Wednesday, April 5, 2023

Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết bất bình đẳng, bảo vệ những người dễ bị tổn thương

 


     Tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, trong các phát biểu tại nhiều phiên họp, phiên thảo luận, đoàn Việt Nam luôn nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết bất bình đẳng, bảo vệ những người dễ bị tổn thương. Vì sao Việt Nam lại đề cao và nhấn mạnh yêu cầu này tại Hội đồng Nhân quyền LHQ khóa 52?



Nhóm người dễ bị tổn thương “có vị thế về chính trị, xã hội hoặc kinh tế thấp hơn, từ đó khiến họ có nguy cơ cao hơn bị bỏ quên hay bị vi phạm các quyền con người, và bởi vậy, họ cần được chú ý bảo vệ đặc biệt so với những nhóm, cộng đồng người khác”. Như vậy, phạm vi xác định người dễ bị tổn thương khá rộng, phổ biến hiện nay bao gồm: phụ nữ; trẻ em; người khuyết tật; người sống chung với HIV hoặc nạn nhân của AIDS; người di tản hoặc tìm kiếm nơi lánh nạn; người không quốc tịch; người lao động di trú; người thiểu số (về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo…); người bản địa; nạn nhân chiến tranh; người bị tước tự do, người cao tuổi; người đồng tính, song tính hoặc chuyển giới…

Tại Việt Nam hiện nay, văn bản luật duy nhất quy định về khái niệm người dễ bị tổn thương là Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013. Theo đó, “Đối tượng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu những tác động bất lợi hơn từ thiên tai so với những nhóm người khác trong cộng đồng. Đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo và người nghèo”. Khái niệm này có phạm vi khá hẹp khi chỉ trong giới hạn những nạn nhân dễ gặp bất lợi về thiên tai và những nhóm người được liệt kê cũng hẹp hơn so với chuẩn mực quốc tế.

Đồng thời, Việt Nam đã nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế về bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. BLHS năm 2015, đã nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế liên quan đến những nhóm người dễ bị tổn thương, và bảo vệ quyền của các nhóm người này, với tư cách là đối tượng tác động của tội phạm. Theo đó, hành vi phạm tội với nhóm người dễ bị tổn thương là dấu hiệu định tội, hoặc dấu hiệu định khung tăng nặng hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất chú trọng tăng cường các biện pháp nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, đặc biệt, có nhiều chính sách quan tâm đến nhóm người dễ bị tổn thương. Xin liệt kê những thành tựu đáng ghi nhận như:

Thứ nhất, bảo vệ quyền nhân thân đối với trẻ em. Nhà nước Việt Nam luôn cam kết bảo vệ các quyền và lợi ích của trẻ em và tạo mọi điều kiện để trẻ em được thực thi đầy đủ các quyền của mình trong đó có nhóm quyền nhân thân, thể hiện trước hết qua các quy định của Hiến pháp (Điều 65) và một số văn bản pháp luật như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Đất đai, Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Bình đẳng giới, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Điện ảnh, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Tương trợ tư pháp. Đặc biệt, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (nay là Luật Trẻ em) đã cụ thể hóa các nguyên tắc cơ bản của Công ước quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc không phân biệt đối xử và vì lợi ích tốt nhất của trẻ; trao cho trẻ em nhiều quyền hơn, đồng thời, đã và đang xây dựng được hệ thống các cơ quan bảo vệ quyền trẻ em bao gồm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam. Hệ thống tổ chức của các cơ quan này được thiết lập và phát triển ở tất cả các cấp trong toàn quốc.

