Monday, April 24, 2023

Quyền trẻ em: nỗ lực không ngừng nghỉ!

 

Sáng 27/2/2023, tại Geneva, Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự khai mạc và phát biểu tại Phiên họp Cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ). Đây là khóa họp đầu tiên, Việt Nam tham gia với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Tại Khóa họp này, đoàn Việt Nam không chỉ ghi dấu ấn đã đề xuất, soạn thảo và được thông qua Nghị quyết về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna, mà còn tích cực phát biểu, đóng góp ý kiến, trình bày kinh nghiệm, kết quả, thành tựu nhân quyền của Việt Nam tại nhiều phiên họp, thảo luận về đảm bảo các quyền cụ thể như quyền nhà ở; quyền lương thực; quyền văn hóa; quyền phát triển; quyền trẻ em; quyền tiếp cận công bằng, bình đẳng, kịp thời, với giá cả hợp lý đối với vaccine ngừa COVID-19...



Trong số các quyền trên, Việt Nam đã có nỗ lực và đạt thành tựu đáng ghi nhận trong đảm bảo Quyền trẻ em.

Ở Việt Nam, tính đến năm 2022, dân số trẻ em khoảng 27,2 triệu (chiếm 28% trên tổng dân số), trong đó trẻ em nam là 14,2 triệu (chiếm 52% trên tổng dân số trẻ em), trẻ em nữ là 13 triệu (chiếm 48% trên tổng dân số trẻ em)

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC) năm 1990 và hai Nghị định thư không bắt buộc bổ sung CRC được thông qua năm 2000 (Nghị định thư về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em; Nghị định thư về sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang.

Quyền trẻ em đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em” và quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Luật Trẻ em 2016; Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Quốc tịch 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Nhiều chính sách bảo đảm quyền trẻ em đã được ban hành: Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 31/12/2021 về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 về việc phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 về việc phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025.

Triển khai Chương trình thúc đẩy quyền trẻ em và quyền thanh niên tại Việt Nam giai đoạn 2021-2026 nhằm giúp trẻ em ngày càng có cơ hội phát triển toàn diện, thể hiện tiếng nói, quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em. Đến nay, cả nước đã có 14 mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, 21 mô hình Hội đồng trẻ em cấp huyện tại 17 tỉnh, thành phố; tiếp tục nâng cao hiệu quả trên 35.000 Câu lạc bộ quyền trẻ em trong các liên đội, trên địa bàn dân cư và trong hệ thống Cung, Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi; duy trì hoạt động hiệu quả của các Đội tuyên truyền măng non, phát thanh măng non tại gần 25.000 liên đội tiểu học, trung học cơ sở trên cả nước. Việt Nam đã triển khai tổ chức Diễn đàn trẻ em quốc gia mỗi 5 năm một lần và Diễn đàn trẻ em các cấp mỗi 2 năm một lần; gần đây nhất, Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 6 (năm 2019) được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 169 em nhỏ từ khắp các tỉnh, thành, các làng trẻ em SOS, Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Hội đồng trẻ em của 4 tỉnh, thành phố Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Bình Định… đại diện cho 26 triệu trẻ em trên cả nước tham dự diễn đàn sẽ nói lên tiếng nói của mình..

Hàng triệu trẻ em được nhận các phần quà, các thiết bị học trực tuyến, các gói về an sinh xã hội thông qua Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Năm 2021, theo Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc (2018 - 2020), tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi đã giảm xuống còn 19,6% so với 19,9% năm 2019, xếp ở mức trung bình trên thế giới; đã có sự tiến bộ rõ rệt về tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ và phụ nữ mang thai vào năm 2020 so với năm 2015.

Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt 96,8% năm 2020; tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi năm 2020 là 22.3/1000 trẻ, năm 2021 chỉ tiêu này giảm nhẹ còn 21,6, năm 2022 chỉ tiêu này giảm nhẹ còn 20,5. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc 19,6% - mức dưới 20% - được xếp vào mức trung bình theo phân loại của WHO. Chỉ số bình đẳng giới dần đạt mức lý tưởng đối với cấp tiểu học và trung học cơ sở; năm 2022, 100% trường có chương trình giáo dục cơ bản về giới tính, phòng chống bạo lực, xâm hại, cung cấp kiến thức về HIV. Như vậy đến nay Việt Nam đang trên đà đạt được mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu (giảm 40% suy dinh dưỡng thể thấp còi trẻ em đến năm 2025).

Đến nay đã có hai cuộc điều tra quốc gia về lao động trẻ em do Tổng cục Thống kê thực hiện vào năm 2021 cho thấy tình hình trẻ em tham gia lao động có sự chuyển biến tích cực: quy mô và xu hướng trẻ em tham gia lao động đã giảm mạnh, từ 9,6% năm 2012 xuống còn 6,9% năm 2021, đã có sự cải thiện đáng kể các hình thức bạo lực đối với trẻ em từ 5-17 tuổi. [1] Nếu như năm 2014, có tới 93% số trẻ từ 1-14 được điều tra đã từng trải qua các biện pháp kỷ luật bạo lực thì đến năm 2021, con số này còn 72,4% và giảm ở tất cả các hình thức bạo lực. Việc mở rộng các Tòa án gia đình và người chưa thành niên cũng là yếu tố quan trọng để bảo đảm tất cả trẻ em được tiếp cận công lý.

Các bộ, ngành đã thực hiện hiệu quả 05 dự án hợp tác quốc tế về: thúc đẩy bảo vệ quyền trẻ em; tăng cường hoạt động đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; thí điểm mô hình chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; phòng, chống đuối nước trẻ em; nâng cao năng lực quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; làm cha mẹ trong phát triển toàn diện trẻ thơ. Dự án đã tiếp cận tới 8.100 phụ huynh, ước tính 20.000 trẻ em dưới 8 tuổi tại 27 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số và tỉ lệ hộ nghèo cao tại 3 tỉnh Điện Biên, Gia Lai, Kon Tum, đồng thời dự án thí điểm tại các đô thị, tiếp cận phụ huynh nghèo nhập cư tại 2 nhà máy lớn ở TP. Hồ Chí Minh.

Việt Nam đồng chủ trì Lễ kỷ niệm Ngày trẻ em thế giới tại UNICEF Việt Nam; tham gia các phiên họp về phòng, chống lao động trẻ em trong khuôn khổ diễn đàn Châu Á về kinh doanh và quyền con người do ILO tổ chức; Hội nghị Khu vực trực tuyến về Tăng cường thực hiện các chiến lược INSPIRE nhằm chấm dứt bạo lực đối với trẻ em trong thời gian trong và sau COVID-19; đồng chủ trì phiên họp “Trên tuyến đầu của giai đoạn phục hồi đảm bảo nguồn nhân lực trong lĩnh vực phúc lợi xã hội, bảo vệ trẻ em có thể hoàn thành vai trò quan trọng của mình, bài học kinh nghiệm từ đại dịch” với sự tham gia của 600 đại biểu đến từ của 25 quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, các trường đại học.

Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của ILO, trong đó có những công ước quan trọng như: Công ước về tuổi tối thiểu của trẻ em được tham gia vào lao động công nghiệp; Công ước về trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ; Công ước về không phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp…Việt Nam là một trong 15 quốc gia đi đầu trong Liên minh toàn cầu 8.7 nhằm xóa bỏ lao động trẻ em phù hợp với Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) 8.7. Việt Nam đã ký cam kết và cùng đưa ra Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN (2019) và Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN trong đó có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến (năm 2021).

Vậy nên, đại diện Nhà nước Việt Nam dám phát biểu một cách tự tin về những thành tựu trong lĩnh vực này trên diễn đàn quốc tế. Những kết quả đó cho thấy, nền kinh tế của Việt Nam đang trên đà phát triển với thực hiện tiến bộ và bảo đảm công bằng xã hội, một đặc trưng thể hiện tính ưu việt về bản chất chế độ chính trị của nước ta.

 


 [1]

No comments:

Post a Comment