Wednesday, December 21, 2022

Ảnh hưởng tiêu cực của các tổ chức tôn giáo trái phép ở Tây Nguyên

 Từ năm 1986 đến nay ở Tây Nguyên xuất hiện ngày càng nhiều các tổ chức tôn giáo trái phép trong cộng đồng DTTS, như "Tin Lành Đề ga" và "Hà Mòn". Việc tuyên truyền, phát triển các tổ chức này đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, gây tâm lý bức xúc, hoang mang trong một bộ phận quần chúng nhân dân và tín đồ các tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Do đó, phần lớn các tổ chức này không được chính quyền địa phương công nhận, các cơ quan chức năng sở tại thường tiến hành công tác quản lý và đấu tranh với những hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng trái pháp luật.



Căn cứ nguồn gốc xuất xứ và bản chất gắn với nội dung hoạt động thì chủ yếu có 3 nhóm chính:
      - Nhóm hình thành tại Tây Nguyên gồm các tổ chức: "Tin Lành Đề ga", "Hà Mòn", "Amí Sara", "Pờ Khắp Brâu", "Giáo hội Tin Lành Đấng Christ Việt Nam", "Giáo hội Liên Hữu Lutheran Việt Nam và Hoa Kỳ", "Cây Thập giá Chúa Jesu Krits", "Ban Cầu nguyện Phong trào Phục Hưng Tin Lành"... Đây là nhóm các HTTGM có nguồn gốc và nội dung hoạt động chủ yếu liên quan đến Tin Lành, chỉ có "Hà Mòn" là thuộc Công giáo; số lượng người tin theo đông nhất và hầu hết là các DTTSTC, chỉ có một số rất ít người Kinh là đối tượng cầm đầu, cốt cán trong hai tổ chức "Giáo hội Tin Lành Đấng Christ Việt Nam" và "Giáo hội Liên Hữu Lutheran Việt Nam và Hoa Kỳ". Nội dung hoạt động phần lớn mang yếu tố chính trị như "Tin Lành Đề ga",  "Giáo hội Tin Lành Đấng Christ Việt Nam", "Giáo hội Liên Hữu Lutheran Việt Nam và Hoa Kỳ", "Cây Thập giá Chúa Jesu Krits", "Ban Cầu nguyện Phong trào Phục Hưng Tin Lành"; hoặc ban đầu chỉ sinh hoạt tín ngưỡng thuần túy nặng về mê tín dị đoan như ""Amí Sara", "Pờ Khắp Brâu", "Hà Mòn", nhưng dần về sau trong quá trình hoạt động đã bị các thế lực thù địch bên ngoài, nhất là tổ chức Fulro lưu vong lôi kéo, lợi dụng, mà rõ nét nhất là tổ chức "Hà Mòn".
      - Nhóm từ những vùng khác trong nước truyền vào gồm các tổ chức: "Tâm Linh Hồ Chí Minh", "Ngọc Phật Hồ Chí Minh", "Việt Nam Thánh Mẫu", "Tâm Linh Đạo", "Đạo Trời Thái Bình", "Đạo Tràng Hương Quảng", "Pháp Môn Di Lặc", "Bửu Tòa Tam Giáo", "Tổ Tiên Chính Giáo Đại Đạo", "Trường Sinh Học"... Đây là nhóm các HTTGM có nguồn gốc và bản chất gắn với Phật giáo, Đạo giáo hoặc tín ngưỡng truyền thống, nhưng cũng có tổ chức do chịu ảnh hưởng của cả Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng truyền thống nên mang tính "tạp giáo"; người tin theo chủ yếu là dân tộc Kinh, nhưng số lượng trong mỗi tổ chức không nhiều, có HTTGM chỉ vài chục người tham gia; các nội dung hoạt động phần lớn lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng mang tính mê tín, dị đoan gắn với những vấn đề cá nhân và xã hội.
