Sunday, January 27, 2013


Đôi lời về việc Viện Nghiên Cứu Phát Triển (IDS) giải thể

Category: , Tag:
09/22/2009 08:51 am



Hồ Bất Khuất
19.09.2009

Nguyên nhân chính dẫn tới việc IDS tuyên bố tự giải thể có lẽ là vì những dòng sau đây trong Quyết định số 97 của Thủ tướng Chính phủ:

“Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ.”

Viện Nghiên cứu Phát triển IDS được thành lập vào cuối năm 2007 tại Hà Nội, do Tiến sỹ Nguyễn Quang A làm Viện trưởng, Giáo sư Hoàng Tụy làm Chủ tịch. Đây là một Viện nghiên cứu 100% tư nhân và do các nhà khoa học, các thành viên sáng lập tư nhân, góp vốn xây dựng.

Hội đồng IDS gồm 16 vị, bao gồm các tên tuổi trí thức lớn như Hoàng Tụy, Nguyễn Quang A, Phan Đình Diệu, Chu Hảo, Tương Lai, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Nguyễn Trung, Nguyên Ngọc, Việt Phương và các vị khác.

Trong hai năm hoạt động, IDS đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm khoa học vềchính sách, chiến lược trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế tới giáo dục, y tế, thểchế... Về sự thẳng thắn và dám nghĩ, dám nói của các vị này thì thực sự là một bài học lớn cho giới trẻ.

Tuy nhiên, theo quan điểm riêng của riêng tôi, IDS cũng chưa làm được gì nhiều về mặt khoa học, chưa đưa ra được những quan điểm thật mới về nhiều vấn đề củađất nước. Song, họ là những nhà khoa học có uy tín, họ nói lại những quan điểmđã được phát biểu ở đâu đó rồi (không tin, các vị cứ đọc những ý kiến, ví dụ,về cải cách giáo dục từ năm 1995 đến nay thì rõ), nhưng vẫn có tiếng vang. Có thể nói, họ là những người có vị thế để nói những vấn đề lớn có sức thu hút.

Các thành viên IDS đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến trong quá trình phản biện cho cải cách giáo dục Việt Nam, dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên và nhiều chủ trương chính sách khác nữa. Phần lớn các phản biện này không bị phản bác lại.

Ban lãnh đạo Viện tự đánh giá là đã làm được một số việc có ích cho đất nước, đóng góp ý kiến xây dựng đối với một số vấn đề hay chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, được dư luận xã hội, đặc biệt là giới nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm.

Việc họ tuyên bố giải thể IDS để phản đối Quyết định 97, theo tôi là hơi vội vã và có vẻ dằn dỗi. Một tập thể các nhà khoa học có uy tín (tôi có ý định xếp nhiều vị trong hội đồng vào hàng nhân sỹ) và cao niên như vậy cần bình tĩnh hơn trước mọi biến động của xã hội, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nếu thấy quan điểm của mình đúng, việc làm của mình đúng, có lợi cho đất nước thì phải kiên trì thuyết phục. Nếu thuyết phục không được thì tìm hình thức khác để phản đối chứ không giải thể. Làm như vậy khác nào con cái giận bốmẹ và tự tử để tỏ thái độ của mình.(Tôi xin lỗi các nhà khoa học cao niên vàđáng kính vì sự so sánh không được nhã của mình, nhưng so sánh này lại sinhđộng và thể hiện đúng bản chất vấn đề).

Còn về phía Nhà nước, trước những phản biện của giới trí thức có tư tưởng tựdo-dân chủ, thường có hai sự lựa chọn. Sự lựa chọn thứ nhất – Phản bác lại những ý kiến phản biện; nghĩa là có một sự trao đổi thẳng thắn, sòng phẳng đểtìm ra chân lý khoa học (chứ không phải loại “chân lý” thuộc về kẻ mạnh). Theo tôi nghĩ thì trong bộ máy lãnh đạo cỡ từ thứ trưởng trở lên, có rất nhiều giáo sư – tiến sỹ. Các vị này ăn bổng lộc nhà nước không chỉ để lãnh đạo đơn vị của mình, mà còn giúp Chính phủ phản bác lại những phản biện những chính sách của Chính phủ. Ngoài ra, còn có Viện khoa học Công nghệ và Viện Khoa học xã hội và Nhân văn là cơ quan ngang bộ - Nơi tụ họp các tiến sỹ để giải quyết các vấn đềkhoa học; họ làm gì, nếu không “nhảy ra” phản bác các vấn đề mà những nhà khoa học “tư nhân” phản biện? Đương nhiên là phải thấy chính sách đúng, phía phản biện sai mới có thể phản bác được.

