Wednesday, October 18, 2023

Đội lốt “giám sát nhân quyền” để xuyên tạc, kích động chống phá Việt Nam

 


 Trong ài liệu “HRW kêu gọi Việt Nam cải tổ gấp quyền con người trước kỳ kiểm định phổ quát sắp đến”, Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) đòi Việt Nam khẩn cấp cải tổ quyền con người trước kỳ kiểm điểm phổ quát định kỳ tại Liên hợp quốc (LHQ) lần thứ 4 đối với Việt Nam dự kiến diễn ra vào năm 2024; xuyên tạc vu cáo Việt Nam vi phạm các luật lệ quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chẳng lạ gì HRW một tổ chức thường xuyên đội lốt “giám sát nhân quyền” để tuyên truyền xuyên tạc, tán phát những nội dung thông tin sai lệch, kích động các đối tượng vi phạm các quy định về an ninh quốc gia, gây khó khăn cho việc bảo đảm nhân quyền ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mặc dù mang cái tên mỹ miều là “Giám sát Nhân quyền” nhưng mọi hoạt động của tổ chức này đều thể hiện rõ tâm địa xấu xa, mưu đồ và động cơ chính trị đen tối. Đối với Việt Nam, các hoạt động của tổ chức này đã cho thấy sự bất hợp lý và động cơ chính trị thấp hèn. Mặc dù không hiện diện ở Việt Nam, không nắm và không hiểu được tình hình thực tiễn nhân quyền ở Việt Nam nhưng HRW lại tự cho mình quyền phán xét về nhân quyền Việt Nam, “kêu gọi Việt Nam cần khẩn cấp cải tổ quyền con người…”. Các thông tin mà HRW công bố thực chất chỉ là “nghe hơi nồi chõ” từ một vài tổ chức, cá nhân bất mãn chính trị cung cấp. Điều này cho thấy rõ sự hồ đồ, vô lý và mưu toan bôi nhọ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam của HRW.

Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Việt Nam. Những thành quả mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người là không thể phủ nhận. Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước; là trung tâm của các chính sách kinh tế – xã hội; thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước Việt Nam đều nhằm phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, phát triển đất nước văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, tất cả vì con người và cho con người đúng như văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Tham gia vào các công ước quốc tế về quyền con người là một chủ trương thường xuyên và nhất quán của Việt Nam, thể hiện cam kết cũng như quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo đảm và thực hiện các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về quyền con người. Theo Việt Nam, trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng. Từ nhận thức ấy, những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã có sự nỗ lực cố gắng rất lớn cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. Đặc biệt, từ năm 1977, sau khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc (LHQ), Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia hầu hết vào các công ước quốc tế về quyền con người. Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của LHQ về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Trong khu vực và các nước phát triển, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về số lượng là thành viên các công ước quốc tế về quyền con người. Đi đôi với việc chủ động, tích cực tham gia các công ước quốc tế về quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế.

Ngay sau khi giành được độc lập năm 1945, quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam) và sau đó tiếp tục được khẳng định, mở rộng trong các Hiến pháp năm 1959, 1980,1992, 1992. Hiến pháp năm 2013, văn kiện pháp lý cao nhất của Nhà nước Việt Nam, đã ghi nhận một cách trang trọng, rõ ràng và toàn diện các quyền con người và nội dung các quyền này đã được thể hiện xuyên suốt trong các chương, mục của Hiến pháp. Đặc biệt tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Trên cơ sở Hiến pháp, xuất phát từ chủ trương không ngừng phát triển quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm các quyền con người được tôn trọng và thực hiện một cách đầy đủ nhất. Có thể khẳng định Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã thể hiện đầy đủ tất cả các quyền cơ bản, phổ biến của con người được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948 và các công ước quốc tế khác của LHQ về quyền con người.

Cùng với những nỗ lực trong xây dựng và hoàn thiện thể chế về quyền con người, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong bảo đảm quyền con người trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các quyền con người về dân sự, chính trị ở Việt Nam được bảo đảm một cách tích cực, chủ động. Quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước và xã hội của người dân được bảo đảm. Việt Nam tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin; quyền tự do hội họp và lập hội; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bình đẳng của các dân tộc; quyền sống, được tôn trọng về nhân phẩm và bất khả xâm phạm về thân thể; quyền tự do đi lại và cư trú… của người dân. Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cũng được thực hiện một cách tích cực. Các chương trình, mục tiêu, chính sách quốc gia như bảo đảm quyền thoát nghèo; quyền về việc làm, thu nhập; quyền sở hữu; an sinh xã hội, quyền được chăm sóc y tế, sức khỏe; quyền được học tập, giáo dục; quyền tham gia vào đời sống văn hóa…đều hướng đến người dân. Việt Nam đã thành công về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quyền con người. Việt Nam đã hoàn thành trước hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên nhiên kỷ (MDG). Theo LHQ, chỉ số phát triển con người (HDI) ở Việt Nam liên tục tăng qua từng năm và hiện lọt vào nhóm phát triển con người cao, xếp thứ 115/191 quốc gia và vùng lãnh thổ…

Việt Nam nghiêm chỉnh thực hiện các nghĩa vụ của các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Việt Nam đã trình và bảo vệ thành công tất cả các báo cáo quốc gia liên quan các công ước quốc tế về quyền con người. Việt Nam đã tích cực phối hợp với các nước đóng góp cho mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về quyền con người.

Những thành tựu về đảm bảo quyền con người của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam trúng cử với số phiếu cao trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đánh giá: “Việt Nam là một đối tác quan trọng của Liên Hợp Quốc, đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Mối quan hệ tốt đẹp này cần được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để thúc đẩy hòa bình, sự phát triển bền vững và quyền con người trên thế giới”.

Từ thực tiễn, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam có quyền tự hào về những kết quả đã đạt được trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Thế nhưng, một số thế lực thù địch, phản động với mục tiêu và ý đồ chính trị riêng, đã và đang tìm mọi cách bóp méo, xuyên tạc sự thật và vu cáo Việt Nam về các vấn đề nhân quyền. Chiêu trò “kêu gọi”, “hối thúc” Việt Nam “cần khẩn cấp cải tổ quyền con người” thực chất đó vẫn là thái độ, hành động, luận điệu lạc lõng xuất phát từ cái nhìn chủ quan, phiến diện, xuyên tạc sự thật về nhân quyền Việt Nam của HRW./.

Share this:

 

No comments:

Post a Comment