Tuesday, May 30, 2023

Bản chất hai mặt của USCIRF

         Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) là tổ chức hoạt động độc lập với chính phủ Mỹ, thành lập trên cơ sở “Đạo luật Tự do tín ngưỡng quốc tế - HR.2431” và do Tổng thống Mỹ ký, ban hành ngày 27-10-1998. Cơ cấu tổ chức của USCIRF gồm 10 thành viên được bổ nhiệm bởi Tổng thống Mỹ và lãnh đạo của hai đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trong lưỡng viện Mỹ. Hoạt động của USCIRF trong vai trò là tổ chức theo dõi, giám sát vấn đề tự do tôn giáo quốc tế và có quyền triệu tập các buổi điều trần, soạn thảo bản phúc trình hàng năm về tình hình tôn giáo quốc tế cho Tổng thống và Quốc hội Mỹ. Đồng thời, có quyền lập danh sách các nước trong diện “Cần được quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC)” để đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định.



Từ khi được thành lập đến nay, USCIRF đã nhiều lần cử các đoàn lâm thời vào Việt Nam. Mặc dù, đoàn USCIRF luôn đặt vấn đề: “Không phải vào Việt Nam để phê phán, khuyến khích tự do tôn giáo kiểu Mỹ mà là để tìm hiểu tình hình sát thực tế, báo cáo Tổng thống và Quốc hội Mỹ, thúc đẩy tự do tôn giáo và quyền cơ bản của con người”. Tuy nhiên, trong các chuyến thăm Việt Nam, đoàn USCIRF đều tìm cách tiếp xúc với thành phần chống phá cực đoan về tôn giáo và đưa ra những đề nghị thiếu thiện chí, gây sức ép với ta đòi thả tự do cho số đối tượng cực đoan, chống đối trong các tôn giáo có hoạt động vi phạm pháp luật đang thi hành án phạt tù mà họ cho là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo” như: Hồ Đức Hòa, Lê Quốc Quân, Trần Thị Nga, Lê Đình Lượng, Nguyễn Năng Tĩnh…

Tất cả quá trình đó đã cho thấy bản chất “hai mặt” của USCIRF khi tuyên bố một đằng nhưng làm một nẻo, bản chất là lấy vấn đề “tự do tôn giáo” để gây sức ép, để “mặc cả”, đánh đổi vấn đề chính trị với lợi ích kinh tế. Ví dụ như:

Trên cơ sở những thông tin, nhận định sai lệch của USCIRF về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, trong các phiên điều trần “về tự do tôn giáo” trước Quốc hội Hoa Kỳ, số cực hữu trong chính giới Mỹ, EU thường xuyên ra điều kiện, yêu cầu Việt Nam cải thiện “tình trạng vi phạm dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo” với những dẫn chứng thiếu khách quan như: “tình hình vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục có khuynh hướng tiêu cực”; “chính quyền tiếp tục đàn áp trên diện rộng các lãnh đạo tôn giáo, các nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động ôn hòa và những người chỉ trích khác trên toàn quốc”…

Đáng chú ý, theo thông lệ hàng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều đưa ra 2 bản báo cáo: “Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới” và “Báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế”. Hai báo cáo này tuy gọi là về “tình hình thế giới” nhưng tập trung chỉ trích vào những nhà nước do các Đảng Cộng sản lãnh đạo, cầm quyền, trong đó có Việt Nam.

Năm 2004, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách CPC, năm 2006 Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rút tên Việt Nam khỏi danh sách CPC... Tuy nhiên, sau đó, hầu hết các báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hàng năm vừa thừa nhận Việt Nam có một số tiến bộ nhất định trong việc cho phép người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng nhưng mặt khác vẫn kêu gọi Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.

Bản chất chống phá Việt Nam của USCIRF thể hiện rõ nét trong các lần tiếp xúc với  số chức sắc, nhà tu hành và số tín đồ có thái độ chính trị xấu, mang nặng tư tưởng tôn giáo cực đoan, công khai bày tỏ quan điểm sẵn sàng tài trợ bất hợp pháp cho số này hoạt động trở thành “ngọn cờ” chống đối trong tôn giáo, thậm chí là khuyến khích họ hoạt động độc lập, thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà nước. Ngược lại, được sự khích lệ, hứa hẹn bảo trợ sau mỗi lần tiếp xúc với đoàn USCIRF, các đối tượng chống đối tích cực cung cấp thông tin, tài liệu vu cáo, xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống Việt Nam.

Đồng thời, để củng cố dẫn chứng nhằm hạ uy tín của Việt Nam trong các bản phúc trình về “tự do tôn giáo”, USCIRF còn tài trợ, hậu thuẫn cho các tổ chức tôn giáo thiếu thiện chí với Việt Nam ở nước ngoài như “Ủy ban Tự do tôn giáo cho Việt Nam”; “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam”… để soạn thảo các bản “phúc trình”, lập hồ sơ “những nạn nhân bị đàn áp tôn giáo”, vận động tổ chức các “diễn đàn” tạo cơ hội cho số chống đối cực đoan trong và ngoài nước lên tiếng tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo trên diễn đàn quốc tế.

Mặt khác, xét trong tính liên tục của các báo cáo về tình hình tự do tôn giáo thế giới do USCIRF công bố hằng năm, có thể thấy, dù có nhiều cuộc làm việc, khảo sát trực tiếp ở Việt Nam, được Việt Nam cung cấp tài liệu cụ thể, chính xác nhưng những người soạn thảo các báo cáo vẫn sử dụng rất nhiều tin tức do thế lực thù địch, thiếu thiện chí bịa đặt để vu cáo, vu khống, xuyên tạc vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam và dựa vào đó để đánh giá.

Từ những dẫn chứng đó, có thể khẳng định rằng thông tin được phản ánh trong các bản phúc trình về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo của USCIRF không đáng tin, không thể hiện sự khách quan khi bóp méo một chiều theo luận điệu xuyên tạc của số đối tượng cực đoan trong tôn giáo ở trong và ngoài nước.

No comments:

Post a Comment