Sunday, January 27, 2013


Đã đến lúc cần có tự do thông tin?

Category: Quan điểm, Tag: Đời sống,Khác
08/06/2008 02:01 pm
Tôi mới được đọc bài “Người dân cần được tự do thông tin” của tác giả Nguyễn Trang Nhung
(http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2007/10/071008_nguyentrangnhung.shtml )

Theo tôi đây là bài viết hay. Đúng là trong kinh tế “lừa đảo xuất hiện ở bất cứ đâu khi có bất đối xứng thông tin”. Trong việc cần đẩy mạnh minh bạch hoá các thông tin trong lĩnh vực kinh tế, tôi thấy Nhà nước đang rất nỗ lực nhằm thúc đẩy các nguồn lực trong nước đầu tư, phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vụ lừa đảo trong mua bán, ký kết,…, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu lao động thì vấn đề còn năm ở năng lực quản lý của bộ máy Nhà nước. Việc khắc phục điều này không dễ.

Còn trong lĩnh vực chính trị, lập luận của bạn ủng hộ tự do thông tin, phản đối Chỉ thị 37/CP về cấm báo chí tư nhân. Đúng là khi quyền sang lọc thông tin nằm trong tay Chính phủ thì nguy cơ tạo ra các bức ngăn giữa Chính phủ và người dân là rất lớn. Chính phủ có thể mất minh bạch trong các công tác của mình mà người dân không hề hay biết. Bạn còn cho rằng ở các quốc gia phát triển (Thuỵ Điển, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Nhật bản) họ có sự tự do thông tin tuyệt đối thì ở đó thông tin không (hoặc ít) bất đối xứng. Tôi chỉ xin lưu ý bạn một điều, như việc bạn ví rằng bộ lọc thông tin của Chính phủ giống như việc chăm sóc kỹ lưỡng đứa trẻ trong môi trường quá sạch thì đứa trẻ đó sẽ không có sức đề kháng tốt bằng những đứa trẻ được chăm sóc trong môi trường kém sạch hơn. Nhưng nếu một đứa trẻ còn non nớt, yếu đuối, sức đề kháng kém mà không chăm sóc cẩn thận, dần dần mới đưa nó tiếp cận với môi trường tự nhiên để nó thích nghi từ từ thì nó sẽ bị bệnh (thậm chí bệnh nặng), sẽ yèo uột, việc chăm sóc sẽ khổ cực hơn nhiều. Có một lần tôi được gặp một số nhân viên ĐSQ Thuỵ Điển, Anh, họ tỏ ra rất ngạc nhiên vì Việt Nam trong thời đại thông tin này lại duy trì một số lệnh cấm và bức tường lửa. Chị phiên dịch là một người phụ nữ trung tuổi đã nói với họ rằng: Việt Nam với hơn 80% dân số là nông dân, cuộc sống kinh tế còn quá khó khăn, dân trí phần đông có hạn, sức đề kháng với các thông tin còn hạn chế, nhất là giới trể rất dễ bị cuốn hút bởi cái lạ. Sự kiện lộ phim sex của nhân vật đóng vai Vàng Anh vừa qua là cú sốc lớn với mọi gia đình có con em trong độ tuổi phát triển, ở mọi nơi, mọi chỗ người ta đều bàn luận, lo lắng cho con em mình khi biết rằng kể cả tốp trẻ 12,13 tuổi đã rỉ tai nhau cách vào mạng tải phim sex này về xem, hậu quả chưa thể đánh giá hết được. Bạn có biết rằng Internet mới vào Việt nam được hơn 10 năm mà Việt Nam đã đứng vào tốp đầu thế giới về lượng người tìm từ khoá liên quan đến sex trên các trang tìm kiếm.

Nếu bạn là dân công nghệ thông tin, hẳn bạn quá biết những bức tường thông tin của Nhà nước chỉ ngăn được những người mới tập toẹ vào mạng, còn với những người biết chút ít về internet thì quá dễ để muốn biết những thông tin họ cần. Còn trong lĩnh vực báo chí, thời gian qua, Việt Nam đã có thay đổi vượt bậc trong việc khuyến khích báo giới đấu tranh, phanh phui những tiêu cực. Tất nhiên mức độ còn chưa làm hài lòng nhiều độc giả bởi họ cho rằng Nhà nước vẫn kiểm soát báo chí thông qua một số cơ quan quản lý, và nhất là Nhà nước chưa cho phép báo chí tư nhân hoạt động. Nhưng đúng như dư luận phản ánh, sự bùng nổ thông tin báo chí kết hợp với “sức mạnh” của kinh tế thị trường, bên cạnh những mặt tốt thì để lại vô số “tệ nạn” nảy sinh, kiểu như: tung tin giật gân, mượn báo chí để triệt hạ nhau, “làm ăn” trên các bài báo, hành các doanh nghiệp nếu muốn “yên ổn”,…Vừa qua tôi mới được đọc bài thiên ký sự của Nguyễn Phương Anh về vụ Nhà hàng “Kim ngân ngự thiện” của anh này bị báo giới hành hạ và đánh hội đồng ra sao, những bài báo đó đóng vai trò không nhỏ trong việc gây sức ép lên các cơ quan công quyền khiến họ không chịu đứng ra bảo vệ anh này. Vụ PMU 18 với hệ luỵ gần đây của nó, hàng loạt các nhà báo bị bắt, cách chức, kỷ luật, có báo đưa tin sai đã bị dân kiện phải bồi thường 120 triệu, đang dấy lên hồi chuông về chấn chỉnh trách nhiệm đưa tin của báo giới,…

Theo quan điểm của tôi, tại thời điểm hiện nay, tôi vẫn ủng hộ một chủ trương kiểm soát thông tin từ Chính phủ. Một nền kinh tế phát triển quá nóng, quá nhanh thiếu vai trò điều tiết của Chính phủ hoặc một sự cởi mở thông tin ồ ạt, tức thời chưa hẳn đã tốt. Quan trọng là Nhà nước cần phải xây dựng một lộ trình “tự do hoá” kinh tế, cũng như “tự do thông tin”, nới lỏng dần dần kèm với luật hoá tạo cơ chế ứng phó với những “bất ổn” nảy sinh.

Đương nhiên, cũng như Trang Nhung, tôi cũng ủng hộ đến giai đoạn nhất định trong tương lai, Việt Nam sẽ có tự do hoá thông tin tuyệt đối, sẽ không còn nguy cơ bất đối xứng thông tin như những nước có nền kinh tế, dân chủ phát triển mà bạn đã trích dẫn.

No comments:

Post a Comment