Saturday, October 12, 2024

Lý do Việt Nam được ghi nhận tiến bộ trong phòng chống tội phạm buôn người?

 


Vừa qua Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo thường niên năm 2024 về tình hình buôn bán người trên thế giới, trong đó đánh giá tích cực hơn về tình hình buôn bán người tại Việt Nam so với năm 2023. Theo đó, bản báo cáo này cũng đã nâng Việt Nam lên mức 2 (Tier 2) đồng nghĩa với việc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “theo dõi” về nạn buôn người (Tier 3). Điều đó là không thể phủ nhận vì thời gian qua Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp và nỗ lực nhằm tăng cường đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, và đạt được những kết quả đáng chú ý, cụ thể:

Việt Nam đã bổ sung, hoàn thiện pháp luật về tội phạm buôn người. Thực trạng tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người ở nước ta thời gian qua diễn biến ngày càng phức tạp, có xu hướng gia tăng, tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, chúng đặc biệt lợi dụng các ứng dụng công nghệ để thực hiện hành vi, thậm chí gia tăng tình trạng mua bán người ngay trong nội địa. Trong khi đó Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, sau 13 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung. Do đó, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo sẽ trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới đây được đánh giá là một bước tiến kịp thời, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Theo đó, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 65 điều đã, bổ sung 55 điều, xây dựng mới 10 điều, bỏ 2 điều. Các nội dung sửa đổi lớn trong dự thảo Luật gồm: Bổ sung quy định về khái niệm “mua bán người”; sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ xác định nạn nhân và quy định về các nguồn tài liệu, chứng cứ để xác định nạn nhân cùng một số căn cứ khác để xác định nạn nhân; Bổ sung chế định đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân gồm: Bổ sung những quy định nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân bảo đảm khắc phục những bất cập hiện nay, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay cũng như thời gian tới, phù hợp với cam kết của Việt Nam liên quan đến bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân bị mua bán. Dự thảo luật cũng đã bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; bổ sung quy định về bảo vệ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng, chống mua bán người; hoàn thiện quy định về hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người… Khi thủ đoạn của tội phạm mua bán người thay đổi tinh vi, xảo quyệt, việc xây dựng chế tài phải đủ mạnh, đủ sức răn đe sẽ giúp kiềm chế sự gia tăng của tội phạm mua bán người, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Không chỉ tạo cơ sở pháp lý và chế tài đủ mạnh, Việt Nam còn thực hiện các chính sách, chương trình hòng đẩy mạnh hiệu quả đấu tranh chống nạn buôn người. Theo đó, Việt Nam tiếp tục quyết liệt triển khai chương trình phòng chống buôn bán người giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trong toàn xã hội, với các tầng lớp nhân dân về phòng, chống tội phạm mua bán người bằng nhiều hình thức thiết thực, đơn giản, dễ hiểu, chú trọng công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng và mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở phù hợp với mọi lứa tuổi, vùng, miền hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người, ưu tiên các nhóm có nguy cơ cao bị mua bán, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Thực hiện Chương trình, lực lượng chức năng cũng đã tổ chức tốt công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tập trung vào các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, phòng ngừa tái phạm liên quan đến tội phạm mua bán người và các loại tội phạm có liên quan tiếp nhận, xác minh, xử lý kịp thời tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố về tội phạm mua bán người; điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người, truy bắt đối tượng; thực hiện các biện pháp giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật. Kết quả Chương trình đã đạt nhiều kết quả quan trọng, như tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành, cải thiện công tác thống kê, đẩy mạnh điều tra, xử lý tội phạm mua bán người, và truyền thông phòng ngừa, nâng cao nhận thức về mua bán người.

Một trong những thay đổi rõ rệt, tạo hiệu quả sâu rộng là Việt Nam thay đổi nhận thức, tư duy trong đấu tranh xóa nạn buôn người là xác định “nạn nhân là trung tâm”. Trong các vụ án mua bán người, lực lượng chức năng xác định luôn coi nạn nhân là trung tâm. Do đó, việc xác minh, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nạn nhân mua bán người thường là những người dễ bị tổn thương, bao gồm người di cư, phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trẻ em bị bỏ rơi hoặc xuất thân trong các gia đình nghèo khổ, bất hòa; phần lớn bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động và một số bị ép buộc tham gia các nhóm vũ trang. Đa số nạn nhân bị mua bán trở về đều có hoàn cảnh khó khăn, học vấn thấp, tâm lý thường hay thay đổi, thiếu định hướng, vì vậy, gây khó khăn cho cán bộ thực hiện công tác tiếp cận, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề. Do đó, công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân có sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành, đoàn thể, nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội, qua đó, giúp nạn nhân có điều kiện ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Không chỉ vậy, nhiều địa phương đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên tại cấp huyện, cấp xã thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, thông qua đó góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội ở địa phương.

