Friday, April 7, 2023

Vì sao Việt Nam đưa ra sáng kiến kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền ?

 


Tại Phiên họp Cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 27/2/2023 với sự tham dự của hơn 100 lãnh đạo cấp cao các nước, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đưa ra sáng kiến về việc kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) bằng một văn kiện của Hội đồng Nhân quyền nhằm khẳng định lại và tăng cường các nỗ lực, cũng như hành động nhằm đạt được những mục tiêu và giá trị lớn, bao trùm của tuyên ngôn và tuyên bố trên và cam kết chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người cho tất cả mọi người.



Nghị quyết này tập trung vào tầm quan trọng của hai văn kiện và nhiều nội dung tích cực của tuyên ngôn và tuyên bố nêu trên như nhắc lại các nguyên tắc chính về quyền con người của hai văn kiện; phản ánh quan tâm rộng rãi của các nước trong việc kỷ niệm hai văn kiện; nâng cao vị thế, vai trò, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc; nhấn mạnh vai trò hàng đầu của các quốc gia trong bảo đảm quyền con người; ghi nhận sự tham gia của phụ nữ, vai trò của hợp tác và đoàn kết quốc tế, tôn trọng sự đa dạng, bao trùm... trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nói chung và trong tham gia công việc của Hội đồng Nhân quyền nói riêng. Nghị quyết này cũng đề nghị Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc triển khai chương trình hoạt động kỷ niệm tuyên ngôn và tuyên bố nêu trên, trong đó có Sự kiện cấp cao của Liên hợp quốc về quyền con người vào tháng 12 và có Báo cáo về các hoạt động kỷ niệm lên Khóa họp 56 Hội đồng Nhân quyền vào đầu năm tới.

Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền đã chỉ rõ việc bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm của mỗi quốc gia với tư cách là chủ thể hàng đầu của quan hệ pháp luật quốc tế. Chính vì vậy, Tuyên ngôn đã xác định ngay trong nội dung đầu tiên của văn kiện rằng, LHQ “Công bố bản Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người này như một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia, sao cho mỗi cá nhân và đoàn thể xã hội luôn nhớ tới bản Tuyên ngôn này, nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục, và bằng những biện pháp lũy tiến trên bình diện quốc gia và quốc tế, bảo đảm sự thừa nhận và thực thi trên toàn cầu các quyền tự do này cho các dân tộc thuộc các quốc gia hội viên hay thuộc các lãnh thổ bị giám hộ”. Là thành viên tích cực của LHQ, Việt Nam đã nhận thức rõ các yêu cầu và nội dung của Tuyên ngôn, ngày càng hoàn thiện thể chế và thiết chế để hiện thực hóa các quyền con người trong sự nghiệp đổi mới đất nước. 

 

Thứ nhất, về xây dựng thể chế. Quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là để phát triển thể chế thị trường hiện đại, văn minh, từng bước bảo đảm quyền lợi kinh tế, xã hội và văn hóa cho đại đa số thành viên xã hội. Hiến pháp năm 1992 và đặc biệt Hiến pháp năm 2013, được xây dựng cơ bản trên cơ sở tiếp cận dựa trên quyền con người, là đạo luật gốc của nền pháp luật quốc gia hướng vào việc điểu tiết, thúc đẩy việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhà nước pháp quyền XHCN đang được tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thông qua cải cách hành chính nhà nước được tiến hành từ năm 2000 đến nay để xây dựng nền hành chính công phục vụ người dân và kiến tạo phát triển là nhằm bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân.

 

Thứ hai, về tuyên truyền, giáo dục quyền con người. Đến nay các văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng về quyển con người, trước hết là Tuyên ngôn, đã được dịch ra tiếng Việt và phát hành rộng rãi. Từ những năm 1990, Việt Nam từng bước tiến hành giáo dục quyền con người cả trong và ngoài nhà trường. Thực hiện quyết định 03/CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 7-1-1998, các tỉnh, thành phố đã thành lập các Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật và đã có nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục về  quyền con người, nhằm nâng cao đáng kể sự hiểu biết và sự quan tâm rộng rãi trong cán bộ, nhân dân về các quyền con người. Trung tâm (nay là Viện) Quyền con người thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được thành lập từ năm 1994 đã thúc đẩy việc biên soạn giáo trình, phổ biến kiến thức và tổ chức các lớp học tại chức, ngắn hạn cho cán bộ Trung ương và địa phương về quyền con người. Việc hình thành một số cơ sở đào tạo cao học về quyền con người trong những năm gần đây, đánh dấu một trình độ mới về giáo dục quyền con người ở Việt Nam

Ngày 5-9-2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” theo Quyết định số 1309/QĐ-TTg. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện Đề án, đưa nội dung giáo dục quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo qui định của các văn kiện pháp lý quốc tế, vào sách giáo khoa và chương trình giảng dạy của trường phổ thông các cấp và giáo dục đại học. Chỉ thị số 34/TTg ngày 21-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào Chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ giáo dục quyền con người nhằm tạo chuyển biến sâu rộng trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng về giáo dục quyền con người ở Việt Nam.

Thứ ba, về thực hiện nghĩa vụ quốc tế về quyền con người. Đến nay, Việt Nam đã gia nhập và ký kết 7/9 công ước cơ bản và hàng chục các điều ước quốc tế khác liên quan đến quyền con người. Việt Nam đã thực hiện tốt nghĩa vụ trình nộp và bảo vệ các báo cáo quốc gia thực hiện các công ước mà Việt Nam là thành viên. Trong năm 2023, Việt Nam đã bảo vệ Báo các quốc gia thực thi Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; hoàn thành và nộp Báo cáo thực thi Công ước về quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước chống tra tấn (CAT). Kết quả này đã được các Ủy ban theo dõi thực hiện công ước cũng như cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam cũng đã làm tốt việc phổ biến nội dung báo cáo thực hiện các công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội, văn hóa.

 

Việt Nam đã tiến hành các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp, thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội, văn hóa và thông qua hợp tác quốc tế, đặc biệt sử dụng tối đa các tài nguyên sẵn có, nhằm thực hiện ngày càng đầy đủ các quyền con người được công nhận trong trong pháp luật quốc tế và quốc gia.

 

Thực tế, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt đã duy trì liên tục việc cải thiện quyền về mức sống nhờ không ngừng đạt được mức tăng trưởng cao, mức bao phủ của bảo hiểm y tế rộng khắp, có tỉ lệ phụ nữ tham chính trong nhóm dẫn đầu thế giới, có chỉ số phát triển con người liên tục tăng và được xếp vào nhóm cao. Đồng thời, Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền (thành viên Ủy ban quyền con người nhiệm kỳ 2001-2003, thành viên Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025...).

 

Với thành tựu đó, tại Khóa họp 52 của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Việt Nam tự tin đưa ra sáng kiến tổ chức kỷ niệm 75 năm ra đời Tuyên ngôn này. Đây là hành xử nói đi đôi với làm cũng như thái độ xem việc thực hiện Tuyên ngôn nói trên với sự nghiêm túc, cầu thị của Việt Nam

 

 

No comments:

Post a Comment