Thứ hai, bảo vệ quyền nhân thân đối với phụ nữ. Một trong những cam kết quan trọng và hành động thực chất của Việt Nam trong thời gian qua đó là cam kết vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, coi đó là một công cụ quan trọng để tiến tới công bằng và phát triển bền vững. Quan điểm này được thể hiện trong Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Đất đai, Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và nhiều văn bản pháp luật khác về bình đẳng giới. Việt Nam đang tích cực triển khai trên toàn quốc Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, nhiều chỉ tiêu đã đạt so với kế hoạch đặt ra. Quan điểm giới cũng được lồng ghép vào nhiều văn bản quốc gia quan trọng như Chiến lược tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo, các chiến lược phát triển ngành... Hiện Việt Nam đang nỗ lực thực thi Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020. Việc hành động thực chất và quyết liệt của Nhà nước Việt Nam trong việc bình đẳng giới đối với phụ nữ đã tạo động lực để nhóm này tham gia, phát huy năng lực trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Phụ nữ hiện nay đã có vị thế nhất định, có tiếng nói, được tham gia vào nhiều công việc quan trọng... 

Thứ ba, bảo vệ quyền nhân thân đối với nhóm dân tộc thiểu số. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong vấn đề dân tộc là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ. Nguyên tắc này được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 và các văn bản luật như: Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Công nghệ thông tin, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Giáo dục, Luật Xuất bản, Luật Thanh niên, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em (nay là Luật Trẻ em), Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Luật Tương trợ tư pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Dạy nghề... Việc xây dựng hệ thống pháp luật này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền nhân thân của nhóm yếu thế này trong xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống các cơ quan, tổ chức tham mưu và giúp thực hiện các quyền nhân thân của người dân tộc thiểu số bao gồm Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Tư vấn dân tộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam với phạm vi hoạt động ở tất cả các cấp trong toàn quốc.

Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số được quan tâm giữ gìn và phát triển. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, di sản văn hóa vô giá của đồng bào dân tộc đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số đang được chú ý bảo tồn và ngày càng được sử dụng phổ biến hơn. Việt Nam có 30 dân tộc có chữ viết. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng 08 bộ giáo trình cho 08 thứ tiếng dân tộc thiểu số (Khơ-me, Chăm, Hoa, Ê-đê, Gia-rai, Ba-na, Thái và Mông), chính thức đưa vào dạy trong các trường tiểu học và trường phổ thông dân tộc ở 25 tỉnh có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao. Đài Truyền hình Việt Nam đã phát kênh VTV5 bằng 10 thứ tiếng dân tộc; Đài Tiếng nói Việt Nam đã tăng thời lượng phát sóng và sản xuất hơn 4.000 chương trình đặc biệt phát bằng 13 thứ tiếng dân tộc, giúp đồng bào dân tộc tiếp cận thông tin tốt hơn, thông qua đó, việc bảo vệ quyền nhân thân của họ cũng được bảo đảm hơn.

Thứ tư, bảo vệ quyền nhân thân với nhóm người khuyết tật. Hiện nay, Việt Nam có hơn 8 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,8% dân số[3]. Nhà nước Việt Nam luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội. Quan điểm này phản ánh quy định trong Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hóa trong một số văn bản luật quan trọng như: Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (nay là Luật Trẻ em), Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Công nghệ thông tin, Luật Người khuyết tật... Nhiều người khuyết tật nặng, thương binh, bệnh binh, người bị di chứng chất độc da cam, trong đó có trẻ em, được Nhà nước trợ cấp và nuôi dưỡng. Mạng lưới chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng cho người khuyết tật đã được thiết lập từ trung ương đến cơ sở. Trong 10 năm qua, trên 300.000 người, trong đó có hàng chục ngàn trẻ em, được chỉnh hình phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ chỉnh hình miễn phí, được cung cấp phương tiện trợ giúp như xe lăn, xe đẩy; hàng trăm nghìn người khuyết tật được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Việt Nam đang xây dựng mô hình giáo dục hòa nhập, chuyển đổi và thẩm định sách giáo khoa chữ phẳng sang chữ nổi Braille, xây dựng hệ thống ngôn ngữ ký hiệu, thống nhất hệ thống chữ cho người mù. Hàng năm, số trẻ khuyết tật đi học ở bậc trung học và bậc đại học đều tăng, nhiều học sinh khuyết tật đạt kết quả cao trong học tập. Cho đến nay có khoảng 100 cơ sở hướng nghiệp dạy nghề cho người khuyết tật và có khoảng 35.000 người khuyết tật được học nghề. Các công trình xây dựng công cộng, giao thông, văn hóa, thể dục thể thao đã được xây dựng, cải tạo để phù hợp hơn với chuẩn của người khuyết tật...

