Friday, May 24, 2024

Vấn đề tự do bầu cử: Hãy nhìn lại mình trước khi phán xét người khác!



Tháng 4 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra một bản báo cáo về tình hình Nhân quyền tại Việt Nam năm 2023. Như mọi khi, bản báo cáo này tiếp tục bóp méo tình hình Nhân quyền ở Việt Nam. Bản báo cáo này cho rằng Việt Nam không có quyền bầu cử tự do và chỉ trích Việt Nam chỉ chấp nhận một đảng phái chính trị duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam.




Bản báo cáo cho rằng, con số 99% cử tri đi bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp là một con số khó tin. Nhận định này cũng dễ hiểu, bởi ở Hoa Kỳ, nếu ai không tham gia bầu cử hoặc chậm tham gia bầu cử, Hoa Kỳ coi như cá nhân đó không có quyền công dân. Trong khi đó, các cấp chính quyền từ TƯ đến địa phương ở Việt Nam thậm chí còn cử người đưa hòm phiếu đến tận nhà công dân khi họ không có đủ khả năng đi lại hoặc vì một số lý do khác. Đây là hình ảnh rất đẹp ở Việt Nam, được người dân tán tụng và coi việc bầu cử là quyền tối thượng, thiêng liêng nhất của một công dân. Đó là chưa kể, công dân Việt Nam được bầu cử tự do, lựa chọn ứng viên mình thích mà không cần phụ thuộc vào bất cứ ai, trong khi đó ở Hoa Kỳ chỉ có đại cử tri mới có quyền quyết định ứng viên. Thế nên mới có câu chuyện hơn 60% người dân ủng hộ bà Hillary Clinton, nhưng đại cử tri lại quyết định Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử vào năm 2016.


Bản báo cáo lên án Việt Nam không cho phép các phong trào chính trị, Đảng phái chính trị khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này cho thấy, Hoa Kỳ chưa thực sự tôn trọng Việt Nam, nhân dân Việt Nam và lịch sử dân tộc Việt Nam. Bởi việc Việt Nam chỉ tồn tại 01 Đảng duy nhất là Đảng Cộng sản đó chính là lựa chọn của nhân dân, quá trình chọn lọc của lịch sử dân tộc Việt Nam. Cũng giống như Hoa Kỳ chỉ tồn tại duy nhất 02 Đảng là Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ thay nhau cầm quyền (mà thực chất tiền thân hai Đảng này là một sau khi được tách ra - Đảng Dân chủ - Cộng hoà), trong khi các Đảng khác chỉ mang tính chất hình thức, thậm chí còn bị hạn chế. Ví dụ như Hoa Kỳ nghiêm cấm các Đảng viên Đảng Cộng sản nhập cư về bản chất là lo ngại sự phát triển của Đảng Cộng sản Hoa Kỳ.


Mặt khác, hai Đảng lớn của Hoa Kỳ cũng "bắt tay" với nhau để gạt bỏ các ứng viên của Đảng thứ ba trong các cuộc bầu cử. Hoa Kỳ tạo ra một Uỷ ban tranh cử tổng thống trên hình thức là một tổ chức phi lợi nhuận, nhưng thực tế thành viên của Uỷ ban này hầu hết là người của 02 Đảng lớn. Uỷ ban này đưa ra quy tắc, ứng viên Tổng thống phải phải đạt 15% sự ủng hộ của người dân trong các cuộc thăm dò mới nhất trước 5 ngày thì mới có đủ tư cách tham gia tranh luận tổng thống. Cuộc tranh luận là cơ hội để ứng viên trình bày quan điểm chính trị, thuyết phục cử tri. Nhưng trên thực tế, ứng viên phe thứ ba sẽ không bao giờ đủ điều kiện để tham gia, ngoại trừ trường hợp hi hữu của tỉ phú Pê-rốt được tham gia tranh luận năm 1992.


Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thậm chí còn mặt dày phán xét Việt Nam có những rào cản cho phụ nữ tham gia vào chính trị bằng một quan niệm mơ hồ "phụ nữ là người chăm sóc và quản lý gia đình". Đúng là trong văn hoá của người Việt Nam nói riêng và nhiều nước nói chung, phụ nữ thường được gắn với hình ảnh nội trợ. Nhưng trên thực tế, ở Việt Nam rất hiếm trường hợp phụ nữ bị ép buộc phải ở nhà nội trợ, họ đi làm và kiếm tiền, tham gia vào chính trị sòng phẳng với nam giới. Việt Nam cũng có những chính sách, điều luật ngăn chặn các hành vi ngăn cản, hạn chế quyền tham gia chính trị của phụ nữ. Bây giờ thử hỏi ngược lại, tỉ lệ phụ nữ tham gia vào chính trị của Hoa Kỳ là bao nhiêu? Theo thống kê của Liên minh Nghị viện thế giới năm 2019, thì Việt Nam có tới 26,7% là nữ giới tham gia Quốc hội (con số này năm 2021 đã tăng lên hơn 30%), trong khi đó Hoa Kỳ chỉ có 23,6%.


Mà cũng lạ, phạm những người không ra gì lại rất thích phán xét người khác nhỉ?




Tuesday, May 21, 2024

Hoa Kỳ có tư cách gì để đánh giá nhân quyền của quốc gia khác?



Như chúng ta đều biết, Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan tương đương sinh ra với vai trò nhằm đại diện cho quốc gia đó để quan hệ với các nước khác hoặc quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ các công ty, doanh nghiệp của mình ở nước ngoài. Tuy nhiên với Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao lại có một định nghĩa khác, đó là phán xét và can thiệp nội bộ vào một quốc gia khác.




Hàng năm, Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại đưa ra một bản báo cáo về tình hình nhân quyền, chủ yếu là nhằm vào các quốc gia "nằm ngoài sự kiểm soát" (về mặt lợi ích) của Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam.


Các báo cáo này có điểm chung là đều bóp méo tình hình nhân quyền, khai thác dữ liệu từ các đối tượng, các tổ chức có khuynh hướng khủng bố, chống nhà nước mà không có sự đối chứng với chính quyền sở tại hay với quần chúng nhân dân.


Chẳng hạn, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt kê các đối tượng cho là "những nhà hoạt động nhân quyền" như Lê Hùng Anh, Phan Tất Thành... bị chính quyền Việt Nam bắt và khởi tố để chứng minh Việt Nam vi phạm nhân quyền. Nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại bỏ qua các hành vi vi phạm pháp luật của Bộ luật Hình sự Việt Nam, đã được đưa ra xét xử và tuyên án. Ngoài ra, các đối tượng này gây bức xúc trong nhân dân và được nhân dân Việt Nam đồng tình khi họ bị khởi tố.


Để mà nói về tự do, dân chủ, nhân quyền, Hoa Kỳ không có cửa với Việt Nam. Ở Việt Nam, không có chuyện chỉ vì da đen, lỡ đưa tay vào túi quần mà bị cảnh sát cho ngay kẹo đồng, không có chuyện tấn công, xúc phạm chỉ vì người ta có khuôn mặt Châu Á và càng không có chuyện lâu lâu xuất hiện tay súng trong trường học hay nhà thờ. Việt Nam cũng không "xuất khẩu" dân chủ, nhân quyền tới các quốc gia khác để rồi người dân nước đó mất hẳn quyền cơ bản là quyền được sống.


Theo thống kê, năm 2021 nước Mỹ có gần 700 vụ xả súng, chết 45 nghìn người; 2022 có 600 vụ, chết 40 nghìn người. Theo báo cáo của Stop AAPI Hate thì từ năm 2020 đến 2021 có gần 4000 vụ kỳ thị chủng tộc trên toàn nước Mỹ, có tới 77% là thanh niên da màu trong bị giam giữ trong các nhà tù Mỹ.


Có lẽ Hoa Kỳ cần quan tâm tới tình hình nhân quyền của chính mình trước khi đòi làm "cảnh sát quốc tế". Người Việt Nam có câu "Đời người lắm kẻ ở không, chuyện mình chưa tỏ đã lo chuyện người" hay câu "Catwalk bẻ đôi cũng không biết thì đừng có tỏ ra đi guốc trong bụng người khác".


Sunday, May 19, 2024

Cớ sao Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn cứ duy trì báo cáo nhân quyền gây phản ứng?



Đến hẹn lại lên, một tờ sớ dài 64 trang của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền tại Việt Nam năm 2023 vẫn không có gì khác so với những năm trước. Không rõ đội ngũ soạn thảo nội dung cho Bộ ngoại giao Hoa Kỳ có đang được trả lương theo đúng năng lực không, chứ với khả năng sáng tạo như vậy, thiết nghĩ Hoa Kỳ nên xem xét lại việc phải nuôi nhân lực ăn hại như vậy.


Tuy vậy, chúng ta nên đánh giá cao các báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, nó khiến cho người đọc như được xuyên không trở về thời kỳ phong kiến, thần quyền. Bằng một loạt những từ, cụm không ai nghĩ có thể tồn tại ở thời hiện đại, kiểu như: Việt Nam “tước đoạt sinh mạng trái luật”, “tra tấn và đối xử hoặc trừng phạt dã man”...


Chưa cần đi sâu vào chi tiết nội dung của bản báo cáo đã biết những gì mà Hoa Kỳ nêu ra, vẫn là những đánh giá sai về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, lấy minh chứng từ những vụ việc vi phạm pháp luật Việt Nam và được tham khảo ý kiến từ những phần tử phản động, vi phạm pháp luật.


Không có gì lạ, ngay cả khi mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp lên mức quan hệ cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện thì Hoa Kỳ vẫn luôn duy trì cách đánh giá thiếu chính xác về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Bởi đây là cách mà Hoa Kỳ đưa những quốc gia "nằm ngoài sự kiểm soát của mình" vào thế "mặc cả" hoặc biến nó thành công cụ để can thiệp nếu quốc gia đó không đáp ứng được lợi ích, lòng tham của Hoa Kỳ.


Một mối quan hệ bền vững không phải dựa trên sự kiểm soát chỉ để đạt được lợi ích cho riêng mình hay buộc đối phương phải chọn phe, mà cần dựa trên lòng tin, sự tôn trọng, hợp tác và hữu nghị để 02 bên cùng có lợi. Việt Nam đã có quá nhiều mất mát và kinh nghiệm để hiểu điều này mà đúc kết thành triết lý "ngoại giao cây tre" hay "chính sách quốc phòng bốn không".


Những bản báo cáo nhân quyền sai lệch như vậy chỉ làm cho mối quan hệ trở nên xa cách và hoài nghi lẫn nhau. Có một câu danh ngôn của Albert Camus đã từng nói như sau "Don't walk in front of me; I may not follow. Don't walk behind me; I may not lead. Just walk beside me and be my friend" (Đừng đi trước tôi; tôi có thể sẽ không theo. Đừng đi sau tôi; tôi có thể sẽ không dẫn lối. Hãy đi bên cạnh và trở thành bạn của tôi). Có lẽ, đã đến lúc Hoa Kỳ cần thay đổi.