Thursday, October 3, 2024

Những nỗ lực của Việt Nam trong việc phòng, chống buôn người

 


Bộ Ngoại giao Mỹ hằng năm đều tổ chức xếp hạng, đánh giá các quốc gia về cấp độ, ứng phó với mua bán người, trong đó có Việt Nam (Báo cáo TIP). Báo cáo năm nay công bố Việt Nam xếp vào Nhóm 2 - các nước không đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu để loại bỏ nạn mua bán người nhưng có những nỗ lực để đáp ứng các tiêu chuẩn này. Việc giữ bậc xếp hạng của Việt Nam trong hai năm liên tiếp khiến những tổ chức chống Việt Nam cho rằng Hoa Kỳ đang bảo vệ thành quả là lợi ích địa chính trị sau khi nâng quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện với Việt Nam.



Tuy vậy, trong bối cảnh các ban, bộ, ngành, địa phương trên cả nước triển khai quyết liệt các mặt công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phải đối mặt với các phương thức lừa đảo buôn người tinh vi hơn, lợi dụng công nghệ cao; Sự phát triển của các ổ tội phạm lừa đảo qua mạng, cờ bạc online, ma tuý tại một số quốc gia láng giềng như Campuchia, Philippines, Trung Quốc và khu vực Tam giác vàng ngày càng tăng; nên báo cáo TIP 2024 vẫn chưa phản ánh đúng tình hình thực tế và đầy đủ, chính xác các nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống vấn nạn này.

Nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người

Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách và chương trình nhằm đối phó với nạn mua bán người, không chỉ trong nước mà còn ở phạm vi quốc tế. Một trong những nỗ lực quan trọng nhất là việc triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 (130/CP), với định hướng đến năm 2030 và kế hoạch của Ban Chỉ đạo 138 về thực hiện công tác phòng, chống mua bán người. 

Trong năm 2023, Việt Nam đã điều tra 365 nghi phạm liên quan đến 147 vụ mua bán người, tăng so với 247 nghi phạm trong 90 vụ vào năm 2022. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã xảy ra 39 vụ án liên quan đến hành vi mua bán người (tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó lực lượng Công an đã khởi tố 35 vụ, 104 đối tượng về hành vi này. Trong quá trình điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã thụ lý 100 vụ án với 238 đối tượng bị cáo buộc. Trong số này, 85 người bị xét xử theo Điều 150 và 113 người theo Điều 151 của Bộ luật Hình sự. Đây là những con số cho thấy Việt Nam đã tăng cường năng lực điều tra và truy tố, thể hiện rõ ràng sự quyết tâm của chính phủ trong việc ngăn chặn tội phạm mua bán người.

Công tác bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân

Trong năm 2023, Việt Nam đã xác định và hỗ trợ 311 nạn nhân của tội phạm mua bán người, bao gồm 195 nữ, 116 nam và 146 trẻ em. Chính phủ đã cung cấp hỗ trợ y tế, tâm lý, và các chương trình tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân này, giúp họ tái hòa nhập xã hội và có cơ hội cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, Việt Nam đã hợp tác với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, và Campuchia để trao đổi thông tin và hỗ trợ hồi hương cho nạn nhân, đặc biệt là những người bị lừa đảo và cưỡng bức lao động ở nước ngoài.

Việt Nam cũng đã tổ chức hơn 28.500 cuộc thanh tra tại các cơ sở có nguy cơ cao để phát hiện và ngăn chặn các hành vi mua bán người. Mặc dù con số này chưa thể giải quyết hết mọi vấn đề, nhưng đó là một minh chứng cho thấy sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan chức năng.

Cải thiện pháp lý

Liên quan tiến độ xây dựng Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết: Bộ Công an là cơ quan soạn thảo Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã tiếp thu, giải trình những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội vào Dự án Luật tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo TIP 2024 của Hoa Kỳ về tình hình mua bán người tại Việt Nam có những nhận xét chưa khách quan và chưa phản ánh đầy đủ những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người. Việc đánh giá này cần phải được xem xét lại để đảm bảo tính công bằng và chính xác, giúp thúc đẩy hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống nạn buôn người, thay vì bị ảnh hưởng bởi các yếu tố địa chính trị.


No comments:

Post a Comment