Sunday, October 15, 2023

Lạm bàn về cái gọi là “báo cáo nhân quyền” của CIVICUS

 


Theo RFA dẫn lời nhân xét từ tổ chức CIVICUS cho rằng: “Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam tệ hơn sau khi vào Hội đồng Nhân quyền LHQ” với quy kết “không gian dân sự ở Việt Nam vẫn là “đóng” với những lo ngại về các nỗ lực của nhà nước nhằm bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền, nhà báo và blogger”. Dẫn chứng là CIVICUS liệt kê các vụ bắt giữ hoặc kết án ông Phan Sơn Tùng, học giả Nguyễn Sơn Lộ và một số “nhân vật” khác.

Trước hết, về Liên minh toàn cầu vì sự tham gia của công dân (CIVICUS) – một tổ chức phi chính phủ được thành lập ở Nam Phi trong những năm gần đây hàng năm đều đưa ra những cái gọi là “Báo cáo nhân quyền”.

Năm 2020 CIVICUS đã đưa ra một bản báo cáo thường niên, trong đó 4 quốc gia tại châu Á gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Lào và Việt Nam bị xếp hạng vào nhóm nước “đóng cửa” với “xã hội công dân”. Trước hết, CIVICUS đã sai lệch bản chất về các chủ thể tham gia “xã hội dân sự” hay “xã hội công dân” tại Việt Nam. Thứ hai, CIVICUS sai lệch nghiêm trọng khi mô tả sự “đóng cửa” đối với “xã hội công dân”, “xã hội dân sự” tại Việt Nam. Dù không mang tên “xã hội dân sự” hay “xã hội công dân” một cách thuần túy, các tổ chức “xã hội dân sự” tại Việt Nam vẫn đang tồn tại dưới nhiều hình thức như: tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp (Hội Luật Gia Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam…), tổ chức xã hội – nghề nghiệp (Hội Luật sư, Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam…), nhân đạo, từ thiện, hữu nghị; các tổ chức cộng đồng theo dòng tộc, sở thích; các tổ chức dịch vụ công không phải do Nhà nước lập ra… Các tổ chức này hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự bảo đảm kinh phí, phi lợi nhuận, tuân thủ các quy định của pháp luật và tích cực phối hợp hoạt động với Nhà nước. Với thực tế này, phải khẳng định rằng “xã hội dân sự”, “xã hội công dân” đã và đang tồn tại, phát triển tại Việt Nam chứ không bị “ngăn cấm, đóng cửa” như những lời cáo buộc vô căn cứ.

Ngày 08/12/2021, CIVICUS tung ra Báo cáo “Quyền lực của nhân dân bị tấn công trong năm 2021” và cho rằng “89% người dân trên thế giới này phải sống trong những quốc gia mà không gian dân sự bị đóng, ngăn trở hay đàn áp”(!) Đối với Việt Nam, CIVICUS cho rằng “năm 2021 Chính phủ Việt Nam tiếp tục sử dụng những định nghĩa luật mơ hồ như: “tuyên truyền chống Nhà nước”, “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” để truy tố, bỏ tù những nhà hoạt động, phóng viên độc lập qua những bản án nặng nhiều năm”, nên “không gian dân sự” ở Việt Nam là ở tình trạng “đóng”. Nói vậy là CIVICUS cho rằng, ở Việt Nam không có dân chủ, quyền con người, nhất là quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, quyền lập hội… bị vi phạm nghiêm trọng? Cần nói ngay rằng, đây là luận điệu xuyên tạc trắng trợn tình hình bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam của CIVICUS. Bởi, từ khi giành được độc lập đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển mọi mặt không thể phủ nhận. Các tổ chức uy tín trên thế giới ghi nhận về thành tựu nhân quyền của Việt Nam. Ở Việt Nam, môi trường tự do, pháp quyền ngày càng được hoàn thiện. Nhân đây cũng cần nói thêm rằng, trên đất nước Việt Nam cũng như mọi đất nước trên thế giới thì mọi tổ chức, cá nhân đều phải sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Những tổ chức, cá nhân nào hoạt động trái Hiến pháp và pháp luật đều sẽ bị xử lý theo quy định.

Còn về nhân vật Phan Sơn Tùng (sinh năm 1984). Theo nhà chức trách, ngày 26/8/2022, Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP Hà Nội tiếp tục nhận được công văn cùng tài liệu của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao – Bộ Công an đề nghị làm rõ hành vi sai phạm của đối tượng Phan Sơn Tùng đối với 10 video clip có nội dung liên quan đến việc kêu gọi thành lập tổ chức bất hợp pháp với tên “Đảng Việt Nam thịnh vượng” mà Tùng đã phát tán trên không gian mạng. Tại cơ quan công an, Phan Sơn Tùng đã thành khẩn khai nhận: Từ khoảng năm 2011, Phan Sơn Tùng là người quản trị, điều hành 3 kênh Youtube và 1 trang Facebook, trong đó có đăng tải 22 video clip mà cơ quan chức năng phát hiện trên mạng Inernet có nội dung vi phạm. Đáng chú ý, để làm 22 video clip này, Tùng lấy thông tin, hình ảnh từ các báo chính thống như: Thanh niên, Tuổi trẻ, Tạp chí Cộng sản… Sau đó, Tùng tự biên soạn thành clip, “biến tấu”, xuyên tạc theo hướng mình muốn. Phan Sơn Tùng tự thực hiện quay 22 video clip nêu trên bằng cách là quay trực tiếp phát trên internet (dưới dạng livetream) hoặc quay lại video sau đó phát dưới dạng trực tiếp trên internet. Ngày 3/7/2023, vụ án đã được đưa ra xét xử. TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Phan Sơn Tùng mức án 6 năm tù về tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.. Vậy xin hỏi, Phan Sơn Tùng với những hành vi nói trên, có thể được gọi là “nhà yêu nước”, “đấu tranh cho dân chủ nhân quyền” bị đàn áp hay không?

Thứ hai, về nhân vật Nguyễn Sơn Lộ (sinh năm 1948). Theo cáo trạng, Nguyễn Sơn Lộ là Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ và phát triển SENA (Viện SENA). Viện SENA có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dưng và triển khai các chương trình, dự án trên các lĩnh vực kinh tế, KHCN, GDĐT, môi trường, nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý và chính sách phát triển trong các lĩnh vực kinh tế…Với danh nghĩa là Viện trưởng Viện SENA, Nguyễn Sơn Lộ đã biên soạn biên tập, phát tán nhiều tài liệu như “Cốt lõi thành công là trân trọng, liên kết, thống nhất các sự khác biệt”, “Làm gì cho Tổ quốc Việt Nam”, “Chính thể mới, Kết nối mới, Việt Nam mới”, “Quốc gia trong kỷ nguyên kết nối văn hóa”, “Đơn khiếu nại đề ngày 19/12/2022”. Sơn Lộ là người soạn thảo nội dung, thiết kế các trang bìa tài liệu rồi chuyển qua email cho các nhân viên Viện SENA đi in và gửi cho 310 người qua bưu điện. Nhân viên Nguyễn Thị Hoa, Vũ Đình Phương in cuốn tài liệu “Quốc gia trong kỷ nguyên kết nối văn hóa” gửi cho 219 người qua bưu điện. Danh sách người nhận do Sơn Lộ cung cấp. Y còn gửi tài liệu qua thư điện tử cho nhiều cá nhân, tổ chức khác. Hội đồng giám định tư pháp của Bộ Thông tin và truyền thông xác định 6 tài liệu trên đều có nội dung xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội. Với hành vi này, Y bị xét xử về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Ngoài ra, Từ tháng 11/2020 đến tháng 7/2022, Y còn cho thuê trái phép một phần trụ sở Viện SENA thu lợi số tiền hơn 2,3 tỷ đồng, trái với điều lệ hoạt động của Viện, trái với quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Căn nhà số 35 Điện Biên Phủ, Hà Nội thuộc sở hữu Nhà nước, Viện SENA thuê của Nhà nước để làm trụ sở. Nhưng từ năm 2005, Viện SENA không nộp tiền thuê nhà, không thực hiện kê khai cơ sở nhà đất, đang quản lý sử dụng, tự ý cho các tổ chức nước ngoài thuê một phần diện tích. Hành vi cho thuê trụ sở trái phép của bị cáo đã xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước về nhà đất, gây cản trở quyền quản lý, sắp xếp, cho thuê, gây thất thu tiền thuê nhà của Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận, phức tạp về an ninh, trật tự. Với việc cho thuê nhà trái phép, Sơn Lộ bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Do đó, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo 5 năm tù cho 2 tội trên là hoàn toàn chính xác, không thể lợi dụng “lá bài nhân quyền” để bao biện.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc bắt giữ và xét xử các đối tượng trên là hoàn toàn đúng pháp luật, tại phiên tòa chính các bị cáo đã thừa nhận các hành vi vi phạm pháp luật của mình. Vì vậy CIVICUS và những tổ chức, cá nhân căn cứ vào việc bắt giữ và xét xử các đối tượng vi phạm pháp luật ở Việt Nam để “tố” Việt Nam về cái gọi là “vi phạm nhân quyền” là lố bịch và sai trái.

 

No comments:

Post a Comment