Thứ năm, bảo vệ quyền nhân thân với nhóm người lao động di trú. Lao động di trú là người lao động nước ngoài vào Việt Nam vì mục đích làm việc, kiếm thu nhập, đảm bảo “sinh kế” của họ và gia đình. Việc bảo vệ quyền nhân thân của nhóm người lao động di trú này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu lao động các quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế mà cụ thể những quyền nhân thân “sát sườn” nhất đối với nhóm lao động này đó là quyền được làm việc, lao động, sáng tạo; quyền được bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm cũng như được bảo vệ quyền cơ bản khác của con người bình đẳng giữa các quốc gia. Pháp luật Việt Nam hiện hành đã xây dựng được hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để hỗ trợ, bảo vệ quyền nhân thân cho nhóm lao động di trú này thông qua quy định trong Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, các quy chế bảo vệ công dân qua con đường ngoại giao, lãnh sự... Người lao động di trú được quyền tự do làm việc tại Việt Nam trên cơ sở nhu cầu sử dụng lao động từ người sử dụng lao động hoặc thông qua các dự án thầu có sử dụng lao động di trú[4], không có sự phân biệt đối xử trong quá trình làm việc, được trả lương bình đẳng và bảo đảm thu nhập như lao động Việt Nam, được tham gia các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt là được tham gia đầy đủ các chế độ bảo đảm về cả vật chất và tinh thần cũng như quyền nhân thân của lao động di trú được ghi nhận. 

Thứ sáu, bảo vệ quyền nhân thân với nhóm người sống chung với HIV/AIDS. Pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể để bảo vệ quyền nhân thân của nhóm này, như nghiêm cấm thái độ và hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào với người mắc HIV/AIDS. Điều 4 Luật Phòng, chống HIV/AIDS ghi “quyền được học văn hóa, học nghề, làm việc”, tương ứng với quyền về lao động việc làm và quyền bình đẳng trong tiếp cận với giáo dục. Quyền này cũng ghi rõ trong Điều 59 và Điều 55 của Hiến pháp năm 2013. Những người có HIV/AIDS rất cần được sự hỗ trợ của gia đình và xã hội. Nếu bị kỳ thị và phân biệt đối xử, họ gần như mất chỗ dựa cả về vật chất và tinh thần, làm họ mất hết lòng tự tin và như bị dồn vào ngõ cụt. Ngay cả những đứa trẻ vô tội, ngây thơ cũng trở thành nạn nhân của sự kỳ thị và phân biệt của thế giới người lớn. Sau gần 30 năm thực thi các chính sách, cơ chế ưu tiên, Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giảm số lượng người nhiễm mới, kéo dài thời gian sống cho người bệnh, xóa bỏ định kiến xã hội về HIV/AIDS, tăng cường phổ biến kiến thức về HIV/AIDS và phòng, chống HIV/AIDS tới cộng đồng dân cư, góp phần đẩy lùi tác động tiêu cực của HIV/AIDS lên cộng đồng, giảm nguy cơ tổn thương xã hội cho người bệnh cũng chính là tổn thương quyền nhân thân của họ.

Những thành tựu đó là không thể phủ nhận và là cơ sở để Việt Nam chia sẻ trên diễn đàn Hội đồng Nhân quyền LHQ, với mong muốn thảo luận, học hỏi kinh nghiệm cũng như vận động quốc tế ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam ngày càng đảm bảo tốt hơn việc bảo vệ quyền nhóm người yếu thế này. Đây thể hiện thiện chí, trách nhiệm và nỗ lực đáng ghi nhận của Chính phủ Việt Nam hiện nay.

No comments:

Post a Comment