Thursday, September 5, 2013

Vì sao ông Nguyễn Gia Kiểng sẽ phải mãi mãi “ăn năn”?

Trả lời bài viết ‘Cách mạng Tháng 8, nội chiến và nội chiến cộng sản”
Đọc bài viết https://danluan.org/tin-tuc/20130831/nguyen-gia-kieng-cach-mang-thang-8-noi-chien-va-noi-chien-cong-san#comment-96608, tôi phải cố gắng lắm mới định hình được thứ tư duy hổ lốn, lẫn lộn, đánh lận của ông Kiểng. Khi định hình được tư duy của ông tôi thấy sáng tỏ một điều, thảo nào ông và cái tổ chức THDCDN cứ mãi phải ép uổng Tổ quốc“ăn năn”? Sáng tỏ điều nữa là cái lý luận “hòa giải dân tộc” chỉ là thứ lừa phỉnh nhằm tìm kiếm vị thế chính trị trong ảo tưởng về một sự thỏa hiệp hão huyền với lực lượng cầm quyền trong nước hiện nay. Tiếc rằng, chẳng ai ngu gì với mớ lý thuyết “ăn năn” mãi chưa thôi của ông nên ông và THDCDN cứ mãi chung chiêng giữa 2 làn đạn
Trong bài viết này, mới đầu tưởng như ông Kiểng “thừa nhận” ý nghiã lịch sử của CMT8 và ngày lễ độc lập 2/9 “ta phải nhận định rằng độc lập dân tộc là điều không thể nhân nhượng và cần được đánh đấu một cách thực mạnh mẽ và long trọng sau gần một thế kỷ ngoại thuộc. Đó là một vấn đề danh dự dân tộc. Cách Mạng Tháng 8 phải có và đảng cộng sản cũng có lý khi nói rằng đó là công lao của họ. Họ là tổ chức chính trị duy nhất có thực lực vào thời điểm đó sau khi đã chiến đấu kiên cường trong suốt giai đoạn Thế Chiến II và đã trả giá rất cao. Điều này phải được nhìn nhận. Ngày 19-8-1945 và ngày 2-9-1945 chắc chắn phải được ghi nhận như những ngày lịch sử lớn.”. nhưng thực ra đây là mồi câu view cho cái thuyết ăn năn nửa dơi nửa chuột, bởi đọc hết sẽ thấy đây là cả “công trình” ông ta nỗ  lực xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn lịch sử nhằm phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản, biến lãnh tụ dân tộc làm nên CMT8 thành “tội đồ” dân tộc, không ngoài mục đích cuối cùng phủ nhận giá trị đích thực của CMT8, vai trò của Đảng, tư tưởng HỒ Chí Minh, giá trị CN Mác-Lê. Tất cả cuối cùng đều nhắm đến cái đích biện hộ cho “lý tưởng” chống phá thể chế suốt mấy chục năm qua của ông Kiểng  và vuốt ve đám tay sai, thuộc hạ trong nước được ông nuôi dưỡng mua chuộc được bằng những tờ USD, Euros, song vẫn công cốc công cò.
Để giúp bạn đọc hình dung về luận thuyết ăn năn của ông và cho ông thấy vì sao cái ảo tưởng “hòa giải dân tộc” hay nói cách khác, tìm ghế chính trị trong nước mãi cứ là viễn tưởng đối với ông Kiểng và tổ chức THDCDN, tôi sẽ chia bài viết thành 2 phần để dễ theo dõi:
Phần 1: Trả lời bài viết ‘Cách mạng Tháng 8, nội chiến và nội chiến cộng sản”
Phần 2: Vì sao ông mãi phải ăn năn
Phần I
Trong bài viết, tôi xin tóm tắt những luận điểm ông Kiểng đưa ra nhằm phủ nhận giá trị CMT8
Thứ nhất, ông ta lập luận rằng “Cách Mạng Tháng 8, theo cách mà nó đã diễn ra, đã mở đầu cho một chuỗi thảm kịch dài tàn phá đất nước ta và đã khiến chúng ta tụt hậu bi đát như ngày nay.” Cơ sở là sự tụt hậu so sánh với thế giới, với Hàn Quốc, Nhật Bản
Thứ hai, ông phủ nhận giá trị CMT8 vì nó là cơ sở dẫn đến 2 cuộc nội chiến “Cả hai cuộc chiến gọi là "chống Pháp" và "chống Mỹ" đều là những cuộc nội chiến”. Ngoài diễn giải áp đặt theo tư duy chủ quan, dữ liệu, cơ sở thực tế chứng minh cho kết luận này dựa vào “Năm 1954 đã có một triệu người di cư vào miền Nam, số người di cư còn có thể lớn gấp nhiều lần nếu không bị cấm cản; ngược lại đã có bao nhiêu người tập kết ra Bắc?”; “Trong hai cuộc nội chiến này dĩ nhiên đã có sự can thiệp từ bên ngoài” Dựa vào cái này để ông Kiểng phán  rằng “Lý do khiến đảng cộng sản không nhìn nhận đây là những cuộc nội chiến (mà là những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm) chỉ là vì họ không muốn thỏa hiệp với những người Việt Nam khác, họ muốn nội chiến đến cùng”.
