Saturday, November 19, 2022

Cảnh giác với hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo trong dân tộc thiểu số can thiệp nội bộ Việt Nam


Thời gian qua, các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để công kích, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước. Chúng đưa ra luận điệu “Việt Nam đàn áp tôn giáo”, “vi phạm quyền tự do tôn giáo” của người dân; yêu cầu các tôn giáo phải được hoạt động tự do, không cần đặt dưới sự quản lý của Nhà nước… Chúng vu cáo rằng: “CNXH không chấp nhận tôn giáo, xóa bỏ tôn giáo”; “Pháp luật Việt Nam về tôn giáo, tín ngưỡng chỉ là hình thức, thực chất là cơ sở để đàn áp, bóp nghẹt tôn giáo”; “Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục hạn chế các hoạt động có tổ chức của nhiều tôn giáo, thậm chí có hành động đàn áp các tín đồ tôn giáo”… Chúng còn lập nhiều tài khoản trên các trang mạng xã hội như: Youtube, Facebook, Blog… để phát tán, đăng tải các bài viết, video, hình ảnh đả kích, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chúng “vạch lá tìm sâu”, cố tình xoáy vào những mặt trái của xã hội để quy kết, hạ thấp thanh danh của Đảng, Nhà nước; thậm chí lợi dụng đức tin và sự gắn kết cộng đồng của tôn giáo để lôi kéo, tập hợp lực lượng, truyền đạo trái phép, tổ chức biểu tình, thách thức, chống phá chính quyền, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội… Tất cả nhằm mục đích thêu dệt nên một bức tranh màu xám, méo mó về vấn đề tôn giáo tại Việt Nam, từ đó kêu gọi quốc tế “gây sức ép”, “can thiệp” vào nước ta.