     - Nhóm từ nước ngoài truyền vào Việt Nam và sau đó đến Tây Nguyên gồm các tổ chức: "Thanh Hải Vô Thượng Sư", "Pháp Môn Diệu Âm", "Nhất Quán Đạo", "Pháp môn Di Lặc", "Thiên Đạo", "Vô Vi", "Canh Tân Đặc Sủng"... Trong đó, một số tổ chức có cả người Kinh và người DTTS mới di cư đến tin theo, như: "Thanh Hải Vô Thượng Sư", "Pháp Môn Diệu Âm", "Nhất Quán Đạo"...; nhưng cũng có tổ chức chỉ có người Kinh tin theo là "Canh Tân Đặc Sủng", "Pháp môn Di Lặc", "Thiên Đạo", "Vô Vi"... Điểm chung cho cả hai loại này là số lượng người tin theo đều không đáng kể, các nội dung và hoạt động của những tổ chức này phần lớn mang tính "tạp giáo" giữa Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian của địa phương trước khi truyền vào Việt Nam, chỉ riêng ""Canh Tân Đặc Sủng" có nguồn gốc Công giáo. Nội dung hoạt động ban đầu chủ yếu mang tính mê tín dị đoan, nhưng dần về sau một số tổ chức đã có yếu tố chính trị rõ rệt, nhất là "Thanh Hải Vô Thượng Sư" truyền từ Đài Loan vào.
        Số người tin theo thuộc các tổ chức tôn giáo trái phép này đa phần đã từng là tín đồ của Tin Lành hay Công giáo, còn một bộ phận nhỏ người Kinh và các DTTS mới di cư đến là từ Phật giáo hay những tín ngưỡng truyền thống của dân tộc nhưng vốn chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo.
       Các đối tượng sáng lập, cầm đầu và cốt cán có người từng là những chức sắc, chức việc và tín đồ có uy tín của Công giáo hoặc Tin Lành, người có uy tín trong cộng đồng, thậm chí có cả viên chức đang công tác hay chiến sĩ đã bị kỷ luật... Những tổ chức này thường tồn tại và hoạt động bí mật, bán công khai, khi bị các cơ quan chức năng địa phương tiến hành quản lý, đấu tranh với những hoạt động vi phạm pháp luật thì âm thầm sinh hoạt hay chuyển sang địa bàn khác để che dấu, đối phó. 
         Nội dung tuyên truyền và hoạt động của các tổ chức tôn giáo này thường vay mượn nhiều yếu tố của các tôn giáo chính thống, tín ngưỡng truyền thống, nhưng có xu hướng chủ yếu là giải thích các giáo lý, giáo luật, nội dung sinh hoạt của những tôn giáo, tín ngưỡng này mang đậm nét thần quyền, đề cao khả năng huyền bí siêu linh cá nhân người cầm đầu và hồng ân của các đấng siêu linh mà tổ chức đó tin theo (như ai có việc gì cần cầu xin phù hộ thì viết nội dung ra giấy và cầu nguyện sau đó đốt lấy tro hòa với nước để uống sẽ linh nghiệm...). Nội dung và hoạt động gắn với những vấn đề cụ thể nảy sinh trong cuộc sống con người và địa phương nơi cư trú, nhất là những vấn đề bức xúc, khó khăn người dân không tự giải quyết được để tuyên truyền, lôi kéo họ dựa vào niềm tin tâm linh nhằm giải thoát những vướng mắc về tâm lý và tư tưởng đang nảy sinh, nhất là những lĩnh vực liên quan đến cầu may mắn, hạn chế rủi ro trong cuộc sống.

