Sáng 27/2, tại Geneva, Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự khai mạc và phát biểu tại Phiên họp Cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ). Đây là khóa họp đầu tiên, Việt Nam tham gia với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Tại Khóa họp này, đoàn Việt Nam không chỉ ghi dấu ấn đã đề xuất, soạn thảo và được thông qua Nghị quyết về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna, mà còn tích cực phát biểu, đóng góp ý kiến, trình bày kinh nghiệm, kết quả, thành tựu nhân quyền của Việt Nam tại nhiều phiên họp, thảo luận về đảm bảo các quyền cụ thể như quyền nhà ở; quyền lương thực; quyền văn hóa; quyền phát triển; quyền trẻ em; quyền tiếp cận công bằng, bình đẳng, kịp thời, với giá cả hợp lý đối với vaccine ngừa COVID-19...
Trong số các quyền
trên, Việt Nam đã có nỗ lực và đạt thành tựu đáng ghi nhận trong đảm bảo quyền văn
hóa cho người dân, cụ thể như:
Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật
trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt chú trọng việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà
nước về văn hóa, tạo lập một hành lang pháp luật rộng mở, thuận lợi cho các
hoạt động về bảo tồn di sản văn hóa và tự do hoạt động văn hóa; bảo vệ quyền
tác giả, khuyến khích, cổ vũ sự tự do trong sáng tạo nghệ thuật của các tổ
chức, cá nhân, như: Luật Di sản văn hóa 2009, Luật Xuất bản 2012, Luật Quảng
cáo 2013, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2022,
Luật Điện ảnh (sửa đổi) 2022 nhằm
thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết và thông lệ quốc tế khi Việt Nam tham gia
các cơ chế, điều ước quốc tế, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, khuyến khích
sáng tạo; đảm bảo quyền tiếp cận, thụ hưởng văn hóa và tham gia vào các hoạt
động văn hóa của người dân; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã
hội của đất nước.
Nhiều đề án, chương trình đã được triển khai, trong đó Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa
các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” đã được triển khai sâu rộng, tập
trung ưu tiên phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, các dân tộc không có
điều kiện tự bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình. Đề án đã hoàn thành việc rà soát, thống kê và
hỗ trợ khẩn cấp, nâng cao năng lực tự bảo vệ nền văn hóa của các dân tộc thiểu
số dưới 10.000 người, đặc biệt là 10 dân tộc, gồm: Brâu, Rơ Măm, Si La, Pu Péo,
Bố Y, Ơ Đu, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao. Chính phủ cũng phê duyệt chủ trương
triển khai Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của
các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân
tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030
Thiết chế
văn hóa cơ sở là nơi thực hiện phúc lợi xã hội của nhân dân được hưởng thụ văn
hóa qua các hội thi, liên hoan, tập luyện, giao lưu, truyền giữ các làn điệu
dân ca, dân vũ. Khu vui chơi giải trí công cộng, công viên, nhà văn hóa, điểm
bưu điện văn hóa xã, thư viện, sân vận động, rạp hát, rạp chiếu phim, điểm
Internet công cộng… Người dân đều có quyền sử dụng các cơ sở, thiết chế văn hóa
để phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí. Cả nước hiện có 67 thiết chế
văn hoá cấp tỉnh; 683 Trung tâm Văn hoá - Thể thao cấp huyện đạt tỷ lệ95%;
7.194 Trung tâm Văn hoá-Thể thao cấp xã, đạt tỷ lệ 65,7% và có 75.3276
Nhà Văn hoá cấp thôn, bản… đạt tỷ lệ 74% do ngành Văn hóa, Thể thao và Du
lịch quản lý.
Sản xuất, cung cấp các ấn phẩm, sản phẩm văn hóa-thông tin
cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện Chương trình phát
triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135), trường dân tộc nội trú, phòng văn hóa và thông
tin cấp huyện, các đồn biên phòng, đội truyên truyền văn hóa tại các vùng biên
giới, biển, hải đảo. Triển khai các mô hình câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân
gian các dân tộc thiểu số; tổ chức chương trình hoạt động văn hóa nghệ thuật
phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số,
phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị và các sự kiện chính trị, văn hoá, thể
thao và du lịch trọng đại của đất nước, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần
của nhân dân.
Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hoá tiếp tục được quan tâm, góp
phần thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là du lịch tín ngưỡng, văn hóa. Từ
2019-2021, Việt Nam đã bảo tồn, phục dựng, phát huy nhiều lễ hội truyền thống
các dân tộc thiểu số (lễ hội Cầu mưa truyền thống của đồng bào dân tộc Lô Lô,
tỉnh Hà Giang; lễ hội Ét Đông (Tết con dúi) của người Ba Na, tỉnh Kon Tum; lễ
hội truyền thống dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên; lễ hội truyền thống dân tộc
M’nông, tỉnh Đăk Nông; lễ hội truyền thống dân tộc Bru, Vân Kiều, tỉnh Quảng
Bình; lễ hội truyền thống dân tộc Lự, tỉnh Lai Châu; lễ hội truyền thống dân tộc
Cơ Ho, tỉnh Lâm Đồng…); tổ chức các Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du
lịch các dân tộc thiểu số theo các vùng và khu vực Tây Bắc, miền Trung, Tây
Nguyên; dân tộc Thái, đồng bào Chăm… Bảo tồn, phát huy nghề thủ công truyền
thống làm nón lá của đồng bào dân tộc Tày ở xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh
Tuyên Quang; bảo tồn, tư liệu hóa và hỗ trợ truyền dạy nghề ươm tơ làng Cổ
Chất, xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; truyền dạy và phát huy
nghệ thuật múa sư tử dân tộc Tày, Nùng ở xã Hải Yến, huyện Cao Lộc, tỉnh
Lạng Sơn; tư liệu hóa và hỗ trợ truyền dạy kỹ thuật trang trí nhà hỏa táng của
người Chăm Bàlamôn ở tỉnh Bình Thuận; sưu tầm phục dựng bảo vệ lễ cúng phước
của người Khmer ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Từ năm 2000 đến nay, có khoảng hơn
600 thỏa thuận, hợp đồng hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ giữa Việt Nam
và các đối tác được thực hiện tại các cơ sở nghiên cứu các cấp; hơn 500 nhiệm
vụ nghiên cứu song phương giữa các tổ chức khoa học - công nghệ Việt Nam với
các tổ chức khoa học - công nghệ của các nước đã và đang được thực hiện. Các
hoạt động này đã tăng cường nguồn lực thông tin khoa học - công nghệ cho các
nhà khoa học Việt Nam; từng bước làm chủ công nghệ của nước ngoài, nâng cao
năng lực công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam và qua đó, nâng cao chất lượng
và sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiêu
chuẩn đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ, phòng, chống, hạn chế rủi ro do
biến đổi khí hậu cũng góp phần đáp ứng yêu cầu của các thiết chế quốc tế mà
Việt Nam đang tham gia, như Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định
Thương mại Việt - Mỹ (BTA), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn
đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)...
Với những thành tựu đáng kể nêu trên, Việt
Nam tự hào, tự tin trên các diễn đàn thảo luận về thực thi quyền này ở Hội đồng
Nhân quyền LHQ!
No comments:
Post a Comment