Sunday, October 27, 2024

Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam năm 2024

 


Ngày 27/9/2024, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam trong khuôn khổ Khoá họp thường kỳ lần thứ 57. Trong Báo cáo quốc gia dài 40 trang về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế UPR chu kỳ IV/2024 của Việt Nam đã tóm lược cơ bản về chính sách nhất quán, kết quả thực hiện bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam và việc nghiêm túc triển khai các khuyến nghị đã chấp thuận tại 03 chu kỳ trước, bao gồm một số điểm nổi bật:

Thứ nhất, xây dựng nhà nước pháp quyền và hoàn thiện thể chế pháp luật. Theo đó, Từ năm 2019 đến hết tháng 11/2023, Quốc hội Việt Nam đã thông qua 44 luật, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Thực hiện một số khuyến nghị, Việt Nam đang rà soát để sửa đổi, bổ sung một số Luật phù hợp với các cam kết quốc tế như việc nghiên cứu sửa đổi Luật Trẻ em, cụ thể là định nghĩa trẻ em là người dưới 18 tuổi… Chính phủ cũng đã tiếp tục đề xuất Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong năm 2023, 2024 các dự án, dự thảo để tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân như: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Dân số (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi)… Trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật, Nhà nước luôn tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội thông qua việc đóng góp ý kiến, kiến nghị, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước.

Thứ hai, thực hiện có hiệu quả những chính sách mới liên quan đến bảo đảm quyền con người. Cụ thể: (1)Về phát triển kinh tế- xã hội, Việt Nam đã tiếp tục đầu tư mạnh vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nghèo, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ban hành những Chiến lược, chính sách mới tập trung vào an sinh xã hội và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, ví dụ Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 11/2021. (2)Về tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu: Việt Nam triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh được ban hành nhằm giảm thiểu mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu thông qua tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng; thúc đẩy lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và địa phương. Việt Nam là một trong những nước đang phát triển đầu tiên trên thế giới đưa nghĩa vụ và cam kết thực hiện giảm phát thải nhà kính vào hệ thống pháp luật. (3)Về cải cách hành chính, chống tham nhũng, tiêu cực. Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” do Thủ tướng Chính phủ đề ra và quan điểm nhất quán không có vùng cấm, ngoại lệ trong xử lý tội phạm tham nhũng; gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử, tăng cường trách nhiệm và sự tham gia phản biện, đóng góp ý kiến của người dân, tổ chức trong quá trình xây dựng và tổ chức thực thi chính sách. Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 nhằm tiếp tục các nỗ lực xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu quả; trong đó chú trọng cải cách thể chế, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia. Cổng Dịch vụ công Quốc gia kết nối, cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc một cách nhanh chóng và tiện lợi…

Thứ ba, Việt Nam triển khai các khuyến nghị UPR chu kỳ III. Theo đó, tính đến tháng 12/2023, Việt Nam đã hoàn thành thực hiện có kết quả đối với 209 khuyến nghị (chiếm 86,7 %), thực hiện có kết quả một phần và đang tiếp tục thực hiện 30 khuyến nghị (chiếm 12,4%) và đang xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp đối với 02 khuyến nghị (chiếm 0,9%). Không có khuyến nghị nào được chấp nhận mà chưa được xem xét thực hiện. Đối với một số khuyến nghị liên quan đến xây dựng và sửa đổi luật pháp Việt Nam và gia nhập các điều ước quốc tế, hiện các cơ quan hữu quan đang nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn lấy ý kiến của các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội, các bên liên quan và người dân, phù hợp với Chương trình xây dựng pháp luật của Việt Nam.

Thứ tư, Việt Nam tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền con người. Việt Nam tích cực đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, xác định mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục, đào tạo các cấp tổ chức giáo dục quyền con người cho người học. Từ năm 2021-2022, đã có gần 500 lượt nhà giáo, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tập huấn công tác về ý nghĩa, tầm quan trọng của quyền con người nói chung và quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Việt Nam cũng triển khai các hoạt động nghiên cứu về quyền con người; xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm tuyên truyền và phổ biến pháp luật về quyền con người tại các trung tâm nghiên cứu và cơ sở đào tạo chuyên sâu. Ví dụ như từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã tổ chức 04 khóa tập huấn về quyền con người cho lực lượng cảnh sát và giảng viên các trường thuộc Bộ Công an quản lý, 02 lớp tập huấn dành cho tổng biên tập, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí; Bộ Quốc phòng hướng dẫn Học viện Biên phòng và Trường Sĩ quan Chính trị biên soạn 03 chương trình đào tạo thí điểm giảng dạy nội dung về quyền con người... Đồng thời, Việt Nam đã chú trọng công tác phổ biến, thông tin về quyền con người với nhiều hình thức đa dạng phong phú nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, như triển khai Đề án truyền thông về quyền con người; thúc đẩy trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin từ các cơ quan nhà nước để đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của người dân; tổ chức các Hội nghị thường kỳ cung cấp thông tin cho báo chí về công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người... cũng như tăng cường đầu tư hỗ trợ trang bị cơ sở hạ tầng, đào tạo cán bộ nhằm sản xuất các sản phẩm truyền thông để nâng cao nhận thức về phòng chống tội phạm mua bán người, thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận y tế, giáo dục… của người dân, nhất là ở các vùng xa, miền núi và trong các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Thứ tư, Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế và hợp tác quốc tế về quyền con người. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 7/9 điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người; tham gia 25 Công ước quốc tế về quyền lao động của ILO (gia nhập thêm Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về việc áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (năm 2019) và Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức (năm 2020), …); nghiên cứu, xem xét khả năng gia nhập một số điều ước quốc tế về quyền con người như Công ước về Bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di cư và các thành viên gia đình họ (CRMW), Công ước về Bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị mất tích cưỡng bức (CPED)…; nộp và bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia về việc thực thi Công ước CERD lần thứ 5 (tháng 11/2023); Báo cáo giữa kỳ về việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban CAT lần 2… Ngoài ra, Việt Nam đang đảm nhiệm vị trí thành viên Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023 – 2025 với 8 ưu tiên lớn trong các lĩnh vực như nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân quyền gắn với đề cao luật pháp quốc tế; Quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Quyền tiếp cận giáo dục chất lượng và giáo dục quyền con người…; tổ chức Diễn đàn Pháp luật ASEAN năm 2020, và tiếp tục tổ chức các “Diễn đàn đối tác pháp luật” với các đối tác phát triển quốc tế; ban hành các biện pháp triển khai Luật Đặc xá năm 2018, tăng cường bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng, thực hiện quyền và lợi ích chính đáng đối với người chấp hành xong án phạt tù… và tiếp tục tiến hành các cuộc trao đổi, đối thoại, tham vấn về nhân quyền, lao động với các đối tác nhằm chia sẻ quan điểm, lập trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm…

Có thể nói, trong 18 năm qua, kể từ khi Cơ chế UPR được thành lập (2006- 2024), Việt Nam luôn nghiêm túc tham gia vào các chu kỳ UPR và thực hiện đầy đủ các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận. Những điều trên đã thể hiện được sự coi trọng của Việt Nam đối với Cơ chế UPR và Hội đồng Nhân quyền cũng như thể hiện được nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều tổ chức phản động, các tổ chức nhân quyền quốc tế ra sức xuyên tac, bóp méo về tình hình nhân quyền tại Việt Nam; vận động các quốc gia đưa ra những khuyến nghị mang tính chất áp đặt, không phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Thậm chí cả các ủy ban của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc cũng tiếp nhận và xem xét những thông tin bịa đặt, xuyên tạc đó đưa ra báo cáo riêng của Liên Hợp quốc có nhiều nội dung sai sự thật, không được kiểm chứng, cùng nhiều đánh giá không khách quan, không cân bằng không phản ánh chính xác và đầy đủ tình hình, nỗ lực cũng như thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đây là vấn đề lệch lạc, mâu thuẫn mà Liên Hợp quốc cần làm việc thêm với Việt Nam để xem xét một cách khách quan, thể hiện đúng tinh thần và thực tiễn hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc.

 

No comments:

Post a Comment