Gần đây VOA và một số trang mạng tiếp tục làm những “cái
loa” phát tán lời của HRW, AI “kêu gọi” đòi phóng thích cho một số “nhà hoạt động”
vi phạm pháp luật Việt Nam. Chúng dẫn rằng, ngay trước phiên phúc thẩm đối với
hai “nhà hoạt động” Trần Văn Bang và Bùi Tuấn Lâm, tổ chức theo dõi nhân quyền
HRW và tổ chức Ân xá quốc tế AI đã “kêu gọi” chính quyền Việt
Nam hủy bỏ các phán quyết với “động cơ chính trị” nhằm vào hai ông này và trả tự
do cho hai ông “ngay lập tức”. Bài trên VOA và trên nguoi-viet mới đây dẫn lời
ông Phil Robertson, Phó ban Á châu của HRW nói rằng “Hành vi bất đồng chính kiến
một cách ôn hòa không phải là phạm tội và các vụ án xét xử hai người này cần bị
hủy bỏ”… AI còn viết trên Twiter rằng “Việt Nam phải chấm dứt việc giam giữ các
nhà hoạt động chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận và trả tự do ngay lập tức
cho tất cả những người bị giam giữ tùy tiện”…
Thực tế thì, bất kỳ ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo
pháp luật, không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ quốc gia nào. Thế nhưng mỗi khi có
vụ việc liên quan đến các “nhà hoạt động” chuyên thêu dệt thông tin để chống
phá Nhà nước và Nhân dân thì kiểu gì một số tổ chức, trang mạng lại “lên tiếng”,
“dẫn lời”, “kêu gọi”…
Trở lại với thực tế sự việc, hồi tháng 5/2023, TAND Tp. Hồ
Chí Minh mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Trần Văn Bang (62 tuổi) 8 năm tù về
tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN
Việt Nam”; áp dụng phạt quản chế tại địa phương trong 3 năm sau khi thi hành
xong hình phạt tù. Cơ quan điều tra đã thống kê Trần Văn Bang sử dụng 3 tài khoản
facebook đăng tải hàng chục bài viết có thông tin bịa đặt, nội dung xuyên tạc sự
thật, nói xấu chính quyền, đưa nhiều thông tin sai sự thật gây nghi ngờ, hoang
mang cho dư luận; trước đó chúng còn xuyên tạc, kích động, kêu gọi tẩy chay việc
tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội. Mục đích của Bang là để nhiều người khác có
thể đọc được nội dung các thông tin bài viết xuyên tạc độc hại để từ đó tác động
đến suy nghĩ, thái độ, quan điểm, tư tưởng, thúc đẩy hành vi tiêu cực, tạo nên
lòng thù ghét, kích động bất mãn đối với chính quyền, Đảng và nhân dân. Bang
còn tàng trữ nhiều sách, tài liệu, bài báo có nội dung thông tin chống Nhà nước
Việt Nam; chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; xuyên tạc sự thật lịch
sử; phủ nhận thành quả cách mạng; vu khống, xúc phạm dân tộc; xúc phạm uy tín của
cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; xúc phạm danh nhân, lãnh tụ,
anh hùng dân tộc; xúc phạm uy tín, danh dự của Đảng; kích động bạo lực, truyền
bá tư tưởng phản động; những thông tin bịa đặt, sai sự thật xúc phạm danh dự,
uy tín của Tòa án nhân dân, lực lượng Công an nhân dân… Theo Điều 117 Bộ luật
Hình sự 2015, hành vi của Bang là rất nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội, đã
xâm phạm đến an ninh quốc gia, cần phải được xử lý nghiêm mới có tác dụng giáo
dục đối với bị cáo và răn đe, phòng ngừa chung. Trong quá trình điều tra và tại
phiên tòa, Bang khai báo quanh co, không ăn năn, hối cải. Tuy nhiên, Tòa án
đánh giá bị cáo đã lớn tuổi, bản thân mang bệnh, phạm tội lần đầu nên xem xét
giảm nhẹ một phần hình phạt, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.
Đối với Bùi Tuấn Lâm (Peter Lam Bui, 39 tuổi) được TAND Tp.
Đà Nẵng xét xử sơ thẩm hồi tháng 5/2023. Trước đó, trong thời gian hơn 3 năm đến
khi bị bắt giữ vào tháng 9/2022, Bùi Tuấn Lâm đã có nhiều hành vi đăng tải,
phát tán hàng chục bài viết, video lên tài khoản facebook “Peter Lam Bui”
và YouTube với thông tin, nội dung không đúng sự thật, xuyên tạc, bôi nhọ Nhà
nước Việt Nam. Bùi Tuấn Lâm bị truy tố và xử về tội làm, tàng trữ, phát tán,
tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống phá Nhà nước Việt Nam theo điểm
a, b của khoản 1, Điều 117, Bộ luật Hình sự; các điểm a, b, khoản 1, Điều 117;
Điều 122; Điều 38; Điều 43; và các điểm, quy định khác trong Bộ luật Hình sự… với
hình phạt 5,5 năm tù; phạt quản chế 4 năm kể từ ngày chấp hành xong hình
phạt tù.
Hai nhân vật Văn Bang và Tuấn Lâm nêu trên chỉ là một vài ví
dụ về sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nhưng một số cá nhân, tổ chức quốc tế
như HRW, AI lại cho mình cái quyền đứng trên pháp luật của các quốc gia, phán
xét cơ quan công quyền, bôi nhọ chính quyền, “kêu gọi” trả tự do cho các đối tượng
bất chấp tinh thần thượng tôn pháp luật, văn hóa xây dựng quốc gia dân tộc, vi
phạm ngang nhiên quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của Nhà nước và Nhân dân
Việt Nam.
Trên bình diện các hội, nhóm ở nước ngoài, các tổ chức quốc
tế cần có cái nhìn khách quan, hiểu biết, công tâm, đánh giá cẩn trọng, không
thể nhân danh bảo vệ nhân quyền để bao che, dung túng cho các tội phạm hình sự,
tài chính, kinh tế; tệ hơn là lợi dụng vụ việc, hiện tượng để “kêu gọi”, “phán
xét” sai sự thật… Để xóa bỏ những vướng mắc và hiểu lầm liên quan vấn đề nhân
quyền, thời gian qua Việt Nam đã có nhiều đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ
và thúc đẩy quyền con người ở các cơ chế quốc tế. Minh chứng rõ ràng nhất là sự
hợp tác chặt chẽ, trách nhiệm và hiệu quả của Việt Nam trong các hoạt động của
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC). Do đó, ngày 11/10/2022, Việt Nam lần
thứ hai trúng cử UNHRC. Phương châm tham gia UNHRC là “Tôn trọng và hiểu biết.
Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”.
Nhân đây, có thể thấy một nguyên tắc văn hóa tối thiểu cần
có là các cá nhân, tổ chức, hội nhóm nếu hoạt động vì cộng đồng cần nghiêm túc
xác định rõ các mục tiêu, quy tắc hành động phải trong khuôn khổ pháp luật, cần
loại bỏ những cá nhân mưu trục lợi, ý đồ đen tối, để giúp các hội, nhóm có thể
đạt những giá trị tốt hơn, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội…/.
No comments:
Post a Comment