Thứ ba, trên cơ sở của lập luận 1 và 2, ông ta đưa ra lập luận thứ ba để phủ nhận giá trị CMT8 là “Nội chiến tai hại hơn nhiều so với chiến tranh chống lại một quốc gia khác” bằng sự so sánh về sự phục hồi của Nhật, Đức, Pháp, Nga, Mỹ xuất phát từ nguyên nhân nội chiến hay chiến tranh để đúc ra mệnh đề nội chiến ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước mạnh hơn chiến tranh chống xâm lược từ nước khác
Từ đó ông ta tìm ra nguyên nhân dẫn đến nội chiến trong 2 cuộc kháng chiến Pháp, Mỹ cũng như “nội chiến cộng sản” đều bắt nguồn từ chủ nghĩa cộng sản và người đem chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam là Hồ Chủ tịch, cho đó chính là nguyên nhân “phủ nhận” giá trị CMT8, nguyên nhân ngăn cản sự “hòa giải dân tộc”, nguyên nhân làm chậm sự dân chủ hóa…
Trước hết, tôi sẽ chỉ ra ông mắc lỗi nghiêm trọng trong tư duy và lập luận
Một mặt ông ta thừa nhận thành quả CMT8 đem lại nền độc lập dân tộc, thừa nhận tinh thần đấu tranh giành độc lập là nhu cầu tất yếu của mọi dân tộc nhưng mặt khác ông ta phủ nhận vai trò của ĐCS, Chủ nghĩa Mác-Lê và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Cái sự đánh lận, lừa đảo cả lịch sử của ông ta là ở chỗ này. Vậy ai, chủ thuyết nào đã quy tụ mọi lực lượng dân tộc giành CMT8 nếu không phải là CNMac-Lê đã được Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo vào Việt Nam trên cơ sở kết hợp với nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước. Nếu vận dụng Chủ nghĩa Mac-lê máy móc, dập khuôn như một số lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương đã gây tổn thất nghiêm trọng ra sao, có nguy cơ biến lực lượng cách mạng non trẻ đó thất bại nếu không được Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng lái trở lại kịp thời mới dành được CMT8. Chủ nghĩa Mác-lê vào Việt Nam hoàn toàn không còn nguyên bản, thực chất nó là sự vận dụng những hạt nhân hợp lý như thuyết biện chứng, thuyết lịch sử duy vật kết hợp với chủ nghĩa dân tộc. Bởi vậy nhìn nhận về Hồ Chí Minh, hầu như thế giới và Việt Nam đều cho Người là đại diện của chủ nghĩa dân tộc, ít ai còn ngây thơ cho Người là đại diện chủ nghĩa Cộng sản nguyên bản, trừ một số kẻ như ông Kiểng đang cố bấu víu vào để phủ nhận vị lãnh tụ dân tộc cũng như nhằm phủ nhận Đảng Cộng sản và thành quả cách mạng dân tộc do Người và Đảng lãnh đạo gây dựng nên.
Cái cơ sở lập luận cho 2 cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ là “nội chiến” của ông Kiếng đúc rút chỗ này “Khi người trong một nước giết nhau trên một qui mô lớn và trong một thời gian dài thì đó là nội chiến, dù có hay không có sự can thiệp từ bên ngoài. Vả lại số người Pháp và người Mỹ thiệt mạng trong hai cuộc chiến này chỉ là những tỷ lệ không đáng kể so với số tử vong của người Việt. Cả hai cuộc nội chiến này đều phải bị lên án.” Như vậy, lập luận của ông Kiểng chỉ dựa thuần trên số lượng người chết trong 2 cuộc chiến là người Việt so sánh với người nước ngoài khẳng định đó là “nội chiến”. Biết phải nói sao cho thứ tư duy “cơ học” đã lỗi mốt hàng thiên niên kỷ này từ kẻ tự xưng là “trí thức” thời nay nhỉ? Nếu so sánh thì sẽ thấy chính CNDuy vật đã tự hổ thẹn, gọi cái thứ tư duy cơ học thủa sơ khai là chủ nghĩa duy vật ngây thơ, mơ mộng, thì thời hiện đại này, gọi tên cái thứ tư duy của ông Kiểng này với tên gọi gì đây nhỉ?