Công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân ngoài cộng đồng cũng được đẩy mạnh, khuyến khích được các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm. Việt Nam nhận thức để đấu tranh có hiệu quả với nạn buôn người cần nâng cao nhận thức người dân, để họ không bị lừa gạt, dụ dỗ trở thành nạn nhân hoặc tiếp tay cho tội phạm buôn người. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội (facebook, zalo) về chủ đề phòng, chống mua bán người bảo đảm quyền con người, Việt Nam đã từng bước nâng cao cảnh giác trong quần chúng nhân dân, đề phòng và kịp thời phát hiện tố giác hoạt động của bọn tội phạm với các cơ quan bảo vệ pháp luật để góp phần làm giảm các nguy cơ, đẩy lùi tội phạm mua bán người, thúc đẩy di cư an toàn và hỗ trợ có hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập với cộng đồng. 

Việt Nam tăng cường hợp tác với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ để phối hợp triển khai các công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn người. Tội phạm mua bán người thường hoạt động xuyên quốc gia với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nhất là chúng còn lợi dụng những tiện ích của khoa học kỹ thuật, sự phát triển mạnh mẽ của Internet để tiến hành nhiều hoạt động lôi kéo, dụ dỗ nạn nhân qua mạng xã hội, các tài khoản ảo bằng các chiêu trò kết bạn, làm quen, hò hẹn, hứa đưa ra nước ngoài tìm kiếm việc làm mang lại thu nhập cao, lấy chồng người nước ngoài giàu có... nhưng thực tế là lừa bán nạn nhân vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh trái phép, massage, karaoke trá hình. Do đó, Việt Nam cũng đã ký kết các công ước, văn kiện pháp luật quốc tế liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống nạn mua, bán người như: Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em về mua, bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em... và ký nhiều hiệp định tương trợ tư pháp về phòng, chống tội phạm với các nước, trong đó đều có nội dung phòng, chống tội phạm mua, bán người. Kết quả Việt Nam đã thuận lợi hơn trong công tác điều tra, xử lý loại tội phạm nguy hiểm này.

Có thể khẳng định, những nỗ lực của Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng, chống mua, bán người là không thể phủ nhận. Chính sách về bảo vệ nạn nhân mua, bán người của Việt Nam thể hiện sự tiến bộ khi đã tiếp cận với những giải pháp mới, phù hợp khuyến nghị của các tổ chức bảo vệ nhân quyền thế giới. Ðặc biệt ở quan điểm "lấy nạn nhân là trung tâm" đã hỗ trợ được nạn nhân và hạn chế những thương tổn tối đa. Nạn nhân khi trở về được tạo mọi điều kiện, bảo đảm các quyền về an sinh xã hội để có thể tái hòa nhập cộng đồng. Dù Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “theo dõi” về buôn người nhưng trong báo cáo của Mỹ vẫn có nhiều đánh giá chưa khách quan như “Chính phủ Việt Nam chưa đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu trong một số lĩnh vực then chốt”, “Chính phủ chưa báo cáo một cách chủ động hoặc nhất quán về việc sàng lọc, xác định hoặc cung cấp các dịch vụ chuyên biệt cho nạn nhân mua bán lao động hoặc tình dục trong số những người trở về sau khi bị dụ dỗ tham gia các hoạt động lừa đảo trực tuyến, bao gồm cả những người được chính phủ trực tiếp hồi hương”, “Cơ quan chức năng đã kiểm tra hàng nghìn cơ sở có nguy cơ mua bán người vì mục đích bóc lột tình dục cao nhất nhưng chưa có báo cáo chính thức về việc xác định được danh tính của bất kỳ nạn nhân nào”, “Chính phủ chưa có báo cáo về bất kỳ cuộc điều tra, truy tố hoặc kết án nào đối với cán bộ nhà nước đồng lõa với tội phạm mua bán người”… đây là những vấn đề mà Mỹ cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là không coi trọng những luận điệu, chứng cứ đã bị xuyên tạc, nhuốm màu cực đoan, thù địch từ các tổ chức phản động, thiếu thiện chí với Việt Nam để có đánh giá khách quan, chính xác, toàn diện hơn nữa về tình hình, nỗ lực thực chất của Việt Nam.  

 

No comments:

Post a Comment