Wednesday, June 14, 2023

Lợi dụng mạng xã hội, diễn đàn quốc tế để xuyên tạc, bịa đặt về tự do tôn giáo ở Việt Nam

 


Cùng với các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, vấn đề tôn giáo cũng luôn bị các thế lực thù địch lợi dụng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Do vậy, việc nhận diện một số thủ đoạn mà các thế lực thù địch và các phần tử cực đoan thường lợi dụng vấn đề tôn giáo nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam như: lợi dụng truyền đạo trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm hình thành tư tưởng ly khai và chủ nghĩa dân tộc cực đoan; xuyên tạc chính sách tôn giáo nhằm can thiệp vào chính trị nội bộ, mặc cả trong các quan hệ đối ngoại của Việt Nam; tôn giáo hóa các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội; lợi dụng hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam; lợi dụng vấn đề đất đai liên quan đến cơ sở tôn giáo; lợi dụng mạng xã hội và diễn đàn quốc tế; lợi dụng các hoạt động từ thiện xã hội có ý nghĩa quan trọng định hướng công tác ngăn ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá trên lĩnh vực tôn giáo này.

Trước tiên, cần phải nhận thấy rõ mưu đồ, hoạt động lợi dụng mạng xã hội công kích Đảng, Nhà nước, công kích chế độ liên quan vấn đề tôn giáo của các thế lực thù địch, phản động.

Hiện nay, các phần tử phản động và một số đối tượng cực đoan trong các tôn giáo đang ráo riết tranh thủ sự bùng nổ của mạng xã hội để tán phát, chia sẻ nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam “đàn áp tôn giáo”; gây chia rẽ nội bộ các tôn giáo bằng cách công kích các chức sắc, tín đồ tôn giáo tiến bộ, yêu nước, tích cực tham gia các tổ chức chính trị - xã hội; kêu gọi tín đồ tẩy chay tổ chức Giáo hội mà chúng cho là “do Nhà nước lập ra”; tuyên truyền kích động tín đồ đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam, đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, đòi xây dựng xã hội dân sự Việt Nam kiểu phương Tây. Chúng kêu gọi chính phủ các nước phương Tây lấy vấn đề tự do tôn giáo làm điều kiện trong đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương để buộc Nhà nước Việt Nam chấp nhận tự do tôn giáo trái với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Chúng còn lợi dụng các diễn đàn quốc tế, gặp gỡ các chính khách phương Tây để xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Hai nhân vật tôn giáo lưu vong là Mục sư Tin lành A Ga - người dân tộc thiểu số Tây Nguyên và tín đồ đạo Cao đài Lương Xuân Dương đã gặp Tổng thống Mỹ. Donald Trump vào tháng 7-2019, xuyên tạc về tự do tôn giáo ở Việt Nam, đề nghị Mỹ đưa Việt Nam trở lại Danh sách các nước cần được quan tâm đặc biệt. Có thể nói, đó là những hành động nực cười, phản động của những kẻ vong bản, quay lưng lại với quê hương, đất nước của họ.

Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông, đặc biệt là internet ngày càng trở thành phương tiện hữu ích đối với đời sống con người. Không chỉ góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tự do ngôn luận, các phương tiện truyền thông hiện đại nói chung, internet nói riêng còn giúp các quốc gia trên thế giới thêm hiểu và ngày càng xích lại gần nhau hơn.

Trên internet, các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị, phản động lập ra hàng nghìn website, trang mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến... để sử dụng như một công cụ chủ yếu tuyên truyền, xuyên tạc, bịa đặt nhằm kích động hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc tại Đắk Lắk (ngày 11/6/2023), các tổ chức phản động, phần tử cơ hội đã tạo ra một “làn sóng” truyền thông trên không gian mạng để xuyên tạc, bóp méo, nói xấu chế độ, chống phá Việt Nam. Chúng đặc biệt lợi dụng các hội, nhóm trên mạng xã hội để chia sẻ, gây nhiễu loạn thông tin. Nhiều bài viết, bình luận thể hiện thái độ hả hê của các đối tượng phản động trước sự hi sinh và mất mát của đồng bào. Các trang tin của tổ chức phản động Việt Tân và các tổ chức phản động lưu vong thường xuyên sử dụng hình ảnh để cắt ghép, dàn dựng, xuyên tạc về vụ việc để tung lên mạng dưới dạng các clip.