Tôi chẳng thiết cãi nhau với cái thứ tư duy “đồ đá” này của ông, chỉ phiền bạn đọc hãy đọc lại bài viết của GS Trần Chung Ngọc viết về cuộc chiến chống Mỹ có phải là nội chiến hay không (Tản Mạn Xung Quanh Cuộc Chiến Ở Việt Nam (Trần Chung Ngọc), để thấy rằng  sự tổn thất bên nào thực nghiêm trọng hơn, vì sao một dân tộc thô sơ, nghèo đói, phân hóa bởi lịch sử như vậy lại có thể làm nên chiến thắng hai đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, nêu không muốn nói đó là nhờ ý thức về cuộc chiến tranh chính nghĩa giành độc lập, thống nhất dân tộc, đất nước cháy bỏng của dân Việt đã đem lại kỳ tích có một không hai đó. Chiến thắng đó, tính chính nghĩa đó cũng là lý do vì sao Việt Nam được sự ủng hộ không chỉ từ các nước đồng minh mà còn từ chính cộng đồng quốc tế, hậu phương của “kẻ thù” đã giúp dân tộc Việt chiến thắng. May mắn đó còn kéo đến tận ngày nay khi vị tổng thống Clinton, Obama đều thuộc thành phần “phản chiến” năm xưa giờ đã vứt bỏ mặc cảm thua cuộc, nối lại quan hệ với “lực lượng cộng sản” ở Việt Nam, thậm chí còn đang tiến tới đối tác toàn diện, chiến lược. Bởi họ nhìn thấy ĐCSVN không phải là nguyên nghĩa của Chủ nghĩa Mac-Lê ngoài cái tên gọi, họ thấy được rằng dù có muôi dưỡng đến trăm năm nữa thì lực lượng chống Cộng cả trong và ngoài nước chẳng làm nên cơm cháo gì. Họ thấy rằng “diễn biến hòa bình” đem lại nhiều “hy vọng” hơn, ĐCSVN sẽ tự chuyển mình phù hợp với lợi ích dân tộc, còn đám chống cộng hay gọi mỹ miều là “lực lượng đấu tranh dân chủ” chỉ là quân tốt lợi dụng được đến đâu thì hay đến đó, không hơn không kém, đúng như bản chất và thực lực của thành phần này trong nước.
Còn cái lập luận thứ 3 của ông tệ hại hơn nhiều nữa, khiến tôi thấy như tư duy ông còn thua con trẻ, chẳng muốn đáp lại.Nhưng vì người Việt nhất là thành phần hải ngoại như ông phần đông vẫn viện vào tư duy này làm công cụ phỉnh phờ những thành phần ít học, cơ hội trong nước, nên tôi đánh viết thêm. Ông ta cho Đức, Nhật phát triển nhanh và bền vững hơn Pháp, Nga bởi  chỉ chịu hậu quả của chiến tranh với nước khác, chứ không phải chịu sự không “đồng thuận” trong dân tộc. Tệ hại thật, không lẽ Đức bị phân chia thành 2 nước suốt bao năm, mãi đây Liên Xô sụp đổ, Bức tường Berlin hạ xuống thì mới thống nhất được đất nước, theo tư duy và lập luận xuyên suốt của ông Kiểng, chẳng nhẽ đây là trường hợp “đặc cách”? Hàn quốc phát triển như rồng ấy nay đang không “nội chiến”? Mỹ khắc phục sau “nội chiến” là thành phần dân da đỏ - người chủ thực sự của nước Mỹ gốc ấy đang bị “tuyệt chủng” cũng như vô thiên lủng vấn đề cộn cán tương tự được xem “đã dồn mọi cố gắng để thực hiện hòa giải dân tộc một cách quả quyết và thành thực”? Cuộc chiến 1789 làm nước Pháp “yếu” đến tận hôm nay, trong khi lực lượng cộng sản – “di hại” 1789 ở Pháp không đáng được xem là lực lượng chính trị? Nhìn chung cái “mệnh đề” “Nội chiến tai hại hơn nhiều so với chiến tranh chống lại một quốc gia khác” lỗi nghiêm trọng từ mọi góc cạnh.
Vấn đề ông Kiểng cho “nội chiến cộng sản” – ý nói nội bộ ĐCS luôn có các phe phái tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau làm yếu đất nước. Xem ra khái niệm “nội chiến” của ông Kiểng quá rộng, không chỉ bao trùm chiến tranh trong địa giới lãnh thổ, mà còn cả sự cạnh tranh quyền lực chính trị giữa các phe nhóm lợi ích, …Nếu quy chiếu quan điểm này thì đáng xem đảng Cộng hòa và đảng dân chủ đang gây “nội chiến” ở nước Mỹ từ thủa khai sinh lắm lắm. Sự cạnh tranh, đấu đá, tranh giành quyền lực chính trị giữa các đảng hay trong một đảng cầm quyền suy cho cùng chẳng phải là tốt lắm sao nếu đứng ở góc độ xem đa nguyên đa đảng, cạnh tranh quyền lực là độc lực phát triển?
Nhìn chung, cả một hệ thống tư duy lủng củng, mới đọc tưởng có vẻ xuôi tai nhưng kỳ thực dẫn dắt người đọc có kiến thức hạn chế vào mê hồn trận “Tổ quốc ăn năn” không ngoài mục đích đánh lận cho thủ đoạn phủ nhận vai trò lãnh đạo của ĐCSVN, hạ bệ lãnh tụ dân tộc, lừa bịp đám tay chân ngu muội, lôi kéo thêm vài con gà nhẹ dạ, bao biện cho động cơ chống đối, tìm kiếm ảo tưởng “hòa giải dân tộc” nếu tương lai ĐCSVN tự diễn biến..
(Xin mời đọc tiếp Phần 2 để thấy vì sao tổ chức THDCDN của ông Kiểng chưa thể làm nên cơm cháo gì)
Nguyễn Biên Cương
 Phần II 
THDCDN: Sự thất bại từ lý luận đến lực lượng
Trước hết tôi muốn nói đến sự thất bại của THDCDN được dẫn dắt bởi “lãnh tụ tinh thần” NGuyễn Gia Kiểng thất bại từ lý luận như thế nào
Bề ngoài ông Kiểng giương ngọn cờ “hòa giải dân tộc” để quy tụ lực lượng được xem là “có chữ nghĩa” ở hải ngoại đã quá chán ghét thành phần CCCĐ cũng như tìm sự “đồng cảm” của thành phần cơ hội trong nội bộ Đảng CSVN. Đồng thời đây cũng được ông ta mơ tưởng như là “giải pháp” dễ được người dân trong nước chọn lựa nếu ngày đẹp trời nào đó ĐCSVN thất cơ lỡ vận. Nhưng thực ra, cái vỏ này chẳng lừa được mấy người. Lực lượng chống Cộng hải ngoại xem ông này và tổ chức của ông ta thuộc loại tìm cách “thỏa hiệp”, “bợ đít” với cộng sản vì đã dám giương cái khẩu hiệu mà chúng đang mải miết chống giống như chống cái Nghị quyết 36 về dân vận hải ngoại của của ĐCSVN. Chính vì vậy, dù được xem là thành phần chống Cộng có chút não hơn cả nhưng mấy chục năm nay cái tổ chức THDCDN hải ngoại quanh đi quanh lại lèo tèo vài mống ở phân bộ nọ phân bộ kia, ngân quỹ thì khiêm tốn, suốt ngày chỉ biết dùng nước bọt đi xin tiền thì sao cạnh tranh được với đảng mafia Việt Tân?
Ở trong nước, thì cái vỏ “hòa giải dân tộc” của ông Kiểng chẳng lừa bịp được mấy, ngoài mấy thành phần cơ hội dạng đắc sắc và nổi bật như Nguyễn Thanh Giang. Bởi chỉ cần ai có chút học vấn đều dễ nhận ra sự lừa bịp trong đó như sự phân tích của tôi ở Phần I bài viết này. Chỉ cần nhìn vào con bài tiêu biểu mà ông Kiểng và tổ chức THDCDN đã đầu tư khá nhiều vốn liếng vào tờ “Tập san Tổ quốc”  đã thấy sự thất bại “chiến lược” trong nuôi dưỡng và tạo dựng lực lượng “nội địa” của tổ chức này.
Viết về ông Nguyễn Thanh Giang này, tôi đã có khá nhiều bài bình luận về bản chất cơ hội, háo danh, hám lợi đến bệnh hoạn của tay này. Ông này được Nguyễn Gia Kiểng tin dùng qua sự cộng tác làm “Tập san Tổ quốc” với hy vọng đây sẽ là “tổ chức” trá hình, cơ sở vật chất thâm nhập, gây dựng lực lượng trong nội bộ Đảng, ngoài xã hội của THDCDN vào trong nước. Tập san này ngày đầu thu hút được ban bệ xem ra khác hoành tráng, hầu hết là các cây bút nổi danh thuộc “lực lượng dân chủ” trong nước thời kỳ 2006. Mạng lưới tán phát chủ yếu nhằm vào các CLB hưu trí, trí thức, giới có chút học vấn trong nước. Với những khoản tiền đầu tư cho tờ báo này bị báo chí trong nước phanh phui từ số tiền ông Nguyễn Thanh Giang nhận trực tiếp từ ông Nguyễn Gia Kiểng xem ra là khá lớn. Ông Giang trang bị máy tính, máy in cùng với số lượng báo tán phát mỗi tháng 2 kỳ mà báo chí công khai cho thấy những khoản tiền bị phanh phui mới chỉ là một phần rất nhỏ.
Nhưng từ chính cái lý thuyết “bệnh hoạn” chẳng thu phục nhân tâm, sử dụng con người nhằm vào thành phần cơ hội, trở cờ trong nội bộ nên giờ đây ông Kiểng và tổ chức của ông ta đã ăn quả đắng. Bao nhiều đầu tư vốn liếng ông Giang kia đút túi cả, chi tiêu bủn xỉn, nhỏ giọt với đồng bọn; công an đụng đến là van xin, thỏa hiệp, ăn năn, hối cải …đủ cả. Nay uy tín, ảnh hưởng trong làng dân chủ của ông Giang về số mo, nếu không muốn nói là âm. Ông ta không chỉ làm phá sản “sự nghiệp” của THDCDN mà còn làm phá sản cả cái gọi là phong trào dân chủ trong nước, là công cụ tuyệt vời cho Đảng, chính quyền “bêu rếu” là chính, chẳng tội gì phải xử tù, làm nát luôn cả thế hệ đồng bọn cùng thời, khiến nhân dân trong nước nhìn rõ hơn, sống động hơn, chân thực hơn về bộ mặt, bản chất của “lực lượng dân chủ trong nước”. Hậu quả Thanh Giang ra đi thì THDCDN cũng rơi vào tình trạng “trạng chết thì chúa cũng băng hà”.
Đây chính là ví dụ sinh động nhất, rõ nét nhất cái sự thất bại của mớ luận thuyết ăn năn kia. Người ra sao thì của hao hao là vậy. Cái thứ nửa dơi nửa chuột thì đừng mong thu hút được nhân sự có “chất lượng” được.
Gần đây, đọc trên Thông luận, thấy ông Kiểng viết khá nhiều bài thể hiện THDCDN là tổ chức duy nhất có uy tín, có trình độ, có khả năng….trở thành tổ chức mạnh, xứng đáng đầu tư, liên kết. Nhưng xem ra, sức mạnh của THDCDN chủ yếu nhờ tài “viết lách” cực khỏe của ông Kiểng và 1,2 cây viết khác trên Thông luận. Sau âm vang của Tập san Tổ quốc, đến nay, THDCDN chưa “thể hiện” được tí lực lượng vật chất nào thêm.
Thế nên tôi mới có nhận định rằng, ông Kiểng cũng như THDCDN của ông ta chỉ đang tồn tại nhờ…ăn năn.
Nguyễn Biên Cương
====

\Nguyễn Gia Kiểng - Cách Mạng Tháng 8, nội chiến, và nội chiến cộng sản
·         Chính trị - xã hội
Nguyễn Gia Kiểng
Sòng phẳng với quá khứ là điều kiện cần thiết để hòa giải dân tộc và xây dựng tương lai. Đó cũng là thái độ phải có để rút ngắn lộ trình dân chủ hóa.
Chúng ta lại kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8-1945 và Quốc Khánh 2 tháng 9 một lần nữa. Dù 68 năm đã trôi qua nhưng nhận định những biến cố sôi động trong giai đoạn này vẫn còn là điều chia rẽ người Việt Nam một cách trầm trọng.
Cách Mạng Tháng 8 có cần thiết và vinh quang thực không?
Đối với nhiều người sự cần thiết và vinh quang của Cách Mạng Tháng 8 và quốc khánh 2-9 không thể chối cãi. Đó đã là những ngày mà dân tộc Việt Nam vùng dậy vất bỏ ách ngoại thuộc, mở ra một kỷ nguyên độc lập mới và xác nhận trước thế giới văn minh rằng dân tộc Việt Nam cũng có quyền có chỗ đứng ngang hàng với mọi dân tộc khác. Tuy vậy đối với một số người ngày càng đông đảo Cách Mạng Tháng 8 thực ra không cần thiết nếu quả nhiên độc lập là mục tiêu duy nhất. Họ lý luận rằng chủ nghĩa thực dân đã chết sau Thế Chiến II và độc lập tự nhiên phải đến sau dù có hay không có Cách Mạng Tháng 8 bởi vì đó là khuynh hướng tất yếu, cũng như mặt trời phải mọc lên vì trái đất đã xoay dù con gà có gáy hay không. Bằng cớ là tất cả mọi quốc gia muốn độc lập, kể cả tại Châu Phi Da Đen, đều đã có độc lập và hơn thế nữa trong đa số các trường hợp còn giành được độc lập trước và ít tốn kém hơn chúng ta. Nhiều người cũng không nhìn ngày 2-9 như ngày quốc khánh, hiểu theo nghĩa một ngày lễ tưng bừng và hân hoan của dân tộc. Đối với họ ngày 2-9-1945 đã chỉ khai sinh ra một nhà nước cộng sản và mở đầu cho một giai đoạn nội chiến kéo dài và thực ra vẫn chưa chấm dứt sau ngày 30-4-1975.
Một cách bình tĩnh, ta phải nhận định rằng độc lập dân tộc là điều không thể nhân nhượng và cần được đánh đấu một cách thực mạnh mẽ và long trọng sau gần một thế kỷ ngoại thuộc. Đó là một vấn đề danh dự dân tộc. Cách Mạng Tháng 8 phải có và đảng cộng sản cũng có lý khi nói rằng đó là công lao của họ. Họ là tổ chức chính trị duy nhất có thực lực vào thời điểm đó sau khi đã chiến đấu kiên cường trong suốt giai đoạn Thế Chiến II và đã trả giá rất cao. Điều này phải được nhìn nhận. Ngày 19-8-1945 và ngày 2-9-1945 chắc chắn phải được ghi nhận như những ngày lịch sử lớn.
Nhưng điều còn chắc chắn hơn là Cách Mạng Tháng 8, theo cách mà nó đã diễn ra, đã mở đầu cho một chuỗi thảm kịch dài tàn phá đất nước ta và đã khiến chúng ta tụt hậu bi đát như ngày nay. Trong tiệc chiêu đãi tại bộ ngoại giao Hoa Kỳ ngày 25-7 vừa qua ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói: "Sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, từ một nước kém phát triển Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có thu nhập trung bình". Sai lầm lố bịch. Thu nhập bình quân hàng năm trên mỗi đầu người trên thế giới hiện nay là sấp sỉ 10.000 USD, thu nhập của một người Việt Nam là 1200 USD, chỉ bằng 12% mức trung bình thế giới. Các nhà lãnh đạo cộng sản vẫn chưa hiểu rằng chúng ta nghèo khổ và tụt hậu một cách vô cùng bi đát, và nguyên nhân chính là những cuộc chiến mà họ lấy làm hãnh diện và bắt đất nước phải biết ơn.