Nếu quyết sự lựa chọn thứ nhất. Đây là sự lựa chọn phức tạp, nhưng bù lại, Chính phủ luôn có những phương án đúng để áp dụng vào cuộc sống.

Sự lựa chọn thứ hai - Đưa ra các biện pháp hạn chế sự phản biện từ xã hội. (Việc Quyết định 97 ra đời, nghĩa là Nhà nước đã quyết sự lựa chọn thứ hai).Đây là lựa chọn đơn giản, nhưng có thể gây ra những diễn biến phức tạp. Bởi lẽ,phản biện, phê phán là hoạt động thường xuyên của những người có trí tuệ. Một khi người ta phát hiện ra vấn đề, người ta phải nói; nếu không được nói một cách “quang minh, chính đại”, người ta sẽ nói nhẹ nhàng, thủ thỉ, bí mật. Thực tế chỉ ra rằng, khi ai đó có nhận thức khác, hiểu biết khác mà người ta lại tin là hay, là đúng thì người ta phải tìm cách để nói ra. (Đây là điều tất yếu mà Lênin đã nói tới trong tác phẩm “Hai nền văn hóa”). Hơn nữa, có một chuyện vui minh họa rõ ràng và thuyết phục cho vấn đề này. Anh chàng thợ cạo biết được vua có tai lừa, nhưng nếu nói lộ ra điều này, anh ta sẽ mất mạng, vì vậy anh ta không dám nói với ai. Nhưng biết chuyện như vậy mà không nói, anh ta không chịuđược! Anh ta đào một cái lỗ, nói xuống đó: “vua có tai lừa”. Cứ tưởng như thếlà bí mật, không ai biết. Nhưng từ cái lỗ đó mọc lên một loài cây, gió thổi, lá lao xao vang lên tiếng “vua có tai lừa”. Nói như vậy để thấy không thể hạn chếhay cấm nói lên những điều hay, điều đúng, điều thật.

Trở lại Quyết định 97, đọc kỹ: “Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủtrương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ.”Và thấy: Việc nghiên cứu độc lập không bị hạn chế hay cấm; vẫn có quyền phản biện, nhưng phải gửi cho các cơquan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền. Hơn nữa, chỉ không được công bố công khai với danh nghĩa, hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ,nghĩa là có thể được công bố công khai với tư cách cá nhân. Như vậy không có chuyện như ai đó nói “Với sự ra đời của Quyết định 97, hết đường góp ý”.

Suy ngẫm thêm thì thấy, dường như mục đích của Quyết định 97 không phải là đểhạn chế các nhà khoa học nghiên cứu và góp ý với các chủ trương, chính sách củaĐảng và Nhà nước, mà chỉ muốn nhắc nhở các nhà khoa học nói cho đúng nơi, đúng chỗ, đúng tư cách và có thái độ... đúng mực.

Rất có thể trong thời gian qua, một số nhà khoa học “nhà nước” không thích cái cách (danh nghĩa và thái độ) mà các nhà khoa học “tư nhân” phản biện. Vì thếnên mới có Quyết định 97 và sự tuyên bố tự gải thể của IDS chăng?

Tôi không đồng tình với việc IDS tuyên bố tự giải thể, nhưng tôi lại đánh giá cao khía cạnh PR của sự kiện này. Việc IDS tuyên bố tự giải thể được dư luận trong và ngoài nước quan tâm – Đâyđã là một thành công rồi! Hơn nữa, nếu IDS không tuyên bố tự giải thể, mấy ai biết đến Quyết định 97?! Những điều này cho thấy không phải ngẫu nhiên mà trong 16 vị thành viên hội đồng có giáo sư từng nhiều năm giữ chức Viện trưởng Viện Xã hội học, Tổng biên tập Tạp chí xã hội học. Các nhà khoa học đích thực luôn luôn thể hiện được phẩm cấp của mình.

Nguồn: Hồ Bất Khuất's Blog

1 comment: