Monday, December 28, 2020

Có giải pháp cụ thể để “nhốt quyền lực trong lồng thể chế” không?

 

Từ ngày 14 đến ngày 18/12/2020, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thảo luận về các dự thảo văn kiện, nhân sự, chương trình và quy chế làm việc của Đại hội XIII, sẽ diễn ra trong năm sau. Nhân đó, các tổ chức, cá nhân chống Nhà nước Việt Nam đã tiếp tục dùng nhãn quan của mô hình dân chủ đa đảng để tuyên truyền về Đại hội XIII, để vừa công kích Đảng Cộng sản, vừa kêu gọi chuyển sang mô hình dân chủ đa đảng. Trong hai tuần qua, một số bài viêt đã phê phán rằng khuynh hướng tập trung quyền lực để chống tham nhũng của Đảng sẽ tạo một vòng luẩn quẩn.





Chẳng hạn, trong một cuộc phỏng vấn trên BBC, Phạm Quý Thọ cho rằng chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam đang rơi vào một vòng luẩn quẩn. Theo đó, muốn chống tham nhũng trong nhiệm kỳ trước thì phải tập trung quyền lực, nhưng việc tập trung quyền lực lại làm nảy sinh tham nhũng trong nhiệm kỳ này, khiến nhiệm kỳ sau phải chống. Trong khi đó, giải pháp “nhốt quyền lực vào trong lồng thể chế” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại “chưa rõ hình hài”. Vì vậy, phải “cải cách thể chế” theo hướng “kiểm soát bằng các cơ chế đối trọng mạnh hơn nữa, chẳng hạn như dựa vào người dân”.

Trong cùng cuộc phỏng vấn, Nguyễn Hữu Liêm cho rằng dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người thành thực với lý tưởng Cộng sản, và coi Đảng Cộng sản như một “căn nhà cho hữu thể” của mình, những Đảng viên trẻ hơn thì không như vậy. Họ chỉ coi Đảng như phương tiện để đạt được các mục đích kinh tế cá nhân. Vì vậy, sự tập trung quyền lực trong nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể dẫn đến sự gia tăng tham nhũng trong những nhiệm kỳ sau. Không thể chống tham nhũng khi chưa giải quyết các vấn đề thực tiễn như cơ chế lương bổng, quy chế tuyển chọn nhân sự, và chưa tiến hành những cải cách như tư pháp, báo chí, xã hội dân sự độc lập.

Sau khi xem xét quan điểm của hai ông Phạm Quý Thọ và Nguyễn Hữu Liêm, chúng tôi thấy họ chỉ phản ánh được một phần bức tranh tổng thể. Trong thực tế, song song với quá trình tập trung hóa quyền lực, bộ máy chính trị của Việt Nam cũng đang trải qua quá trình tinh giản biên chế, tăng phân quyền theo chiều dọc và tăng giám sát theo chiều ngang.

Cụ thể, Nghị quyết Trung ương 4 - Khóa XII (tháng 10/2018) đã đưa ra một số giải pháp “về cơ chế, chính sách”, như:

“Rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.”

“Rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế "xin - cho", "duyệt - cấp"; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm"…”

“Sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đổi mới chính sách tiền lương.”

“Đẩy mạnh xã hội hóa , tách cung ứng dịch vụ công và quản lý sản xuất kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý nhà nước…”

Nghị quyết cũng đưa ra một số giải pháp “về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng”, như:

“Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng.”

“Nghiên cứu việc tăng thẩm quyền và chế tài xử lý trách nhiệm của ủy ban kiểm tra các cấp trong việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên.”

“Tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm…”

“Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải trình và giám sát việc tăng giảm tài sản của cán bộ, đảng viên.”

Như vậy, thực ra Đảng Cộng sản Việt Nam đang có những giải pháp cụ thể để “nhốt quyền lực vào trong lồng thể chế”, dù những giải pháp đó không giống mô hình đa đảng, tam quyền phân lập mà hai ông Phạm Quý Thọ và Nguyễn Hữu Liêm đề nghị. Nhờ những giải pháp này, viễn cảnh đen tối mà hai ông tiên đoán có thể sẽ không xảy ra trong thực tế.

Võ Khánh Linh

 

No comments:

Post a Comment