Ngày 27/9/2024, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã
thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam trong
khuôn khổ Khoá họp thường kỳ lần thứ 57. Theo Báo cáo của Tổ Công tác UPR thì
Việt Nam đã chấp thuận 271 trên tổng số 320 khuyến nghị các nước đưa ra tại
Phiên đối thoại về báo cáo quốc gia vào tháng 5/2024, đạt tỷ lệ 84,7% (trong đó
253 chấp nhận hoàn toàn, 18 chấp nhận một phần và không chấp nhận 49 khuyến nghị),
thể hiện cam kết và chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam về bảo vệ và
thúc đẩy quyền con người và sự coi trọng đối với Cơ chế UPR và Hội đồng Nhân
quyền. Tuy nhiên, sau khi được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua
báo cáo của Việt Nam thì các cá nhân, tổ chức phản động, các tổ chức được gọi
là “tổ chức nhân quyền quốc tế”, nổi lên là tổ chức theo dõi nhân quyền (Human
Right Watch - HRW) đã lên tiếng phản bác, cho rằng những điều Việt Nam báo cáo
chỉ là “hứa suông”. Đây là luận điệu vô cùng lố bịch và cố chấp, cực đoan của tổ
chức gọi là “theo dõi nhân quyền” này.
VIỆT
NAM LUÔN LÀM TỐT, THỰC HIỆN ĐẦY ĐỦ MỌI KHUYẾN NGHỊ MÀ VIỆT NAM ĐÃ CHẤP NHẬN.
Cơ chế UPR là một cơ chế đặc thù của Hội đồng Nhân quyền
LHQ, trong đó tất cả các Quốc gia Thành viên LHQ rà soát chính sách, pháp luật,
biện pháp và kết quả đạt được trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, qua đó thúc đẩy các nước thực hiện
đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về quyền con người với nguyên tắc đối thoại, hợp
tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch. Trên tinh thần đó, Việt Nam luôn nghiêm
túc tham gia vào các chu kỳ UPR trong xuyên suốt 18 năm qua – kể từ khi Cơ chế
UPR được thành lập (2006- 2024) và thực hiện đầy đủ các khuyến nghị mà Việt Nam
chấp thuận. Tháng 1/2024, Việt Nam đã nộp báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR chu
kỳ IV tới Hội đồng Nhân quyền và đã có Phiên đối thoại với Nhóm làm việc của Hội
đồng nhân quyền về UPR vào tháng 5/2024; trong đó Việt Nam nhận được 320 khuyến
nghị từ 133 nước. Sau phiên họp thông qua kết quả ngày 27/9/2024, Việt Nam
sẽ bước sang giai đoạn thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận và chuẩn bị cho
báo cáo cáo chu kỳ tiếp theo. Như vậy có thể thấy, Việt Nam là một quốc gia rất
coi trọng cơ chế UPR và luôn thể hiện cam kết của mình trong bảo vệ và thúc đẩy
nhân quyền khi tham gia đầy đủ vào các chu kỳ UPR. Việc HRW cho rằng những báo
cáo của Việt Nam chỉ là “hứa suông” và không đúng với thực tế thì làm sao trong
18 năm qua Việt Nam được LHQ thông qua những báo cáo UPR. Việc HRW không thừa
nhận nội dung báo cáo UPR của Việt Nam khác nào đồng nghĩa với việc HRW cũng
không tin, không coi trọng những đánh giá và ghi nhận của LHQ - tổ chức liên
chính phủ có nhiệm vụ duy trì hòa bình được 196 quốc gia trên thế giới
công nhận này?
VÌ
SAO 49 KHUYẾN NGHỊ KHÔNG ĐƯỢC VIỆT NAM CHẤP NHẬN?
Thứ hai, HRW cho rằng họ
“vô cùng thất vọng vì trong số 49 khuyến nghị không được Việt Nam chấp nhận, có
nhiều khuyến nghị liên quan trực tiếp đến những người bảo vệ nhân quyền, trong
đó có một số người kêu gọi Việt Nam trả tự do cho những người bảo vệ nhân quyền
bị cầm tù vì thực thi các quyền căn bản của họ. Tính đến tháng 9/2024, Việt Nam
giam giữ ít nhất là 171 tù nhân chính trị, và ít nhất 21 người bị giam giữ vì lý
do chính trị đang chờ xét xử. Tất cả đều bị truy tố vì thực thi các quyền dân sự
và chính trị một cách ôn hòa”. Trên thực tế, trong mỗi báo cáo UPR, Việt Nam rà
soát và xem xét thực hiện các khuyến nghị cho các nước đề nghị. Tuy nhiên, việc
này không đồng nghĩa với việc tất cả các khuyến nghị đưa ra đều đúng với thực tế
và Việt Nam phải chấp nhận toàn bộ. Trong báo cáo UPR IV/2024, Việt Nam đã chấp
thuận 271 trên tổng số 320 khuyến nghị các nước đưa ra tại Phiên đối thoại về
báo cáo quốc gia vào tháng 5/2024, đạt tỷ lệ 84,7%, đây là một tỉ lệ rất cao
cho thấy nỗ lực và coi trọng của Việt Nam đối với việc luôn chấp nhận điều chỉnh
những vấn đề chưa phù hợp để nâng cao nhân quyền. Nhưng có những khuyến nghị kiểu
như yêu cầu trả tự do cho những người gọi là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân
chính trị” thì không chính đáng bởi lẽ những người được gọi là “tù nhân lương
tâm”, “tù nhân chính trị” đã vi phạm pháp luật Việt Nam, được xét xử một cách
công khai và đúng các quy định của pháp luật. Mà nguyên tắc của một quốc gia
pháp quyền là mọi công dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Họ không thể
nhân danh “hoạt động nhân quyền” để vi phạm pháp luật và sau đó chỉ cần có một
bên nào đề nghị thả họ để đảm bảo nhân quyền thì họ sẽ được thả. Nếu pháp luật
không nghiêm thì lấy đâu ra kỷ cương, phép nước nữa. Do đó, những khuyến nghị
kiểu như vậy không được chấp thuận là lẽ đương nhiên.
Bên cạnh đó,
HRW còn cho rằng “Việt Nam đã bác bỏ khuyến nghị sửa đổi điều 117 -tuyên truyền
chống nhà nước- mang tính vi phạm nhân quyền, và điều 331 -lợi dụng các quyền tự
do dân chủ- trong Bộ Luật Hình Sự, mà nhà cầm quyền Việt Nam thường xuyên sử dụng
để bịt miệng những người chỉ trích” và kêu gọi Việt Nam “Tạo điều kiện” phát
triển các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Đây lại là một khuyến nghị vô lý mà Việt
Nam không thể chấp nhận vì thực tế có rất nhiều đối tượng xấu lợi dụng cái danh
xưng “tự do ngôn luận” để đi tuyên truyền, hạ bệ chế độ, nói xấu, hạ uy tín
lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Mục đích của chúng là nhằm chống phá chế độ, kêu gọi
các thế lực thù địch bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, gây
nguy hại đến an ninh quốc gia, đến chế độ và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Mặt
khác, Điều 117 và Điều 331 đã được thảo luận, lấy ý kiến trước khi ban hành và
được dựa trên các căn cứ, cơ sở ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban, ngành, của
toàn xã hội và tuân theo một quy trình rất chặt chẽ, đồng thời nhận được sự đồng
thuận của toàn xã hội, ngoại trừ các đối tượng có mục đích, ý đồ xấu. Do đó, việc
Việt Nam không chấp nhận một khuyến nghị mang tính chất phá hoại, đi ngược lại
với lợi ích chung của toàn xã hội là điều đương nhiên.
Có thể khẳng định lại một điều, Việt Nam luôn cam kết
và có chính sách nhất quán trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và sự coi
trọng đối với Cơ chế UPR và Hội đồng Nhân quyền LHQ. Điều đấy đã được thể hiện
rất rõ ràng trong các báo cáo UPR Việt Nam đã thông báo đến Hội đồng Nhân quyền
LHQ và được LHQ ghi nhận và thông qua. Tuy nhiên, đối với các khuyến nghị có
nguy cơ gây nguy hại đến an ninh quốc gia và sự tồn vong của chế độ CHXHCN Việt
Nam cũng như không phản ánh chính xác tình hình thực tế tại Việt Nam, đi lại lợi
ích chung và sự hòa bình, ổn định tại Việt Nam thì chúng ta sẽ cương quyết phủ
nhận. Không một ai, kể cả các tổ chức lấy danh xưng “tổ chức nhân quyền quốc tế”
như HRW có thể can thiệp hay lợi dụng cái gọi là “nhân quyền” để có thể làm ảnh
hưởng đến nguyên tắc bất di bất dịch ấy của Việt Nam. Và chúng ta, những người
Việt Nam yêu nước cần hiểu rõ bản chất phản động, muốn can thiệp, phá hoại Việt
Nam của HRW và các tổ chức phản động khác để tẩy chay, lên án trước dư luận.
No comments:
Post a Comment