một quốc gia mang lại lợi ích lớn hơn so với việc đối đầu. Mở rộng ra, những đánh giá của Hoa Kỳ cả về nhân quyền, tự do tôn giáo hay buôn người trước nay đều mang động cơ chính trị chứ không nhằm mục đích thúc đẩy nhân quyền, chống lại nạn buôn người.

No comments:

Post a Comment