Tuesday, July 30, 2024

Cáo buộc “đàn áp tôn giáo” và thực tế “lôi kéo ly khai”


Thời gian qua, Chính phủ Hoa Kỳ, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) và một số tổ chức phi chính phủ (NGO) thường nêu quan điểm rằng Việt Nam “đàn áp” hoặc “vi phạm tự do tôn giáo” đối với các nhóm tự xưng Dương Văn Minh, Hà Mòn trong cộng đồng người Mông. Một số báo cáo quốc tế chỉ nhìn bề ngoài các nhóm này “đang thực hành tín ngưỡng” mà quy kết chính quyền “hạn chế, cấm đoán.”

Tuy nhiên, thực tế tại địa bàn miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cho thấy các nhóm này đã có hoạt động kêu gọi lập “Nhà nước Mông,” lôi kéo, dụ dỗ đồng bào di cư trái phép sang Lào với ảo tưởng tìm “vua Mông” và khu tự trị riêng; hoặc cổ súy cho tư tưởng chống đối chính quyền, kích động xung đột vùng cao. Đây không phải các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng thuần túy mang tính “cầu nguyện ôn hòa” mà là mưu đồ ly khai, đe dọa an ninh trật tự, xâm phạm quyền và lợi ích chung của cộng đồng.

Thông qua các bài giảng hoặc “lời sấm truyền” rằng sẽ xuất hiện “vua Mông,” lập vương quốc riêng, người Mông sẽ thoát khỏi cảnh nghèo khổ, hoặc kích thích tâm lý “người Mông bị áp bức,” phải tự thành lập vương quốc để có “đất riêng,” thoát “đàn áp”.  Những kẻ cầm đầu lợi dụng địa hình phức tạp, khó tiếp cận; người dân ít giao lưu, hạn chế về kiến thức xã hội, dẫn đến dễ tin những lời phỉnh dụ về “miền đất hứa,” “vùng đất siêu nhiên”. Thậm chí đe dọa: “nếu không đi tìm “vua Mông,” sẽ gặp tai ương, bị bỏ rơi”. Rồi hứa hẹn khi sang Lào sẽ được “vua Mông” cấp tiền bạc, đất đai, phong chức, thỏa mãn nhu cầu. Chúng gán ghép, coi tất cả những khó khăn, nghèo đói trong cuộc sống là “vì chưa có nhà nước riêng,” tạo ảo giác rằng chỉ cần sang Lào, lập một “quốc gia Mông” độc lập, mọi người sẽ sung sướng…

Những luận điệu và hành vi lôi kéo, lừa phỉnh nói trên gây ra hệ lụy nghiêm trọng cho người dân, như: (1) Bán tài sản, di cư bất hợp pháp, nhiều gia đình vội vàng bán nhà, đất, gia súc lấy tiền làm lộ phí, bỏ bê vợ con, kéo sang Lào chờ gặp “vua Mông.”. (2) Rơi vào cảnh không hộ tịch, không nơi ở ổn định, thiếu lương thực, đời sống bấp bênh, là đối tượng bị lạm dụng lao động, thậm chí bị lừa bán trở lại. (3) Ở Lào, khi bị phát hiện nhập cảnh trái phép, nhiều người Mông Việt Nam bị giam, phạt tù hoặc trục xuất theo luật di trú nước sở tại. Một số người phải trả giá đắt cho hành động phi pháp, mất hết tài sản, công việc, con cái thất học. (4) Rơi vào cảnh gia đình ly tán, mất công ăn việc làm, tâm lý hoang mang, xáo trộn cộng đồng. Vợ chồng, con cái chia lìa; người ở lại nghèo càng nghèo hơn, thiếu lao động sản xuất. Nhiều người sau khi quay về Việt Nam cũng gặp khó khăn hòa nhập, kinh tế sa sút; một số đối tượng cầm đầu phải chịu án phạt hình sự vì hành vi tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài hoặc kích động, gây rối trật tự công cộng.

Hoạt động khuyến dụ sang Lào tìm “vua Mông” hoàn toàn khác với khái niệm “hành lễ tôn giáo,” “cầu nguyện ôn hòa” hay “tự do tín ngưỡng”. Đó là hành động lạm dụng đức tin: Lợi dụng phong tục thờ cúng, lòng sùng tín của người Mông, truyền bá nội dung viễn tưởng về lập nhà nước riêng. Chúng sử dụng thủ đoạn mê hoặc, hù dọa “nếu không đi, khi đại nạn xảy ra, chỉ ai theo ‘vua Mông’ mới được sống.” Dã tâm kêu gọi “tách khỏi sự quản lý của chính quyền,” “lập chính quyền Mông,” vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, cũng như Luật di trú Lào. Rõ ràng, đây là một hoạt động có mưu đồ chính trị, xâm phạm chủ quyền quốc gia, đẩy người dân vào tình thế nguy hiểm, trái với các chuẩn mực về quyền con người.

Việt Nam luôn bảo đảm cho mọi tôn giáo, trong đó có cộng đồng người Mông theo Tin Lành, Công giáo, hoặc đạo Tin Lành thuần túy (không bị lôi kéo bởi tổ chức cực đoan). Người đứng đầu, kẻ cầm đầu tà đạo Dương Văn Minh, Hà Mòn bị chế tài vì họ kêu gọi ly khai, lôi kéo di cư trái phép. Pháp luật Việt Nam cũng nhất quán xử lý tương tự như các quốc gia khác xử lý tổ chức cực đoan.

Việt Nam không ngăn cản người Mông thực hành lễ nghi tôn giáo chính đáng. Nhưng không thể để tình trạng người dân bị dụ dỗ bỏ quê, bỏ tài sản rồi lâm vào cảnh mất phương hướng, trở thành lao động bất hợp pháp, bị chính quyền Lào bắt giữ. Các cơ quan chức năng nỗ lực tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu rõ thủ đoạn lừa đảo; hỗ trợ người trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Thêm nữa, quyền dân tộc bản địa không đồng nghĩa quyền ly khai. Khái niệm “dân tộc bản địa” không thể biện minh cho hành vi chống phá, tách khỏi lãnh thổ quốc gia. Mọi quốc gia có chủ quyền đều không chấp nhận hoạt động ly khai. Trong khi đó, Việt Nam có chính sách ưu tiên phát triển vùng cao, bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa truyền thống cho đồng bào Mông, thậm chí trợ giúp kinh phí, xây dựng hạ tầng, trường học, chăm sóc y tế, mở rộng đường giao thông miền núi.

Khi nhìn vào bằng chứng cụ thể về việc người Mông di cư trái phép sang Lào, đối mặt vô vàn rủi ro, thiệt hại, có thể khẳng định đây là vấn đề ly khailợi dụng đức tin để lôi kéo chứ không phải “cầu nguyện ôn hòa.” Hành động của Việt Nam chính đáng và tương tự như cách các quốc gia khác trên thế giới xử lý tổ chức cực đoan; hoàn toàn không vi phạm quyền dân tộc bản địa hay tự do tín ngưỡng của người Mông.

 

No comments:

Post a Comment