Tổ chức khủng bố Việt Tân cắt ghép, dàn dựng hàng trăm video clip xuyên tạc, bóp méo các sự việc ở Việt Nam. Mục đích của chúng là làm nhiễu loạn thông tin, làm mất ổn định tình hình và tạo mâu thuẫn, căng thẳng giữa các dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Các clip như “Cướp đất khắp nơi ở Tây Nguyên”, “Tình cảnh người Thượng bị đàn áp”, “Khi Tây Nguyên không còn là nhà”, “CSCĐ đàn áp, chiếm đất người Thượng”,… được hàng ngàn tài khoản ảo chia sẻ trên hàng trăm hội nhóm, thu hút rất nhiều người xem.

Thời gian đầu, khi thông tin lan truyền trên mạng xã hội, rất nhiều người dân theo dõi và chưa kiểm chứng nên họ có phần hoang mang, dao động. Tuy nhiên, ngay sau đó, các cơ quan truyền thông, báo chí, các đài truyền hình, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Chính phủ… đã kịp thời đưa tin, hình ảnh vụ việc. Điều này góp phần quan trọng trong định hướng thông tin, từ đó, huy động được sức mạnh của quần chúng nhân dân trong việc điều tra, truy bắt các đối tượng phạm tội. Với các biện pháp rất nhanh chóng, hiệu quả của lực lượng chức năng, sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của người dân, nhất là trong vận động đầu thú và truy bắt, chỉ sau 2 ngày xảy ra vụ việc, tình hình trên địa bàn đã ổn định. Cơ quan Công an đã bắt giữ hầu hết số đối tượng tham gia và thu giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Liên quan đến vụ việc, các trang tin nước ngoài như RFA, BBC tiếng Việt, VOA tiếng Việt cũng thường xuyên cập nhật tình hình. Tất nhiên, xen kẽ vào các bản tin là những bài viết và bình luận mang tính quy chụp, thiếu thực tiễn. Nhiều bài bình luận như “Tiếng súng Cư Kuin còn cho thấy điều gì và nó phục vụ ai?” (RFA), “Đắc Lắc đã trở lại bình thường?” (VOA), “Câu chuyện Tây Nguyên và người dân sắc tộc của núi rừng trong lòng tôi” (BBC), “Vụ nổ súng ở Đắk Lắk: Có phải người Tây Nguyên thành bộ phận dân số nghèo nhất?”,… đã đưa thông tin về vụ việc một cách phiến diện. Mục đích là để thế giới có cái nhìn sai lệch về tình hình Việt Nam. Từ đó, các tổ chức phản động kêu gọi can thiệp vào Việt Nam dưới chiêu bài dân quyền, dân tộc, dân chủ. Đây là thủ đoạn “mưa dầm thấm lâu” trong chiến lược diễn biến hòa bình mà lâu nay các nước đế quốc đang sử dụng để chống phá Việt Nam.

Rõ ràng, vụ việc xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk ngày 11/6 gây hậu quả nghiêm trọng về nhân mạng con người, ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự tại địa phương, cho thấy tính chất côn đồ, man rợ của những kẻ gây án.

Với người dân, việc tuyên truyền giúp bà con nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá Việt Nam là rất cần thiết và phải được tiến hành thường xuyên. Từ đó, nêu cao ý thức cảnh giác, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn sự phá hoại, chung tay bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống bình yên của đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, của nhân dân Việt Nam nói chung.

No comments:

Post a Comment