Vào thời điểm 1945, Cao Ly và Việt Nam ở mức độ phát triển tương tự, Việt Nam còn có phần khá hơn. Cả hai nước đều đã bị ngoại thuộc nhưng ách thống trị của người Nhật còn tàn bạo gấp bội ách đô hộ của người Pháp. Ngày nay GDP (tổng sản lượng nội địa) của 90 triệu người Việt Nam chưa bằng 1/10 GDP của Hàn Quốc (Nam Cao Ly) với 50 triêu dân. GDP của Việt Nam chỉ bằng một nửa doanh thu của công ty Samsung. Phải nhìn nhận rằng từ lâu người Cao Ly đã phát triển hơn xa chúng ta về nhiều mặt nhưng gần một thế kỷ Pháp thuộc và tiếp xúc trực tiếp với phương Tây cũng đã giúp chúng ta rút ngắn khoảng cách một cách đáng kể; nếu không có Cách Mạng Tháng 8 và những hậu quả của nó thì ngày nay chúng ta cũng có thể gần bằng Hàn Quốc, nghĩa là có mức sống cao gấp 20 lần hay ít nhất 15 lần hiện nay.
Vậy thì cái gì đã sai trong Cách Mạng Tháng 8?
Phải trả lời thật dứt khoát: nội chiến. Cả hai cuộc chiến gọi là "chống Pháp" và "chống Mỹ" đều là những cuộc nội chiến. Khi người trong một nước giết nhau trên một qui mô lớn và trong một thời gian dài thì đó là nội chiến, dù có hay không có sự can thiệp từ bên ngoài. Vả lại số người Pháp và người Mỹ thiệt mạng trong hai cuộc chiến này chỉ là những tỷ lệ không đáng kể so với số tử vong của người Việt. Cả hai cuộc nội chiến này đều phải bị lên án.
Nội chiến hủy diệt các quốc gia. Khi người ta có thể giết những người đồng bào mà mình không hề quen biết, dù vì bất cứ lý do nào, là người ta không còn coi tình đồng bào ra gì nữa. Tình cảm dân tộc tan biến trong một cuộc nội chiến. Và người Việt Nam đã giết nhau không phải trong vài tháng hay vài năm mà trong gần ba mươi năm. Sư kiện người ta nhân danh một lý tưởng, dù là lý tưởng cộng sản hay một lý tưởng nào khác, để biện minh cho cuộc nội chiến không biện minh gì cả mà chỉ khiến tác dụng phá hủy quốc gia của cuộc nội chiến trở thành dữ dội và toàn diện hơn bởi nó vì đánh vào chính nền tảng của quốc gia. Quốc gia là gì nếu không phải là một dự án tương lai chung? Lãnh thổ, lịch sử, chủng tộc v.v. xét cho cùng đều chỉ là thứ yếu bởi vì những người vừa nhập tịch cũng có thể là những công dân, thậm chí những cấp lãnh đạo, gương mẫu. Quốc gia trước hết là sự chấp nhận xây dựng và chia sẻ một tương lai chung. Khi nhân danh một lý tưởng để phát động hoặc tham gia một cuộc nội chiến là người ta không còn chấp nhận chia sẻ một tương lai chung nữa, không những không chấp nhận nhau mà còn giết nhau.
Đảng Cộng Sản Việt Nam không thể nhân danh chính nghĩa nào để nói rằng hai cuộc chiến trong giai đoạn 1945-1975 không phải là những cuộc nội chiến. Khi có những người vì bất cứ lý do gì không muốn chủ nghĩa cộng sản thì họ vẫn phải được tôn trọng vì một lý do giản dị là họ cũng là những người Việt Nam. Và số người này đông đảo hơn hẳn những người muốn chủ nghĩa cộng sản. Năm 1954 đã có một triệu người di cư vào miền Nam, số người di cư còn có thể lớn gấp nhiều lần nếu không bị cấm cản; ngược lại đã có bao nhiêu người tập kết ra Bắc? Sau ngày 30-4-1975 cũng đã có hơn hai triệu người bỏ nước ra đi. Nếu cần tranh luận xem giữa những người theo và những người chống lại chủ nghĩa cộng sản ai có lý hơn ai thì ngày này câu trả lời đã rõ ràng. Nhưng vấn đề không phải là ai có lý hơn ai, vấn đề là nếu tình thần dân tộc còn một nội dung nào đó thì mọi xung đột quan điểm phải được giải quyết bằng thảo luận và thoả hiệp chứ không phải bằng cách giết nhau. Trong hai cuộc nội chiến này dĩ nhiên đã có sự can thiệp từ bên ngoài. Đó là điều không tránh khỏi trong bối cảnh chiến tranh lạnh, nhưng không phải chỉ có phe quốc gia dựa vào nước ngoài, phe cộng sản cũng đã nhận viện trợ ào ạt từ "các nước xã hội chủ nghĩa anh em", nhất là Liên Xô và Trung Quốc, và cũng đã có hàng trăm ngàn quân Trung Quốc được gửi sang Việt Nam như sau này người ta được biết. Cuối cùng thì phe cộng sản đã thắng bởi vì Liên Xô tiếp tục tận tình giúp miền Bắc trong khi Hoa Kỳ bỏ rơi miền Nam. Đó là một cuộc nội chiến đích thực trong bối cảnh chiến tranh lạnh. Ngày 27-01-2013 vừa qua, nhân kỷ niệm 40 năm hiệp định Paris, báo Tuần Việt Nam đã phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên ủy viên bộ chính trị và phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao. Ông Cầm đã nhắc lại như sau: "cố tổng bí thư Lê Duẩn có lần đã giải thích một cách đơn giản: Ta đánh là đánh cả cho Trung Quốc, cho Liên Xô !". Lý do khiến đảng cộng sản không nhìn nhận đây là những cuộc nội chiến (mà là những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm) chỉ là vì họ không muốn thỏa hiệp với những người Việt Nam khác, họ muốn nội chiến đến cùng.