Lợi dụng tính nhạy cảm của vấn đề tôn giáo, một số phần tử cực đoan trong tôn giáo cấu kết với các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Đảng và Nhà nước Việt Nam tổ chức các cuộc “hội luận”, “họp báo”, soạn thảo và tán phát các tài liệu có nội dung xuyên tạc, bịa đặt để tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực dân chủ và nhân quyền. Họ đẩy mạnh xuyên tạc Đảng và Nhà nước Việt Nam “đàn áp tôn giáo”, Việt Nam “không có tự do tôn giáo”. Họ cho rằng Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (trước đây) và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay là sự “đàn áp tôn giáo” bằng pháp luật của Nhà nước Việt Nam, không tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển; từ đó, khoét sâu mâu thuẫn giữa các tôn giáo với chính quyền các cấp. Đồng thời, móc nối, câu kết với một số tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài thành lập hoặc tích cực tham gia các hội, nhóm trái pháp luật, mang danh nghĩa tôn giáo để tập hợp, phát triển lực lượng chống đối. Một số chức sắc cực đoan lợi dụng các vấn đề chính trị – xã hội phức tạp để kích động tín đồ xuống đường biểu tình, gây mất ổn định chính trị – xã hội. Đáng chú ý, với lý do “bảo vệ tự do tôn giáo”, một số thế lực nước ngoài đã ban hành báo cáo, phúc trình, thậm chí là đạo luật, nghị quyết “lên án” tình hình bảo đảm quyền con người của Việt Nam, nhất là trên lĩnh vực tôn giáo, từ đó gây sức ép về ngoại giao, đồng thời gắn các vấn đề dân chủ và nhân quyền trên lĩnh vực tôn giáo với các vấn đề về viện trợ kinh tế, đầu tư phát triển, nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Lợi dụng đường lối, chính sách đổi mới, mở cửa và tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta, các tôn giáo đều gia tăng các hoạt động mở rộng cơ sở vật chất, dẫn đến phát sinh nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện đất đai liên quan đến tôn giáo. Đáng chú ý, số đối tượng cực đoan trong các tôn giáo cũng như các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Nhà nước Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đã triệt để lợi dụng các vụ tranh chấp, khiếu kiện về đất đai liên quan đến tôn giáo để kích động các hoạt động chống đối, gây tâm lý bức xúc và phản ứng của tín đồ đối với chính quyền; gây chia rẽ giữa chính quyền với tôn giáo. Nghiêm trọng hơn, họ còn cố tình chính trị hóa sự việc, xuyên tạc, vu cáo chính quyền “lấy đất đai của tôn giáo, bỏ quên quyền lợi nhân dân, bao che cho doanh nghiệp, tàn phá môi trường”, kích động tâm lý so bì, cho rằng Nhà nước đối xử không bình đẳng giữa các tôn giáo. Một số tổ chức, cá nhân tôn giáo không hợp tác với chính quyền trong việc kê khai, làm các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhằm lấn chiếm đất để mở rộng cơ sở thờ tự.
Bên cạnh hoạt động vi phạm pháp luật về đất đai, trong hoạt động tôn giáo cũng xảy ra các vụ, việc chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, như thuyên chuyển, bổ nhiệm chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong các tôn giáo; việc thành lập các cơ sở tôn giáo trực thuộc chưa được sự chấp thuận của chính quyền. Một số cơ sở đào tạo của tôn giáo chưa nghiêm túc triển khai môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam, là môn chính thức trong chương trình giảng dạy. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại việc “đào tạo kép”, cụ thể là đào tạo chức sắc ở trong nước kết hợp với cử chức sắc ra nước ngoài đào tạo trái phép vẫn diễn ra ở một số tôn giáo.Các hoạt động vi phạm nói trên luôn tiềm ẩn nguy cơ bị các thế lực xấu khai thác, lợi dụng để gây chia rẽ giữa tôn giáo với chính quyền, giữa người theo đạo và người không theo đạo, cũng như tiến hành các hoạt động chống phá, gây bất ổn chính trị – xã hội.
Đáng chú ý, tại địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói riêng, vùng DTTS trong cả nước nói chung, lợi dụng vấn đề tôn giáo trong vùng đồng bào một số dân tộc thiểu số; sự sa sút tính chân truyền trong các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận; điều kiện khó khăn về kinh tế, xã hội…, một số đối tượng đã thành lập các hội, nhóm mang danh nghĩa tôn giáo, hoạt động vi phạm pháp luật, gây mất đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó, còn có nhiều loại hình mang danh tín ngưỡng, tôn giáo, hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện ở nhiều địa phương, xa rời văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như không thờ cúng tổ tiên, gọi bố mẹ là anh, chị, em; khám, chữa bệnh bằng cầu cúng; tuyên truyền, hứa hẹn về tương lai tốt đẹp để mê muội quần chúng. Điển hình là các tổ chức “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”, Pháp Luân Công, Dương Văn Mình, “Nhất quán đạo”, “Thanh Hải Vô Thượng Sư”… Hoạt động của các tổ chức này không chỉ gây mâu thuẫn trong quần chúng, ảnh hưởng tới khối đoàn kết toàn dân tộc, mà còn tạo ra những tác động tiêu cực tới sự ổn định chính trị – xã hội của đất nước, tạo cớ cho các thế lực thù địch xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam “không có tự do tôn giáo”. Tại một số cơ sở tôn giáo xuất hiện hiện tượng thương mại hóa hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể là lợi dụng lòng tin của người dân để trục lợi, phát triển các hoạt động tâm linh mang màu sắc mê tín, như hoạt động dâng sao giải hạn, bói toán, xem quẻ, cúng oan gia trái chủ, chữa bệnh bằng tâm linh… Các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã triệt để lợi dụng các vấn đề đó để công kích, bịa đặt, xuyên tạc, gây mất đoàn kết trong nội bộ một số tôn giáo, kích động tín đồ tạo phe phái để chống đối lẫn nhau, ly khai, thành lập tổ chức khác. Đây đều là các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sự đoàn kết nội bộ các tôn giáo cũng như khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Với chủ trương “tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo” của Đảng và Nhà nước Việt Nam, thời gian qua, tình hình tôn giáo ổn định, đời sống tôn giáo có những biến đổi sâu sắc cả về số lượng lẫn phạm vi hoạt động, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng, bảo đảm. Các tổ chức tôn giáo được công nhận xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Cơ quan chức năng làm tốt công tác hướng dẫn, quản lý, từng bước đưa hoạt động tôn giáo đi vào nền nếp, đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Mỗi tín đồ tôn giáo cũng đồng thời là công dân Việt Nam, khi thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cần phải thực hiện nghĩa vụ công dân trên cơ sở pháp luật, không tôn giáo nào được phép đứng ngoài hoặc đứng trên lợi ích quốc gia, dân tộc. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh chính trị, TTATXH, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân hay lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để trục lợi phi pháp, trái thuần phong mỹ tục, trái đạo đức, trái giáo lý. Và chắc chắn những kẻ lợi dụng tôn giáo để thực hiện hành vi phi tôn giáo, làm ô danh tôn giáo, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật. Mỗi chức sắc, tín đồ và người dân hãy đề cao cảnh giác, kịp thời tố giác, ngăn chặn hành vi của các đối tượng lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật; đó cũng là phương cách để bảo vệ chính mình, bảo vệ xã hội và chính là bảo vệ các tôn giáo chân chính đang hoạt động bình thường trên đất nước Việt Nam.

No comments:

Post a Comment