Friday, May 12, 2023

Việt Nam có tự do tôn giáo hay không?

 


Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo với khoảng ¼ dân số theo các tôn giáo. Tín đồ tôn giáo phần lớn là người yêu nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Tất cả các tôn giáo ở Việt Nam đều hướng thiện, chung sống hòa bình, không có xung đột đức tin và chiến tranh tôn giáo. Người Việt Nam được tự do lựa chọn theo hoặc không theo tôn giáo và tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, không có sự kỳ thị tôn giáo.

Bất chấp sự thật đó, hàng năm, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) và một số tổ chức đội lốt “bảo vệ tự do tôn giáo cho Việt Nam” đã đưa ra những nhận định sai trái, thiếu khách quan, không có cơ sở khoa học về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam như: ở Việt Nam không có tự do tôn giáo thật sự; Nhà nước Việt Nam gây khó khăn cho việc đăng ký và công nhận tổ chức tôn giáo, đặc biệt với các nhóm tôn giáo vùng dân tộc thiểu số; luật pháp Việt Nam sử dụng điều khoản về an ninh quốc gia, các "tội danh mơ hồ" để "đàn áp, hạn chế” tự do tôn giáo; “ở Việt Nam có các “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo”...

Để biết rõ ở Việt Nam có tự do tôn giáo thực sự hay không, hãy nhìn vào bức tranh tôn giáo ở Việt Nam để khẳng định: Ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết. Kể từ đó đến nay, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn thể dân tộc Việt Nam không phân biệt người theo tôn giáo hoặc không theo tôn giáo, sát cánh bên nhau, nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt qua bao khó khăn, cùng nhau gìn giữ, bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tính đến tháng 12/2021, theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, Việt Nam có mặt 16 tôn giáo. Nếu như năm 1985, số lượng tín đồ các tôn giáo khoảng 14 triệu thì đến năm 2021, số lượng tăng lên đến hơn 26,5 triệu. Có 29. 854 cơ sở thờ tự, tăng thêm 5.800 cơ sở so với năm 2008; hơn 60 cơ sở đào tạo của các tổ chức tôn giáo. Nếu không có tự do tôn giáo thực sự, chắc hẳn không thể có số lượng tín đồ, chức sắc đông như vậy, cũng không có các cơ sở thờ tự, cơ sở đào tạo… nhiều đến vậy. Thực tế, thành quả của độc lập tự do, của công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước theo tinh thần “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ thành công, thành công, đại thành công” là do sự quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam, không phân biệt theo hoặc không theo tôn giáo. Người theo tôn giáo ở Việt Nam không bị hạn chế phát triển quyền tự do cá nhân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Trong Báo cáo Quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế kiểm định kỳ phổ cập (UPR) chu kỳ II được Liên hiệp quốc thông qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng:

"Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, với sự hiện diện của các tôn giáo được truyền vào từ bên ngoài như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo… và các tôn giáo được hình thành trong nước như đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa… Nhiều tôn giáo có bề dày lịch sử và cũng có những tôn giáo mới hình thành. 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, trong đó trên 24 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau (so với khoảng 20 triệu người năm 2009). Tính trên cả nước có khoảng 25 ngàn cơ sở thờ tự và 45 trường đào tạo chức sắc tôn giáo.

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; coi trọng chính sách đoàn kết và hòa hợp giữa các tôn giáo, đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn hoạt động tôn giáo tại Việt Nam, tháng 11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 92/2012/NĐ-CP quy định chi tiết về biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo với nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh hoạt tôn giáo của người dân. Ngoài ra, Quốc hội đã quyết định đưa nội dung sửa đổi Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII.

Các hoạt động tôn giáo ở Việt Nam diễn ra sôi động. Hàng năm có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo hoặc tín ngưỡng cấp quốc gia và địa phương được tổ chức. Đặc biệt, năm Thánh 2011 của Giáo hội Công giáo đã thành công tốt đẹp và Lễ bế mạc có sự tham dự của 50 Giám mục, trong đó có 6 Giám mục là người nước ngoài, 1.000 linh mục, 2.000 nam nữ tu sĩ, và gần 500.000 lượt giáo dân. Năm 2011 cũng là năm kỷ niệm 100 năm đạo Tin Lành vào Việt Nam với nhiều hoạt động kỉ niệm lớn được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều chức sắc, tín đồ Tin lành trên cả nước và đại biểu Tin lành người nước ngoài (Mỹ, Hàn Quốc…). Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2014 tại Việt Nam, một sự kiện tôn giáo quốc tế lớn dự kiến thu hút sự tham dự của hàng nghìn chức sắc, tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới. Nhiều cơ sở thờ tự được cải tạo hoặc xây mới. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành được duy trì và mở rộng. Nhiều chức sắc và nhà tu hành Việt Nam được cử đi đào tạo tại nước ngoài (Mỹ, Pháp, Ý, Ấn Độ...). Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam được khuyến khích và tạo điều kiện tham gia các hoạt động y tế, văn hoá, xã hội, nhân đạo… đóng góp cho quá trình xây dựng đất nước, đồng thời có quan hệ quốc tế rộng rãi; đại diện chức sắc các tôn giáo tham gia nhiều diễn đàn quốc tế, đối thoại tôn giáo, tín ngưỡng, giao lưu học hỏi, trao đổi giáo lý, giáo luật tại các diễn đàn lớn như ASEM, ASEAN… Năm 2013, Việt Nam và Vatican đã hoàn thành cuộc họp vòng 4 nhóm công tác hỗn hợp về thúc đẩy quan hệ giữa hai bên. Tòa thánh Vatican đã cử Đặc phái viên không thường trú tại Việt Nam từ năm 2011 và đến nay Đặc phái viên không thường trú của Vatican đã thực hiện 25 chuyến thăm Việt Nam, làm việc với tất cả 26 Giáo phận Công giáo và trên 60 tỉnh, thành phố ở Việt Nam.

Đối với các cộng đồng các dân tộc thiểu số, quyền tự do và bình đẳng về tôn giáo được Nhà nước bảo vệ và hỗ trợ phát triển. Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer đã được thành lập và Kinh sách Phật giáo bằng tiếng Khmer được nhập khẩu để phục vụ đào tạo chức sắc và sinh hoạt tôn giáo của người dân tộc Khmer. Người dân tộc Chăm theo Hồi giáo và đạo Bàlamôn được tạo điều kiện thành lập các Ban đại diện cộng đồng để hỗ trợ việc sinh hoạt tôn giáo, gìn giữ và phát triển tôn giáo truyền thống. Kinh thánh song ngữ tiếng Việt – Banar/Êđê/Jrai cũng được phát hành để đáp ứng nhu cầu của người dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành.

Những con số và dữ liệu biết nói đó là câu trả lời rõ ràng nhất ở Việt Nam có tự do tôn giáo hay không.

No comments:

Post a Comment