Nội chiến tai hại hơn nhiều so với chiến tranh chống lại một quốc gia khác
Mọi quốc gia đều rất khó gượng dậy sau một cuộc nội chiến. Nước Pháp vẫn chưa phục hồi sau cuộc Cách Mạng 1789 và giai đoạn nội chiến kế tiếp. Trước 1789 Pháp là cường quốc mạnh nhất và tiến bộ nhất thế giới trên gần như mọi mặt, những chia rẽ vì phân tranh đã làm Pháp liên tục yếu đi. Ngày nay dù với vị trí rất thuận lợi, lãnh thổ rộng lớn và phì nhiêu, văn hóa cao và phong phú, khoa học kỹ thuật hiện đại hàng đầu, Pháp vẫn không vươn lên được và ngày càng bị nhiều nước qua mặt vì đồng thuận dân tộc không đủ mạnh. Dịp kỷ niệm 200 năm Cách Mạng 1789 đã chỉ cho thấy người Pháp vẫn chưa hòa giải được với nhau. Nước Nga vẫn chưa hồi phục và có lẽ sẽ không bao giờ hồi phục được hoàn toàn sau những thương tích của Cách Mạng Tháng 10 và cuộc nội chiến sau đó. Espana suy sụp và không gượng dậy được sau cuộc nội chiến 1936-1939. Hoa Kỳ cũng đã mất hơn một thế kỷ mới tạm hàn gắn được những vết thương của cuộc nội chiến 1861-1865 dù ngay sau đó đã dồn mọi cố gắng để thực hiện hòa giải dân tộc một cách quả quyết và thành thực. Ngược lại Đức và Nhật đã phục hồi một cách nhanh chóng sau khi bị chiến tranh tàn phá toàn diện bởi vì đó là những cuộc chiến với nước ngoài chứ không phải là những cuộc nội chiến. Những cuộc nội chiến không chỉ gây đổ vỡ vật chất và thiệt hại nhân mạng, chúng còn gây những tổn thất lớn hơn và dai dẳng hơn về tình cảm. Chúng hủy diệt tinh thần dân tộc và đồng thuận sống chung. Một quốc gia không bao giờ có thể hoàn toàn hồi phục sau một cuộc nội chiến.
Chúng ta đã trải qua ba mươi năm nội chiến và tổn hại nhiều lắm, nhiều lắm. Nhưng hình như chúng ta chưa ý thức được sự tàn phá ghê gớm của nội chiến cho nên cho tới một ngày gần đây nhiều người vẫn chưa thấy sự cần thiết và cấp bách của cố gắng hòa giải dân tộc, thậm chí nhiều người còn viện dẫn mọi lý do để chống lại. Nhưng một dân tộc sau một cuộc nội chiến chỉ có hai chọn lựa, một là hòa giải với nhau để đất nước tiếp tục, hai là không hoà giải và chấp nhận tan vỡ. Nếu những người chống hòa giải dân tộc bình tĩnh rà soát tâm tư của chính mình họ sẽ nhận ra là họ không yêu nước, hoặc chỉ yêu nước một cách rất tương đối.
Vì sao chúng ta đã lâm vào nội chiến ?
Có lẽ ít ai phủ nhận rằng chủ nghĩa cộng sản đã là nguyên nhân đưa đến xung đột và nội chiến. Điều cần phải giải tỏa là một số người vẫn cho rằng nếu những người không muốn chủ nghĩa cộng sản khuất phục thay vì chống lại đảng cộng sản thì nội chiến đã không xảy ra. Đây là một đòi hỏi vô lý, nhưng điều cần ý thức thật rõ rệt là ngay cả nếu nó được thỏa mãn, nghĩa là những người không cộng sản khuất phục hoàn toàn, thì nội chiến cũng vẫn không tránh khỏi. Lý do là vì nội chiến nằm trong bản chất của chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản là đấu tranh giai cấp và đấu tranh giai cấp không gì khác hơn là nội chiến bởi vì được thực hiện bằng bạo lực. Sự phủ nhận quốc gia là một trong những thành tố nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Ngay trước Cách Mạng 1917, Lenin đã khẳng định: "Ai chấp nhận đấu tranh giai cấp thì cũng phải chấp nhận nội chiến vì nội chiến là sự tiếp nối, phát triển và tăng cường tự nhiên của đấu tranh giai cấp". Câu nói này sẽ còn được Lenin và các đồng chí của ông nhắc lại rất nhiều lần. Sau khi đã nắm được chính quyền Lenin dõng dạc tuyên bố: "Đúng, bọn tiểu tư sản đã chiến đấu bên cạnh chúng ta, nhưng bây giờ đường ai nấy đi, đã đến lúc phải chiến đấu một cách không nể nang không thương hại chống lại bọn chúng". Nhưng chiến đấu thế nào khi Đảng Công Sản Xô Viết đã cầm quyền và những người tiểu tư sản hoàn toàn không có tổ chức và vũ khí ? Dzerjinski, trùm công an và phụ tá đắc lực của Lenin, trả lời: "Không có gì hiệu lực bằng một viên đạn vào đầu để khiến một người phải im lặng". Chính sách khủng bố này đã đặt những người không cộng sản trước tình thế không chống lại cũng chết và đưa dến cuộc nội chiến không cân xứng 1918-1920 làm Trotski reo mừng: "Đảng ta chủ trương nội chiến, nội chiến muôn năm!". Tại nước ta, sau năm 1954 những người địa chủ tiểu tư sản miền Bắc đã hoàn toàn khuất phục nhưng dầu vậy vẫn có tàn sát trong đợt Cải Cách Ruộng Đất. Đó cũng là một cuộc nội chiến, dù là nội chiến một chiều.
