Monday, October 16, 2023

Nói với CIVICUS về “Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam tệ hơn sau khi vào Hội đồng Nhân quyền LHQ”?

 


Với nhiều thành quả trong bảo vệ, bảo đảm nhân quyền trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, thông tin…được quốc tế ghi nhận, nên ngày 11/10/2022, Việt Nam lần thứ 2 trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 với số phiếu rất cao. Thế nhưng những tổ chức, cá nhân thù địch, phản động lại tiếp tục xuyên tạc, phản ánh một cách phiến diện, thiếu khách quan, minh bạch về tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Điển hình, trên trang mạng RFA mượn cái gọi là báo cáo của tổ chức Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (CIVICUS) cho rằng “Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam tệ hơn sau khi vào Hội đồng Nhân quyền LHQ”.

Để mở bài, RFA tiếp tục nêu ra điệp khúc rằng “VN hình sự hóa và bỏ tù nhiều nhà hoạt động môi trường, người hoạt động vì quyền của người thiểu số, người hoạt động chính trị và học giả”. Chẳng mấy xa lạ khi chúng nhắc đến tên của những “Idol” như Nguyễn Sơn Lộ, Tô Hoàng Chương, Danh Minh Quang, Thạch Cương, Hoàng Văn Luân, Hoàng Thị Minh Hồng, Ngô Thị Tố Nhiên, Đường Văn Thái, Dương Tuấn Ngọc… bởi từ lâu, các đối tượng trên đã được biết đến với hàng loạt các hành vi chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, công kích chính quyền, miệt thị đất nước. Thực chất đây đều là những kẻ phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, chống đối Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc đồng loã, cổ suý, tâng bốc những kẻ vi phạm pháp luật, phản quốc hại dân vốn không phải là trò gì mới mẻ mà chỉ là “bổn cũ soạn lại” của các thế lực xấu nhằm bao che, bảo vệ, cổ vũ cho các hành vi phạm tội, tạo cớ đả phá chính quyền nhân dân.

Tiếp đến, chúng còn cáo buộc chính phủ Việt Nam đang xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm hạn chế và kiểm soát không gian trực tuyến, không tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người dân.

Thực tế là, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các mối đe dọa từ không gian mạng không ngừng tăng lên và thay đổi nhanh chóng, gồm cả các cuộc tấn công mạng đến việc tán phát những tin giả, thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch. Chính phủ các nước trên thế giới coi việc ban hành chiến lược, hoàn thiện khung khổ pháp lý về an ninh mạng như một trong những ưu tiên chính sách quốc gia để tạo dựng môi trường lành mạnh, bình đẳng cho tất cả các tổ chức, cá nhân cùng tham gia hoạt động. Tăng cường kiểm soát an ninh mạng và hoạt động truyền thông xã hội trong không gian mạng đã trở thành xu thế tất yếu để đảm bảo một môi trường trong lành, an toàn trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Ví dụ như nhằm tăng cường quản lý mạng xã hội và người dùng ở quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc áp dụng các biện pháp chặn các trang mạng xã hội phổ biến toàn cầu như Facebook, Twitter, YouTube, Google, Instagram… và nhiều trang mạng xuyên biên giới. Thay vào đó, Trung Quốc cho xây dựng các mạng xã hội nội địa như Weibo, Baidu, WeChat…để phục vụ người dân trong nước. Cùng với đó, Trung Quốc cũng ban hành các quy định về quản lý, sử dụng Internet, các bộ lọc công nghệ, “cảnh sát mạng”, yêu cầu các công ty cung cấp Internet tự loại bỏ những nội dung độc hại trên mạng của mình. Tất cả những thông tin ra/vào “biên giới không gian mạng” của Trung Quốc phải đi qua hệ thống tường lửa quốc gia – Vạn lý tường lửa (Great Firewall).

Ở Mỹ, để đảm bảo an toàn truyền thông, Quốc hội Mỹ có Ủy ban liên bang về thông tin để phân tích và kiểm tra các thông tin trên báo chí. Ủy ban này được quyền ba năm một lần cấp giấy phép hoạt động cho các cơ quan báo chí dựa trên những đánh giá về hoạt động của nó. Ngoài ra, Mỹ cũng đã đưa ra chính sách liên quan đến hoạt động của các nhà báo là Quy tắc Báo chí, Quy tắc về Vô tuyến truyền hình mà các nhà báo hoạt động nghề nghiệp phải tuân thủ. Thậm chí, chính quyền Joe Biden còn áp dụng các chính sách rất hà khắc ngay cả đối với các doanh nghiệp công nghệ lớn của Mỹ như Meta (Facebook), Alphabet (Google), X (Twitter)…Việc lãnh đạo của những tập đoàn này ra điều trần trước Quốc hội Mỹ hoặc bị nộp phạt là điều không hiếm ở xứ sở cờ hoa.

Ở Châu Âu, Đức cũng là một trong những quốc gia đầu tiên thông qua Luật An ninh mạng năm 2014, cấm người sử dụng Internet âm mưu sử dụng bạo lực để lật đổ chính quyền, xúi giục hành vi phạm tội. Một loạt các quốc gia khác như Anh, Italia, Pháp, Tây Ban Nha…cũng thường xuyên kiểm soát và xử phạt các công ty công nghệ của Mỹ cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại đất nước của họ.

Chính vì thế, Việt Nam phát triển các chính sách xây dựng một không gian mạng an toàn, lành mạnh là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Việc mà RFA luôn rêu rao về cái gọi là “dân chủ, nhân quyền” theo các giá trị của các nước tư bản phương Tây để áp đặt vào Việt Nam là hoàn toàn giả tạo, thực chất chỉ để nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia khác can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam chứ không phải là “vì sự tiến bộ và phát triển của Việt Nam”.

Một năm sau khi trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, Việt Nam tích cực phát huy vai trò, uy tín của mình. Việt Nam đang tích cực thúc đẩy các sáng kiến nâng cao hiệu quả của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhằm mục đích chung là thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cho tất cả người dân trên thế giới, đồng thời chú trọng vào các chủ đề ưu tiên chính như bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương; bình đẳng giới; quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là ảnh hưởng của biến đối khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền con người của các nhóm dễ bị tổn thương; quyền con người trong thời đại chuyển đổi số; Quyền sức khỏe, đặc biệt trong bối cảnh ứng phó với đại dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm; Quyền được có việc làm tử tế; Quyền tiếp cận giáo dục chất lượng, trong đó có giáo dục về quyền con người. Gần đây nhất, Hội đồng Nhân quyền LHQ đã thông qua nghị quyết do Việt Nam phối hợp đề xuất về ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sinh kế và quyền con người cũng như nhấn mạnh yêu cầu hợp tác quốc tế để khắc phục những ảnh hưởng này.

Như vậy, báo cáo nhân quyền mà RFA và các tổ chức phi chính phủ thiếu thiện chí với Việt Nam ven vào nhằm cáo buộc tình hình nhân quyền ở Việt Nam thực chất chỉ dựa trên những thông tin thu thập theo kiểu cóp nhặt, phiến diện, xuyên tạc có chủ đích một chiều, không phản ánh đúng hiện thực khách quan đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội của Việt Nam. Rất dễ để nhận thấy động cơ chính trị của các tổ chức phản động này là sử dụng cáo buộc thiếu căn cứ, phi lý để hạ thấp uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc cổ suý, bao biện cho những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để vi phạm pháp luật, chống phá chính quyền như cách làm của RFA lại là đi ngược lại với giá trị nhân quyền chân chính!

 

No comments:

Post a Comment