       Thực tế cho thấy, những tổ chức trái phép này ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của nó
       H
ầu hết các tổ chức tôn giáo trái phép ở vùng DTTS Tây Nguyên đều tuyên truyền cách thức thực hành tín ngưỡng phản khoa học, phi đạo đức và văn hóa nhằm thu lợi bất chính, như: yêu cầu người đi theo phải đóng góp tiền của, công sức xây dựng mới hay tu sửa nơi thờ tự (thực chất là nhà riêng của những người cầm đầu, cốt cán), phục vụ những hoạt động nhằm duy trì và phát triển tổ chức của những đối tượng cầm đầu, cốt cán; tuyên truyền về ngày tận thế sắp xảy ra, ai trung thành đi theo tổ chức và thành tâm hiến dâng của cải, tài sản, siêng năng cầu nguyện sẽ được các thế lực siêu linh mà tổ chức tôn thờ đón đến nơi ở mới tốt đẹp hơn... Vì vậy, người tin theo không cần tài sản và tiền bạc mà nên hiến dâng cho các đối tượng sáng lập, cầm đầu để xây dựng, tu bổ các cơ sở thờ tự, mua sắp lễ vật cùng nhau cầu nguyện và tổ chức các sinh hoạt chung của nhóm, nhằm nhận được hồng ân của các thế lực siêu linh mà họ tôn thờ. Ai càng dâng hiến nhiều thì sẽ càng nhận được nhiều ân sủng.
         Các tổ chức tôn giáo trái phép còn tuyên truyền người tin theo không cần làm cũng có ăn, siêng năng cầu nguyện và trung thành với tổ chức sẽ được ban cho cuộc sống tốt đẹp, mọi nợ nần kể cả vay tiền ngân hàng hay cá nhân đều được xóa bỏ, không bị ốm đau bệnh tật và bất hạnh trong cuộc sống. Để giữ niềm tin cho những người tham gia, đồng thời ép những người khác trong gia đình phải đi theo, những người cầm đầu, cốt cán của các tổ chức tôn giáo trái phép thường yêu cầu và buộc số người tin theo không được tiếp xúc và quan hệ với người khác niềm tin, tự tổ chức làm riêng và đổi công cho nhau trong nhóm, ăn riêng và sinh hoạt riêng, kể cả trong gia đình nếu vợ chồng, con cái có người theo và không theo cũng phải tách ra để làm ăn và sinh hoạt riêng, thậm chí li dị và phân chia tài sản, con cái. Đồng thời không tham gia các cuộc họp chung của cộng đồng, các chương trình, dự án, chính sách phát triển, hỗ trợ của chính quyền và tổ chức xã hội... Do vậy, sự hiểu biết về xã hội cũng như đời sống kinh tế của những gia đình này đã thấp kém lại gặp nhiều khó khăn hơn.
          Phần lớn các tổ chức tôn giáo trái phép đều tuyên truyền và thực hành những hoạt động liên quan đến mê tín dị đoan, như: xem tướng số, bói toán về số phận con người; không tham gia các lễ hội và sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng; không thực hiện phong tục tập quán và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, đồng thời phủ nhận các tôn giáo chính thống, kể cả tôn giáo đó là nguồn gốc của mình để chỉ tin và trung thành với tổ chức... Do đó, đời sống văn hóa của những người tin theo tổ chức tôn giáo trái phép thường bị bó hẹp và góp phần làm mất đi các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong bộ phận dân cư này.
       Tuyên truyền và thực hành chữa bệnh không cần dùng thuốc và thăm khám chữa trị ở các cơ sở y tế, mà chỉ cần tin vào đấng siêu linh được tôn thờ và thực tâm siêng năng cầu nguyện để nhận được hồng ân, thì dù bôi phân động vật vào vết thương cũng sẽ khỏi. Đồng thời thực hành những phương pháp chữa bệnh mang tính ma thuật, phản khoa học, như: viết lời cầu nguyện ra giấy để đọc sau đó đốt lấy tro hòa nước uống sẽ khỏi bệnh hay tập trung quanh người bệnh để cầu nguyện với niềm tin hết ốm đau. Cùng với đó là tuyên truyền không ăn thịt cá hay kiêng vào một số ngày nhất định trong tuần để thân thể được trong sạch, đã gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe những người tin theo, nhất là trẻ nhỏ và người già yếu.
       Do tồn tại bất hợp pháp nên các buổi sinh hoạt chung của nhóm hay riêng trong nội bộ gia đình thường tổ chức lén lút vào lúc nửa đêm về sáng, ở những nơi hoang vắng để tránh bị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quản lý, đã ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi, sản xuất, học tập và sức khỏe của những người tin theo, nhất là trẻ em và người già cũng như gây mất an ninh trật tự cộng đồng. Đa số các tổ chức tôn giáo trái phép còn gây ra tình trạng học sinh trong những gia đình tin theo bỏ học, trốn học, không tiếp tục học lên cao, nhất là con em những gia đình theo "Tin Lành Đề ga" và "Hà Mòn" trong những thời điểm nhạy cảm ở Tây Nguyên thời gian qua. Thậm trí con trai của Y Nguyên - bác sĩ và cũng là một trong những đối tượng cầm đầu của tổ chức "Amí Sara" đậu hai trường đại học ở Tp. Hồ Chí Minh, nhưng bố mẹ không cho đi để tránh tiếp xúc với người lạ, ở nhà cùng gia đình thực hành "tín ngưỡng" và kết hôn với con gái của người sáng lập ra tổ chức này.

Những nghiên cứu đầy đủ, khách quan nói trên cho ta thấy lý do Nhà nước cần quản lý, ngăn ngừa những tổ chức tôn giáo trái phép này

No comments:

Post a Comment