Chúng ta không phải chỉ lâm vào nội chiến, chúng ta còn lâm vào nội chiến cộng sản
Nội chiến cộng sản khác nội chiến thường ở chỗ nó toàn điện và tuyệt đối. Quốc gia không chỉ bị coi thường mà còn bị phủ nhận. Đối thủ không chỉ bị giết mà còn bị căm thù, mạt sát và nhục mạ, bị chối bỏ cả tư cách đồng bào lẫn tư cách con người, để không còn tư cách thỏa hiệp, để có thể bị giết một cách thản nhiên hơn. Đó cũng là cuộc nội chiến trong đó cứu cánh biện minh cho mọi phương tiện bởi vì như cả Marx lẫn Lenin đều nói "chính quyền cách mạng" không bị ràng buộc bởi bất cứ luật pháp nào và các giá trị đạo đức đều vô nghĩa.
Chúng ta lâm vào nội chiến và nội chiến cộng sản. Phong trào cộng sản đã là thảm kịch cho nhiều dân tộc, nhưng có lẽ không dân tộc nào tan nát vì nó hơn chúng ta. Sự du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin đã là một tai họa lớn nhất cho nước ta trong suốt dòng lịch sử. Nó tàn phá đất nước và con người Việt Nam hơn chúng ta tưởng. Đảng Công Sản Việt Nam phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Và người có trách nhiệm lớn nhất là ông Hồ Chí Minh. Chính ông đã du nhập chủ nghĩa Mác–Lenin vào Việt Nam. Chính ông, người có toàn quyền vào thời điểm Cách Mạng Tháng 8 và nhiều năm sau đó, đã góp phần quyết định nhất đưa đất nước vào nội chiến. Trong lịch sử Việt Nam không ai gây thiệt hại cho đất nước bằng ông.
Chúng ta đều muốn quên đi những trang sử đau buồn của dân tộc để hòa giải với nhau và cùng hướng về tương lai, nhưng khi, như trong dịp kỷ niệm này, đảng cộng sản huênh hoang kể công và tâng bốc ông Hồ Chí Minh như một con người vĩ đại, một tấm gương đạo đức và một ân nhân cho cả dân tộc thì bi kịch của đất nước và ký ức của hàng triệu nạn nhân buộc chúng ta phải sòng phằng. Sòng phẳng với quá khứ là điều kiện cần thiết để hòa giải dân tộc và xây dựng tương lai. Đó cũng là thái độ phải có để rút ngắn lộ trình dân chủ hóa vì chế độ cộng sản đang cố dựa trên vinh quang giả tạo của Cách Mạng Tháng 8 và thần tượng Hồ Chí Minh để kéo dài thêm thời gian thống trị.
Chỗ đứng nào cho Cách Mạng Tháng 8?
Không ai thay đổi được quá khứ. Cách Mạng Tháng 8 và Quốc Khánh 2 tháng 9 phải được giữ lại như những ngày lễ lớn. Nhưng không phải để huênh hoang và hớn hở mà để suy nghĩ và rút ra những bài học từ những câu hỏi lớn.
Thí dụ như tại sao một chủ nghĩa sai lầm đã bị vất bỏ trên quê hương của chính nó từ gần một thế kỷ rồi lại có thể làm mê cuồng một số đông đảo người Việt nam, kể cả nhiều trí thức? Nếu không phải là vì chúng ta đã thiếu một tầng lớp trí thức chính trị? Tại sao vào thời điểm 1945 đảng được hưởng ứng mạnh nhất lại là đảng kêu gọi hận thù giai cấp và theo đuổi một chủ nghĩa mà một trong những chủ trương nền tảng là xóa bỏ quốc gia? Nếu không phải là vì tinh thần dân tộc của ta thấp và nước ta đã chín muồi cho một tiếng gọi thù hận? Và nếu như thế thì tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của chúng ta là những điều cần được nâng niu, xây dựng và củng cố, hay để vận dụng và lạm dụng?
Nguyễn Gia Kiểng (8/2013)


1 comment:

  1. Rất buồn cho tập sách với tựa đề : "Tổ Quốc ăn năn" .
    Tổ Quốc có tội gì mà phải ăn năn ? Rất kỳ lạ tác giả .

    ReplyDelete